Nhiều tài năng trẻ triển vọng xuất hiện trong cuộc thi âm nhạc giao hưởng, thính phòng

Tối 2-12, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, đã diễn ra Lễ bế mạc, tổng kết và trao giải “Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu - 2023” và “Cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc - 2023”.

“Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu - 2023” và “Cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc - 2023” do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở VHTT TP Hà Nội, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội và các đơn vị có liên quan thực hiện.

Được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 26-11 đến 2-12-2023, trực tiếp tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với 167 thí sinh của 20 đơn vị nghệ thuật trên cả nước đăng ký dự thi, trong đó có 74 thí sinh đăng ký dự thi ở 2 nội dung Độc tấu đàn Piano và đàn Violon; 33 thí sinh thuộc 10 nhóm đăng ký dự thi ở nội dung Hòa tấu nhạc cụ kèn Gỗ và kèn Đồng; 60 thí sinh đăng ký dự thi ở nội dung Hát Thính phòng - Nhạc kịch. Các thí sinh đã cùng nhau đua tài trong không khí khát khao sáng tạo, nồng ấm tình bạn trước sự chứng kiến của Hội đồng Giám khảo, các thầy cô, sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả yêu thích nghệ thuật âm nhạc hàn lâm.

Phát biểu tại Lễ bế mạc và trao giải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, liên tục trong 6 ngày đêm, với 18 buổi diễn thi ở tất cả các nội dung trong khuôn khổ 2 Cuộc thi, các thí sinh đã tập trung cao độ, thể hiện hết sức cho phần thi của mình. Hội đồng Giám khảo đã làm việc với cường độ cao, tận tụy, miệt mài và công tâm nhằm đánh giá, lựa chọn ra những thí sinh có kết quả tốt nhất để vinh danh. Ở 2 Cuộc thi lần này, tuy số lượng thí sinh dự thi không nhiều, nhưng các thí sinh tham gia được trải đều ở các lứa tuổi trong các bảng, nhất là bảng A và B. Các thí sinh đã trình diễn nghiêm túc, bảo đảm tính chuyên nghiệp và có chất lượng tương đối cao.

Với nội dung Độc tấu đàn Piano và Violon, các thí sinh đều trình bày các tác phẩm theo đúng qui định của Cuộc thi. Đã xuất hiện một số tài năng trẻ đầy triển vọng, các em đã có những bước tiến về diễn tấu sân khấu, có bản lĩnh, nhiều em đã làm chủ được kỹ năng và nghệ thuật biểu diễn ở trình độ cao. Đặc biệt có những em đã diễn xuất có cảm xúc âm nhạc và thể hiện được cá tính riêng của mình.

Với nội dung Hòa tấu âm nhạc thính phòng “Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu - 2023” là sân chơi hướng tới tất cả các đối tượng nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, giảng dạy, học tập âm nhạc thính phòng cổ điển. Tuy số lượng thí sinh tham gia lần này còn khá khiêm tốn nhưng các nhóm tham gia đã thể hiện khá tốt phần trình tấu của mình, điều đó cho thấy trình độ học thuật cũng như kỹ thuật sử dụng nhạc cụ của thí sinh là khá cao. Về Thanh nhạc, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật giải trí, đặc biệt là dòng nhạc nhẹ, đã ảnh hưởng không nhỏ và có phần lấn át dòng nhạc cổ điển. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc trên cả nước hiện nay, phương pháp hát thính phòng cổ điển vẫn được duy trì giảng dạy và phát triển. Cuộc thi lần này đã xuất hiện nhiều giọng ca trẻ triển vọng và khá đa dạng. “Có thể đánh giá rằng, thông qua 2 Cuộc thi lần này, chúng ta hoàn toàn có cơ sở và triển vọng để có thể đào tạo được những nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc giao hưởng, thính phòng cổ điển tài năng cho đất nước; góp phần hội nhập quốc tế sâu, rộng và nâng tầm cho nền nghệ thuật âm nhạc của Việt Nam” – Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

“Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu - 2023” và “Cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc - 2023” là hoạt động nghề nghiệp có ý nghĩa và có tầm quan trọng đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn; là dịp để các thí sinh có cơ hội gặp gỡ giao lưu, trao đổi học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời cũng là cơ hội để mỗi thí sinh có thể phấn đấu thể hiện hết mình với những đam mê cháy bỏng đã được hun đúc, ấp ủ trau dồi.

Ban Tổ chức trao giải Nhất cho các thí sinh đoạt giải tại buổi lễ

Ban Tổ chức trao giải Nhì cho các thí sinh đoạt giải tại buổi lễ

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, với mong muốn Cuộc thi sẽ vươn tới một tầm cao hơn, bên cạnh việc mời các Giáo sư, Tiến sĩ, NSND, NSƯT và các giảng viên hàng đầu về dòng nhạc cổ điển thính phòng của Việt Nam, Ban Tổ chức đã mời thêm các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về các bộ môn Piano, Violon và Thanh nhạc đến từ các Học viện nghệ thuật nổi tiếng hàng đầu trên thế giới như Nhạc viện Saint Petersburg, Liên bang Nga; Học viện Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông cùng tham gia các Hội đồng Giám khảo. Đây là cơ hội để các thí sinh, các nghệ sĩ của chúng ta có thể tiếp xúc, giao lưu và học hỏi bổ sung thêm kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp để tham gia hội nhập sánh vai với bạn bè quốc tế.

