HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TÂM LINH GẮN VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU

Tín ngưỡng thờ mẫu vốn được coi là tín ngưỡng dân gian bản địa quan trọng của người Việt, có sức sống bền bỉ, mãnh liệt trong tâm thức người dân. Tuy nhiên, kể từ năm 1954 cho đến những năm 90 TK XX tín ngưỡng này bị cấm đoán, bị coi là mê tín dị đoan, ngày nay thờ mẫu và nghi thức hầu đồng lại phát triển mạnh mẽ trong xã hội, đã chứng tỏ nhu cầu tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ mẫu của người dân ngày càng được nâng cao. Trước đây, người hành hương đến những địa điểm đền thờ, trung tâm thờ mẫu một cách tự phát, hiện nay các hãng du lịch đã bắt đầu xây dựng những chương trình, tour du lịch đáp ứng nhu cầu cho thị trường khách du lịch tâm linh.


Sự thay đổi nhận thức của Nhà nước đối với tín ngưỡng thờ mẫu đã giúp cho hoạt động hành hương, thờ phụng của người dân được thừa nhận trên cơ sở pháp lý, đây cũng là điều kiện quan trọng để tín ngưỡng thờ mẫu cũng như hệ thống các giá trị vật thể và phi vật thể gắn với nó có cơ hội phát triển trở thành những sản phẩm du lịch tâm linh có thể khai thác được.

Hiện nay, chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng khách du lịch đến những địa danh, trung tâm tín ngưỡng thờ mẫu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dựa vào vào số liệu của Tổng cục Du lịch về lượng khách đến với Phủ Dày, trung tâm thờ mẫu lớn của Việt Nam, thì số lượng khách đến viếng thăm tăng từ 0,88 triệu người năm 2008 lên 0,92 triệu người năm 2012, tăng 1,8%… Đây là con số khá lớn song cũng chưa phản ánh được hết nhu cầu của khách du lịch thập phương, vì còn nhiều địa danh thờ mẫu nổi tiếng khác cũng thu hút du khách như: phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Cửa Ông (Quảng Ninh), đền Công đồng Bắc Lệ (Lạng Sơn), đền Bà chúa kho (Bắc Ninh)… Ở nước ta, số lượng khách hành hương, du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ mẫu chỉ đứng thứ hai so với khách hành hương đi du lịch gắn với Phật giáo và đang có xu hướng tăng theo từng năm.

Hoạt động của khách du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ mẫu thường là thực hiện những nghi thức tôn giáo như chiêm bái, cầu khấn, hầu đồng, hầu bóng, tham gia hội rước, tế, chính tiệc, các trò chơi dân gian, tham quan, vãn cảnh, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, không gian kiến trúc của đền, tìm hiểu văn hóa bản địa, lịch sử, những giá trị di sản của địa danh...

Về cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu ăn, ở, lưu trú, giải trí cho du khách tại các điểm du lịch có gắn với tín ngưỡng thờ mẫu còn mang tính tự phát, manh mún chưa có sự đầu tư đồng bộ, chuyên nghiệp. Ngoài trung tâm tín ngưỡng thờ mẫu lớn ở Phủ Dày (Nam Định) có khu vực lưu trú dành cho việc ăn ở của khách thập phương đến hầu thánh, thì những địa điểm khác hầu như không có, mà chủ yếu dựa vào khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng phát triển tự phát quanh khu vực đó. Có thể nói, dấu ấn của sự quy hoạch du lịch nhằm khai thác hiệu quả điểm tâm linh của chính quyền địa phương còn mờ nhạt.

Một đặc điểm của du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ mẫu là các lễ hội thường diễn ra rải rác quanh năm, tập trung nhiều vào mùa thu,  mùa xuân và không chịu sự chi phối, ảnh hưởng nhiều của yếu tố thời tiết, khí hậu. Đây được coi là ưu điểm để các hãng du lịch có thể khai thác quanh năm trong hệ thống các địa danh đền thờ mẫu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Trong vài năm gần đây, loại hình du lịch tâm linh nói chung và loại hình du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ mẫu nói riêng mới được các hãng du lịch chú ý khai thác phục vụ du khách. Đối với nhiều hãng du lịch, loại hình du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ mẫu là một sản phẩm đầy tiềm năng thu hút du khách. Theo Ân, Giám đốc công ty Du lịch Cầu vồng: “Trước đây công ty của tôi không chú ý lắm đến việc khai thác sản phẩm du lịch tâm linh, nhưng mấy năm trở lại đây, nhận thấy ngày càng nhiều khách hàng có nhu cầu tổ chức những tour đi lễ hội, thăm quan địa danh tâm linh nổi tiếng, nên công ty đã xây dựng những tuyến, điểm du lịch tâm linh để khai thác...”.

Trên thực tế, nhiều người vẫn thích tự tổ chức đi du lịch tâm linh cho chủ động, tuy nhiên việc các hãng lữ hành khai thác loại hình du lịch tâm linh cũng cần thiết để giúp người dân có thêm lựa chọn khi đi du lịch.

