Nhu cầu nghiên cứu về dòng họ và văn hóa dòng họ

Ở những góc độ và bình diện khác nhau, vấn đề dòng họ, văn hóa dòng họ từ rất lâu đã trở thành một hiện tượng xã hội hiển nhiên, thu hút sự quan tâm của nhiều giới, nhiều ngành. Có thể, hiện nay, các nhà khoa học chưa thực sự thống nhất về thời điểm ra đời thực sự của dòng họ (với tính chất là một thực thể, một thiết chế mở, mang tính phổ quát của xã hội loài người), song, chỉ bằng một cái nhìn thực tiễn, có thể thấy dòng họ đã xuất hiện từ xa xưa, ít ra từ chế độ phụ hệ, kể từ khi một nhóm người, bầy người, quần thể người bắt đầu có ý niệm về huyết thống, về dòng dõi, về sự trao truyền thế hệ từ một nguồn gốc chung, một ông tổ chung (1).

Về mặt thực tiễn, có lẽ, ngay từ thời tiền sử xa xôi của xã hội loài người, tổ tiên chúng ta, dựa trên kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thích ứng và đấu tranh với thiên nhiên, đã nhận thức rất rõ tính ưu việt, tất yếu của những hoạt động chung đậm đặc tính cộng đồng (hái lượm, săn bắn, hưởng thụ, xây dựng nơi trú ngụ...). Dần dần, từ chỗ tất cả đều chung một cách tự phát ban đầu, họ tiến tới chỗ phân công lao động giản đơn, rồi phức tạp hơn, biến mọi hoạt động vừa có tính chất chung cộng đồng, vừa có chút tính “riêng tư” ở mức độ rộng (gia đình, nhóm người cùng chung huyết thống, tập hợp người cùng chung ông tổ...). Như vậy, có thể đoán định rằng, với sự biến đổi về nhận thức trong hoạt động theo hướng “riêng tư” ở mức độ rộng, với nhu cầu hình thành một tổ chức trên cơ sở quan hệ huyết thống và với sự xuất hiện ngày càng đa dạng thiết chế gia đình từ giản đơn đến phức tạp, hình thức dòng họ đã xuất hiện và trở thành một thực thể đáng chú ý trên phạm vi toàn nhân loại.

1. Những nghiên cứu bước đầu về dòng họ và văn hóa dòng họ

Thực thể ấy, dòng họ, quan hệ dòng họ, văn hóa dòng họ..., cũng như sự xuất hiện và vận động của nó trong không gian và thời gian, đã được quan tâm nhìn nhận và nghiên cứu từ nhiều góc độ. Ph.Ăngghen chú trọng tìm nguồn gốc của gia đình, thiết chế cơ sở của dòng họ (Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước); L.Morgan quan tâm tới vai trò của gia đình, dòng họ trong quan hệ xã hội thời cổ đại (Xã hội cổ đại); C.Levi Strauss tìm hiểu hệ thống cấu trúc của dòng họ với tư cách một thực thể xã hội quan trọng (Những cấu trúc cơ bản của dòng họ); M.V.Kriucop đi sâu vào mạng lưới quan hệ thân tộc ở một quốc gia để khái quát đặc điểm quan hệ dòng họ (Hệ thống thân tộc ở Trung Hoa); P.Gourou chấm phá quan hệ gia đình, dòng họ ở nông thôn đồng bằng sông Hồng (Người nông dân châu thổ Bắc Bộ)... Nghĩa là, đối với các nhà khoa học thế giới, nghiên cứu dòng họ cũng như sự thăng trầm của nó... không còn là điều mới lạ. Và, trong tiến trình nghiên cứu ấy, họ đã đặt ra được không ít vấn đề có ảnh hưởng đến tận ngày nay, đặc biệt là những vấn đề về quan hệ giữa gia đình và gia tộc, dòng họ.

Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, vấn đề gia đình truyền thống và hiện đại, với tư cách tiểu hệ thống của cấu trúc dòng họ, đã được nghiên cứu sâu rộng trên hầu hết những phương diện cấu thành nó: vai trò các thành viên, quan hệ ứng xử trong gia đình, quan hệ ứng xử trong tộc họ, gia phả, gia giáo, gia phong, tục thờ tổ tiên, thờ tổ họ, những giá trị gia đình, gia tộc truyền thống và hiện đại... Những nghiên cứu này được triển khai theo nhiều phương pháp, dưới nhiều góc độ: nhân học văn hóa, xã hội học văn hóa, tâm lý học, địa - văn hóa, lịch sử văn hóa... Trong những nghiên cứu về gia đình, và một chút ít bóng dáng của gia tộc, dòng họ đó, có thể kể đến Từ Chi với những nhận xét bước đầu nhưng gợi mở nhiều điều về gia đình của người Việt, đặc biệt là những gợi ý của ông về hình thức tập hợp họ (dòng họ) trên cơ sở huyết thống; Trần Đình Hượu với những chỉ dẫn sâu sắc về gia đình truyền thống Việt Nam dưới ảnh hưởng của Nho giáo; Toan Ánh, Phạm Côn Sơn... đề cập cụ thể về tập tục, đạo lý, gia phong, nghi lễ gia đình; Nguyễn Khánh Toàn về những tàn dư của chế độ cũ trong gia đình Việt Nam... Đặc biệt, vấn đề gia đình, gia tộc, hôn nhân gia đình cũng đã được luật hóa qua Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long và nhiều quy định khác mang tính pháp quy trong cộng đồng xã hội. Chính vì thế, có thể nói rằng ít ra đến thời Hồng Đức, quan hệ thân tộc, dòng họ đã mang dáng dấp của một tổ chức xã hội, được pháp luật thừa nhận và duy trì. Những điều khoản trong các bộ luật nêu trên (luật pháp, chính sách), những quy ước thành văn hoặc bất thành văn trong cộng đồng làng xã (hương ước) hoặc cộng đồng thân tộc (tộc ước) đã chi phối và quy định khá chặt chẽ mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ cũng như quan hệ giữa gia đình, dòng họ với cộng đồng lớn hơn. Chẳng hạn, điều 94, Bộ luật Gia Long không cho phép cá nhân, thậm chí gia đình của cá nhân ấy được tự do định đoạt việc hôn nhân của mình, bởi không có sự đồng thuận của dòng họ, cụ thể là trưởng họ, thì việc không thành: “Trong một đám hôn lễ, người trưởng tộc có ưng thuận thì mới được” (2). Trong thập ác (mười tội lớn) được đề ra để định giá và xử lý người vi phạm chuẩn mực xã hội thì ba tội liên quan đến phạm vi gia tộc, dòng họ, gia đình: bất hiếu, bất hòa, loạn luân. Đó là một vài biểu hiện cụ thể, còn trên bình diện chung, do là một cộng đồng tương đối chặt chẽ mang tính tổ chức xã hội, thân tộc, dòng họ thường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của các gia đình, cá nhân thuộc dòng họ mình và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật, luật tục và dư luận...

