Hình tượng con người trong tranh cổ động Việt Nam từ 1986 đến nay

Tranh cổ động/ áp phích cổ động là một thể loại của nghệ thuật thiết kế đồ họa nằm trong nghệ thuật tạo hình, kết hợp giữa nghệ thuật hội họa với thông tin cổ động, nhằm chuyển tải thông tin đến người tiếp nhận những thông điệp mạnh mẽ, thúc đẩy, tuyên truyền, cổ vũ hành động của họ theo một mục đích nhất định.

Hình tượng người công nhân

Tranh cổ động ở Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và mỹ thuật tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt, đối với các bộ liên ngành, tranh cổ động cũng được sưu tầm và hệ thống một cách khá đầy đủ thông qua những cuốn sách như Tranh cổ động Việt Nam, (1977); Tranh cổ động Việt Nam 1945-2000 (2002); Tranh cổ động họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (2006); 60 năm tranh cổ động Việt Nam 1945-2005 (2006).

Tranh cổ động chủ đề công, nông, binh, xuất hiện sau khi chính quyền cách mạng ra đời và đã nhanh chóng trở thành thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam, phục vụ kịp thời công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tranh cổ động với chủ đề công, nông, binh sau năm 1986 đã góp phần quan trọng tạo dư luận xã hội tích cực, đồng thuận với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; tác động mạnh mẽ đến các vấn đề xã hội; cổ vũ, động viên những hoạt động tích cực của công, nông, binh trong hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghệ thuật tạo hình trong tranh cổ động với hình tượng công nhân, nông dân, binh lính được một số nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Hình tượng công, nông, binh trong đề tài được xây dựng từ những con người có thực của giai cấp công nhân, nông dân, binh lính, được chắt lọc qua ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật đồ họa và tư tưởng, cảm xúc của người nghệ sĩ.

 Mặc dù cách xây dựng hình tượng trong tranh cổ động Việt Nam phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, bối cảnh đất nước, các chủ đề nhằm tuyên truyền cổ vũ tinh thần bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước, nhưng tranh cổ động vẫn có những giá trị thẩm mỹ, tạo hình cao, mang nhiều giá trị nghệ thuật trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 1986, nền kinh tế thị trường thay đổi, nhiều chính sách cởi mở và xu hướng nghệ thuật mới được hội nhập. Những tác phẩm giai đoạn này thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ và đa dạng về ngôn ngữ trong nghệ thuật. Khi chiến tranh đã đi qua, tranh cổ động tập trung vào xây dựng hiện thực xã hội chủ nghĩa, với chủ đề lao động, công nghiệp hóa, xây dựng Tổ quốc và các hoạt động kỷ niệm Đại hội Đảng, Bác Hồ và hình ảnh giai cấp công, nông, binh được các nghệ sĩ khai thác rất phong phú.

Hình ảnh công, nông, binh được xem là giai cấp tiêu biểu “thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới - đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại” (1). Theo Cương lĩnh của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại diện của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động.

Tiếp nối giai đoạn trước, chủ đề công nhân, nông dân, binh lính ở giai đoạn sau năm 1986 hướng tới xây dựng hình tượng những con người mới trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phù hợp với nhu cầu của thời đại. Hình tượng công, nông, binh cũng được xây dựng với tinh thần bám sát việc giáo dục thẩm mỹ, tư tưởng cho người dân, nhằm hướng người dân đến nhận thức đúng, có lý tưởng là mục tiêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Hình tượng người nông dân

Trong tranh cổ động chủ đề công, nông, binh, hình ảnh công nhân luôn đi đầu, đại diện cho giai cấp vô sản với hình tượng người công nhân mặc áo xanh trang phục bảo hộ lao động khỏe khoắn, chân đi ủng. Trước năm 1986, hình tượng người công nhân thường cầm búa, hoặc những dụng cụ lao động khá thô sơ. Sau năm 1986, hình ảnh người công nhân có thêm những dụng cụ khác như trên vai khoác vòng dây điện, tay giơ cao mũ của người thợ lò… hoặc những thiết bị điện tử, công nghệ, thể hiện cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong giai đoạn hiện nay, giai cấp công nhân đã có những biến đổi mới: “Giai cấp công nhân là một tập đoàn xã hội ổn định, hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại, với nhịp độ phát triển của lực lượng sản xuất có tính xã hội hóa ngày càng cao, là lực lượng sản xuất cơ bản, tiên phong, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, tái sản xuất ra của cải vật chất và cải tạo các quan hệ xã hội” (2).

