NHÀ SÀN CỦA NGƯỜI SÁN CHỈ Ở PHÚ LƯƠNG, THÁI NGUYÊN

Trong bối cảnh hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số đang chuyển hướng sang làm các loại nhà hiện đại, nhất là những vùng thấp, gần thành thị, xu hướng này diễn ra ngày càng nhanh chóng. Cộng đồng người Sán Chỉ tại Phú Lương cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trải qua quá trình phát triển và tiếp biến những yếu tố từ các cộng đồng khác, ngôi nhà sàn của người Sán Chỉ có nhiều biến đổi. Sự thay đổi này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau đã làm mất đi tính truyền thống vốn có của ngôi nhà sàn. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải tiến hành nghiên cứu, xây dựng tư liệu về nhà của người Sán Chỉ một cách hệ thống, cung cấp luận cứ khoa học để đưa ra những biện pháp bảo tồn, gìn giữ loại hình nhà sàn truyền thống cũng như bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.

1. Cấu trúc ngôi nhà sàn của người Sán Chỉ

Người Sán Chỉ ở Việt Nam là một trong 2 nhóm hợp thành của tộc Sán Chay (bao gồm Cao Lan và Sán Chỉ), với 169.410 người có mặt tại 58 tỉnh thành trong cả nước. Theo gia phả của các gia đình họ Nịnh, Vi, Hoàng còn lưu giữ được, thì người Sán Chỉ có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tuy nhiên, những gia phả này lại không ghi chép cụ thể về mốc thời gian, vì thế thời điểm họ đến huyện Phú Lương cư trú không thể đoán định chính xác. Căn cứ vào lời kể của một số người Sán Chỉ, tổ tiên họ đến Phú Lương khoảng gần 200 năm trước, vào đầu TK XIX dưới thời Gia Long (1802 - 1819) hoặc Minh Mạng (1820 - 1840).   Đồng bào Sán Chỉ ở huyện Phú Lương sống tập trung thành từng bản, mỗi bản khoảng vài chục nóc nhà. Họ thường định cư ở chân núi, những nơi có gò đồi thấp để làm nương rẫy, có thung lũng để canh tác ruộng nước. Do vậy, các bản Sán Chỉ thường là nơi đất đai màu mỡ, gần nguồn nước để thuận tiện cho sinh sống và canh tác.

Nhà cửa của người Sán Chỉ thường dựng liền kề nhau và sắp xếp theo địa thế của đất. Trong bản có đường đi lối lại nối các nhà với nhau. Quanh nhà trồng nhiều chè và cây ăn quả.

Nhà sàn của người Sán Chỉ có cấu tạo bộ khung khá đơn giản. Các hàng cột ngang (cột ngăn gian) được trụ vững nhờ ba liên kết: kèo, dầm, chôn chân. Nguyên vật liệu để làm nhà có sẵn trong tự nhiên như gỗ, tre, nứa, lá cọ… Có hai dạng nhà là nhà có cột chống nóc và nhà không có cột chống nóc. Người Sán Chỉ quan niệm cây cột rất thiêng liêng, cao cả, nó như là cột trụ vững chắc thể hiện sự ngay thẳng, khỏe mạnh của con người. Do chưa có kỹ thuật làm mộng thắt nên xà, dầm đều được xuyên qua thân cột bằng các lỗ mộng trơn.

Cầu thang của ngôi nhà sàn người Sán Chỉ thường đặt ở đầu hồi và mang số lẻ. Trên sàn đặt một thúng cám thờ thần chăn nuôi. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở đầu nhà nhìn ra phía cửa. Cạnh bàn thờ tổ tiên, phía bên trái hoặc bên phải góc nhà là bàn thờ ma hay hương hỏa. Một số nhà có thêm bàn thờ Phật. Những nhà có trẻ nhỏ thì có thêm bàn thờ mụ đặt ở góc buồng.

Kết cấu ngôi nhà sàn khá đơn giản, nhìn chung đều rất cao, phần mái đưa ra tránh giọt gianh gần như phủ đến tầm sàn. Thông thường trong nhà được bài trí theo thứ tự: từ cầu thang lên bước vào một khoảng sàn nhỏ làm bằng tre để đựng nước và một số đồ dùng sinh hoạt. Phần sàn chính cao hơn một chút, là mặt bằng sinh hoạt chính của gia đình. Dọc theo hai bên nhà được sắp xếp nơi ngủ cho cả gia đình, phía bên trên là nơi uống nước và nơi ngủ của bố và con trai, phía bên dưới nơi con gái, con dâu ngủ được quây thành buồng bằng phên liếp.

Hiện nay, nhà sàn của người Sán Chỉ có nhiều thay đổi. Những gia đình khá giả làm nhà sàn bằng gỗ quý, lợp ngói, vách bưng bằng gỗ, sàn gỗ, sàn phơi được thay bằng nền bê tông.

