Nghệ thuật Graffiti trong không gian công cộng tại Việt Nam

Graffiti là một trào lưu nghệ thuật tạo hình trên đường phố được yêu thích của giới trẻ trong đời sống hiện đại ngày nay. Những bức tranh, tạo hình chữ ấy mang ý nghĩa, thông điệp xã hội hoặc cũng có khi chỉ đơn giản là thể hiện sắc màu vui tươi của cuộc sống. Graffiti thể hiện sự tươi trẻ, nhiệt huyết, giúp thổi hồn vào một góc phố vắng vẻ, khiến chúng trở nên nhộn nhịp, sinh động hơn.

 Hai thập kỷ của Graffiti ở Việt Nam

Graffiti du nhập vào Việt Nam khá muộn so với những quốc gia khác trên thế giới. Trên thực tế, Graffiti xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội vào khoảng năm 2002 và sau đó, ở TP.HCM. Ban đầu, Graffiti luôn bị mặc định là gắn liền với văn hóa Hip hop và được phát triển bởi những người đam mê Hip hop.

Trong thời gian đầu, Graffiti Việt Nam chịu nhiều tai tiếng và chậm phát triển do không có một hướng đi cụ thể. Những bất cập và khó khăn khác có thể kể đến như việc thiếu họa cụ (sơn xịt chuyên dụng) cũng góp phần không nhỏ trong việc hạn chế sức sáng tạo của các bạn trẻ. Ngoài ra, việc thiếu thông tin, tư liệu cũng là một rào cản lớn, bởi giai đoạn này, tài liệu về Graffiti bằng tiếng Việt gần như không có, người thực hành Graffiti chỉ có thể học hỏi lẫn nhau hoặc tự tìm hiểu thông tin (chủ yếu là với tiếng Anh) trên Internet.

Phải đến năm 2004, thông qua một trang web của cộng đồng đam mê Hip hop tại Việt Nam, darapclub.com, nhiều người đã tham gia và tạo nên một sân chơi offline tại khu tập thể D6, Trung Tự, Hà Nội. Đây là nơi mà những người chơi nhạc Rap, vẽ Graffiti thời đầu hay lui tới. Trong dịp đó, một người chơi Hip hop và đam mê hội họa, có biệt danh là Link Fish, đã vẽ một bức Graffiti tại khu vực và kêu gọi thành lập nhóm. Nhóm Graffiti có tên là Street Jockey ra đời, được xem là nhóm Graffiti tiên phong, đại diện cho thời kỳ đầu định hình Graffiti và Hip hop tại Việt Nam. Năm 2005, một sự kiện lớn là ngày hội vẽ tranh tường dành cho những người đam mê Graffiti khắp ba miền đất nước được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Từ đó, nhiều bạn trẻ đã tạo ra những tác phẩm Graffiti kỳ công, ý nghĩa hơn, đánh dấu sự phát triển của những cá nhân và nhóm vẽ Graffiti tại Việt Nam.

Graffiti của Cresk tại triển lãm Graffiti Urban Layes, TP.HCM, 11-2011 - Ảnh: Thu Trang

Tiếp sau đó, một số cá nhân và nhà tổ chức cũng bắt tay nhau tạo ra nhiều sự kiện mà Graffiti đã được coi là tâm điểm, như Ngày hội tuổi trẻ Yamaha, Những bước nhảy 2006, Fantadzui… Tuy chỉ dừng lại ở mức giải trí, sân chơi của giới trẻ nhưng những chương trình như vậy đã góp phần kích thích trí sáng tạo và tài năng nghệ thuật của nhiều bạn trẻ cũng như thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật Graffiti.

Một số nghệ sĩ Graffiti ngoại quốc sinh sống ở Việt Nam đã góp một phần trong việc định hướng phát triển Graffiti, đồng thời là động lực cho nhiều bạn trẻ yêu thích Graffiti ở Việt Nam học hỏi theo để phát triển kỹ thuật và ý tưởng của bản thân. Ví dụ như “con đường Graffiti” tại ngõ 12, đường Đặng Thai Mai, Hà Nội, với 2 bức tường dài khoảng 200m phủ đầy những tác phẩm Graffiti độc đáo do một nhóm nghệ sĩ người Anh vẽ lên, đem tới một không gian sống mới mẻ, đẹp mắt.        