Trước đây, hình tượng người phụ nữ nông dân thường được khắc họa khỏe khoắn, mặc áo nâu sòng, tay cầm liềm, ôm bó lúa, chăn nuôi, trồng trọt, cam, sắn, ngô khoai; nhưng từ năm 1986 trở đi hình tượng người nông dân được xây dựng trong bối cảnh có máy cày, máy cấy, điện và những ngôi nhà cao tầng phía sau. Cụ thể như, ngày 7-11-2017, tại Sơn Tây - Hà Nội đã khai mạc Triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền, xây dựng nông thôn mới, giới thiệu 61 tác phẩm của các tác giả trong toàn quốc, đáp ứng kịp thời công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Đây cũng là dịp tôn vinh các họa sĩ chuyên và không chuyên trong cả nước đóng góp sức lực, trí tuệ, tài năng vào công tác tuyên truyền cổ động quần chúng thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... đẩy mạnh phong trào thi đua Cả nước xây dựng nông thôn mới vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hình tượng “binh” trong tranh cổ động là sự biểu đạt hình ảnh người chiến sĩ, ở giai đoạn nào cũng sẽ luôn có một mẫu số chung, đều có tạo hình khỏe, đẹp, thể hiện tinh thần trong sáng, kiên trung. Hình ảnh bộ đội trang phục, khí giới đặc trưng khác nhau đại diện cho các binh chủng khác nhau như bộ binh, không quân, hải quân, cùng nhau hợp sức xây dựng bộ đội tinh nhuệ, hiện đại. Bố cục ba người lính khá phổ biến với lối thể hiện bán thân, nhìn thẳng hoặc nghiêng đặt lệch về một bên tranh, tư thế so le nhau, hiên ngang nhìn về phía trước, tay cầm vũ khí, thể hiện tinh thần quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhóm 3 đến 5 nhân vật thường đại diện cho dân quân, du kích, tự vệ hoặc đại diện cho các binh chủng khác nhau. Bối cảnh phía sau thường là hình ảnh đại diện cho vùng đất, vùng trời và vùng biển Việt Nam với cánh đồng lúa, công trường, nhà máy đang được xây dựng, những chiếc tàu tuần tra bảo vệ biển đảo giữ bình yên cho đất nước.

Những hình tượng trên được sắp xếp một cách khéo léo và hài hòa trong bố cục của một bức tranh cổ động. Các họa sĩ đã nghiên cứu những vị trí cho các ngôn ngữ tạo hình trong tác phẩm, sắp xếp yếu tố đồ họa, mô típ chính phụ, hoặc phân chia không gian thành các lớp cảnh, các khu vực. Bố cục tranh cổ động giai đoạn sau năm 1986 khá đa dạng về cách sắp xếp hình tượng, biểu tượng: vuông, tròn, chữ nhật, bố cục lệch, đối xứng, nhịp điệu. Ở giai đoạn này, đặc biệt là khoảng từ những năm 2000, việc sử dụng kỹ xảo đồ họa vi tính để sáng tạo một tác phẩm tranh cổ động đã giúp các họa sĩ nhanh chóng và linh hoạt trong việc sắp xếp bố cục, đưa ra nhiều phương án khác nhau trong một thời gian ngắn, điều này giúp ngôn ngữ tạo hình trở nên đa dạng hơn, nhiều thử nghiệm mới mẻ hơn.

Điều đó được thể hiện rất rõ trong không gian của những bức tranh cổ động giai đoạn này. Không gian trong tranh cổ động có một vai trò hết sức quan trọng, là sự sắp xếp hài hòa lớn bé trước sau. Không gian trong tranh cổ động với hình tượng công, nông, binh giai đoạn 1986 đến nay mang tính ước lệ, ít bị lệ thuộc vào phối cảnh, xa gần. Mảng hóa là một nét đặc trưng lớn trong nghệ thuật dân gian và nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Cách sử dụng mảng bẹt là đưa vật từ không gian 3 chiều vào không gian 2 chiều (mặt phẳng). Nghệ thuật biểu đạt không gian hai chiều mang tính gợi tả ước lệ đã được sử dụng trong nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước (dòng tranh Đông Hồ) và cho đến nay đã được sử dụng rộng rãi trong cả thể loại tranh cổ động. Đó là cách tạo hình mảng màu phẳng, đi nét đều hay biểu hiện cấu trúc bề mặt, hình tượng ước lệ, theo lối tranh khắc gỗ hiện đại.

