Tranh đương đại của họa sĩ Vũ Thanh Nghị

Sáng tác nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng với muôn hình muôn vẻ, bí ẩn… nhưng nó có thể giải thích được qua ngôn ngữ và cách tạo hình của mỗi người nghệ sĩ. Trong sự phát triển của lịch sử hội họa Việt Nam, từ khi có sự đóng góp của thế hệ các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương đã thành danh, các thế hệ họa sĩ ngày nay do đất nước có sự đổi mới, “mở cửa’’ giao lưu rộng hơn với nghệ thuật phương Tây nên cách nghĩ, cách làm việc cũng có nhiều hướng tích cực từ mỗi họa sĩ. Đặc biệt là những họa sĩ thuộc trào lưu nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Để tìm hiểu thực chất về phong cách, tư duy sáng tạo của mỗi họa sĩ là hiếm hoi, bởi ở họ luôn lấy thực tế sáng tạo hơn tuyên ngôn nghệ thuật và mọi sự đổi mới trong nghệ thuật hội họa ấy chỉ là quy luật phát triển tự nhiên khi những tác động của đời sống xã hội tác động trực tiếp vào tâm tư, tình cảm của người họa sĩ. Nói vậy để thấy, tôi rất may mắn được trao đổi câu chuyện cởi mở và sâu sắc về sáng tác hội họa cùng họa sĩ Thanh Nghị - một họa sĩ có khá nhiều tác phẩm vẽ theo phong cách đương đại.

Họa sĩ Vũ Thanh Nghị sinh năm 1972, tốt nghiệp hệ chuyên ngành Hội họa khóa 1993-1998, thạc sĩ mỹ thuật Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2012. Anh là một trong những họa sĩ có dấu ấn trong giai đoạn 1990-1999, với triển lãm cá nhân năm 2008 và 16 triển lãm lớn nhỏ cho đến nay.

Trải qua thời gian dài trên chặng đường sáng tác hội họa, anh có nhiều chuyển biến tích cực từ lối vẽ hiện thực hàn lâm đến lối vẽ hiện thực cách điệu. Giai đoạn đầu anh luôn sáng tác song hành với hai cách diễn đạt hiện thực với sự tích lũy từ kiến thức được học tập trong nhà trường và lối vẽ theo xu hướng hiện đại phương Tây - xu hướng vị lai mà anh đã nghiên cứu thể nghiệm qua bài thi tốt nghiệp từ năm 1998.

Qua một thời gian, với những trải nghiệm nghiên cứu chuyên sâu tìm hiểu các trường phái nghệ thuật trên thế giới, năm 2004 anh vẽ tác phẩm Nhạc Việt trên chất liệu sơn dầu - theo nguyên lý của vị lai, cách sử dụng hình ảnh 24 hình/ giây để miêu tả một hoạt động trên mặt phẳng hai chiều; các hình ảnh chỉ dừng lại ở một khoảnh khắc, theo nguyên tắc của họa sĩ vị lai là miêu tả sự chuyển động cho cảm giác thị giác, các hình tượng đó được nhân lên thành nhiều hình lặp lại.

Trường phái vị lai là các họa sĩ muốn trình bày sự sôi động của sinh hoạt thành thị. Sự lao động hiện tại mang tính công nghiệp máy móc, tự động hóa trong sản xuất mà trong phim câm danh hài Charlie Chaplin cũng đã đề cập đến. Các đối tượng được mô tả không giai thoại và các nhân vật có hình thù máy móc cho thấy những đặc tính hình họa cốt yếu, cho phép nhận ra họ. Bố cục không giới hạn tương tác cùng người xem, đường nét nhấn mạnh các đường viền và gợi ý sự chuyển dịch trong không gian, các hình thể phẳng và tổng hợp trượt vào nhau. Ánh sáng bật ra từ các sắc độ đặt kề nhau dưới dạng tia nhấn mạnh làm tăng động thái hình tượng (mảng sắc đều, mặt nhỏ phân điểm và rung động lung linh với những lớp phớt mỏng nhằm gợi ý chuyển động đồng thời. Công việc đa dạng của ngọn bút tạo sự sinh động cho mặt tranh một cách chủ quan (1).

Họa sĩ Vũ Thanh Nghị đã sử dụng những quy tắc của chủ nghĩa vị lai bằng cách miêu tả sự chuyển động của âm thanh, ánh sáng trong tranh với một tông màu thống nhất, đánh dấu một bước đi trong sáng tác của anh, điều này được thể hiện trong tác phẩm Lên đồng I, bố cục theo hướng thẳng đứng, hình tượng nhân vật được nhân bản lặp lại nhiều lần tạo độ rung có sự chuyển động nhiều hình cảm thấy hoa mắt, cho người xem như kỹ xảo điện ảnh. Sắc màu với ba màu chủ đạo lam, vàng, đỏ tung tẩy nhấn nháy sang dạng tia để miêu tả sự chuyển động nhảy múa theo hình tượng nhân vật đang lên đồng. Người xem như thấy phấn khích theo hình tượng nhân vật (hình tượng nhân vật ở đây như bị inox hóa kim loại). Qua đó cho thấy một sự chuyển biến mới trong cách tạo hình của anh như đã vượt ra khỏi giới hạn mô tả thực để đi đến đặc trưng của phong cách vị lai - siêu thực - lập thể.