Đến năm 2007, trào lưu Graffiti của giới trẻ tại Việt Nam bắt đầu có những tác phẩm chất lượng hơn, có giá trị về mặt văn hóa xã hội, tiêu biểu là tác phẩm Lưỡng long chầu nguyệt, trưng bày tại Festival nghề truyền thống Huế. Các thành viên dự án GAS (Graffiti in Art School/Graffiti trong trường nghệ thuật) - một nhóm sinh viên của Trường Đại học Nghệ thuật Huế đã sử dụng ngôn ngữ Hip hop để vẽ trên hai dãy bờ tường chắn tôn, dài 170m với tổng diện tích gần 4.300m2, bao quanh công trường xây dựng trung tâm thương mại Bắc Tràng Tiền, hình tượng một đôi rồng có kích thước lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay.

Hầu hết những người viết/vẽ Graffiti ở Việt Nam đều thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên. Ban đầu, họ thường học hỏi và làm theo phong cách phương Tây. Trong nhiều năm, những người viết/ vẽ chỉ viết những chữ ký cách điệu hoặc vẽ những hình cách điệu chữ đơn giản. Khi dần tiến bộ hơn, nhiều người muốn tạo sự khác biệt, không chỉ thể hiện cái tôi cá nhân mà còn thể hiện tính dân tộc. Nhiều người viết và nghệ sĩ Graffiti tập trung tìm hiểu sâu sắc hơn về truyền thống và văn hóa của đất nước, coi đó như một thư viện lớn để nghiên cứu kết hợp với Graffiti, tạo nên một bản sắc rất riêng tại Việt Nam. Có thể kể đến nghệ sĩ Liar Ben với biểu tượng Cô Mía (một cô gái bán mía trong một quảng cáo đồ uống nước mía nổi tiếng), hay cậu bé ôm gà trong tranh Đông Hồ cho những dự án tranh tường kết hợp Graffiti của anh; Chicko (Nhóm 10s) đã cải thiện phong cách tạo hình cũng bằng cách học hỏi tranh dân gian truyền thống Việt Nam hoặc Daes với hình ảnh một nghệ sĩ hát Bội đặc trưng của Việt Nam.

Tiếp sau Hà Nội, Graffiti dần hình thành và phát triển tại TP.HCM. Điển hình là sự thành lập của nhóm vẽ Graffiti Click.9 (tức C.9) vào năm 2010. Nhóm chỉ hoạt động trong khoảng thời gian 2010-2015, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn, trong đó có dự án Graffiti in the alley (Graffiti trong ngõ) kết hợp với Zero Station (một không gian nghệ thuật đương đại tại TP.HCM) đã đem Graffiti đến gần với đời sống của người dân thông qua sự kết nối giữa nghệ sĩ, công chúng và những tác phẩm Graffiti đẹp, gần gũi với người dân Việt Nam. Năm 2017, nhóm Graffiti Wallovers được thành lập, bao gồm các thành viên ZKhoa, Cresk và Daes, đều là những người theo Graffiti lâu năm, đã sáng tác rất nhiều tác phẩm đẹp trên khắp các con đường của TP.HCM. Mỗi thành viên trong nhóm đều có phong cách riêng và gu thẩm mỹ cao. Những tác phẩm Graffiti của nhóm có sự kết hợp hài hòa giữa Graffiti với kiểu vẽ tranh minh họa cùng những hình ảnh gần gũi của văn hóa Việt Nam, vừa tạo được tính hiện đại, nhưng vẫn mang bản sắc dân tộc. Không những làm đẹp cho thành phố mà tác phẩm của những nghệ sĩ trẻ Graffiti nói trên, đôi khi, còn kèm theo thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.

Tháng 4-2021, Viện Pháp tổ chức một cuộc thi Graffiti tại TP.HCM, với chủ đề theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Chương trình quy tụ rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi của nghệ thuật Graffiti tại Việt Nam như Suby One, Daos501, Kluer, Zkhoa, Cresk, Daes…, cho thấy sự quan tâm của nước ngoài đến sự phát triển Graffiti ở Việt Nam cũng như thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao quốc tế.

Một số đặc trưng của Graffiti Việt Nam

Các nhóm Graffiti tiêu biểu ở Việt Nam, như Street Jockey, Devil Day Crew (D2), S5 Crew, B.S.P, Toy.inc, Zappy, Kid of Night (KON) tại Hà Nội; 10s, The Saigon Projects, Click9, B Crew, 145 Crew, GraForce, Swatcrew, Simplecrew, Wallovers... tại TP.HCM đã góp phần không nhỏ vào việc định hình và phát triển Graffiti tại Việt Nam. Ngoài những nhóm vẽ tại Việt Nam, cũng có nhiều cá nhân nổi bật, như Kade, Nasty, Liar Ben, SubyOne hay Daos501.

