Chị Thiện Cát giàu lòng nhân ái

Cuối năm 2019, đại dịch COVID - 19 hoành hành, làm cho những người nghèo càng thêm bi đát, thống khổ. Giữa lúc đó, chị Nguyễn Thị Thiện Cát, 42 tuổi (trú 101 đường Nguyễn Khoa Văn, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã tự nguyện lập ra bếp ăn từ thiện để góp phần giúp đỡ những người lang thang, cơ nhỡ.

Trong công việc thiện nguyện hằng ngày, chị luôn có mẹ sẻ chia và giúp đỡ
 

Chúng tôi đến thăm “bếp ăn Phú Bài” của chị Cát trong những ngày lập thu tiết trời mát mẻ, vừa tất bật gói cơm và thức ăn vào hộp xốp để kịp cho bà con nghèo đến nhận, chị vừa trò chuyện vui vẻ: “Mình đến với việc làm thiện nguyện nhỏ bé này như một cơ duyên, cứ nghĩ chỉ làm “mùa vụ” trong đại dịch nhưng không ngờ bén duyên và gắn bó đến hôm nay”.

Chị Nguyễn Thị Thiện Cát vốn làm nghề nhạc công (đánh đàn trong lễ cưới, hỏi, sinh nhật, tiệc tùng…), rồi như một nhân duyên, chị chuyển sang mở tiệm cafe và phụ bán quán nhậu cùng chồng, kinh tế gia đình chị cũng chẳng khấm khá gì. Đồng cảm, thấu hiểu nỗi cùng cực của những con người bất hạnh mà chị từng được gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện trong công việc buôn bán hằng ngày, được sự góp sức và sẻ chia của gia đình, bếp ăn từ thiện của chị đã duy trì hoạt động được 4 năm nay. 

Được biết, nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của “bếp ăn từ thiện” suốt thời gian qua chủ yếu là nguồn tài trợ của các Mạnh Thường Quân ở trong và ngoài nước, đặc biệt là nhà hảo tâm có tên Jade Pham ở bang Overland Park (Hoa Kỳ). Bình quân mỗi tháng, bếp ăn Phú Bài của chị Thiện Cát có chi phí khoảng từ 15 - 18 triệu đồng. Mỗi ngày phát cơm miễn phí dao động từ 30 - 40 suất cơm hộp (khoảng 20.000đồng/suất). Đây là tấm lòng nhân ái, sự sẻ chia với phương châm “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” của các nhà hảo tâm xa gần, họ đã tin tưởng nhờ chị Cát trực tiếp trao tận tay món quà hằng ngày đến những số phận bi đát, nghèo khổ ở quê hương chị cũng như những người qua đường đang gặp khó khăn.  Suốt 4 năm nay, bếp ăn Phú Bài thực sự là “tổ ấm”, là “chốn nương tựa” của những con người bất hạnh, những mảnh đời thống khổ đang hiện hữu trong cuộc sống thường nhật quanh chúng ta. Từ các mệ già bán vé số không chồng con, những người khuyết tật, neo đơn, không nơi nương tựa, không bà con thân ruột... đều có thể ghé quán cơm từ thiện của chị để nhận những phần ăn miễn phí hằng ngày. Trong số đó có nhiều trường hợp thật sự đáng thương: bà Nguyễn Thị Sưa, 67 tuổi, trú tổ 10 (khu phố 8, phường Phú Bài), không chồng con, hộ cận nghèo, hằng ngày đi bán vé số để nuôi thân và nuôi thêm đứa em trai tàn tật (bệnh down); ông Trần Văn Lộc, 73 tuổi, ở tổ 7 (khu phố 9, phường Phú Bài) là người vô gia cư, ngày đi lượm ve chai, tối ngủ vỉa hè ở Nhà hát lớn Hương Thủy; hay vợ chồng ông Hồ Văn Thanh, bà Nguyễn Thị Gái, trú 103/6 Nguyễn Tất Thành (thị xã Hương Thủy) có hoàn cảnh vô cùng bi đát: vợ mù, chồng điếc, không có con, nhà cửa lụp sụp, tạm bợ tá túc qua ngày.

