Người nghệ sĩ say mê sáng tạo, cống hiến

Rất nhiều người đều có chung cảm nhận này về nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh sinh năm 1933 nhưng vẫn rất giàu sức cống hiến, sức sáng tạo. Tiếp xúc với ông lại càng thấy rõ những phẩm chất cao quý này, điều mà ông đã rèn luyện phấn đấu từ những năm tháng công tác trong ngành Văn hóa Thông tin. Quê ông ở Yên Phương, Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay gia đình ông đang sinh sống ở tổ 9A khu Thanh Xuân, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh với những bức ảnh về Bác Hồ

 

Thoát ly từ năm 16 tuổi đi hoạt động cách mạng, năm 1949, ông vào Ty Thông tin tuyên truyền Vĩnh Phúc vừa học chụp ảnh vừa làm công tác tuyên truyền cổ động phục vụ kháng chiến chống Pháp do cơ quan giao phó. Đến nay, ông đã có gần 70 năm cầm máy. Ông nói nghề chọn mình, mình say sưa với nghề, sống chết với nghề từ bao giờ không nhớ chính xác nữa. Ông tâm niệm: hạnh phúc lớn nhất của người cầm máy là được chụp ảnh, được đi nhiều, được sáng tác, được thu những hình ảnh đất nước, quê hương, con người vào ống kính và cùng vỡ oà cảm xúc với đứa con tinh thần của mình là những bức hình, những khoảnh khắc không thể nào quên, không thể lặp lại mà mình đã chớp được.

Trong những năm bao cấp, cuộc sống của cán bộ, công nhân viên quốc doanh Mỹ thuật Nhiếp ảnh rất vất vả, ông cùng với Ban lãnh đạo căng mình lo toan từ khâu vật tư ảnh đến địa điểm chụp ảnh cố định, thuận tiện cho nhân dân và cả việc đào tạo nghề cho nhân viên mới. Tranh thủ những chuyến công tác, giao lưu giữa Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh trong khu vực, ông và chiếc máy ảnh luôn có mặt đúng lúc để tác nghiệp, phục vụ công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị và sáng tác. Những bức ảnh đen trắng ông chụp ở các địa phương trong tỉnh về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thu hoạch vụ mùa ở các Hợp tác xã, sản xuất trong các xí nghiệp, nhà máy, nông lâm trường có bố cục gọn, góc máy đẹp mang đậm tính thời sự. Nhiều bức được ngành Văn hóa - Thông tin chọn triển lãm trong dịp tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh. Những bức ảnh nghệ thuật của ông đã ghi dấu ấn trong giới nhiếp ảnh như: Cọ mùa thu đoạt giải Khuyến khích Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 1985; Cửa sông Bạch Đằng đoạt giải Nhì cuộc thi “Hoa phượng đỏ” của thành phố Hải Phòng năm 1987. Đốm trắng trên đồng, Khai thác cát, Đan làn cọ, Gốm Hương Canh, Lăng Hùng Vương… là những tác phẩm được chọn triển lãm của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và triển lãm khu vực các tỉnh trung du miền núi phía Bắc những năm trước đây. Đặc biệt, trong hàng trăm bức ảnh đã chụp của ông có những bức thuộc loại tư liệu quý hiếm. Đó là ảnh chụp Bác Hồ về thăm thị xã Vĩnh Yên. Những bức ảnh chụp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và làm việc tỉnh Vĩnh Phú, Phú Thọ: các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh toàn cảnh Lễ mít tinh mừng chiến thắng Sài Gòn 30/4/1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của tỉnh Vĩnh Phú tổ chức ngày 15/5/1975 tại Sân vận động Việt Trì. Đây có thể ví như những chứng nhân của lịch sử và thời gian, được nghệ sĩ Phan Đinh ghi lại bằng ống kính rất có giá trị. 

Suốt mấy chục năm qua, ông đã gom góp, chọn lọc những tác phẩm tiêu biểu của mình để tổ chức một triển lãm ảnh cá nhân năm 1992 gồm 60 ảnh với chủ đề Miền Trung du. Ở thời điểm đó, ông là người đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phú làm được điều này. Triển lãm ảnh của ông được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Trần Hoàn về dự cắt băng khai mạc và ghi lưu bút chúc mừng, động viên. Sau này, ông đã biên tập bổ sung thêm một số tư liệu để xuất bản cuốn sách ảnh Trung du trong tôi, gây ấn tượng sâu sắc với những người yêu nhiếp ảnh trung du và đóng góp nhiều tư liệu quý cho ngành Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ trong chặng đường phát triển.