Đánh giá về 2 Cuộc thi, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận xét, bên cạnh những thành công của các phần dự thi, tại Cuộc thi lần này vẫn còn nhiều phần dự thi chưa đạt chất lượng. Không ít thí sinh vẫn chưa chuẩn bị tốt và kỹ lưỡng cho phần thi của mình, một số thí sinh khi biểu diễn vẫn bị hạn chế về chất lượng vì yếu tố tâm lý, bị áp lực sân khấu, mất bình tĩnh hoặc vì nhiều lý do khác nhau nên sự ổn định trong thể hiện tác phẩm vẫn chưa được khẳng định, nhiều thí sinh lựa chọn tác phẩm chưa phù hợp từ đó hạn chế thể hiện những ưu điểm nổi bật của mỗi cá nhân. Đây là nhược điểm lớn của thí sinh Việt Nam vì ít có cơ hội biểu diễn trước công chúng, từ đó đã ảnh hưởng đến kết quả chung của Cuộc thi. Thông qua kết quả 2 Cuộc thi lần này, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo phát hiện, đánh giá thực trạng để từ đó có cách nhìn đầy đủ hơn, chính xác hơn và từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát hiện, đào tạo bồi dưỡng những tài năng âm nhạc cổ điển thính phòng, góp phần phát triển chung cho nền nghệ thuật nước nhà.

“Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu - 2023” và “Cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc - 2023” là hoạt động nghệ thuật cần thiết được duy trì và cần nâng cao hơn nữa về quy mô và chất lượng. Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, Cục nghệ thuật biểu diễn, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật, Nhà hát liên quan tiếp tục chú trọng nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc cổ điển thính phòng; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ tài năng, nhất là các tài năng trẻ của loại hình nghệ thuật âm nhạc cổ điển thính phòng.

GS, TS, NSND Giảng viên cao cấp Ngô Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu đánh giá Cuộc thi

Phát biểu đánh giá, tổng kết 2 Cuộc thi, GS, TS, NSND Giảng viên cao cấp Ngô Văn Thành, Nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết, đối với phần thi độc tấu Piano, lực lượng thí sinh đến từ hai cơ sở đào tạo là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM khá đồng đều và đã có những tài năng xuất sắc. Trong đó, bảng B Piano được đánh giá là bảng mạnh, có nhiều thí sinh vượt trội cả về trình độ, kỹ thuật và kỹ năng trình diễn; bảng C cũng có những tiến bộ vượt bậc, với những tác phẩm lớn, có quy mô lớn, tính học thuật chuyên nghiệp cao, đòi hỏi các em phải có tư duy chuẩn mực của trình độ quốc tế.

Với phần thi Violon, ưu điểm nổi bật là đã thể hiện được tính chuyên nghiệp trong diễn tấu, bao gồm độ chuẩn xác về âm chuẩn, sự truyền cảm của tiếng đàn, phong cách trình diễn, tính hấp dẫn, lôi cuốn, thể hiện được cá tính và cảm xúc đặc biệt. Tuy nhiên, với phần thi hòa tấu, hội đồng nghệ thuật cho rằng chất lượng biểu diễn của các nhóm trong bảng A còn một số điểm chưa đạt yêu cầu về chất lượng.

Đối với cuộc thi thanh nhạc thính phòng-nhạc kịch-hợp xướng, các thí sinh đã mang đến những tác phẩm rất đúng với quy chế dự thi. Những tác phẩm tự chọn của tác giả nổi tiếng thế giới được các thí sinh thể hiện khá tốt, những tác phẩm của Việt Nam cũng được các thí sinh biểu diễn với chất lượng như những tác phẩm nước ngoài. Song, ở một số tiết mục dự thi, phần đêm piano chưa nâng được tầm tác phẩm, chưa có những phần đệm hay, chuẩn mực cho tác phẩm Việt Nam, đôi khi còn làm giảm hiệu quả. “Phải nói rằng, tính chuyên nghiệp của cuộc thi hát thính phòng-nhạc kịch-hợp xướng đã được yêu cầu cao hơn so với những cuộc thi trước, chất lượng hát cổ điển cũng được nâng cao hơn và đặc biệt, đã có những gương mặt giọng ca tài năng mới”- GS, TS, NSND Ngô Văn Thành nhấn mạnh.

Ban Tổ chức trao giải Ba cho các thí sinh

Từ cuộc thi, hội đồng nghệ thuật đề xuất cần có những kế hoạch dài hơi để đầu tư cho bồi dưỡng, đào tạo những tài năng biểu diễn âm nhạc thính phòng; có kế hoạch sắp xếp lịch thi hợp lý hơn; cố gắng đưa quy chế tổ chức chấm thi theo chuẩn mực quốc tế; và nên có thêm những cuộc thi Mùa thu, hát Thính phòng-Nhạc kịch-Hợp xướng mở rộng với yếu tố quốc tế để sự nghiệp chăm sóc, đào tạo tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam cập nhật theo trình độ thế giới.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 43 giải thưởng cho các thí sinh có tiết mục dự thi xuất sắc.

Cụ thể, ở nội dung độc tấu Piano: Bảng A có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba; Bảng B có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba; Bảng C có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba.

Nội dung độc tấu Violon: Bảng A có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba; Bảng B có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì.

Nội dung thi hòa tấu: Bảng A có 2 giải Nhì; Bảng B có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba.

Nội dung thi hát thính phòng-nhạc kịch-hợp xướng: Bảng A có 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba; Bảng B có 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 2 giải dành cho người đệm đàn piano hay nhất.

Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo và các thí sinh chụp ảnh lưu niệm tại Lễ trao giải

NGỌC BÍCH

 

 

;