1. Đôi nét về loại hình du lịch homestay tại làng nghề truyền thống
Làng nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch đặc thù nhằm đáp ứng nhu cầu thỏa mãn sự tò mò, hiểu biết về nghề, cuộc sống của người dân làm ra các công cụ lao động, thành phẩm để phục vụ chính cuộc sống mưu sinh của mình. Du lịch homestay chính là loại hình du lịch tìm hiểu giá trị văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ, lưu truyền, bảo tồn như là một sản phẩm du lịch, một điểm đến lý tưởng phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Muốn đưa làng nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch homestay, nó phải đạt đủ các tiêu chí của một làng nghề đòi hỏi phải nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm của làng nghề, sản phẩm của làng nghề có độc đáo khác với sản phẩm thông thường khác hay không. Bất cứ sản phẩm du lịch đều phải thỏa mãn nhu cầu dịch vụ hoặc nhu cầu hiểu biết của con người về làng nghề đó. Theo Luật Du lịch Việt Nam: “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch”(1).
Để đưa làng nghề thành một trong những điểm tham quan hoặc điểm đến lý tưởng cho du khách đòi hỏi nơi đó phải có tài nguyên du lịch đủ hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách khi họ muốn đến thưởng ngoạn, tham quan. Do đó, để quy hoạch làng nghề trở thành sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn, đòi hỏi có chính sách và chiến lược phát triển của các cơ quan ban ngành, sự nỗ lực của chính các hộ gia đình được chọn làm loại hình du lịch homestay. Đặc biệt, những người làm hướng dẫn cũng như các cơ quan đoàn thể của huyện đảo Phú Quốc phải một lòng nhất trí để cùng xây dựng, quy hoạch các làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới.
Du lịch làng nghề là khách du lịch muốn chia sẻ các hoạt động trong cuộc sống thường nhật của một làng nghề, hoặc của các thôn bản, và các làng nghề thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động du lịch. Dân làng cung cấp các dịch vụ ăn ở, nhà trọ cho khách nghỉ ngơi qua đêm, dịch vụ tham gia cùng người dân để làm những công việc thường nhật, được người dân chia sẻ kinh nghiệm làm việc, cuộc sống, văn hóa, phong tục tập quán của gia đình, dòng họ, của người dân làng bản mà du khách đến du lịch. Mỗi một vùng quê có những loại hình du lịch cộng đồng khác nhau như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa bản làng các dân tộc, du lịch làng chài ven biển, du lịch làng nghề truyền thống ở các vùng nông thôn đồng bằng, ven biển, miền núi… dựa trên những tiềm năng du lịch sẵn có cũng như những tiềm năng du lịch do chính người dân nơi đó tạo dựng nên qua thời gian.
Hiện nay, tại huyện đảo Phú Quốc có các loại hình du lịch homestay tại làng nghề truyền thống bao gồm làng nghề làm nước mắm, làm rượu vang sim, chài lưới, trồng hồ tiêu, nuôi cấy ngọc trai lấy ngọc, nuôi chó đua Phú Quốc đã và đang đưa vào khai thác du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động này còn mang tính đơn lẻ, không nhất quán, đồng bộ theo các tuyến điểm du lịch nên chưa thực sự mang lại nguồn lợi cho người dân bản địa. Do đó, việc quy hoạch làng nghề truyền thống thành làng nghề phục vụ du lịch homestay mang lại công ăn việc làm, tạo doanh thu cho người dân địa phương, chính quyền và các công ty du lịch lữ hành, đáp ứng sự mong mỏi, yêu thích của cả khách du lịch quốc tế và nội địa đang trở thành vấn đề nóng trong việc phát triển du lịch bền vững của đảo Phú Quốc từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
2. Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch homestay
Đối tượng khách
Đối tượng khách du lịch homestay là khách du lịch nội địa và quốc tế. Họ là những người muốn trải nghiệm chính bản thân qua từng công việc để thấy được sự khổ cực, khó khăn khi người dân làm ra những sản vật bán cho mình thưởng thức. Đối tượng khách du lịch mục tiêu rõ ràng, có thể là những nhà khoa học, học sinh sinh viên, chuyên gia khoa học, thương nhân, hoặc những người dân bình thường muốn trải nghiệm, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ đời sống thường nhật của người dân nơi họ đến.