Như thế, có thể thấy, trên nhiều bình diện, thân tộc, dòng họ là một tổ chức tương đối chặt chẽ với những mối quan hệ phức tạp và mối liên kết dòng họ với gia đình, cá nhân mang tính gắn bó hữu cơ, mật thiết. Chuỗi liên kết hạt nhân trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội xưa kia, vì thế, là chuỗi quan hệ cá nhân - gia đình - dòng họ (thân tộc) - cộng đồng (làng xã) - quốc gia, được thể hiện hết sức đa dạng, uyển chuyển trong thực tiễn xã hội, cả đô thị và nông thôn. Trong chuỗi quan hệ ấy, những yếu tố đã được chú trọng nghiên cứu, trên nhiều bình diện khác nhau là quốc gia - dân tộc, cộng đồng (làng xã), khu vực (vùng, miền) và sau đó là cá nhân (trong quan hệ với xã hội, gia đình...), gia đình cổ truyền và hiện đại. Còn hệ thống thân tộc, dòng họ, cho đến nay, dù là vấn đề nổi trội trong thực tiễn, vẫn thực sự là vấn đề mở và hết sức mới mẻ không chỉ đối với lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Vì thế, phần lớn những nghiên cứu về dòng họ, văn hóa dòng họ hầu như là bước đầu, xới lên vấn đề dưới dạng hội thảo, giới thiệu, sưu tập... hoặc nhân bàn về các vấn đề gia đình xưa nay mà đề cập tới dòng họ. Và, ở những bước sơ khai đó, một số nhà khoa học đã chú ý nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Chẳng hạn, Đào Duy Anh, trong Việt Nam văn hóa sử cương đã chú ý tới việc tế tự ở dòng họ bên cạnh việc tập trung nghiên cứu dòng họ như là một hình thái tổ chức kinh tế sinh hoạt ở làng xã. Cùng hướng này, Mai Văn Hai, Bùi Xuân Đính nhìn nhận vai trò của các quan hệ gia đình và dòng họ trong hoạt động kinh tế ở nông thôn hiện nay. Từ Chi, từ góc độ dân tộc học và văn hóa học, nghiên cứu dòng họ, gia đình với tư cách một bộ phận cấu thành cơ cấu cổ truyền của làng xã Bắc Bộ, trong mối liên hệ giằng chéo với láng giềng, phe, giáp, hội, họ, hội đồng kỳ mục, dân hàng xã... Theo ông, dù làng xã cổ truyền (và cả làng xã hiện đại) ở châu thổ Bắc Bộ là một đơn vị dân cư được tập hợp chủ yếu theo quan hệ láng giềng (tức là theo địa vực ngõ, xóm), thì quan hệ huyết thống vẫn rất quan trọng và vẫn phát huy tác dụng trong đời sống cộng đồng dù ở làng hay đô thị (3). Và xét cho cùng dòng họ, với sức mạnh riêng của nó, luôn là một nguyên lý tập hợp người ở nông thôn hay đô thị trong những khuôn khổ khác nhau. Ở đô thị chẳng hạn, dù trong khuôn khổ hẹp nhất là gia đình hạt nhân, gồm một vợ, một chồng và những đứa con, thì bóng dáng của dòng họ cũng hiện hữu dưới dạng mờ nhạt qua việc những đứa con mang họ cha và sự thờ cúng tổ tiên. Còn ở làng xã thì đã rõ, tùy từng bối cảnh, quan hệ huyết thống, quan hệ dòng họ lúc mạnh, lúc yếu, nhưng không bao giờ không có, với tính chất phụ quyền, gia trưởng nổi trội mà nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh. Ở khía cạnh khác, Bùi Xuân Đính nghiên cứu thân tộc, dòng họ như là một bộ phận cấu thành cơ cấu tổ chức làng xã nhưng trong tương quan với quan hệ lệ làng, hương ước làng. Một số sách, tư liệu, bài nghiên cứu xưa, nay của Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Cần, Toan Ánh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Duy Hinh, Đoàn Văn Chúc, Mai Văn Hai, Trịnh Thị Quang... bước đầu đi vào nghiên cứu mối quan hệ dòng họ trong bối cảnh chuyển đổi mô hình gia đình, sự biến động của gia đình (hôn nhân, cưới xin, tang ma, nghi lễ vòng đời...) trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội nhiều giai đoạn khác nhau. Gần đây, Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh nét đặc trưng số một của làng xã Việt Nam là tính cộng đồng, khẳng định quan hệ huyết thống trong đơn vị cơ sở (gia đình), đơn vị cấu thành (gia tộc, dòng họ) và coi dòng họ như một cộng đồng có vai trò quan trọng ngang, thậm chí hơn gia đình. Đặc biệt, ông đề cập tới hiện tượng làng và dòng họ nhiều khi đồng nhất với nhau, làng là nơi ở của một họ với hiện tượng gọi tên làng đến nay còn hiện diện như Đào Xá, Ngô Xá, Đỗ Xá, Lê Xá... (4). Trần Quốc Vượng có cái nhìn tổng quan về thân tộc, dòng họ ở Hà Nội trong bối cảnh phát triển dòng họ cả nước. Ông khẳng định nguyên lý tập hợp người cùng dòng máu, quan hệ máu mủ ruột rà là một trong ba nguyên lý cơ bản tập hợp con người thành xã hội, khiến cho con người trở thành một sinh vật xã hội: nguyên lý đồng huyết, nguyên lý tiên nghiệm và nguyên lý cùng chỗ. Ông cũng cho rằng nguyên lý cùng dòng máu là nguyên lý niên đại, một hằng số mang chở một giá trị nhân văn phổ quát toàn nhân loại (5). Phan Đại Doãn, Mai Văn Hai đề cập sâu hơn đến thân tộc, dòng họ ở Bắc Bộ qua nghiên cứu điều tra trường hợp ở hai làng Đào Xá (Hải Dương) và Tứ Kỳ (Hà Nội). Từ những chỉ báo xã hội học đáng tin cậy, hai ông chỉ rõ vai trò của dòng họ trong cộng đồng làng xã với tư cách một đơn vị kinh tế, một bộ phận của tổ chức quyền lực và quản lý làng xã, một thiết chế trong đời sống văn hóa tín ngưỡng cộng đồng (6). Tuy nhiên, về mặt cơ cấu, hai ông nghiêng về góc nhìn kinh tế làng xã, vì thế phần đời sống văn hóa tín ngưỡng còn hạn chế, chủ yếu đánh giá trên cơ sở số liệu điều tra, phỏng vấn sâu. Dù vậy, đây thực sự là những cứ liệu quý, đáng tin cậy để những người quan tâm tới vấn đề dòng họ và văn hóa dòng họ tiếp tục bước những bước tiếp theo và chuyên biệt hơn về dòng họ, từ góc độ văn hóa.

