Phong cách nghệ thuật chính là diện mạo thẩm mỹ độc đáo, một phạm trù thẩm mỹ riêng biệt của họa sĩ trong cách sáng tác, được tạo thành bởi sự thống nhất của các phương tiện biểu hiện, phù hợp với cái nhìn riêng biệt của họa sĩ về đời sống. Phong cách nghệ thuật được hình thành nhờ sự lặp đi lặp lại một số yếu tố thuộc phạm trù nội dung và hình thức một cách có thẩm mỹ, xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của tác giả.
Đặc trưng nhất quán đầu tiên của phong cách nghệ thuật là tính thống nhất, ổn định, bền vững. Vì vậy, trong quá trình sáng tác, để xây dựng biểu tượng, họa sĩ sẽ dần hình thành một phong cách nghệ thuật mang nhiều cá tính sáng tạo, trong đó có việc xây dựng yếu tố biểu tượng nghệ thuật của mình.
Sự phát triển của hội họa đương đại những thập kỷ gần đây đã cho thấy, trong nhiều chất liệu tạo hình của nghệ thuật hội họa, đã có rất nhiều họa sĩ theo đuổi và phát triển sự nghiệp sáng tác của mình bằng chất liệu sơn mài truyền thống. Sơn mài là một chất liệu khá độc đáo: dùng chất liệu Việt, cách làm của người Việt, biểu đạt rõ nhất tâm hồn Việt với chiều sâu thăm thẳm mà không chất liệu nào thể hiện được. Sơn mài quý ở chỗ: phải vẽ nhiều lớp, quy trình mài làm cho màu sắc ẩn hiện mới đẹp, riêng khâu ủ ẩm và mài nhẵn đã chiếm rất nhiều thời gian. Đặc biệt, để tạo những gam màu sáng cho tranh, họa sĩ phải vẽ bằng vàng, bạc và các loại son. Sơn mài có những đặc điểm “ngược đời”: muốn lớp sơn vừa vẽ khô, tranh phải ủ trong tủ hoặc khu vực kín gió và có độ ẩm cao. Muốn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới ra hình.
Hầu hết họa sĩ đồng ý rằng, kỹ thuật vẽ sơn mài khó và chứa đựng tính ngẫu nhiên nên nhiều khi, họa sĩ dày dạn kinh nghiệm cũng bất ngờ trước một hiệu quả đạt được trong quá trình mài tranh.
Hội họa đương đại luôn đề cao những cách tân về hình thức chuyển tải, phát huy sự đa dạng trong cấu trúc không gian, mở rộng phạm vi và đối tượng tham gia sáng tạo… Do vậy, hình thức của tác phẩm hết sức tự do, nội hàm tác phẩm rất đa nghĩa và đa chiều. Cũng như vậy, việc xây dựng biểu tượng trong các tác phẩm hội họa sơn mài đương đại cũng dựa trên nền tảng thực tế, mang tính tiếp biến với lịch sử. Nó cũng mang tính cá nhân và hướng tới tính phổ quát.
Với hội họa đương đại, không gian và thời gian trong tác phẩm đóng vai trò quan trọng. Ý nghĩa, thông điệp của tác phẩm được truyền tải trọn vẹn khi nó nằm trong đúng thời đại và không gian xã hội mà nó được sinh ra. Khác với quan niệm của hội họa truyền thống, hội họa đương đại tập trung xây dựng “thế giới ý niệm” trong tư duy của người sáng tạo. Thế giới ấy được kiến tạo trong quá trình họa sĩ thực hành tác phẩm nghệ thuật và nếu có sự đồng liên tưởng khi người thưởng thức tiếp nhận tác phẩm, họ sẽ có những nhìn nhận không giống với sự thoáng qua trên bề mặt tác phẩm.
Hội họa sơn mài Việt Nam ra đời từ những thập niên đầu TK XX. Theo thời gian, qua quá trình dài giao thoa với hội họa phương Tây, sáng tác hội họa sơn mài ngày càng đa dạng hơn về khuynh hướng, phong cách và hình thức thể hiện. Việc xây dựng yếu tố biểu tượng theo phong cách riêng đã mang đến những nét mới cho mỹ thuật đương đại Việt Nam riêng với chất liệu sơn mài. Điều này có thể nhận thấy qua một số khuynh hướng tiêu biểu: kế thừa giá trị văn hóa; khai thác trạng thái tình cảm nội tâm; khai thác sự kiện lịch sử xã hội.