Để không phụ lòng tin tưởng, gửi gắm, giao phó của các Mạnh Thường Quân gần xa, trong công việc thiện nguyện hằng ngày, chị luôn sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học giữa công việc gia đình với việc thiện nguyện.  Để có những phần cơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tối hôm trước chị đi chợ để chuẩn bị những phần cơm cho sáng hôm sau, từ 9-10 giờ sáng là khung thời gian phát cơm tại bếp ăn đặt tại nhà chị Cát. Sau khi hoàn tất hàng chục phần cơm xong, chị đều chụp ảnh, ghi hình và ghi cụ thể số tiền đi chợ hằng ngày để thông tin kịp thời trên mạng xã hội như Facebook, Zalo…để các Mạnh Thường Quân tiện theo dõi, giám sát và phản hồi thông tin (nếu cần). Chị Cát tâm sự: “Làm việc thiện, để duy trì dài lâu thì không hề dễ. Điều quan trọng và cần thiết nhất là sự minh bạch trong thu chi và quan trọng hơn là cái tâm trong sáng của chính mình. Tính toán chi tiết, lên phương án hợp lý, rõ ràng trong từng thực đơn hay khẩu phần ăn là để rèn bản thân mình phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng”. 

Phát cơm từ thiện miễn phí cho các bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế)
 

Người hỗ trợ, đồng hành, giúp sức đắc lực cho chị Thiện Cát trong nhiều năm qua chính là mẹ ruột của chị và những người hàng xóm tốt bụng, các chú xe ôm, những thanh niên địa phương... Tuy là cơm miễn phí nhưng các món ăn trong mỗi khẩu phần ăn đóng hộp có đầy đủ chất dinh dưỡng (thịt, tôm, cá, trứng, rau, củ, quả…), được thay đổi liên tục hằng ngày để người nghèo khi ăn không thấy nhàm chán. Những phần cơm khi cho vào hộp được xếp ngay thẳng, đặt gọn gàng, tươm tất trên bàn, có dụng cụ che đậy sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Hằng ngày, tầm 9h-10h sáng là có những vị “khách đặc biệt” của chị lần lượt đến nhận cơm mang đi, riêng những người tật nguyền đi lại khó khăn, người bệnh tâm thần không đến được thì chị gửi nhờ xe ôm, xe hàng hoặc những thanh niên tình nguyện, những người tốt bụng đưa đến tận tay cho họ hoặc kết nối với một số sinh viên người địa phương đang chạy xe ôm công nghệ chuyển đến những “địa chỉ yêu thương”. Nói chung là bằng nhiều con đường khác nhau, sao cho những con người có hoàn cảnh đều được tiếp cận những gói cơm từ thiện, chan chứa, đong đầy tình thương.

Ngoài ra, chị Thiện Cát còn phối kết hợp với Hội Phụ nữ khu phố 2, định kỳ tổ chức đi trao hàng trăm suất cơm miễn phí cho các bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế); tổ chức cấp phát hàng trăm lượt phần quà (gồm gạo, mì tôm, dầu ăn, đường, bột ngọt, sữa, bánh kẹo…) cho các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở phường Phú Bài, xã Thủy Lương, xã Thủy Châu (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) trong đợt bão lụt cuối năm 2020 vừa qua. Mới đây, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chị cùng các cộng sự tổ chức trao hàng trăm suất quà là nhu yếu phẩm (250.000đồng/suất) cho những hoàn cảnh khó khăn, già cả nhưng neo đơn ở xã Thủy Vân, xã Thủy Châu, khu phố 2 và khu phố 4 của phường Phú Bài…

Ông Nguyễn Đình Tân - Tổ trưởng khu phố II (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy), nhận xét: “Việc làm thiện nguyện của chị Nguyễn Thị Thiện Cát là việc làm giàu tính nhân văn, là nghĩa cử cao đẹp, thấm đẫm tình người sâu sắc. Tuy hoạt động chưa rộng ra nhiều nơi khác nhưng chí ít cũng đã góp phần sưởi ấm những số phận hẩm hiu, những hoàn cảnh bi đát, ngặt nghèo ở địa phương chúng tôi trong suốt 4 năm qua. Các anh trên phường cũng đã nắm tình hình và rất hoan nghênh việc làm giàu lòng nhân ái của chị Cát”.

Còn chị Nguyễn Thị Thiện Cát cười và tâm sự: “Người ta góp của, còn tôi chỉ có chút công nhỏ xíu thôi mà. Để rồi nhiều tay vỗ nên kêu, tất cả cùng chung sức đồng lòng hướng về cộng đồng xã hội, giúp đỡ một phần nhỏ bé để những con người bất hạnh vơi đi niềm đau, nỗi buồn mà họ đang chịu đựng hằng ngày. Trong việc làm thiện nguyện, bản thân tôi đã tìm thấy nụ cười, ánh mắt đầy hy vọng của những con người thống khổ. Với tôi, làm việc thiện chớ tính điều hơn thiệt. Hãy trao cho nhau những gì ta đang có, vì mai này không có để cho nhau”…

 

VÕ VĂN DẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

;