2. Những tiền đề nghiên cứu dòng họ và văn hóa dòng họ

Như vậy, có thể thấy bóng dáng vấn đề dòng họ, khi mờ nhạt, khi sâu đậm qua những nghiên cứu khá sâu sắc và toàn diện về diện mạo gia đình truyền thống và hiện đại ở trong và ngoài nước từ nhiều góc độ khác nhau. Vì lẽ đó, không thể đề cập tới dòng họ mà không xuất phát từ gia đình như là hạt nhân cốt lõi. Cũng không thể đề cập tới dòng họ mà không chú ý tới những tiền đề bên ngoài và bên trong dòng họ. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh nguồn gốc, diện mạo gia đình và sự biến thiên của nó trong lịch sử, còn có những nguồn gốc, diện mạo khác cần chú ý như là những tiền đề để nghiên cứu sự hình thành, biến động của dòng họ và văn hóa dòng họ ở nước ta.

Trước hết là những ảnh hưởng của hệ thống thân tộc Trung Hoa; của sự hình thành và phát triển làng xã trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Đây là vấn đề rộng và phức tạp, cần được chú trọng nghiên cứu sâu hơn, với những liên tư liệu chuẩn xác hơn để góp phần làm sống lại thực tiễn đã qua.

Thứ hai, là những lệ làng (hương ước, khoán ước, hương biên, hương khoán, hương lệ, cựu khoán, điều lệ, khoán lệ...) xưa nay quen gọi là hương ước, phổ biến trong đời sống sinh hoạt và văn hóa làng xã xưa. Đây là những quy tắc, quy ước, điều khoản... quy định và điều chỉnh mối quan hệ trong cộng đồng làng xã, khẳng định ranh giới lãnh thổ làng, quy định những vấn đề liên quan tới sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường; cơ cấu tổ chức và các quan hệ xã hội trong làng; về văn hóa, giáo dục, tôn giáo; về nghĩa vụ với Nhà nước; về hình thức xét xử... (7). Trong hương ước, nội dung đặc biệt quan trọng là việc lập ra các tổ chức trong làng với chức năng, quyền hạn và lề lối làm việc riêng. Trong các tổ chức ấy, dòng họ (gia tộc) là một hình thức tập hợp người theo quan hệ huyết thống (8). Tác giả Từ Chi cũng nhấn mạnh hình thức họ (dòng họ) được tập hợp theo quan hệ huyết thống, mặc dù khẳng định “Gia tộc Việt, từ nông thôn đến thành thị, ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, cả trên khắp đất nước, từ lâu cũng đã giải thể đến mức gia đình nhỏ rồi” (9). Như vậy, qua hương ước làng, chúng ta có thể nhận ra biểu hiện cụ thể của dòng họ, một hình thức tập hợp người, một quan hệ cố kết khá chặt chẽ trong làng xã xưa. Có thể nói, trước kia, và hiện nay nữa, không làng nào là không được tạo nên bởi sự cố kết dòng họ, thậm chí rất nhiều dòng họ, định cư xen kẽ dòng họ này với dòng họ kia hoặc cư trú khoanh vùng tập trung theo cùng huyết thống, cùng dòng họ. Đặc biệt, có những làng chỉ một, hai dòng họ, song nhìn chung, số dòng họ trong mỗi làng khá nhiều, hơn