Giai đoạn chuyển biến mới bắt đầu nhen nhóm trong anh từ những thập niên đầu của TK XXI, với xu hướng làm mới và chuyên sâu hơn trong cách tạo hình hội họa. Anh chia sẻ: Tôi muốn mang đến cho người xem một thế giới mới lạ, xuất phát từ một cái bầu được trải qua nhiều biến cố, chiêm nghiệm trong cuộc sống, cho đến khi tôi vẽ bức tranh tự họa, tôi nhận thấy từ bên trong mỗi con người đều có một nội lực bản thân; đó chính là linh hồn bên trong một cái bầu, hay xuất phát từ một câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - “một cõi đi về”… như có một địa điểm nào đó, đi đâu về đâu ?... để tôi tạo hình cho phù hợp với cuộc sống đương đại, hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Lên đồng I - Sơn dầu, 2008

Cuộc sống lao động trong một xã hội công nghiệp đầy phức tạp, những âm thanh va chạm từ những thanh kim loại inox tạo ra thứ âm thanh kỳ quái ghê rợn, kéo dài trong những ngày làm việc; con người trở nên quay cuồng và cảm thấy bị ảnh hưởng say âm thanh ấy. Say vì váng đầu vì mệt mỏi không làm chủ được bản thân, thể hiện trên tác phẩm Say III. Với sắc màu chủ đạo đen và trắng, tác giả chỉ miêu tả sắc màu của kim loại inox, sắc màu của thời đại công nghiệp hóa cuốn con người vào công việc quên đi bản thân mình trong cách sử dụng bút pháp của xu hướng vị lai cho người xem cảm thấy say cái âm thanh của công nghiệp inox hóa ấy.

Trong tác phẩm Đẹp hủy diệt, các chi tiết linh kiện robot được nhìn từ nhiều hướng của lập thể, hình tượng được nhân lên và lấy sáng tạo chuyển động của vị lai ngày càng rõ nét. Cách miêu tả yếu tố công nghệ làm chủ bầu trời với từng chi tiết linh kiện máy móc bằng kim loại hỗn độn, như xếp thành một khối đang bay trên không trung với gam màu xanh lam và ghi lạnh lùng đầy nguy hiểm của cỗ máy chiến tranh. Gam màu đen trắng làm chủ đạo, cảm giác lạnh toát đến rợn người được miêu tả bằng bút pháp pha trộn siêu thực - đồng hiện - lập thể. Với dụng ý phản ánh nội tâm căng thẳng, bứt rứt trong tinh thần như muốn đi tìm đến sự bình lặng, cân bằng nội tâm và nhìn lại chính mình, những hình ảnh ấy chỉ được miêu tả bằng những linh kiện rời được tháo ra trong cách bố cục của ngôn ngữ lập thể, tạo nên sự hỗn độn?

Vẫn cách thể hiện đó, trong tác phẩm Xâm lấn, anh đã phản ánh thế giới bằng yếu tố công nghệ ấy sắp tới sẽ lấn lên cả miền núi xa xôi, robot sẽ thay thế sức ngựa, làm thay đổi trong tương lai, những con ngựa miền núi được giải thoát nhưng lại giảm giá trị thực tiễn và truyền thống lâu đời vốn cố kết với bản sắc cộng đồng dân tộc không phải một sớm, một chiều mà dễ dàng mất đi được. Rồi đến con người cũng sống phụ thuộc vào công nghệ máy móc được inox hóa, hình tượng có sự đối lập cong thẳng, cứng mềm, đối lập màu sắc đen và trắng, sự sần sùi của da thịt tương phản với sự trơn nhẵn bóng láng của inox, một tương quan đối lập tạo nên sự chuyển động trên các tác phẩm của anh.

