Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc có tác động thúc đẩy ngành kinh tế phát triển. Trên thực tế, văn hóa du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với phát triển kinh tế xã hội. Từ góc nhìn văn hóa, bài viết nhận diện tiềm năng, lợi thế và một số thách thức cản trở sự phát triển và tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, kiến nghị một số giải pháp tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch một cách đồng bộ, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
1. Du lịch Việt Nam, tiềm năng và thách thức
Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt, với diện tích 331.210km2, tổng chiều dài trên 3000km nằm dọc theo bờ biển Đông có tác động quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng. Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có nhiều ưu thế trong khai thác các nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch. Đối với tài nguyên thiên nhiên, nước ta có nhiều địa danh nổi tiếng như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình), vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình),… Nhiều khu dự trữ sinh quyển của thế giới: Cát Bà (Hải Phòng), vườn Quốc gia rừng U Minh (Cà Mau), Phú Quốc (Kiên Giang)… Với hệ thống các đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)… thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch thiên nhiên. Trên thực tế, du lịch Việt Nam đã hình thành những khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế như Tuần Châu (Quảng Ninh), FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né - Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc (Kiên Giang), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)… với dịch vụ tốt nhất thu hút khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng: theo thống kê cả nước có trên 44.000 địa danh, danh thắng và di tích lịch sử được kiểm kê, trong đó có 62 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.174 di tích xếp hạng di tích cấp quốc gia, 7.848 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 7 di sản văn hóa, danh thắng được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Toàn quốc có 7.996 lễ hội các loại hình, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian chiếm 88,36%. Ngoài ra, Việt Nam còn là quê hương của những làn điệu dân ca như quan họ Bắc Ninh, bài chòi (liên khu 5), hò ví giặm (Hà Tĩnh), ca trù, cải lương, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử (Nam Bộ),… Với vị trí địa lý và đặc điểm văn hóa đa dạng, phong phú, du lịch Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Sau 30 năm đổi mới, ngành du lịch nước ta đã có những bước phát triển đạt được thành tựu to lớn: lượng khách quốc tế tăng hơn 30 lần, tốc độ tăng ổn định, bình quân khoảng 9 - 10%: năm 2011 số lượt khách quốc tế đến là 6 triệu, năm 2013 là 7,8 triệu, năm 2014 có 7,87. Lượng khách du lịch nội địa tăng gấp 35 lần so với năm 1990 và có xu hướng tăng mạnh từ năm 2011 đến nay: năm 2011 đạt khoảng 30 triệu lượt khách, năm 2014 là 38,5 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch năm 2000 là 17,4 tỷ VNĐ, đến năm 2013 là 200 ngàn tỷ VNĐ, tăng 11,5 lần và năm 2014 tăng 230 ngàn tỷ VNĐ, tăng 15% so với năm 2013… Du lịch đóng góp 6% vào GDP tổng nền kinh tế trong nước.
Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch phát triển, tính đến năm 2014, cả nước có 16.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 332.000 buồng, trong đó: 73 khách sạn 5 sao với 17.798 buồng, 189 khách sạn 4 sao với 22.745 buồng, 376 khách sạn 3 sao với 26.030 buồng. Hiện cả nước có 1.456 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hơn 13.000 doanh nghiệp nội địa, trên 15.500 hướng dẫn viên du lịch và hàng chục ngàn thuyết minh viên tại các điểm du lịch.
Với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, cùng với dân số trên 90 triệu người, Việt Nam cần phát triển nền du lịch bền vững trong tương lai. Phát triển du lịch bền vững không chỉ tập trung vào bảo vệ môi trường, còn tập trung vào duy trì văn hóa địa phương và đảm bảo phát triển kinh tế, mang lại lợi ích công bằng cho các nhóm đối tượng tham gia.
Mặc dù ngành du lịch có tăng trưởng, nhưng so với mặt bằng chung các nước, du lịch Việt Nam đang tụt dốc, gặp nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, sản phẩm du lịch chưa có tính sáng tạo, hoạt động du lịch còn manh mún, tạm thời... Môi trường văn hóa du lịch bị tổn thương, xâm hại thể hiện trên những mặt:
Thiếu nụ cười thân thiện để giữ chân du khách: qua khảo sát, có tới 80 - 85% lượng khách quốc tế không muốn quay trở lại, trong khi đó, khách nội địa lại có xu hướng đi du lịch nước ngoài. Hàng năm, lượng khách các nước ASEAN vào Việt Nam khoảng 1 triệu lượt, trong khi đó, khách Việt Nam tới các nước ASEAN là 2,5 triệu lượt.
Văn hóa giao thông: hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đảm bảo để thực hiện việc di chuyển nhanh chóng, an toàn và thuận tiện cho khách. Trong những dịp cao điểm thường xảy ra ùn tắc, chen lấn, xô đẩy, gây cảm giác khó chịu đối với du khách.
Văn hóa kinh doanh phục vụ du lịch: còn có tư tưởng trục lợi, chụp giật, nâng giá phòng nghỉ, dịch vụ ăn uống, chèn ép khách… Bán hàng kém chất lượng, đeo bám xin tiền, chèo kéo khách mua hàng lưu niệm. Mặc dù những biểu hiện này chỉ là cá biệt, nhưng đã gây phản cảm đối với khách du lịch trong nước và nước ngoài.
