Suy ngẫm về lòng tham

Ông cha ta xưa đã từng nói: “Lòng tham giống như lửa, nếu không được kiềm chế, nó có thể thiêu rụi cả một cánh rừng. Dục vọng tựa như là nước, nếu không kiểm soát được, nó sẽ dâng lên cuồn cuộn, cuốn trôi tất cả mọi thứ”. Lòng tham của con người là một tai họa, nếu không biết kiềm chế sẽ bị “thân bại, danh liệt”, tài sản tiêu tán.

Con người ta khi mới sinh ra vốn dĩ không ai có lòng tham nhưng rồi theo thời gian, do cuộc sống va đập với cơm áo, gạo tiền mà nảy sinh ra lòng tham và tính ích kỷ. Có người vì lòng tham mà chà đạp lên luân thường đạo lý, dùng mọi thủ đoạn để có được thứ mà mình muốn. Họ không bao giờ hài lòng với những gì mà mình đang có. Khi chưa có gì thì họ chỉ mong muốn có được cơm ăn ngày ba bữa là đủ, khi mong muốn ấy được rồi thì họ lại muốn giàu có hơn, cứ thế lòng tham ngày càng lớn dần lên. Một số người bị lòng tham làm mờ mắt nên không đủ lý trí để nhận biết nhân nghĩa, phải, trái nữa. Họ thường tham, muốn những điều người khác có mà quên tận hưởng những niềm vui hiện tại của chính mình. Họ nhẫn tâm chà đạp lên mọi mối quan hệ, kể cả tình thân, để đạt được mục đích. Trong thực tế, có những người quyền cao, chức trọng trong xã hội nhưng rồi chỉ vì lòng tham mà họ đã tự đánh mất chính mình và trở thành người “thân bại, danh liệt”. Thế mới biết, cái giá của lòng tham không hề rẻ, lòng tham có thể đẩy con người ta vào con đường tội lỗi, tù tội. Một kết cục khổ đau và mang lại kết quả không lấy gì tốt đẹp cho chính mình, cho người thân, gia đình và xã hội. Đã là con người thì ai cũng có tham vọng, mỗi người đều có những tham vọng, ước muốn cho riêng mình nhưng điều quan trọng là ước muốn và tham vọng đó mang tính tích cực hay tiêu cực? Có người tham vọng muốn kiếm được thật nhiều tiền để trở thành người giàu có. Có người lại khao khát say mê quyền lực. Họ quên đi những gì mình đã và đang có và đang thụ hưởng. Bằng mọi giá, mọi thủ đoạn, họ tìm cách đạt được điều mình khao khát mà không cần quan tâm đến cảm nhận của người khác. Có những lúc, con người ta vẫn nhận thức được rằng, ham muốn nào cần từ bỏ, ham muốn nào thì không nhưng ý chí của họ không đủ mạnh, không đủ tỉnh táo để gạt bỏ nó. Nếu không biết kiềm chế lòng tham và những ham muốn thái quá thì nguy cơ tai họa sẽ ập đến lúc nào không hay. Ham muốn tích cực thúc đẩy ta sống tốt và có chí tiến thủ vươn lên; ngược lại, ham muốn tiêu cực chính là nguyên nhân của mọi sự đau khổ. Tiết chế được lòng tham thì cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản và vui vẻ, hồn nhiên hơn nhiều. Trong cuộc sống, con người ta ai mà chẳng muốn mình được sống trong nhung lụa, không ai muốn mình phải sống khổ sở cả. Song, phải là sống trong cảnh giàu sang chính đáng, do bằng chính năng lực và khả năng của bản thân mình. Những thứ không thuộc về mình thì đừng bao giờ nghĩ đến và tìm cách chiếm đoạt. Đừng tham hư vinh, nó thực chất là một hình thức lừa người, lừa mình bởi đến cuối đời cũng hóa hư vô. Lòng tham của con người là vô hạn, không biết bao nhiêu để được gọi là đủ. Lòng tham càng lớn thì càng khổ nhiều. Nếu con người cứ chạy mãi theo lòng tham thì cuối cùng sẽ mất đi tất cả. Cuộc đời này vốn dĩ rất công bằng, ta lấy được bao nhiêu thì phải trả lại bấy nhiêu, có khi còn nhiều hơn nữa là đằng khác. Bởi lòng tham, dục vọng, cũng giống như là một cái hố đen không đáy, nếu không kiềm chế được thì nó sẽ ngày càng lớn lên, cuối cùng nó sẽ nuốt chửng tất cả mọi thứ, kể cả chính ta. Cho nên cứ sống thuận theo dòng chảy tự nhiên, chỉ cần tâm luôn trong sáng thì ta sẽ thành công trong cuộc sống.

Đừng đánh mất cuộc đời bằng lòng tham và sự ích kỷ, hãy sống một cuộc sống bằng sự yêu thương chân thành, không tham lam, không tính toán, không vụ lợi, tự khắc hạnh phúc sẽ đến với ta.

 

VÕ HOÀNG NAM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023

 

;