Những hoạt động quản lý nguồn lực văn hóa thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 đã mở ra nhiều cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của dân tộc, phục vụ nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên, để khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành điểm du lịch hấp dẫn, cần có những chính sách văn hóa phù hợp, tăng cường sự quản lý nguồn lực văn hóa tại cơ sở, phát huy tiềm năng sẵn có để khai thác du lịch một cách hiệu quả.
Thực trạng quản lý nguồn lực văn hóa và phát huy tiềm năng du lịch ở khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào
Thực hiện các chính sách về quản lý và phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), các sở, ban, ngành của tỉnh Tuyên Quang đã có những cố gắng, nỗ lực đưa văn hóa dân tộc hoạt động đúng hướng, bắt kịp thực tiễn phát triển của đất nước. Trọng điểm trong các hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa ở Tuyên Quang chính là thực hiện, triển khai các dự án quy hoạch phát triển khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đến năm 2025 và đưa du lịch trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Tuyên Quang, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào là một tập hợp của 183 điểm di tích nằm trên vùng đất rộng 531km2 của hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt, khu di tích lịch sử Tân Trào đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Hiện tại, khu di tích lịch sử Tân Trào có 3 sản phẩm du lịch chính là văn hóa, sinh thái lịch sử, tâm linh. Điểm dừng chân đầu tiên khi đến khu di tích lịch sử Tân Trào là tại Ban quản lý khu di tích. Đây là đơn vị quản lý các di tích, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản tài liệu, hiện vật gắn với di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của địa phương và cả nước. Trải qua hơn 45 năm, Ban quản lý khu di tích Tân Trào đã có nhiều thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh và phục vụ nhu cầu du lịch ngày càng cao của các tổ chức, cá nhân, nhân dân cả nước.
Đến đây khách tham quan được hướng dẫn bắt đầu từ thôn Tân Lập, nơi tập trung nhiều di tích lịch sử quan trọng của khu di tích Tân Trào như lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào... gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội... Các di tích này đều được đầu tư tôn tạo và dựng bia lưu niệm ghi dấu những hoạt động của các cơ quan thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954.
Bên cạnh những di tích chính nằm trên địa bàn thôn Tân Lập, du khách còn được tham quan cụm di tích văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ (giai đoạn 1948 - 1954), bao gồm các địa điểm chính: lán Hang Boòng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ năm 1949 đến 1952; đình Hồng Thái, nơi dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi rời Pác Pó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; lán Hang Thia, nơi đồng chí Phạm Văn Đồng cùng cán bộ phòng 7 ở và làm việc từ giữa năm 1951 - 1953...
Điểm nhấn hoạt động du lịch ở Tân Trào là lễ hội cầu mùa được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch, mang đậm nghi thức truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Lễ hội cầu mùa được tổ chức gồm 2 phần: phần lễ được tổ chức trang nghiêm và thành kính tại đình Tân Trào với nghi thức rước lễ cúng thành hoàng làng và các vị thần tới quảng trường Tân Trào; phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày như bắt chạch trong chum, leo cầu vồng, đẩy gậy, tung còn, kéo co và hát các làn điệu then, cọi… thể hiện khát vọng của người dân và mang tính giáo dục nhân văn sâu sắc.
Theo lịch trình vào tháng tám hàng năm, tỉnh Tuyên Quang có nhiều sự kiện kỷ niệm, đón các đoàn đại biểu của các bộ, ban, ngành về tri ân nơi khai sinh ra đơn vị, tổ chức của đất nước. Ngoài ra, hàng năm tỉnh Tuyên Quang còn tổ chức Đêm hội thành Tuyên thu hút hàng vạn người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham dự. Sức hút của Đêm hội thành Tuyên đã mở ra cơ hội kết hợp các tour du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với tham quan di tích lịch sử ở Tân Trào. Việc tổ chức các hoạt động này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh con người, các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của quê hương cách mạng, tạo đà thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển.
Sự kiện quan trọng tạo ra cú huých mang tính chiến lược, tạo nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với sự phát triển văn hóa, du lịch ở Tuyên Quang là Quyết định số 2543/QĐ-TTg, ngày 20 - 12 - 2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025. Các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 và đến 2025 đã mở ra những cơ hội để khu di tích tập trung vào các vấn đề bảo tồn, tạo động lực phát triển kinh tế du lịch gắn với việc bảo vệ di tích, môi trường sinh thái và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Cùng với các dự án quy hoạch đầu tư và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Tân Trào đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận là đạt chuẩn nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng và hoàn thiện, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn và tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất.