SubyOne là một người Pháp gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Pháp. Khi trở lại quê hương, anh đã góp phần xây dựng và phát triển Graffiti tại Việt Nam đúng hướng, bài bản hơn. Những tác phẩm của anh mang lối cách điệu chữ truyền thống của Graffiti ban đầu, kết hợp với những hình ảnh, nhân vật đại chúng trên phim, tạo sự trẻ trung, năng động cho không gian công cộng. Khác với SubyOne, Daos501 sinh ra và lớn lên tại TP.HCM và đã có 15 năm theo đuổi loại hình nghệ thuật này bằng việc tự học, tìm tòi và phát triển bản thân. Dần dần, những tác phẩm Graffiti của Daos501 mang đặc trưng của riêng anh. Thông qua nhiều cuộc triển lãm, anh đã đem những tác phẩm Graffiti chất lượng đến với công chúng, góp phần thay đổi quan điểm của công chúng ở Việt Nam về nghệ thuật Graffiti, trở thành một hình mẫu lý tưởng cho nhiều bạn trẻ đam mê, theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Nghệ sĩ Việt Max vừa là Hip hop dancer (vũ công Hip Hop), vừa là nghệ sĩ Graffiti, thiết kế đồ họa thành công. Nhiều nghệ sĩ Graffiti tại Việt Nam đã cho ra đời những tác phẩm Graffiti chứa đựng thông điệp cộng đồng tích cực, có những đóng góp nhất định đến xã hội thông qua mô hình các dự án xã hội bảo vệ tê giác, tuyên truyền phòng chống HIV-AIDS... Những cuộc thi, sự kiện dành riêng cho Graffiti cũng được tổ chức nhiều hơn, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và phát triển Graffiti ở Việt Nam.

Graffiti giờ đã có thị trường cung - cầu, dần phát triển về thương mại. Ban đầu, Graffiti chỉ phục vụ bổ trợ cho những loại hình khác thuộc văn hóa Hip hop như trang trí Dance Studio (không gian dạy/ tập vũ đạo), làm nền cho người nhảy Breakdance/ Hip hop hay đóng góp tạo hiệu ứng trong những MV (music video) của các ca sĩ nhạc Rap như Suboi, Karik, Binz… Dần dần, theo sự gắn bó của Graffiti với giới trẻ, Graffiti ngày càng được trưng dụng, mang sự trẻ trung đến nhiều thể loại mỹ thuật ứng dụng khác như trang trí cửa hàng, hàng quán, thời trang đường phố, phụ kiện giày dép, túi xách... với những hình ảnh năng động, gam màu trẻ trung, thu hút các bạn trẻ. Những trung tâm mua sắm có nhiều cửa hàng thời trang đường phố được thiết kế, trang trí bằng Graffiti, qua đó, giúp nhận diện và nhanh chóng phân khúc hàng hóa cho khách hàng. Ngoài ra, nhiều buổi nhạc hội ngoài trời cũng được trang trí bằng Graffiti để tạo không khí sôi động hơn, ví dụ như tác phẩm Graffiti hoành tráng của nhóm Graffiti Wallovers tại sự kiện âm nhạc ngoài trời Tiger Remix ở Nha Trang 2019. Một ví dụ điển hình là nhóm Graffiti Xưởng Kiến, Hà Nội, nổi tiếng về trang trí Graffiti cho hàng quán, quần áo, phụ kiện...

Graffiti của Cresk thuộc chương trình Urban Art, TP.HCM, 2021 - Ảnh: Thu Trang

Bên cạnh những khu vực công cộng, đông đúc người qua lại được trang trí, làm đẹp, một số khu vực bỏ hoang đôi khi cũng được trang trí bởi những tác phẩm Graffiti. Việc tìm được mảng tường lớn để tự do vẽ là điều khó khăn. Vì vậy, những ngôi biệt thự, những bức tường bỏ hoang là nơi hấp dẫn tín đồ Graffiti. Sau thời gian dài, nhiều tác phẩm Graffiti được vẽ với những mục đích thể nghiệm, luyện tập, dần trở nên đẹp hơn và đem lại nhiều ấn tượng thị giác, thu hút người qua đường cũng như mang lại sức sống cho cảnh quan.