Sau những âm hưởng sâu đậm của tranh sơn mài thời kỳ Đông Dương với những tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng… chất liệu sơn mài được tiếp nối bởi những lớp kế tiếp như Đoàn Văn Nguyên, Lý Trực Sơn, đến Đinh Quân, Vũ Thăng, Trịnh Quốc Chiến, Nguyễn Trường Linh… Mỗi người mỗi vẻ, nhưng tựu trung lại, các họa sĩ đã định hướng được phong cách sáng tạo của mình để từ đó, xây dựng nên những biểu tượng nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân.
Trên tranh của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, ta thấy đâu đó hình ảnh làng quê yên bình, dòng sông, cây đa, bến nước, hay ở nhiều bức tranh sơn mài khổ lớn, họa sĩ thậm chí còn bố cục rất giản dị với những cảnh hội làng, chọi trâu… như muốn tái dựng lại không khí đầm ấm, hội hè dân dã chốn thôn quê. Điểm nhấn nổi bật nhất trong tranh sơn mài của Đoàn Văn Nguyên chính là cách sử dụng chất liệu tài tình; những sắc màu truyền thống quen thuộc của nghề vẽ sơn mài như son trai, son tươi, son thắm, son nhì, sơn cánh gián, sơn then, vỏ trứng và vàng, bạc... được hòa quyện, tạo nên sự lộng lẫy, sâu lắng mà vẫn rất đằm thắm, đầy sức lan tỏa các cung bậc cảm xúc trong tranh. Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên luôn tự hào ông là người đã kế tục được nhiều kỹ thuật cơ bản, tiếp nối cách thức truyền thống của các họa sĩ tài danh thế hệ bậc thầy được đào tạo từ thời Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Đồng môn với họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, họa sĩ Lý Trực Sơn, sau thời gian tu nghiệp tại Pháp, đã sớm bắt nhịp với hội họa đương đại khi gần với chủ nghĩa biểu hiện thơ mộng cả ở sơn dầu và sơn mài. Rồi cuối cùng, sơn mài đã trở thành chất liệu chủ đạo của ông trong sáng tác hội họa với làng quê, ngọc nữ, với những hình ảnh quen thuộc từ đời sống gia đình đã nằm sâu trong tiềm thức của ông. Thế nhưng quá trình thực hành tác phẩm của ông là một mặt khác, được chú trọng thực sự về ý tưởng và hiệu quả thẩm mỹ của sơn mài. Ông cho rằng, sơn mài vốn tự thân đẹp và dễ dàng làm cho người ta che lấp cái kém của mình, ông muốn làm ngược tình thế, cho nó toát lên sự trần trụi, còn cái đẹp được tính toán sau… Đây cũng là cách làm, cách suy nghĩ của những họa sĩ thực sự từng trải về cuộc sống cũng như nghề nghiệp.
Để tìm hiểu một tác phẩm hội họa đương đại (ở đây, người viết muốn nhắc tới các họa sĩ trẻ), người xem cần đặt nó đúng với bối cảnh lịch sử mà nó ra đời và dùng chính bản thân mình để làm hệ quy chiếu khi tiếp cận tác phẩm. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh tiếp xúc với nghệ thuật mà cách suy nghĩ của các họa sĩ đương đại cũng có điểm gặp nhau ở chỗ: coi nghệ thuật, trong đó có tranh sơn mài, cũng chỉ là một phương tiện, nhưng riêng sơn mài lại là phương tiện có tính truyền thống của Việt Nam.
Trịnh Quốc Chiến là họa sĩ vẽ sơn mài lâu năm, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nghệ thuật phương Đông truyền thống. Trong tranh, họa sĩ chỉ sử dụng màu sơn son, sơn then và những môtip ẩn dụ để đưa người xem đến với vũ trụ phương Đông. Họa sĩ kẻ vạch trên tấm sơn mài, chất đắp sơn thành từng ô trống (tương đồng với phong cách trang trí thời Nguyễn), mỗi ô vẽ là một tiểu họa, có vị trí riêng trong toàn bộ, để cảm giác được gần với tư tưởng Phật giáo và nhân gian của mình. Họa sĩ từng thành công với một ý tưởng triết học được truyền tải trên chất liệu sơn mài vốn có những ưu thế về tả thực và trang trí. Anh không ràng buộc bản thân ở ngôn ngữ trừu tượng hay biểu hiện. Riêng với hai cấu trúc bàn chân Phật và Tử vi (12 cung được chia trên bố cục sơn mài), họa sĩ đã đổi chiều sâu sắc cách thức làm việc với sơn mài song vẫn cố gắng giữ vẻ đẹp xưa cũ của nó về mặt cảm giác hơn là sự định hình như những người đi trước. Trong tranh Trịnh Quốc Chiến chúng ta thấy đầy ắp các tín hiệu, chúng được nối với nhau bằng sợi dây huyền bí, trôi nổi bồng bềnh trong nhận thức của người xem.