Bên cạnh đó, hình thức trang trí dân gian truyền thống cũng được khai thác trong tranh cổ động Việt Nam và các mô típ trang trí cách điệu đã được tìm thấy trong kho tàng của dân tộc đã trở thành chất xúc tác có khả năng dung hợp một cách uyển chuyển trên phông nền hiện đại. Do vậy, ngôn ngữ tạo hình dần chuyển dịch từ tả thực đến khái quát, từ hiện thực đến quy ước… nhằm bắt kịp tầm nhận thức thẩm mỹ của thời đại. Đa phong cách là điểm mạnh của thế hệ họa sĩ vẽ tranh cổ động Việt Nam giai đoạn sau 1986.

Cách sử dụng màu sắc trong tranh cổ động giai đoạn 1986 đến nay về cơ bản đó vẫn là sử dụng bảng màu của giai đoạn trước, nhưng có phần tươi sáng, rực rỡ hơn. Màu đỏ vẫn được sử dụng như là màu tượng trưng cho màu cờ của dân tộc, màu của Đảng, của cách mạng; gam màu vàng được sử dụng trong các biểu tượng ngôi sao vàng năm cánh, biểu tượng cho màu búa liềm, có trong biểu tượng quốc huy. Màu vàng cũng thường được dùng vẽ thóc lúa, ánh mặt trời thể hiện trong những bức tranh có đề tài vui tươi, ấm no được mùa gắn với tạo hình người nông dân. Tông màu lạnh, những màu xanh được dùng nhiều ở mảng đề tài ca ngợi hòa bình, thi đua sản xuất công nghiệp, trồng cây, gây rừng, biển đảo… thể hiện sự yên bình, tinh thần lạc quan trong giai đoạn mới. Màu sắc trong những bức tranh cổ động thường được sử dụng với những tông màu bổ trợ nhằm tạo nên sự tương phản mạnh mẽ, nhiều năng lượng khí thế như màu xanh áo lính với màu đỏ của cờ đỏ sao vàng. Màu xanh nước biển cùng với màu đỏ, màu cam, màu vàng của những cánh đồng lúa chín; hình ảnh biển đảo, hình ảnh người lính hải quân còn được gắn với những hình ảnh con sóng, cánh chim hải âu, cột mốc biển, những con tàu…

Giai đoạn từ 1986 đến nay, việc sử dụng hình ảnh trong tranh có nhiều sự chuyển biến. Do được tiếp xúc công nghệ thông tin của thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và lần thứ 4, người nghệ sĩ được học hỏi, đào tạo bài bản hơn, tiếp cận nhiều công nghệ trong việc thiết kế và in ấn hơn là điều kiện để họ thực hành sáng tạo.

Hình ảnh nhiếp ảnh được sử dụng nhiều hơn với các kỹ thuật chồng ảnh, cắt ghép, lồng hình, các chế độ hòa trộn của các phần mềm máy tính. Góc máy chụp của các hình ảnh nhiếp ảnh cũng làm thay đổi quy mô tính động, hình ảnh khi cận cảnh, khi cắt thành nhiều lớp. Kỹ thuật, chất liệu thể hiện tranh cổ động tuyên truyền trong thời kỳ đất nước đổi mới và phát triển đã bắt kịp trong kỹ thuật sáng tác, in ấn bằng công nghệ số và tạo nên những thay đổi trong sáng tác, sự biểu đạt, đáp ứng được tốc độ thông tin, tính thời sự theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước.