Tư duy và tầm nhìn du lịch hạn hẹp: sự liên kết trong du lịch còn lỏng lẻo, thiếu bền vững, chủ nghĩa cát cứ, cục bộ địa phương đã triệt tiêu thế mạnh của du lịch Việt Nam.
Không gian danh thắng và di sản văn hóa bị xâm hại: việc khai thác nguồn tài nguyên vì mục đích kinh tế đã phá vỡ cảnh quan, dẫn đến môi trường ô nhiễm, làm mất không gian thiêng của di tích.
Sản phẩm du lịch nghèo nàn: chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ du khách chưa có sức cạnh tranh với các quốc gia khác. Việt Nam chưa khai thác được thế mạnh các sản phẩm địa phương, liên vùng, liên quốc gia để xây dựng những tour du lịch hấp dẫn du khách. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do cơ sở hạ tầng du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững. Hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá chưa cao, nguồn khách quốc tế còn phụ thuộc vào một số thị trường. Một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch còn bất cập, chưa tháo gỡ kịp thời, thiếu quy định, chế tài xử phạt đối với những hành vi gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.
2. Một số giải pháp
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững của du lịch Việt Nam, việc xây dựng văn hóa du lịch cần tập trung thực hiện một số nội dung:
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch
Các cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tạo đột phá trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch. Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, phát động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc đấu tranh, phòng ngừa các hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Các địa phương trọng điểm du lịch tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện phép ứng xử văn hóa trong mọi hoạt động du lịch.
Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động mọi thành phần kinh tế, nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận khu, điểm du lịch. Cần quy hoạch sắp xếp và xây dựng các cơ sở dịch vụ: nhà nghỉ, y tế, ăn uống, vui chơi giải trí… Có biện pháp quản lý chặt chẽ các loại dịch vụ, phí dịch vụ phục vụ du khách. Nâng cao ý thức phục vụ trong kinh doanh, tránh làm mất giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.
Nguồn kinh phí thu được từ hoạt động du lịch phải được cân đối sử dụng phục vụ trở lại đầu tư tu bổ các cơ sở, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng hoàn chỉnh và hình thành đồng bộ về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, lưu trú, sản phẩm và nguồn nhân lực… đủ khả năng đón khách trong nước và quốc tế.
Đảm bảo điều kiện trật tự, an ninh, an toàn cho du khách
Chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động du lịch các cấp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đồng bộ giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự nhằm bảo vệ an toàn cho khách du lịch. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng đeo bám, gây mất an toàn cho khách du lịch. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, tiếp thu giải quyết những kiến nghị của khách du lịch. Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phong trào cải thiện môi trường tại các điểm du lịch.
Đổi mới xúc tiến, quảng bá du lịch
Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trên tinh thần huy động mạnh mẽ sự tham gia của các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch. Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xúc tiến du lịch gắn với việc quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tăng cường năng lực cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch.
Xây dựng hình ảnh du lịch
Tổ chức bồi dưỡng kiến thức giao tiếp văn hóa, ứng xử văn minh với khách du lịch cho cán bộ, hướng dẫn viên và người dân sở tại. Ban quản lý các khu, điểm du lịch phải bố trí nhân viên bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Tổ chức thông tin hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch bảo đảm thuận tiện, tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật. Xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch trên tinh thần, thái độ hết lòng phục vụ vì sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Xây dựng môi trường du lịch nhân văn bền vững
Đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh thân thiện với du khách, giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường…
Tăng cường công tác quản lý bảo đảm về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Đồng thời có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và hoạt động du lịch trên địa bàn. Tăng cường cung cấp thông tin về dịch vụ tại địa phương cho du khách qua internet và hệ thống các ấn phẩm quảng bá du lịch.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ trật tự xã hội, quản lý giá đối với dịch vụ tại nhiều cơ sở kinh doanh du lịch. Tập trung lực lượng giải quyết tình trạng ăn xin, đeo bám, lợi dụng, chèn ép, lừa đảo khách du lịch.
Xây dựng cách ứng xử với di sản văn hóa trong việc khai thác phục vụ du lịch
Chú trọng giáo dục nếp sống văn hóa bảo vệ không gian và môi trường du lịch. Bảo tồn giá trị di sản văn hóa trong khai thác và phát triển du lịch. Tăng cường quản lý di tích, gắn việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch, không vì mục đích kinh tế mà phá vỡ di sản, xâm lấn danh thắng, hủy hoại không gian tâm linh của các công trình tín ngưỡng, di tích văn hóa.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Thanh tra, kiểm tra phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xâm hại đến tính mạng, tài sản của khách du lịch. Giáo dục ý thức pháp luật, phát động phong trào quần chúng phòng, chống tội phạm xâm hại gây mất an ninh trật tự làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Tăng cường tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các địa phương trong thời điểm lễ hội, lễ tết, khu, điểm du lịch tập trung đông khách du lịch.
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước toàn diện, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa, đảm bảo trật tự kỷ cương, văn minh lịch sự, xây dựng môi trường văn hóa du lịch thân thiện và bền vững là động lực quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016
Tác giả : LÊ THỊ BÍCH THUẬN