Cơ sở lưu trú
Thông thường, du khách có điều kiện ở cùng chung với chủ nhà để trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm sinh hoạt thường nhật của gia chủ. Du khách có thể ngủ trên những chiếc giường gỗ cổ, hoặc giường tre, hoặc giường được làm bằng những vật liệu khác mà gia chủ đã sử dụng nhiều năm. Màn, mùng, gối, chiếu hoặc nệm phụ thuộc vào loại phòng ở của gia đình và giá cả của tour trải nghiệm cao hay thấp. Được sống, làm việc, ăn, ở như người nhà của gia chủ nên không có nhiều sự khác biệt, du khách sẽ tìm hiểu về cách trang trí trong nhà, cách bày biện các vật dụng, sự phân bố khu vực để đồ dùng thường ngày và một số đồ gia dụng của gia đình sinh hoạt hàng ngày.
Gia chủ sẽ giải thích về sự ra đời của ngôi nhà, ai là người làm nhà và mình là đời thứ bao nhiêu được quyền quản lý ngôi nhà do tổ tiên để lại, số năm xây dựng, trùng tu bao nhiêu lần, hoa văn họa tiết trong các câu đối, hoành phi, liễng được treo trong nhà, và gian thờ tổ của gia đình có ý nghĩa ra sao đối với gia đình và mọi người…
Dịch vụ ăn uống
Du khách được cùng với gia chủ làm các món ăn gia đình vào buổi trưa hoặc buổi tối. Gia chủ sẽ hướng dẫn và giải thích về cách chọn nguyên liệu, cách chế biến, cách nấu, nêm nếm gia vị cho từng món ăn, thời gian nấu mỗi một món ăn là bao lâu, cách bày biện món ăn trên bàn, đĩa như thế nào. Đồng thời, gia chủ cũng giới thiệu về giá trị ý nghĩa văn hóa trong từng món ăn, sự gửi gắm tình cảm của người làm ra những món ăn truyền thống, mang đậm nét văn hóa của địa phương, của người chế biến. Đồng thời, du khách với gia chủ sẽ cùng nhau làm ra món ăn ngon cho mọi người cùng thưởng thức. Hơn nữa, gia chủ sẽ giải thích về cách ăn và cách thưởng thức các món ăn, cách chọn địa điểm ăn, thời gian ăn, sự kết hợp giữa các món ăn và đồ uống, những câu chuyện được kể trong bữa ăn…
Đối với hoạt động hướng dẫn trải nghiệm
Nguồn nhân lực hướng dẫn tại các làng nghề truyền thống chính là những hướng dẫn viên tại điểm du lịch. Trong mỗi hộ gia đình được khai thác loại hình du lịch homestay cần thiết phải có ít nhất một người giỏi về ngoại ngữ, phong tục tập quán, lễ nghi, nguồn gốc của ngôi nhà, hướng dẫn, chỉ dẫn và cùng làm với du khách về các sản vật được làm ra tại mỗi hộ gia đình. Người hướng dẫn phải am hiểu nghề, am hiểu công việc mình hướng dẫn, biết ngôn ngữ nước ngoài để truyền đạt và hướng dẫn du khách làm theo một cách tốt nhất. Du khách sẽ được trải nghiệm sự độc đáo ở các làng nghề khác nhau như:
Nghề trồng tiêu: du khách được hướng dẫn chọn giống, phân biệt giống tiêu, thời gian trồng, thời gian thu hoạch, diện tích của mỗi hố tiêu khi trồng ban đầu, quy định đặt hom và dây leo với chiều cao, rộng của cây làm giá đỡ cho cây hồ tiêu leo, quy trình chăm sóc từng loại cây theo sự tăng trưởng qua năm tháng của hồ tiêu, loại phân và thuốc trừ sâu để chăm sóc hồ tiêu, quy trình tưới nước, cách thức thu hoạch và bảo quản, thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Nghề đánh bắt, nuôi hải sản: du khách đến với làng chài Hàm Ninh sẽ được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của một ngư dân đánh bắt hải sản trên biển khơi vào ban ngày, câu mực vào ban đêm, hoặc được làm công việc của một người dân làng chài không đi biển ở nhà may vá lưới hoặc đan lưới mới, những công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu, chất liệu để làm thuyền thúng; hoặc công việc của người dân làm đồ lưu niệm... Đó là những công việc thường nhật của người dân nơi đây mà mỗi du khách đều được trải nghiệm và tăng thêm vốn sống của mình, hiểu và thông cảm cho cuộc sống của người dân làng chài ven biển.