Đánh giá về công tác quản lý nhà nước, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở địa phương Tuyên Quang trong những năm gần đây cho thấy, cùng với sự phát triển của xã hội, các chính sách, thiết chế văn hóa ở địa phương ngày càng hoàn thiện, hoạt động có hiệu quả, phát huy được chức năng, nhiệm vụ, giữ vững định hướng chính trị, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Nhận thức về văn hóa của nhân dân các dân tộc được nâng lên, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, phát huy được truyền thống gia đình, dòng họ, cộng đồng. Nhiều phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh được sưu tầm, phục dựng… Các di tích lịch sử thường xuyên được tôn tạo và lập hồ sơ khoa học thuận lợi cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, tham quan học tập của du khách. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ...
Công tác tuyên truyền về giá trị của khu di tích được thể hiện trên nhiều kênh thông tin: truyền hình, phát thanh, báo chí, internet… Đặc biệt, Ban quản lý khu du lịch và sinh thái Tân Trào đã xây dựng được một website thông tin điện tử để quảng bá những chương trình, hoạt động của ban, cung cấp thông tin hỗ trợ cho du khách. Đồng thời, thực hiện các cuộc triển lãm về giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, tạo bước đột phá để Tuyên Quang quy hoạch phát triển du lịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nguồn lực văn hóa và phát huy tiềm năng du lịch còn nhiều bất cập: các dịch vụ phục vụ khách du lịch chưa phong phú, còn nghèo nàn. Trong khi đó, du khách chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về các cơ sở cung ứng dịch vụ tại địa phương; công tác phục vụ du khách còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ, chưa giữ chân du khách; hạ tầng giao thông nối các điểm di tích còn hạn chế, không có mạng lưới phương tiện di chuyển cá nhân, nhóm người từ địa điểm này đến địa điểm khác trong khu di tích; đội ngũ hướng dẫn viên còn mỏng và yếu, chất lượng dịch vụ chưa cao, còn mang tính chất thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị; nhiều sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, cắm trại, đi bộ, trú nghỉ tại nhà dân, khám phá làng nghề… chưa được chú trọng phát triển; chưa có hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, đường cáp treo, khu vui chơi giải trí...; người dân địa phương chưa biết cách cung cấp và kinh doanh các dịch vụ du lịch…
Du lịch Tuyên Quang đang trên đà phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, để khai thác du lịch một cách hiệu quả cần có những bước đi cụ thể. Để xây dựng Tân Trào thành điểm du lịch hấp dẫn du khách cần thực hiện các biện pháp thúc đẩy quản lý nguồn lực văn hóa và phát huy tiềm năng du lịch:
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và giáo dục đến từng tổ chức, cá nhân tham gia vào việc quản lý nguồn lực văn hóa, nâng cao ý thức trách nhiệm vào việc bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phát huy các tiềm năng để phát triển du lịch.
Cần phát huy nội lực, xây dựng thương hiệu, tạo điểm nhấn cho điểm du lịch. Trong đó, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan liên kết kinh doanh phát triển, khai thác sản phẩm du lịch. Phát triển văn hóa, du lịch sinh thái cần xây dựng quy trình sáng tạo và phân phối các sản phẩm văn hóa, xây dựng hệ thống làng nghề văn hóa ở địa phương…
Công tác quản lý nhà nước cần gắn du lịch với lễ hội văn hóa ở địa phương, đặc biệt, cần coi trọng văn hóa trong kinh doanh, chống các hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa.
Ban quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào cần năng động, dám nghĩ, dám làm tổ chức các hoạt động trình diễn nghệ thuật, ẩm thực… gắn với công cuộc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của địa phương để thu hút khách du lịch. Ngoài ra, ban quản lý cần chủ động phối hợp với một số địa phương tìm hiểu và khôi phục những trò chơi dân gian bằng cách đưa vào trình diễn, tổ chức đua tài định kỳ tại khu di tích, tạo điểm nhấn níu giữ khách tham quan.
Sở VHTTDL cần tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa thông qua việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn góp phần tích cực trong việc quản lý các nguồn lực văn hóa. Bên cạnh đó, cần thiết lập tuyến giao thông, ưu tiên cho du lịch từ thành phố Tuyên Quang đến với trung tâm khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tạo thành tuyến du lịch sinh thái xuyên suốt, liền kề với các khu thắng cảnh khác trong tỉnh.
Những nỗ lực trong công tác quản lý văn hóa, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách văn hóa ở cơ sở, cùng với chính sách thông thoáng của tỉnh Tuyên Quang sẽ tạo động lực để các nhà đầu tư mạnh dạn tham gia vào phát triển văn hóa, du lịch sinh thái ở khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Kết hợp đồng bộ cùng với các di tích lịch sử khác tại Tuyên Quang, khu di tích Tân Trào sẽ phát huy được giá trị, góp phần phát triển du lịch lịch sử theo hướng bền vững.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : HÀ THÚY MAI