2. Giá trị văn hóa ngôi nhà sàn của người Sán Chỉ

Ngôi nhà sàn không chỉ là nơi trú ngụ của người Sán Chỉ mà còn là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa, tâm linh, thể hiện sự thích nghi và hòa nhập giữa con người với môi trường tự nhiên, mang tính nhân văn sâu sắc.

 Phản ánh trình độ kỹ thuật của tộc người

Kỹ thuật làm nhà của đồng bào Sán Chỉ chưa đạt đến trình độ cao như người Việt, Tày trong vùng. Điều này thể hiện ở nhiều phương diện nhưng dễ nhận thấy nhất là ở bộ vì và trang trí mỹ thuật trong ngôi nhà. Kỹ thuật tạo vì của người Việt đã đạt đến đỉnh cao với nhiều kiểu vì như giá chiêng, chồng rường... có chạm khắc hoa văn tinh tế thường bắt gặp trong các ngôi đình, chùa. Các bộ phận trong bộ khung nhà được liên kết với nhau bằng hệ thống mang mộng phức tạp. Trong khi đó bộ vì phổ biến của nhà sàn Sán Chỉ là vì, kèo có cấu trúc giản đơn, chỉ đục lỗ ở cột và xuyên qua, không trang trí, chạm khắc hoa văn. Bởi vậy, kỹ thuật làm nhà của người Sán Chỉ trước khi tiếp thu kỹ thuật của các tộc người khác còn hạn chế. Tuy nhiên, giá trị của nhà sàn Sán Chỉ mang tính thực dụng trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, sẵn có trong tự nhiên để làm nhà. Tính thẩm mỹ của nhà sàn Sán Chỉ thể hiện ở sự hài hòa, cân đối giữa ngôi nhà với khung cảnh và môi trường xung quanh. Từ việc chuẩn bị vật liệu, tính toán các bộ phận và quy trình dựng nhà có thể thấy được sự khéo léo và thích ứng tối đa với môi trường tự nhiên. Bằng những dụng cụ thô sơ và nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên họ đã tạo nên nơi trú ngụ lý tưởng của mình. Dù các bộ phận chỉ được chế tác bằng tay, ước lượng bằng mắt, đo bằng nắm tay, cùi tay, cái que, con dao... nhưng lại được liên kết với nhau rất ăn khớp và vững chắc. Các số đo về độ cao, kích thước của nhà sàn Sán Chỉ thường vừa tầm với người sống trong đó.

Phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội

Thông qua cấu trúc nội, ngoại thất của nhà sàn Sán Chỉ có thể thấy được tính đa chức năng của nó. Ngôi nhà vừa là nơi ở của con người, vừa là nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm, kho cất giữ lương thực, thực phẩm cùng các loại công cụ lao động. Trên sàn là nơi diễn ra sinh hoạt của con người từ sinh hoạt hàng ngày, các hoạt động liên quan đến chu kỳ đời người, hay những hoạt động kinh tế như dệt vải, đan lát, chế biến lương thực, thực phẩm... Bên ngoài nhà là vườn tược, đồi cây, ao cá lưu niên... mà ở đó người ta tự đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu trong đời sống.

Từ năm 1986 trở lại đây, do tác động của nền kinh tế mở, nhà sàn đã có nhiều biến đổi về mặt chức năng. Hầu hết những ngôi nhà sàn không nuôi nhốt trâu bò dưới gầm sàn mà làm chuồng ở bên ngoài. Một số nghề thủ công truyền thống không còn được duy trì như dệt vải, đan lát... Mặc dù vậy, những dấu vết của nền kinh tế tự cung tự cấp vẫn còn hiện diện trong ngôi nhà sàn Sán Chỉ. Quanh nhà vẫn là đồi bãi, rừng cây mà ở đó họ trồng cây ăn quả, rau... Nguồn lương thực, thực phẩm vẫn được họ chủ động sản xuất phục vụ cho gia đình. Trong nhà vẫn luôn bố trí không gian cất trữ lương thực. Những ngày lễ tết ở nhiều gia đình người Sán Chỉ vẫn duy trì việc làm bún, làm bánh, nấu rượu.

Phản ánh đời sống văn hóa và các mối quan hệ xã hội

Nhà sàn Sán Chỉ không chỉ là nơi diễn ra sinh hoạt hàng ngày mà còn là nơi diễn ra các buổi gặp gỡ, sinh hoạt mang tính cộng đồng như dịp lễ tết, cưới xin, ma chay... Trong tâm thức người Sán Chỉ, ngôi nhà sàn có giá trị tinh thần thiêng liêng, nơi hội tụ những giá trị văn hóa của đồng bào. Không chỉ là nơi ở, nhà sàn Sán Chỉ được coi như là trường học để giáo dục con cháu về cách làm ăn sinh sống, ứng xử với tự nhiên và xã hội...