chục, thậm chí 25-30 họ khác nhau, với vị thế và vai trò khác nhau trong cộng đồng làng xã. Chẳng hạn, trong mỗi làng đều có họ lớn bên cạnh họ nhỏ, hay họ đàn anh (họ khai lập làng, đông người, họ giàu có, họ truyền thống khoa bảng...) bên cạnh các họ đàn em (họ ít người, họ nghèo đói, họ thuộc dân ngụ cư...) và về cơ bản, dòng họ không có vai trò đáng kể trong công việc làng xã trước kia (10). Tuy nhiên, về bề nổi, trước kia và hiện nay, ở làng xã Việt Nam, dòng họ tồn tại vừa như một thiết chế, vừa như một thế lực tâm lý, chi phối không nhỏ đời sống sinh hoạt cộng đồng, nhất là đời sống gia đình. Bên cạnh những mặt tốt, mâu thuẫn giữa các dòng họ trong làng xã, ở nhiều thời điểm, đã trở thành hiện tượng nổi bật, gay gắt, gây nhiều xáo trộn trong đời sống cộng đồng làng xã. Thực tế này đã được phản ánh rất rõ trong văn hóa dân gian, văn học, nghệ thuật từ trước tới nay. Chính vì vậy, trong hương ước ở từng làng xã, điều quan trọng nhất được đề cập là quy định về quan hệ cư xử giữa người và người (trong đó có ứng xử giữa gia đình này với gia đình khác, dòng họ này với dòng họ khác...) sao cho mối quan hệ ấy thực sự tốt đẹp, lành mạnh. Bên cạnh đó, các hương ước đều có những quy định nhằm hạn chế hiện tượng vị kỷ dòng họ, ỷ vào vai vế dòng họ, kết bè kéo cánh gây ra những mâu thuẫn không đáng có trong sinh hoạt làng xã... Như vậy, qua hương ước, có thể tìm hiểu một vài nét về dòng họ, gia đình trong bối cảnh chung của đời sống cộng đồng làng xã.

Thứ ba, bên cạnh sự phản ánh chưa thực sự cụ thể trong hương ước làng xã, diện mạo dòng họ còn bộc lộ một cách khá rõ ràng qua một số lượng phong phú những tộc ước, phả hệ, gia phả... đang ngày càng được tập hợp đầy đủ và đa dạng hơn. Về nguồn này, có thể kể đến sách về các dòng họ (Đỗ, Phạm, Đặng...) và nhiều tài liệu dưới những hình thức khác nhau, trong đó có nhiều gia phả, phả hệ rất chi tiết. Việc sưu tầm, nghiên cứu, thảo luận về dòng họ và văn hóa dòng họ cũng được chú ý trong những năm gần đây, được tập hợp dưới dạng kỷ yếu như Văn hóa dòng họ ở Thái Bình, Văn hóa dòng họ ở Nghệ An... Nhìn chung, xu hướng xích lại gần nhau giữa những người đồng huyết thống đang phát triển mạnh không chỉ ở nông thôn mà còn tác động đến các đô thị lớn, nơi các quan hệ huyết thống thường lỏng lẻo hơn. Trào lưu tìm, lập gia phả, nối lại quan hệ thân tộc, dòng họ bị lơi lỏng trong một thời gian dài đang bộc lộ cả những mặt được và chưa được của nó. Tuy nhiên, trong giới hạn nhất định, việc đề cao huyết thống qua trào lưu tìm lại tổ họ, cội nguồn, họ hàng... đã tạo nên một nét văn hóa cho việc nhìn nhận, đánh giá đúng đắn vai trò của dòng họ đối với gia đình nhỏ và đối với xã hội lớn.