Diện mạo trong hai giai đoạn trước và sau 1986 có một số thay đổi về ngôn ngữ đồ họa, hệ thống ký hiệu biểu tượng. Tuy có sự khác biệt lớn về hoàn cảnh lịch sử, môi trường sáng tác, đội ngũ họa sĩ và những yêu cầu về nội dung chủ đề của Đảng và Nhà nước trong mỗi giai đoạn. Tranh cổ động tuyên truyền của nước ta là quá trình tiếp biến văn hóa giao lưu giữa văn hóa Pháp và văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung và nghệ thuật tạo hình nói riêng. Nó xuất phát từ nhu cầu của lịch sử giải phóng dân tộc, chống giặc ngoại xâm và hình thức tuyên truyền của tranh cổ động đã tác động mạnh mẽ đến đông đảo người dân.

Khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa đã bao trùm toàn bộ nền mỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn trước năm 1986. Kết quả của sự tiếp biến đã cho ra đời một thể loại nghệ thuật chuẩn mực, hàn lâm, khai thác cách tạo hình của khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và cách biểu đạt thông điệp màu sắc lôi cuốn, ấn tượng, khi ẩn chứa yếu tố mỹ thuật dân gian truyền thống. Đó chính là nét đặc trưng làm nên giá trị nghệ thuật của thể loại tranh cổ động Việt Nam trong nền nghệ thuật dân tộc.

Hình tượng người chiến sĩ

Có thể thấy, dòng tranh tuyên truyền cách mạng không phải đạt được đồng thuận, nhiệt huyết của các họa sĩ ngay từ đầu, đó là cuộc đấu tranh về quan điểm nghệ thuật hướng đến trọng trách sáng tác những tác phẩm nghệ thuật tuyên truyền cách mạng và nhu cầu thể hiện cái tôi, mang tính cá nhân, trọng cái đẹp và duy mỹ. Sự chuyển biến của họa sĩ giai đoạn đầu không đơn giản, họ phải gác lại cái tôi trong nghệ thuật để sống đời sống các nhân vật được tạo hình. Hình tượng nghệ thuật không còn là cái tương tự như đời sống hằng ngày, họa sĩ đã xây dựng những nhân vật đại diện cho cho tập thể, đó là hình ảnh lãnh tụ, quần chúng công, nông, binh… thành những hình ảnh mang tính biểu tượng qua những nhận thức nhiều chiều của nó. Phong cách nghệ thuật của giai đoạn này đã hóa giải được sự khô cứng trong tạo hình của phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa bởi sự kết hợp giữa chủ nghĩa hàn lâm kinh viện của mỹ thuật xã hội chủ nghĩa và mỹ thuật truyền thống. Người dân tiếp nhận tranh cổ động giai đoạn này như tiếp nhận những bản hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có một sức mạnh cổ vũ toàn dân đoàn kết, đồng lòng, đồng sức. Các tác phẩm tiêu biểu: Vinh quang là chiến sĩ công an nhân dân, (Nguyễn Anh Minh, 2010); Nhân kỷ niệm ngày quốc phòng toàn dân (22-12-1989 – 22-12-2012), Xây dựng và bảo vệ vững chắc quê hương giàu đẹp (Cao Tuấn Việt, 2012); Kiên trì ra khơi bám biển là góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Trịnh Quát, 2014); Tiếp bước cha ông, giữ yên biển, đảo (Nguyễn Trọng Khang, 2014); Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm (Phạm Minh Trí, 2014); Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo (Đặng Đình Dũng, 2015)…

Có một số nhận định cho rằng, việc xây dựng hình tượng của giai đoạn sau 1986 đã bước sang một giai đoạn mới, mỹ thuật Việt Nam có cơ hội tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều phong cách thể hiện khi đất nước hội nhập quốc tế. Tranh cổ động từ năm 1986 đến nay có những thay đổi về kỹ thuật thể hiện khi sử dụng đồ họa máy tính, có sự kế thừa giá trị nghệ thuật của giai đoạn trước và đã có một số sự đột phá mới về hình tượng nghệ thuật. Một số họa sĩ hướng đề tài sang vẻ đẹp của thiên nhiên, góc phố, bản làng, con người cũng được hòa với thiên nhiên. Nhưng hình tượng con người và đặc biệt là hình tượng công, nông, binh, những con người trong lao động sản xuất, bảo vệ Tổ quốc vẫn xuất hiện trong tác phẩm hội họa, đồ họa để đảm nhận vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình. Khối đoàn kết toàn dân vẫn không thể thiếu hình tượng công, nông, binh.