Người Việt Nam ở đô thị có một thói quen sinh hoạt trên đường phố và vỉa hè đi bộ, như ăn uống, thể dục thể thao, vui chơi… Do đó, việc làm đẹp các không gian công cộng là điều cần thiết, nhằm đem nghệ thuật đến gần với đời sống người dân hơn. Làm đẹp môi trường công cộng thể hiện bộ mặt của đất nước trước mắt bạn bè quốc tế, cho thấy một đất nước với nhiều bạn trẻ tài năng, yêu nghệ thuật. Graffiti cùng với tranh tường (mural) đã góp phần làm đẹp không gian công cộng, thông qua nhiều tác phẩm đường phố, tạo điều kiện cho công chúng đến thăm quan, chụp ảnh, thưởng lãm cũng như vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục thể thao, trong một không gian tràn đầy màu sắc, sức sống. Có thể nói, Graffiti đã ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong đời sống người dân Việt Nam ta ngày nay và đặc biệt nhất là ở không gian công cộng. Ví dụ như khu dân cư ở số 173, đường Hoàng Sa, phường Tân Định, Quận 1, TP.HCM, có một khoảng đất trống đủ rộng đã được quy hoạch làm không gian sinh hoạt chung. Xung quanh là những tòa nhà khá cũ, bờ tường đã xỉn màu, quang cảnh xung quanh lộn xộn, không có gì đặc biệt nên ít người lui tới sinh hoạt. Tuy nhiên, sau khi các bạn trẻ được phép vẽ Graffiti tại đây, không gian chung này trở nên sống động hơn hẳn, có nhiều người tìm đến để chụp ảnh, tham quan, đồng thời thu hút người dân nơi đây tới tham gia sinh hoạt cộng đồng, như trẻ con tụ tập vui chơi, người lớn tập thể dục, gặp gỡ, trò chuyện và buôn bán nhỏ.

Một ví dụ khác về những tác phẩm Graffiti ở không gian công cộng không chỉ giúp một góc phố đẹp hơn mà còn ngăn ngừa tệ nạn xã hội: một tụ điểm ma túy và đổ rác trái phép tại quận Gò Vấp, TP.HCM đã bị xóa sổ bởi sự chung tay của chính quyền và cộng đồng Graffiti. Trước đó, theo người dân địa phương, khu vực này là nơi đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu trái phép, gây ô nhiễm không khí xung quanh trong một thời gian dài. Đây cũng là khu vực mà các đối tượng nghiện ma túy thường xuyên tụ tập, gây mất trật tự an ninh đô thị. Được sự hỗ trợ từ chính quyền và cộng đồng, bức tranh Graffiti đã được nghệ sĩ Ties hoàn thành vào tháng 1-2021. Một không gian mới đã được khởi tạo, và trong một thời gian dài, nó đã được đảm bảo không bị xâm phạm trở lại, bởi vẻ đẹp, sự rực rỡ của bức vẽ gây sự chú ý của công chúng, và tấm biển cảnh báo của chính quyền địa phương.

Thay lời kết

Mỗi cá nhân, mỗi nhóm Graffiti tại Việt Nam đều có một lý do riêng để đến với Graffiti, trong từng giai đoạn phát triển khác nhau nhưng lại chung một lộ trình là từ bóng tối ra ánh sáng, từ một thú “vui chơi” cho đến những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ hoặc thương mại. Sự ảnh hưởng của Graffiti ở Việt Nam hiện nay là đáng kể trong nhiều khía cạnh của xã hội. Nhà nước ta cũng tạo nhiều điều kiện và sân chơi cho giới trẻ sáng tạo, giải phóng năng lượng nhiệt huyết của họ qua những tác phẩm Graffiti làm đẹp đường phố, chứng tỏ xã hội Việt Nam đã và đang nhìn nhận Graffiti với thái độ tích cực hơn.

Như vậy, Graffiti ở Việt Nam xuất hiện khá muộn ở những thành phố lớn, bắt đầu ở Hà Nội vào khoảng năm 2002 nhưng lại phát triển mạnh ở TP.HCM trong thời gian gần đây. Những tác phẩm ở không gian công cộng tại Hà Nội và TP.HCM đã góp phần làm đẹp môi trường sống và đem đến nhiều thông điệp xã hội tích cực. Những sự kiện, cuộc thi Graffiti xuất hiện ngày càng nhiều, thúc đẩy sự phát triển của loại hình nghệ thuật này, góp phần kết nối Việt Nam với trào lưu văn hóa đương đại trên thế giới một cách mạnh mẽ hơn. Theo thời gian, Graffiti tại Việt Nam ngày nay đã đi qua giai đoạn phát triển tự phát, tiến tới phát triển tự giác với tiềm năng thương mại to lớn hướng đến giới trẻ và những lĩnh vực kinh doanh trên đường phố hay những khu công cộng.

Ths NGUYỄN THỊ THU TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;