Thứ tư, có thể tìm hiểu diện mạo dòng họ qua xem xét tương quan giữa mối quan hệ dòng họ và mối quan hệ láng giềng trong cộng đồng làng xã. Mặc dù mang tính cố kết mạnh, song không phải ở bất cứ nơi nào, dòng họ cũng tập hợp cư trú tại một địa bàn thống nhất trên cơ sở huyết thống. Do hoàn cảnh lịch sử, xã hội, về cơ bản các dòng họ định cư đan xen nhau là chính. Vì thế, bên cạnh quan hệ huyết thống cùng dòng họ, còn xuất hiện phổ biến quan hệ láng giềng trong cùng địa vực. Quan hệ láng giềng, như bất cứ mối quan hệ nào, cũng có mặt tốt, mặt xấu. Nhiều người ứng xử theo phương châm “bán anh em xa, mua láng giềng gần” để giữ yên ấm mối quan hệ không cùng huyết thống. Không ít người lại đặt nặng cách ứng xử “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, dễ gây những mâu thuẫn láng giềng, mâu thuẫn dòng họ này với dòng họ khác, từng tồn tại rất dai dẳng trong thực tiễn. Đặt quan hệ huyết thống (gia đình, dòng họ) trong thế đối sánh với quan hệ không cùng huyết thống (láng giềng, cộng đồng), chúng ta sẽ có cơ sở để tìm hiểu không ít nét đặc sắc về diện mạo dòng họ ở làng xã.

Thứ năm, hương ước, tộc ước và quan hệ láng giềng là ba nguồn cơ bản có thể soi tỏ mối quan hệ dòng họ ở làng xã. Tuy nhiên, vẫn có thể nhìn nhận bóng dáng dòng họ qua những hình thức khác nữa, có cái hiện vẫn tồn tại, có cái đã mất đi trong quá trình biến thiên lịch sử. Chẳng hạn: tổ chức giáp (gồm các thành viên nam giới các lớp tuổi, thuộc các dòng họ, ngõ xóm, phường hội...; bộ máy chính trị - xã hội làng xã xưa với Hội đồng kỳ mục (tiên chỉ, thứ chỉ...); Hội đồng lý dịch (lý trưởng, phó lý...), dân hàng xã (nam giới, với các bậc cao thấp khác nhau); bộ máy hành chính cấp xã hiện nay (bí thư, chủ tịch xã...). Hiện tại, vẫn có thể nhận thấy nhiều khía cạnh trong quan hệ dòng họ qua những hình thức này. Hiện tượng thỏa thuận ngầm để phân định “ngôi thứ” (họ anh làm bí thư thì họ tôi làm chủ tịch và sự “phân chia” các chức vị khác cũng trong mối tương quan như vậy); hiện tượng các dòng họ “tức nhau tiếng gáy” (ganh đua xây nhà thờ họ to đẹp hơn, có người đỗ đạt cao, có chức vị cao...) là những minh chứng không kém phần sinh động cho mặt trái của mối quan hệ dòng họ trong làng xã trước kia và hiện nay.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, vấn đề dòng họ, và dưới dạng tổng hợp hơn, vấn đề văn hóa dòng họ, dù đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm từ những góc độ tiếp cận khác nhau, song vẫn chưa thực sự có được những nghiên cứu sâu, rộng mang tính xâu chuỗi. Trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề dòng họ đang trở thành một hiện tượng văn hóa mang tính trội trong đời sống sinh hoạt cộng đồng và quốc gia, thì việc nghiên cứu chuyên sâu hơn về văn hóa dòng họ ở châu thổ Bắc Bộ và vai trò của nó trong đời sống xã hội hiện đại đã thực sự trở thành một nhu cầu lớn, cấp thiết.

_______________

1. Ngô Đức Thịnh, Dòng họ trong đời sống xã hội hiện nay, trong Văn hóa dòng họ ở Thái Bình, Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian xuất bản, 1999, tr.25.

2. Khuất Thu Hồng, Nghiên cứu xã hội học gia đình ở Việt Nam, trong Văn hóa dòng họ ở Thái Bình, Sđd, tr.169.

3, 9. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 2003, tr.250.

4. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.87.

5. Trần Quốc Vượng, Hà Nội như tôi hiểu, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2005, tr.347.

6, 10. Mai Văn Hai, Phan Đại Doãn, Quan hệ dòng họ ở châu thổ sông Hồng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.

7, 8. Bùi Xuân Đính, Lệ làng phép nước, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1985, tr.44.

Tác giả: Nguyễn Hồng Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021

;