Anh đã cho thấy sự kế thừa các xu hướng tạo hình trên thế giới, tiếp tục phát triển và khai thác triệt để những đặc điểm trong xã hội đương thời, thể hiện trên tác phẩm Công nghiệp bò, chất liệu sơn dầu, sự phản ánh thế giới thực tại như một lời cảnh báo rằng sự mất cân bằng ấy giữa nhân tạo và thiên nhiên đã bị lòng tham của con người phá vỡ. Thể hiện trên hình tượng cỗ máy sản xuất sữa trong cơ thể của một con bò sữa thật, sự đòi hỏi quá đáng của con người đánh mất đi tính nhân văn khi họ dùng mọi cách tác động vào con bò để lấy thêm nhiều sữa, mà không cần nghĩ đến tuổi thọ và tính mạng của con bò sữa ấy. Họ đục khoét bụng con bò để tống thêm thức ăn sinh học và cái chất kích thích tăng thêm sản lượng sữa, mà con người không để tâm đến sữa bò sinh học ấy có tác động ngược lại với thế hệ trẻ, chính con người phải gánh chịu nhiều hậu quả, trong đó có sự phát triển trí tuệ và bản tính nhân văn dần mất đi, con người liệu có trở nên tàn bạo hơn. Một sự dự cảm của người họa sĩ trong tương lai cho đến nay đã trở thành hiện thực, anh sử dụng màu sắc tươi tắn với gam vàng trắng để miêu tả sự hấp dẫn ảo của hình tượng sản xuất sữa, với nền đen phía trên nói lên sự cảnh tỉnh đáng sợ với những ẩn họa ở tương lai mà ta chưa nhìn thấy trong bóng tối. Họa sĩ phản ánh con người đang phụ thuộc quá vào công nghệ, có cái lợi riêng của nó nhưng nếu cứ phụ thuộc vượt quá cân bằng tự nhiên sẽ có nhiều tác hại. Lối vẽ pha trộn với siêu thực thể hiện giấc mơ và trí tưởng tượng, những cảm hứng vô tận đầy bí ẩn biến hóa đồ vật thành sinh vật và ngược lại, nhan đề và tác phẩm thoát khỏi sự hiểu biết thuần lý duy mỹ (2).

Sự chiếm lĩnh không gian - Sơn dầu, 2020

Họa sĩ Vũ Thanh Nghị đã làm thay đổi qua lối vẽ mang phong cách sáng tạo có nhiều ý tưởng tích cực từ tuân thủ hiện thực cho đến ảnh hưởng xu hướng vị lai, đến phong cách siêu thực - vị lai. Các phong cách vẽ ấy của anh cho thấy có nhiều chuyển biến trong sự diễn đạt ngày càng tinh tế, sâu hơn để đi vào bản chất của những sự việc và hiện tượng đang diễn ra trong xã hội đương đại mà anh thẩm thấu được; sự lao động sáng tạo nghệ thuật say mê, nghiêm túc, xuyên suốt một chuỗi tranh sáng tác của anh trong giai đoạn dài với hướng phản biện thế giới thực tại của xã hội đương thời đầy biến động. Một dự cảm trong giai đoạn kế tiếp, được thể hiện trong tác phẩm Sự chiếm lĩnh không gian, nói về những công trường xây dựng phát triển nhanh chóng, hình tượng trong tranh là những hình của sắt thép, đang ngổn ngang ở một công trường lớn, một sự ngổn ngang của nguyên vật liệu. Đó là một dự báo xây dựng nhiều ngoài sự chiếm lĩnh mặt đất thì tới đây những tòa nhà cao tầng sẽ chiếm lĩnh hết cả không gian trên bầu trời của những đô thị, thành phố. Sự phát triển công nghiệp xây dựng sẽ làm thay đổi bộ mặt của đất nước, nếu không có quy hoạch, quản lý chặt chẽ.

Họa sĩ Vũ Thanh Nghị cho rằng, họa sĩ luôn xác định mình là người phản ánh thế giới thực tại, thực tế xã hội đương thời chúng ta đang sống, những thứ ta đang đối mặt hằng ngày. Với cách thức khái quát hóa, ước lượng và cách điệu để tìm ra phong cách đặc trưng của mình, cái tư duy sáng tạo của người họa sĩ biến những yếu tố ấy thành hình tượng có bố cục, màu sắc, không gian với bút pháp thể hiện đã tạo ra những tác phẩm hoàn thiện có giá trị. Tư duy nghệ thuật gắn với quan niệm, tư tưởng với chủ đề đề tài xuyên suốt một quá trình dài đã làm nên tên tuổi của anh hôm nay.

Nghệ thuật nào cũng vậy, khi tác phẩm mang được hơi thở của cuộc sống và làm rung động lòng người thì nó sẽ đem lại những giá trị thẩm mỹ tích cực, bởi nói xa hơn nữa nó là nhân chứng lịch sử của thời đại. Riêng mỗi cá nhân nghệ sĩ, nghệ thuật trước hết là một công cụ biểu hiện tư tưởng, đồng thời qua đó người nghệ sĩ cũng thể hiện được cái ý thức thẩm mỹ, cũng như cái thế giới quan, nhân sinh quan của mình trong cuộc sống. Mỹ thuật đương đại dành cho mọi công chúng trong một phạm vi quốc gia. Người họa sĩ cũng không bị chi phối bởi thị trường. Thái độ cơ bản của họa sĩ khi sử dụng các hình thức mỹ thuật là sự phản ứng trực diện trước những vấn đề xã hội trong một phạm vi quốc gia cụ thể, và hơn nữa là những vấn đề toàn cầu: chiến tranh, ô nhiễm sinh thái, giới tính, sự bế tắc của thời hậu công nghiệp… Họa sĩ Vũ Thanh Nghị - người mà tôi được tiếp xúc cũng như nhiều họa sĩ khác hẳn cùng đồng nhất những suy tư như vậy.

__________________

Tài liệu tham khảo

1, 2. P. Fride- R. Carasat- I. Marcadé, Các phong trào hội họa, Lê Thanh Lộc dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2009 tr.175, 293.

Ths TRẦN QUỐC BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;