Phản ánh mối quan hệ của con người với môi trường tự nhiên

Hình dáng ngôi nhà sàn thể hiện sự thích nghi của người dân với địa hình cư trú. Nơi đây là vùng đồi núi thuộc phần cuối của cánh cung Ngân Sơn, có độ cao vừa phải, ngoài một số núi đá vôi là các thung lũng nhỏ, đồi núi thấp với nhiều dòng sông, suối nhỏ xen kẽ. Địa hình không bằng phẳng, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều cùng với thảm thực vật phong phú, đa dạng. Sống trên nhà sàn cao ráo giúp họ tránh được thú dữ, vừa chịu được khí hậu nóng ẩm vừa chống được rét, lũ lụt.

Ngôi nhà sàn là sản phẩm từ tự nhiên, nên có mối quan hệ mật thiết, phụ thuộc vào tự nhiên. Khi tự nhiên biến đổi thì nguyên liệu làm nhà sàn cũng biến đổi theo. Trước đây, khi nguồn tài nguyên rừng còn dồi dào thì đa số người Sán Chỉ đều làm nhà sàn. Nhưng khi nguồn tài nguyên cạn kiệt, họ buộc phải tìm đến các loại nguyên vật liệu khác, thậm chí các loại nhà khác… Điều này phản ánh mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại giữa con người và tự nhiên. Đời sống kinh tế và sinh hoạt của con người đều phụ thuộc vào tự nhiên. Trong khung cảnh tự nhiên trung du miền núi phía Bắc cùng với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhà sàn của đồng bào Sán Chỉ chính là sự thích nghi tối đa với điều kiện địa hình, thời tiết và nền kinh tế nông nghiệp. Như vậy, ngôi nhà sàn và những tri thức có liên quan đến nó thể hiện mối quan hệ mật thiết, phụ thuộc của đồng bào với tự nhiên nơi đây.

Phản ánh bản sắc tộc người và quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa

Đặc trưng của nhà sàn Sán Chỉ được thể hiện ở ba phương diện chính: quan niệm về ngôi nhà, cấu trúc và bố trí mặt bằng sinh hoạt, không gian thờ cúng.

Về quan niệm, người dân coi ngôi nhà như con trâu thần khỏe mạnh, che chở cho các thế hệ người Sán Chỉ. Các bộ phận tạo thành ngôi nhà tượng trưng cho các bộ phận của con trâu thần. Trong đó, dậu cám (thúng cám) đặt trên nhà sàn là dạ dày con trâu thần, nơi thờ thần chăn nuôi, mọi vật sẽ bám vào đó để sinh sống. Dù dạng thức, cấu trúc nhà có thay đổi, cải biến tới đâu thì họ vẫn giữ thúng cám lại. Về cấu trúc, bố trí không gian sinh hoạt có nhiều nét đặc thù. Quy định của đồng bào Sán Chỉ về khu vực sinh hoạt của từng đối tượng trong gia đình mang tính chặt chẽ, mọi người tuân theo một cách tự giác. Không gian thờ cúng cũng là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc của nhóm người Sán Chỉ.

Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, khi có đoàn người Kinh đầu tiên di cư lên mới thấy có sự tiếp thu, biến đổi về mặt công cụ và kỹ thuật. Sau đó là sự thay đổi về dạng thức nhà, từ nhà sàn chuyển dần xuống nhà trệt. Khoảng chục năm trở lại đây, do quá trình giao lưu, hội nhập diễn ra mạnh mẽ đã làm cho số lượng nhà sàn sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, nhà sàn có xu hướng biến đổi mạnh về nguyên vật liệu, cấu trúc và sinh hoạt theo phong cách mới. Bên cạnh việc tiếp thu nguồn nguyên liệu mới, đồng bào Sán Chỉ đã tiếp thu kỹ thuật làm nhà qua việc cải tiến công cụ, kỹ thuật làm mộc và dựng nhà.

Ngôi nhà là cái vỏ của vật chất, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống và quý báu của đồng bào Sán Chỉ. Ngôi nhà còn là nơi phản ánh nếp sống gia đình cùng các mối quan hệ xã hội của họ. Nhà sàn Sán Chỉ dù đơn sơ, mộc mạc nhưng lại phản ánh được trình độ kỹ thuật, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa và các mối quan hệ xã hội, mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, bản sắc tộc người và quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Trước ảnh hưởng của các trào lưu, sự du nhập của nhiều nền văn hóa mới cần giữ vững giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời phải chọn lọc, tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa khác để làm giàu thêm cho nền văn hóa cộng đồng Sán Chỉ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : ĐÀO THỊ BÍCH NGUYỆT

;