Vũ Thăng là một tên tuổi khá quen thuộc với công chúng quan tâm đến hoạt động nghệ thuật tạo hình. Tốt nghiệp chuyên ngành sơn mài tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 1992, anh đã có tranh tham gia tham gia nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước, khẳng định cho mình một ngôn ngữ hội họa đặc trưng với chất liệu sơn mài. Vũ Thăng, với những xúc cảm nguyên thủy, bản năng, đã cho ra đời những tác phẩm sơn mài độc đáo cả về chất liệu cũng như phong cách thể hiện. Nhiều nghịch lý nguyên sơ và hiện đại đã được kết hợp trong hội họa của anh… Anh vẽ nhanh, ào ạt theo cảm hứng. Cách vẽ vượt qua những thói quen hiện tại ở Việt Nam về ngôn ngữ và kỹ thuật, như là một quá trình ngoài ý thức. Sơn mài của anh hoặc được để nguyên nền đen của vóc hoặc của màu được mài, đắp, trát, gạch, như sự hằn thù của những chiến tích nhân loại. Loạt tác phẩm mang tiêu đề Chim xanh và Mặt nạ đã cho chúng ta thấy một vẻ rất riêng trong tranh sơn mài đương đại; việc diễn tả chất, tạo chất đã có những thay đổi, làm cho sự cảm thụ thẩm mỹ trên bề mặt chất liệu sơn mài hoàn toàn khác với việc sử dụng chất liệu sơn mài trước đó.
Xem tranh Vũ Thăng, ta thường bắt gặp một thế giới nội tâm đầy ám ảnh, giằng xé với những hình khối đan cắt hỗn độn, những gương mặt hằn sâu khắc khoải. Nhắc đến Vũ Thăng là nhắc đến sự phá cách trong kỹ thuật sơn mài. Anh sử dụng tính đa phương tiện, đắp phá, cào nát, thoát khỏi mặt phẳng của sơn mài truyền thống, tạo thành một chất cảm thô ráp, đặc sắc. Gam màu trầm ấm và sâu thẳm của sơn mài truyền thống kết hợp kỹ thuật nhuần nhuyễn với lối tạo hình lập thể hiện đại, mang cảm hứng từ điêu khắc gỗ dân gian Tây Nguyên, bởi thế mà tác phẩm của anh luôn đậm tính dân tộc mà vẫn rất đương đại.
Là người con của miền duyên hải Bắc Bộ, sinh ra và lớn lên tại phố cảng Hải Phòng, nhưng Vũ Thăng lựa chọn gắn bó với cuộc sống nơi vùng núi Tây Bắc. Nhiều năm sống và làm việc tại vùng đất “núi tiếp núi, bồng bềnh mây trắng” giúp anh có một vốn hiểu biết tường tận về văn hóa bản địa, về nếp sống của đồng bào vùng cao. Những trải nghiệm và tình cảm gắn bó ấy đi vào tranh anh một cách tự nhiên, trở thành đề tài mà anh thường tìm tòi khai thác. Những sắc đỏ, vàng, nâu sậm và trắng được kết hợp nhuần nhị trong tác phẩm thể hiện phụ nữ nửa thơ ngây, nửa tràn trề nữ tính. Có thể nói tác giả đã dụng công để tranh sơn mài của anh đạt tới những chuẩn mực của chất liệu, tạo được một phong cách sơn mài độc đáo, không trộn lẫn. Những người phụ nữ trong tranh anh dường như đã thoát khỏi thế giới hiện thực để sống trong không gian hư ảo của siêu thực, trừu tượng nhưng luôn đánh thức những vùng tâm trạng khác nhau của người thưởng lãm.
Đinh Quân là một cái tên truyền cảm hứng, đầy ấn tượng mới mẻ của hội họa Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua. Vẫn sắc sảo trong từng nét bút, luôn mới mẻ với những bố cục và hòa sắc mới, tranh sơn mài của anh có sự kết hợp những đường nét của hội họa biểu hiện và những hòa sắc đa dạng, hoặc trầm hùng, hoặc chói gắt, va chạm nhưng đầy tính đối thoại, cũng như sự ngẫu hứng trong khả năng kiểm soát chặt chẽ của một bậc thầy.
