Trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 tại Kon Tum, các nghệ nhân đến từ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã tái hiện Lễ cúng Chiêng truyền thống của người K’Ho S’rê.
Cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và Chiêng của người Mạ, người K’Ho, người Churu, người M’Nông nói riêng không chỉ là nhạc cụ mà nó còn là một khí cụ linh thiêng; đồng bào tin rằng trong mỗi cái Chiêng đều có thần. Chiêng càng cổ xưa thì sức mạnh của thần càng lớn. Âm thanh của Chiêng được xem là ngôn ngữ kỳ diệu để con người giao cảm với thần linh. Thần Chiêng có thể bảo hộ, trợ giúp cho con người được giàu sang, hạnh phúc… nhưng cũng sẽ giận dữ, trừng phạt con người khi xúc phạm đến thần Chiêng. Vì thế, đối với đồng bào Tây Nguyên nói chung và đồng bào Mạ, K’Ho, Churu, M’Nông nói riêng, bất cứ lễ hội nào dù lớn hay nhỏ muốn có tiếng Chiêng, muốn thần về dự đều phải làm lễ cúng chiêng trước khi mở hội.
Lễ cúng Chiêng truyền thống của người K’Ho S’rê tỉnh Lâm Đồng gồm phần Lễ và phần Hội do Già làng K’Thế - thôn Bồ Liêng, thị trấn Định Văn, huyện Lâm Hà làm chủ lễ, Dàn chiêng 6 và đội nghệ nhân phụ lễ.
Nghi lễ cúng xin Hạ Chiêng
Trong các lễ hội nông nghiệp, đồng bào dân tộc K’ Ho trước khi tổ chức lễ bao giờ cũng làm nghi thức Lễ cúng Chiêng để xin Yàng cho hạ dàn Chiêng xuống. Lễ vật thường có cá khô, muối, gạo, xôi nếp, gà và trái cây. Trong nghi thức lễ luôn có tục lệ hiến sinh để tạ ơn Yàng, vào những năm được mùa làm lễ lớn thì hiến sinh bằng trâu, nhỏ hơn thì hiến sinh bằng dê hoặc gà.
Mở đầu nghi thức lễ, Già làng xuất hiện tại cây nêu trung tâm, thành kính khấn Yàng xin thần linh cho buôn làng tổ chức lễ hội: Hỡi lũ làng sau một năm vất vả với cái nương cái rẫy, hôm nay lúa đã chất đầy kho, rượu cần đã đến ngày khai ché. Chúng ta cùng hội tụ về đây để tạ ơn Yàng và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận, gió hòa, cho cái nương cái rẫy tốt tươi lúa trên nương trĩu hạt, cho đàn heo nhiều như con kiến đen, cho đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. Hỡi lũ làng! Chúng ta cùng về đây mở hội.
Sau lời khấn, Già làng thổi 3 hồi tù và kêu gọi lũ làng về dự hội. Sau tiếng tù và, lũ làng từ 4 phía cùng hội tụ về cây nêu trung tâm khu vực Lễ, đứng tạo thành một vòng cung xung quanh cây nêu. Già làng khấn Yàng: Hỡi thần Chiêng linh thiêng! Đang ngụ trong các Chiêng to, Chiêng nhỏ; Chiêng mẹ, Chiêng con; Buôn làng có cái ăn, cái để; Biết nói, biết nghe, biết làm theo điều phải. Nhờ ơn thần Chiêng, xin cảm ơn thần và mời thần về dự hội cùng buôn làng. Hôm nay buôn làng mở hội chào đón bạn bè từ các tỉnh vùng Tây Nguyên về dự Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch các DTTS vùng Tây Nguyên lần thứ 1 - Kon Tum năm 2023 sẽ có trâu tế lễ, có rượu cần ngon để cúng Yàng. Xin thần cho hạ dàn Chiêng xuống và đánh lên vang dậy núi rừng, rộn rã lòng người, tưng bừng lễ hội.
Sau khi hoàn thành phần cúng, Già làng truyền Chiêng cho các chàng trai
Sau khi khấn Yàng xong, Già làng làm lễ hiến sinh xin cho hạ dàn Chiêng xuống. Vật hiến sinh là một con gà trống. Già làng cắt cổ gà, bôi máu gà lên cây Nêu và lên trán các chàng trai, cô gái, cầu cho mọi người sức khỏe, bình an. Già làng tiếp tục dâng rượu cần mời các thần linh đổ rượu lên cây Nêu và các mặt Chiêng. Già làng dùng máu gà bôi lên thân cây Nêu, các mặt Chiêng, ché rượu cần và lên trán của tất cả những người dự hội cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và may mắn đến với tất cả mọi người.
Cồng chiêng rất quan trọng và gần gũi với đồng bào Tây Nguyên, đi cùng đồng bào suốt cuộc đời từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc nhắm mắt xuôi tay về với các Yàng, đặc biệt là Cồng Chiêng không thể thiếu trong các lễ nghi nông nghiệp và trong những sự kiện mừng vui của đồng bào.
Già làng cho hạ từng chiếc Chiêng xuống và trao cho 6 chàng trai. Các chàng trai tấu Chiêng bài “Chào mừng quan khách”, các cô gái múa xung quanh cây Nêu.
Tiếng Chiêng nhỏ, Chiêng to; Cồng con, Cồng mẹ, hòa vào nhau; Như mưa, như gió; Lúc nghe nhẹ như nước chảy; Lúc nghe êm dịu như gió chiều; Lúc nghe ầm ầm như thác đổ; Như sấm rền tháng 8; Như mưa sa tháng 10; Đánh to tiếng Chiêng luồn vào rừng sâu, bỏ lên núi cao; Đánh chậm tiếng Chiêng, trườn lên đồng cỏ; Thú rừng quên ăn, quên uống, ngẩng đầu nghe tiếng Chiêng.
Đấu Chiêng trong buổi Lễ
Phần hội của Lễ cúng Chiêng được mở đầu bằng tiết mục đấu Chiêng (Ching Yo). Trong những dịp lễ hội, khi men rượu cần đã ngấm sâu vào mỗi người thì chính là lúc các chàng trai thử tài đánh Chiêng để chiếm lấy trái tim của các cô gái. Các chàng trai dùng nghệ thuật đánh Chiêng của mình để ép đối phương không đánh Chiêng được, giành chiến thắng và phần thưởng là những ly rượu cần cùng những nụ cười ngọt ngào của các cô gái K’Ho. Kết thúc buổi lễ là tiết mục hát dân ca Pép Tu Jun - Linh Leo.
Cuộc vui cứ thế diễn ra với men rượu cần càng lúc càng sâu, tiếng Chiêng càng lúc càng vang xa, tiếng khèn, giọng hát càng lúc càng ngọt ngào để các Yàng càng thêm vui và phù hộ cho dân làng sức khỏe và những mùa vụ bội thu.
HỒNG VÂN - Ảnh: TUẤN MINH