Có thể nói, cả đời ông say mê nghiệp cầm máy. Những năm gần đây, tuy tuổi đã cao, ông vẫn có nhiều chuyến đi sáng tác ảnh nghệ thuật ở Hà Giang, Yên Bái. Rất nhiều cảnh đẹp hùng vĩ được ông ghi lại như: ruộng bậc thang mùa lúa chín, ngọn núi bốn mùa mây phủ đỉnh Mã Pì Lèng, dòng sông Nho Quế như dải lụa mềm dưới chân đèo. Bên cạnh những chuyến đi tỉnh ngoài, ông dành thời gian sáng tác ảnh phục vụ sự phát triển văn hóa, du lịch tỉnh nhà: đồi chè Long Cốc, hát Xoan đình Hùng Lô, Phượng Lâu, miếu Lãi Lèn, bơi chải Bạch Hạc, các di tích gắn với danh lam thắng cảnh… Những bức ảnh đẹp, giàu chất thơ của ông được Hội Văn học Nghệ thuật, báo Phú Thọ chọn đăng. Không chỉ chụp ảnh, ông còn sáng tác thơ trong những lần đi sáng tác. Thơ ông được anh em văn nghệ sĩ nhận xét là giàu cảm xúc gần gũi, mộc mạc như chính con người ông. Năm 2016, nhân kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng, ông là một trong 3 nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chọn về Thủ đô Hà Nội để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt.               

Không chỉ say mê sáng tác, ông còn dành nhiều tâm huyết cho công tác ở khu dân cư, phường sở tại nơi ông nghỉ hưu. Ông tham gia đảm nhiệm vị trí Bí thư chi bộ khu dân cư 6 năm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Gia Cẩm 10 năm, tham gia Hội thẩm nhân dân 11 năm. Gia đình ông đã nhiểu năm được bình chọn là Gia đình văn hóa tiêu biểu, Gia đình hiếu học tiêu biểu. Các con ông gái, trai, dâu, rể đều thành đạt, đang công tác trong ngành VHTTDL và báo chí Tuyên truyền. Ông có người vợ biết lo toan việc nhà và việc xã hội, bà là Nguyễn Thị Bích Hiển - nguyên Giám đốc Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh Vĩnh Phú. Hai ông bà sống rất có trách nhiệm với cộng đồng khu dân cư, tổ dân phố, họ đều có chung suy nghĩ làm công việc từ thiện xã hội là đem hạnh phúc, niềm vui được sẻ chia với mọi người. Hằng năm, gia đình ông bà đều dành một phần tiền lương hưu để ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ, những gia đình trong khu dân cư gặp khó khăn trong dịp Tết âm lịch, ủng hộ khuyến học, khuyến tài. Ở ông, việc gì khi đã tham gia ông cũng hết lòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do vậy, từ bà con xóm phố đến các đảng viên trong chi bộ đều rất mực kính trọng, yêu quý. Mới đây, khi tỉnh Phú Thọ phát động cán bộ nhân dân chung tay ủng hộ chống lại đại dịch COVID - 19, mặc dù không phải là đối tượng vận động song ông đã bàn với vợ rút sổ tiết kiệm hưu trí số tiền 10 triệu đồng mang đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ ủng hộ vào quỹ phòng chống COVID. Ghi nhận tấm lòng và tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ nhiếp ảnh 90 tuổi, lãnh đạo Hội Người cao tuổi tỉnh Phú Thọ đã đến tận gia đình để tặng Giấy khen. Ông tâm sự: những người ở tuyến đầu chống dịch quá vất vả, chịu nhiều hy sinh để giữ sự bình yên cho mọi người, mình có ủng hộ một chút tiền bạc có đáng kể gì và cái chính là động viên, tiếp sức cho anh em có thêm năng lượng, tinh thần trong cuộc chiến cam go này; xã hội an toàn là nhà mình cũng an toàn.

Ông là một đảng viên lão thành hơn 60 năm tuổi Đảng. Hiện nay, tuy tuổi cao, song hằng ngày, ông Phan Đinh vẫn duy trì nề nếp rèn luyện sức khỏe, đọc sách, sáng tác ảnh, làm thơ, chơi cờ tướng với các cụ hưu trí. Những việc của khu dân cư, tổ dân phố ông rất tích cực tham gia. Khi đánh giá về sự đóng góp của ông, mọi người hết sức cảm phục về sự tận tuỵ, trách nhiệm, nhân cách và sự cống hiến cho cộng đồng và cùng với thời gian, nó càng trở nên sâu đậm và giản dị như chính con người ông - người nghệ sĩ luôn mang cái đẹp dâng hiến cho đời.

Nghệ sĩ Phan Đình trong một chuyến đi tác nghiệp tại Yên Bái

 

TRẦN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

;