Đinh Quân vững chắc và độc lập trong bút pháp thể hiện. Những thiếu nữ trong tranh anh như lúng liếng, lơi lả, mà lại ý tứ, e ấp. Cỏ cây hoa lá như tô thêm khuôn vóc của hình dáng, lại gợi tình tứ của cả khung cảnh. Một ý tứ liêu trai chỉ thấy trong tranh Nguyễn Gia Trí lại được bắt gặp ở đây dưới tinh thần mới lạ của cái không khí sôi động, phức tạp và đa nghĩa trong khoảng khắc hiện tại.
Đinh Quân đã làm được những điều tưởng như quá sức nhưng phù hợp với tính cách mạnh mẽ, tự tin của một cây bút giàu cá tính. Anh luôn yêu những gì thuộc về quá khứ, về thời thơ ấu. Xem tranh của Đinh Quân, ta thấy được sự đối lập giữa hình thể và không gian nền trên bề mặt tấm vóc. Họa sĩ tạo ra nhiều sắc thái gần với hội họa trừu tượng, một vài hình thể đặt lên đó, lúc nổi bật như hình cắt dán, lúc lại hòa nhập với bề mặt như lối vẽ sơn dầu, hướng cấu trúc phát triển đa dạng, đa hướng mà vẫn mạch lạc do tương quan rỗng - đặc hợp lý. Anh đã cho người xem thấy được sự cô đọng của đề tài qua hình tượng tiêu biểu và phong cách thể hiện riêng, hiện đại mà vẫn chứa đựng những đặc trưng của nền tảng sơn mài truyền thống.
Không lựa chọn cách khai thác các yếu tố Việt Nam/ truyền thống theo lối mòn, các tác phẩm được truyền tải theo quan điểm: “Văn hóa Việt Nam/truyền thống phải sống được trong bối cảnh hiện đại, tiếp nhận cảm hứng toàn cầu nhưng vẫn luôn giữ được bản sắc nội tại”. Nói cách khác, các tác phẩm là sự giao hòa giữa những yếu tố Việt Nam với các không gian hình ảnh mới mẻ và hiện đại. Từ đó, sự thú vị được hình thành từ sự kết hợp mới lạ, giúp gợi nơi người xem một tâm thế trân trọng hơn mỹ thuật Việt Nam bằng tư duy, cách nghĩ và sự sáng tạo đầy khác biệt của họa sĩ. Nhiều họa sĩ trẻ hiện nay có sự đam mê đặc biệt với chất liệu sơn mài, ngoài những kiến thức đã được học và thực hành trong trường mỹ thuật, mỗi người cũng luôn học hỏi để trau dồi và phát triển sự nghiệp của mình.
Tác phẩm nghệ thuật là tấm gương phản ánh đời sống xã hội một cách trung thực, nhưng mỗi họa sĩ sẽ không thể làm được bất cứ điều gì nếu họ chỉ dựa vào chút tài thiên bẩm. Trong sáng tác nghệ thuật nói chung, việc xây dựng biểu tượng nghệ thuật là dấu ấn về nhân sinh quan, thế giới quan của người nghệ sĩ, là sự trang bị kiến thức nghề nghiệp, sự cảm thụ đời sống thực tại. Dấu ấn ấy khẳng định tài năng và con đường phát triển nghệ thuật của họ. Đó cũng chính là điều làm nên cá tính và phong cách sáng tạo của người nghệ sĩ.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Như Hương, Trần Hậu Tuấn, Hội họa mới Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, 2001.
2. Bùi Như Hương, Phạm Trung, Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010, Nxb Tri thức, 2013.
3. Bộ VHTTDL, Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, Kỷ yếu Triển lãm Mở cửa, Nxb Thế giới, 2016.
4. Phan Cẩm Thượng - Lương Xuân Đoàn, Họa sĩ trẻ Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, 1997.
5. Nguyễn Xuân Việt, Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, Nxb Mỹ thuật, 2014.
6. Quang Việt, Hội họa sơn mài Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, 2014.
7. Sol Lewitt (Như Huy dịch), Hai bài viết về nghệ thuật ý niệm, Nxb Văn học, 2009.
Ths TRẦN QUỐC BẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022