Nghề nuôi ngọc trai: du khách được giới thiệu về lịch sử ra đời của nghề nuôi ngọc trai ở đảo đã có từ hơn 20 năm, thị trường tiêu thụ ngọc trai, chất lượng ngọc trai tại các nhà dân, xưởng chế tác, nuôi, cấy ngọc trai. Đến nay, vẫn chưa nơi nào nhận làm loại hình du lịch homestay về nghề này do nhiều nguyên nhân. Do vậy, du khách chỉ được tham quan, nghe hướng dẫn về quy trình nghề nuôi cấy trai, cách lấy ngọc, cho trai ăn, đến khi tách con trai lấy ngọc ra như thế nào, cách chế tạo ra các sản phẩm chuỗi ngọc trai, vòng cổ hoặc vòng đeo tay, nhẫn đeo tay, bông tai, lắc tay, nút áo, khảm lên đồ gỗ. Rồi ngọc trai có thể phối hợp với các vị thuốc chữa bệnh kinh phong, giúp an thần, giải độc, làm tan màng mây ở mắt, chế biến thành thuốc chữa bệnh xương, khớp, da, thậm chí dùng trong mỹ phẩm làm sáng da mặt và những sản phẩm khác... Đây là những công đoạn mà người dân làm nghề ngọc trai có thể kể và hướng dẫn tại điểm tham quan trong thời gian ngắn, du khách không thể có thời gian trải nghiệm làm từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng cho ra những sản vật đẹp nhất được bày bán trên thị trường.
Nghề làm rượu vang từ trái sim: du khách sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm qua các công đoạn như đi hái trái sim rừng, trồng cây sim trong những khu rừng quy hoạch, kỹ thuật lên men và ủ, quy trình đóng chai và dán mác, nghiên cứu thị trường tiêu thụ, đối tượng khách mua cho từng loại rượu sim khác nhau.
Nghề làm nước mắm: du khách sẽ được tham gia vào quy trình làm ra những giọt nước mắm ngon, có vị mặn, ngọt và hương vị của mỗi loại cá, nguồn nguyên liệu là các loại cá cơm nào, được lấy từ đâu, phơi cá, chọn thùng để ướp cá, kỹ thuật ướp cá tỷ lệ với muối, thời gian ướp cá để cho ra những giọt nước mắm nhĩ, cách thức dùng loại thùng nào để lấy nước mắm nhĩ, cách bảo quản nước mắm theo từng nồng độ đạm, quy trình đóng chai, nhãn… giá cả của mỗi loại nước mắm, thị trường tiêu thụ và thời gian từ khi đánh bắt cá đến khi ra những chai nước mắm ngon, nguyên chất. Đây là cả một quá trình trải nghiệm của du khách.
Nghề nuôi chó săn và chó đua: hướng dẫn du khách về kinh nghiệm chọn giống chó để thuần dưỡng, giống chó khôn, nhanh nhẹn và đẹp trong các loại chó đang nuôi ở Việt Nam và một số nước trên thế giới. Du khách muốn tham gia loại hình du lịch này đòi hỏi phải am hiểu về các giống chó trong và ngoài nước. Để khai thác loại hình du lịch homestay đối với nghề nuôi chó săn và chó đua, cần phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể cho việc phát triển các loại hình sản phẩm kèm theo như chỉ cho du khách cách nuôi thuần dưỡng các loại chó dữ, chó săn. Hơn nữa, các hộ gia đình còn hướng dẫn, tập huấn cách chăm sóc chó kiểng, chó đua, cách thức điều khiển, bình luận về tốc độ nhanh chậm, và tính vượt trội trong mỗi chặng đua của các chú chó trên đường đua.