Do hoàn cảnh thực tế, hiện thực xã hội đã thay đổi, nghệ sĩ không còn được sống trong không khí sôi sục chiến đấu, sản xuất của những năm trước, khi toàn dân bừng bừng khí thế cách mạng. Tuy nhiên, tranh cổ động giai đoạn 1986 đến nay vẫn có một vị thế nhất định trong lịch sử phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam, đánh dấu sự chuyển biến và ghi nhận không ít thành công của lớp họa sĩ sau ngày giải phóng. Từ chính sách đổi mới 1986, tranh cổ động thể hiện được diện mạo mới của mỹ thuật với đầy đủ những yếu tố tạo hình đảm bảo sự tồn tại, phát triển bền vững với chủ trương tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình phát triển, tranh cổ động đã dần dần hình thành sắc thái riêng qua hình thức thể hiện, sáng tạo các hình tượng giàu cảm xúc của các thế hệ nghệ sĩ. Cách nhìn theo luật xa gần, cách vẽ theo không gian ba chiều, khoa học về màu sắc, giải phẫu tạo hình… tương hợp cùng hiện thực tả thực, để chuyển tải thành công trong thể loại đồ họa tranh cổ động Việt Nam.

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: “Sử dụng những thủ pháp đặc trưng mang tính cô động, gần gũi, dễ hiểu, tranh cổ động đã kịp thời đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều tác phẩm còn góp phần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, tính nghệ thuật của loại hình đồ họa đặc biệt này, giúp công chúng có cái nhìn toàn diện về mỹ thuật Việt Nam” (3).

Đặc biệt, sức sáng tạo của họa sĩ vẫn mạnh hơn khi có những chất xúc tác, có những sự kiện lớn tác động đến đời sống xã hội, chính trị, an toàn của đất nước. Như sự kiện Giàn khoan 981 hay giai đoạn đầu nước ta chống đại dịch COVID-19, nhiều bức tranh cổ động được đông đảo các nghệ sĩ, sinh viên mỹ thuật tham gia sáng tác. Nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật, mang tính truyền thông thị giác cao và khi có một nội dung, tình huống mới, người hoạ sĩ ngay lập tức có những cảm hứng sáng tác để minh chứng cho khả năng sáng tạo và trách nhiệm đối với cộng đồng của họ “Tranh cổ động của các hoạ sĩ Việt Nam tạo xúc cảm lớn lao, góp nên thành công của Việt Nam trong cuộc chiến “chống giặc COVID-19” - tờ The Guardian của Anh viết” (4).

Có rất nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cũng như tính thời sự, chính trị của thể loại tranh này. Vì nghệ thuật luôn gắn với thời đại, là hơi thở của thời đại nên tranh cổ động là dòng tranh nghệ thuật thể hiện vai trò tuyên truyền chính trị của nghệ thuật. Tranh cổ động Việt Nam đã vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành nghệ thuật đồ họa độc đáo có phong cách riêng của Việt Nam. Những người nghệ sĩ tham gia, hòa mình vào với hàng ngũ những người đấu tranh cho nền độc lập tự do của dân tộc, họ cũng mang những cảm xúc, khát vọng về hòa bình. Vì vậy, những tác phẩm của họ chứa đựng những cảm xúc, tư tưởng xây dựng nên hình tượng, biểu đạt nghệ thuật đạt giàu sức sống với thời gian.

______________

1. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr.393.

2. Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2018, tr.364

3. Trà Giang, Tranh cổ động dường như đang chững lại? hanoimoi.com.vn, 3-7-2020.

4. Ngọc Vân, Báo Anh ca ngợi họa sĩ Việt vẽ tranh cổ động chống COVID-19, laodong.vn, 9-4-2020.

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Hoa Mai, Sáng tác tranh cổ động, Hội Mỹ thuật Việt Nam, số 158, 2006, tr.13.

2. Lê Trọng Nga, Tranh cổ động Việt Nam những thành tự và suy nghĩ hôm nay, Hội Mỹ thuật Việt Nam, số 236, 2012.

3. Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Anh Tuấn, Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam và hiện đại, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2010.

Ths TRƯƠNG THỊ THU THỦY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;