Về thực trạng môi trường tự nhiên: hoạt động du lịch có tác động tiêu cực lên cảnh quan của các điểm du lịch tín ngưỡng. Lượng rác thải của hoạt động tham quan du lịch thường nằm ngoài khả năng xử lý của chính quyền địa phương và các ban quản lý di tích. Do chưa có cơ sở vật chất hoàn thiện nên các phương tiện bảo vệ môi trường cảnh quan như thùng rác, khu tập trung rác thải và lao động chuyên nghiệp còn thiếu… dẫn đến tình trạng rác thải không được xử lý ảnh hưởng xấu đến cảnh quan chung của khu du lịch.

Hệ thống nhà vệ sinh công cộng, nguồn nước sạch sinh hoạt tại các điểm tín ngưỡng thờ mẫu chưa đáp ứng được nhu cầu du khách trong mùa cao điểm, gây nên ô nhiễm không khí, nguồn nước làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng sống của người dân địa phương và giảm mức độ hấp dẫn của điểm đến.

Không gian của điểm du lịch tâm linh bị xâm hại bởi hàng quán, điểm dịch vụ, gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Tại nhiều điểm, ban quản lý di tích không những hạn chế, mà còn khuyến khích người dân địa phương mở điểm buôn bán ngay trong di tích làm tổn hại đến kiến trúc truyền thống và không khí linh thiêng của điểm tâm linh. Không gian bị thu hẹp làm cho hoạt động du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, điểm hướng dẫn, bãi để xe…

Ban quản lý và chính quyền địa phương tại một số điểm tín ngưỡng thờ mẫu chưa có nhận thức đầy đủ, khoa học về giá trị của di tích dẫn đến việc bảo tồn, trùng tu bừa bãi, làm suy giảm giá trị kiến trúc, văn hóa. Sự thiếu quản lý cụ thể của chính quyền địa phương dẫn đến việc người dân hoặc người quản lý điểm thờ mẫu tự quyên góp và đứng ra thực hiện công việc tu sửa. Tâm lý tự phát này không những làm hỏng giá trị nguyên bản của công trình, mà còn tàn phá nghiêm trọng không thể phục hồi ở một số điểm kiến trúc đặc sắc.

 
 
 
Du khách đến dự hội và tham quan
khu di tích Phủ Dày. Ảnh Hoàng Giang 
 

Về môi trường xã hội nhân văn: đến các điểm thăm quan, du khách thường bắt gặp cảnh ăn xin, chặt chém, chèo kéo gây cảm xúc khó chịu trong chuyến du lịch tâm linh. Ngoài ra, hình thức massage trá hình, karaoke... ở gần đền thờ cũng ảnh hưởng đến không gian linh thiêng tại những nơi này.

Tình trạng buôn thần bán thánh không những ảnh hưởng đến hoạt động du lịch mà còn làm suy giảm những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc. Thông thường, khách du lịch nội địa đến những điểm này theo truyền thống đi lễ chùa, khấn vái ở đình đền và tham gia lễ hội đầu năm nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh và tinh thần là chủ yếu. Vì vậy, việc thế tục hóa, giảm tính thiêng ở những điểm thờ mẫu đã tác động tiêu cực làm suy giảm trực tiếp đến nhu cầu du lịch và nhu cầu tín ngưỡng thuần túy của người dân.

Hoạt động diễn xướng trong khi hát chầu văn của người hầu đồng là nghi lễ đặc sắc, không thể thiếu của tín ngưỡng thờ mẫu. Mới đây Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã trao danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 11 người thực hành diễn xướng và truyền dạy nghi lễ chầu văn, cho thấy nghệ thuật hát văn có giá trị nghệ thuật cao. Tuy nhiên, trên thực tế cung văn, người hát văn và ban nhạc chỉ là một thành phần trong thực hành nghi lễ diễn xướng hầu đồng, các ông đồng bà cốt mới là người đóng vai chính trong các giá đồng trên nền nhạc đàn ca của cung văn. Trong việc thực hành nghi lễ diễn xướng hầu đồng có nhiều vấn đề xung quanh gây tranh cãi như tình trạng biến tướng của việc rải tiền, thưởng tiền, đốt nhiều vàng mã... gây lãng phí tiền của, đồng thời làm mất ý nghĩa linh thiêng của hoạt động tâm linh là tôn kính, ca ngợi các thánh mẫu. Đây là những vấn đề cần có giải pháp chấn chỉnh để hoạt động du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ mẫu phát triển lành mạnh và bền vững, giữ gìn được nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc, thu những nguồn lợi kinh tế…

 Để phát triển bền vững và khai thác có hiệu quả loại hình du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ mẫu, cần thực hiện một số giải pháp:

 Trước hết về phía ngành VHTTDL, chính quyền địa phương, Ban quản lý cần có sự hợp tác phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức và quản lý hoạt động của điểm tâm linh thờ mẫu. Việc hợp tác này được thể hiện thông qua các chức năng hoạt động của những bên liên quan. Ngành VHTTDL thực hiện chức năng chuyên môn trên cơ sở đánh giá văn hóa và giá trị di tích, từ đó giới thiệu cho các công ty du lịch tổ chức xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với điểm đến. Các cấp, ngành cần tập trung nghiên cứu giá trị truyền thống từ đó đưa ra những định hướng cho việc trùng tu, tôn tạo di tích, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động du lịch phát triển. Chính quyền địa phương thực hiện những biện pháp quản lý di tích hiệu quả, đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản và làm việc trực tiếp với người dân địa phương trong quá trình phát triển du lịch. Người dân địa phương cần nắm bắt chính sách của chính quyền, những nguyên tắc bảo tồn di tích và tham gia phục vụ hoạt động du lịch có trách nhiệm. Du lịch là ngành kinh tế, xã hội có tính liên ngành, liên vùng cao, do đó việc hợp tác chặt chẽ giữa những bên liên quan đã góp phần làm thuận tiện hóa quá trình xúc tiến phát triển du lịch nói chung, việc phát triển du lịch bền vững nói riêng.

Chính quyền địa phương, các ngành hữu quan cần xây dựng quy hoạch tổng thể và có chính sách đầu tư những điều kiện cơ bản phát triển du lịch tại các điểm du lịch tín ngưỡng thờ mẫu. Các hạng mục cần tập trung đầu tư là hệ thống giao thông vận tải, đường nội bộ, dịch vụ bưu chính viễn thông, y tế và công trình vệ sinh công cộng tại điểm tham quan.

Tiếp thị, quảng bá sản phẩm du lịch khai thác các giá trị tín ngưỡng thờ mẫu, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin nhanh nhất. Tuy nhiên, công tác marketing cho các điểm du lịch tín ngưỡng thờ mẫu chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của du khách. Trong thực tế, các điểm du lịch mới xây dựng lại có dòng khách du lịch lớn hơn những điểm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ mẫu. Các điểm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ mẫu nếu so với những điểm du lịch mới thì có quy mô nhỏ hơn về không gian kiến trúc và hoạt động tuyên truyền quảng bá được thực hiện chưa thực sự hiệu quả... nếu đẩy mạnh công tác quảng bá tiếp thị, thì chúng hoàn toàn có khả năng thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế.

Nâng cao nhận thức của người dân về những giá trị tín ngưỡng của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch. Cần tuyên truyền, giáo dục người dân trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích và di sản văn hóa, cung cấp tri thức cần thiết cho họ trong việc phục vụ và tổ chức hoạt động du lịch nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch khi được tiến hành tại địa phương. Giới thiệu những nguyên lý du lịch như phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân địa phương trong hoạt động du lịch. Chính quyền địa phương cũng cần xây dựng những nội quy, quy chế nhằm quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các công ty du lịch khi họ đưa khách về điểm du lịch.

Xây dựng sản phẩm du lịch có tính đặc thù, cạnh tranh cao dựa trên việc khai thác những giá trị nổi trội của các điểm du lịch tín ngưỡng thờ mẫu. Đó là giá trị về văn hóa truyền thống thể hiện qua lễ hội, những hình thức biểu diễn dân gian, đặc thù lịch sử và một số điểm có biểu hiện tín ngưỡng tương đối khác biệt hoặc có giá trị nghệ thuật cao. Mỗi điểm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ mẫu ở các địa phương cần phát huy nét đặc trưng riêng, tạo ra sự hấp dẫn thu hút du khách.

Cần hạn chế những biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan trong hoạt động tín ngưỡng thờ mẫu. Lĩnh vực tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo là những vấn đề nhạy cảm, vì vậy việc quản lý để phát triển lành mạnh, tránh các hiệu ứng tiêu cực trong xã hội là công việc hết sức khó khăn. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp, những đối tượng xấu, phản động lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của nhà nước để kích động dân chúng, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Xuất hiện những trường hợp lợi dụng niềm tin của người dân vào tín ngưỡng để dụ dỗ, mê hoặc, lừa đảo nhiều người thu lợi bất chính.

Trong việc thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, các hành vi của ông đồng bà cốt cũng có nhiều vấn đề gây tranh cãi như đua nhau rải tiền, thưởng tiền trong khi hầu đồng, sắm lễ, đốt vàng mã hết sức tốn kém, lãng phí... Những hiện tượng này gây lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường khiến cho một bộ phận dân chúng trong xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm về vấn đề này. Vì vậy, bên cạnh việc tôn vinh các giá trị tâm linh, văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, cũng cần tuyên truyền, phê phán những biểu hiện tiêu cực, hành vi mê tín dị đoan trong hoạt động thực hành nghi lễ ở các điểm du lịch tâm linh thờ mẫu hiện nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : NGUYỄN ANH TUẤN

;