Giá cả dịch vụ du lịch homestay
Giá cả mỗi loại hình du lịch homestay tại các làng nghề truyền thống khác nhau phụ thuộc vào: chương trình tour du khách mua, lộ trình, số ngày nghỉ, địa điểm của làng nghề; tính đặc thù của làng nghề truyền thống, loại nhà, trang thiết bị nhà ở phụ thuộc vào đối tượng khách du lịch; phong tục tập quán, lịch sử lâu đời của gia đình, về kiểu loại nhà ở truyền thống, nghề nghiệp phục vụ cho du khách, khả năng khai thác dịch vụ du lịch homestay để đem lại cho du khách sự trải nghiệm tốt nhất; dịch vụ ăn uống và sự trải nghiệm trong nấu ăn theo các món ăn địa phương và truyền thống gia đình; dịch vụ trải nghiệm đời sống thường nhật của gia đình có sự tham gia của du khách; dịch vụ vận chuyển và các dịch vụ khác.
3. Giải pháp nhằm phát triển loại hình du lịch homestay tại các làng nghề truyền thống huyện đảo Phú Quốc
Quy hoạch lại tổng thể các làng chài truyền thống hiện có của huyện, nằm ở xã nào, khoảng cách giữa các làng nghề là bao xa, cơ sở vật chất kỹ thuật, số hộ dân đủ điều kiện để khai thác loại hình du lịch homestay.
Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ, cơ sở hạ tầng cho địa phương, cho các hộ gia đình có đủ điều kiện hoạt động du lịch homestay.
Địa phương cần có kế hoạch rà soát lại những hộ nào đạt tiêu chuẩn đầu tư cho vay thêm vốn từ các nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động phát triển du lịch địa phương, hoặc từ các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong và ngoài nước tài trợ. Các cơ quan hoặc cá nhân có những mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài xin tài trợ hoặc đầu tư cho các hộ gia đình, cho địa phương nơi có những làng nghề chài truyền thống, hoặc tự bản thân các hộ gia đình trong khu vực làng chài bỏ vốn ra để đầu tư các sản phẩm du lịch.
Đào tạo chuyên nghiệp cho người dân làng chài bằng chính những người con của làng nghề về cách làm du lịch homestay. Đồng thời, địa phương phải có chính sách đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân lực cho người dân làng chài có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, khả năng ứng xử các tình huống xảy ra khi du khách ở tại nhà.
Các công ty du lịch lữ hành đưa khách đến cần phải có chiến lược xây dựng những quy định, nội quy về giá, sản phẩm du lịch cho người dân, thực hiện và những quyền lợi từ hoạt động du lịch homestay cho người dân.
Thực hiện chiến lược quảng cáo nhằm đưa sản phẩm du lịch homestay đến với du khách trong và ngoài nước thông qua các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch của tỉnh, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành, hệ thống các khách sạn, resort trong và ngoài địa phương. Đồng thời, thông tin loại hình du lịch homestay qua mạng internet của huyện, tỉnh và có thể lập một trang website riêng cho loại hình du lịch homestay làng nghề truyền thống để mọi người có thể truy cập vào xem và đăng ký mua tour. Hơn nữa, sự quảng cáo của chính người dân làng nghề thông qua sự mến khách, đa dạng sản phẩm làng nghề sẽ làm cho du khách quảng cáo đến với người thân của họ một cách hiệu quả nhất.
Hoạt động du lịch homestay trở thành sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống, đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch của Phú Quốc nói riêng và Kiên Giang nói chung. Du lịch homestay từ các làng nghề truyền thống góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế gia đình, đóng góp ngân sách cho huyện đảo và tăng thêm thu nhập bình quân cho người dân làng nghề. Mặc dù, các làng nghề truyền thống nằm rải rác trong các xã ở các đảo khác nhau, nhưng có thể liên kết lại để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, dịch vụ ăn uống, loại hình vui chơi giải trí theo từng tuyến, điểm du lịch với sự đóng góp của các công ty lữ hành, các hãng cung cấp dịch vụ, và cả người dân làng nghề nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù. Để quy hoạch làng nghề, khai thác du lịch homestay, mở rộng thêm tour, tuyến, điểm du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch mới điểm đến hấp dẫn… huyện đảo Phú Quốc phải có chiến lược phát triển, khai thác, sử dụng và quy hoạch đồng bộ các làng nghề trở thành điểm đến, khu, tuyến, sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng bền vững từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
_______________
1. Luật Du lịch Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : NGUYỄN CÔNG HOAN