Đình làng không chỉ là kiến trúc quan trọng bậc nhất trong không gian văn hóa làng xã, mà còn là nơi dung chứa tâm hồn, ước vọng, là mạch nguồn văn hóa của người Việt qua bao đời. Những năm gần đây việc phục dựng kiến trúc đình làng và khôi phục sinh hoạt tín ngưỡng Thành hoàng làng đã và đang mang lại những mùa xuân nao nức cho những vùng quê, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới về nhận thức và thực hành bảo vệ di tích đình làng, tín ngưỡng Thành hoàng làng gắn với các sinh hoạt văn hóa truyền thống.
Đình Đại Phùng (Tổng quan đình khi sân còn tường bao quanh) - Ảnh do tác giả cung cấp
1. Đình làng - Bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống di tích của người Việt
Theo ý kiến của GS Hà Văn Tấn trong cuốn Đình Việt Nam (1) và GS Trần Lâm Biền trong cuốn Đình làng Việt (châu thổ Bắc Bộ) thì: Đình làng là kiến trúc lớn nhất của các làng xã nông thôn Việt Nam, có ba chức năng cơ bản: là trụ sở của chính quyền dưới thời quân chủ chuyên chế; là trung tâm văn hóa của làng xã; là nơi thờ Thành hoàng làng (2). Với ý nghĩa đó, đình làng là biểu hiện cụ thể và sinh động tâm hồn, cốt cách của người Việt, là nơi dung chứa biết bao giá trị văn hóa mà người xưa đã sáng tạo, gửi gắm cho đời sau. Vượt qua ý nghĩa ban đầu đó, đình làng đã trở thành nơi lưu giữ ký ức, chan chứa tình yêu người, yêu quê của bao đời người nông dân Việt: Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà/ Áo anh sứt chỉ đường tà...
Trải bao biến thiên của lịch sử, những ngôi đình làng vẫn còn đó với thời gian, có vai trò quan trọng trong hệ thống di tích mà cha ông để lại. Điều đó đặc biệt thấy rõ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo thống kê cho đến năm 2016, trên toàn thành phố Hà Nội có 5.922 di tích, thì có đến 1.853 ngôi đình (3). Trong số các ngôi đình đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, hầu hết thuộc thành phố Hà Nội: đình Tây Đằng, đình Tường Phiêu, đình So, đình Chèm, đình Đại Phùng... Thật đúng với câu ca xưa: cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài. Điều gì đã làm nên sức sống bền bỉ và mạnh mẽ của các ngôi đình?
2. Đình làng và tín ngưỡng Thành hoàng làng hội tụ, lan tỏa tâm hồn, đạo lý, bản sắc văn hóa Việt
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tín ngưỡng Thành hoàng làng chính là mạch nguồn hồi sinh cho các ngôi đình. Hội làng, mà trọng tâm là nghi thức tế Thành hoàng làng, sau nhiều năm vắng bóng, nay lại đã mang lại những mùa xuân tưng bừng, náo nức cho những vùng quê.
Độc chúc (Ban tế nam quan đọc chúc văn) - Ảnh do tác giả cung cấp
Vậy, nguồn gốc, nội dung, bản chất của tín ngưỡng Thành hoàng làng phải được hiểu như thế nào và có vai trò gì trong đời sống hiện nay? Tác giả Nguyễn Duy Hinh trong cuốn Tín ngưỡng Thành Hoàng Việt Nam cho rằng, Thành hoàng là một phạm trù thần linh của phong kiến Trung Quốc, là những vị thần bảo hộ thành trì. Tập tục thờ Thành hoàng đã theo chân các quan đô hộ người Hán mà du nhập vào nước ta từ thời Đường. Xã hội nông thôn Việt Nam xưa không có thành trì nhưng vẫn thờ Thành hoàng. Đó là Thành hoàng làng. Vậy, Thành hoàng làng có nguồn gốc Trung Quốc hay là vị thần bản địa, riêng có của người Việt? Theo tác giả Nguyễn Duy Hinh thì, Thành hoàng làng trước hết là một vị thần làng, vốn đã được dân làng thờ từ trước. Mỗi làng không phải chỉ thờ một thần, mà nhiều thần. Thành hoàng chính là một trong những vị thần làng đó được vua phong làm Thành hoàng. Tiêu chuẩn để phong một vị thần làng làm Thành hoàng dựa trên hai chức năng: Đại diện cho vua cai trị các thần làng và cư dân trong làng, tham gia chống ngoại xâm, bảo vệ ngôi vua, bảo vệ đất nước (hộ quốc); Phù hộ cư dân, đem lại mưa thuận gió hòa, xã hội an ninh, không bị tai ương thiên tai địch họa (tý dân). Theo chế độ phong thần thì các thần làng được chia thành ba cấp: thượng, trung, hạ đẳng thần. Riêng Thành hoàng làng thường được phong thượng đẳng thần, tước vương, thay mặt vua cai quản bách thần và cư dân trong làng. Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống văn bản thần tích, thần sắc, Nguyễn Duy Hinh cho rằng: “Việc lập đình, ban sắc phong Thành hoàng có thể diễn ra đầu thời Lê, nhưng tư liệu chắc chắn đã biết thì thuộc thời Lê Thánh Tông (1460-1497)” (4).
Như vậy, quá trình tiếp biến văn hóa đã mang lại cho khái niệm Thành hoàng một nội hàm bản địa Việt Nam. Thành hoàng ở Trung Quốc vốn là vị thần chuyên bảo vệ thành trì, khi đến nông thôn Việt Nam đã trở thành những vị thần bảo hộ cư dân làng xã. Đây chính là sự vay mượn ngôn từ và khái niệm một cách sáng tạo của người Việt. Tín ngưỡng Thành hoàng làng thực chất là tín ngưỡng phúc thần, đóng vai trò liên kết cộng đồng người trong một cộng đồng lãnh thổ nông nghiệp hữu hạn. Với những nghi thức thờ phụng, những sinh hoạt văn hóa hồn hậu, tự nhiên mà thấm đậm triết lý nhân sinh nơi thôn dã, tín ngưỡng Thành hoàng làng không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh mà còn là không gian sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật, nơi thể hiện tâm hồn, đạo lý, bản sắc văn hóa Việt, nơi mà tình người, tình quê được vun đắp bao đời mà nên tình nước non. Đình Đại Phùng và tín ngưỡng Thành hoàng làng tại di tích đình Đại Phùng thực sự là một trường hợp tiêu biểu cho ý nghĩa đó.
3. Di tích đình Đại Phùng và việc bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng Thành hoàng làng trong không gian văn hóa làng hiện nay
Di tích đình Đại Phùng thuộc làng Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt năm 2019. Theo các bậc cao niên trong làng, đình tọa lạc trên thế đất được cho rằng là đắc địa: Tả Thanh Long có thủy Hữu Bạch Hổ có gò cao. Trước đình có ao trong, ao ngoài, là nội minh đường, ngoại minh đường. Xung quanh đình là hệ thống ao hồ liên thông, tạo thành thế “thủy bọc”. Không xa về phía trước, nơi đỉnh Tản Viên Sơn soi bóng mỗi chiều, là ngã ba sông Hát lấy nước từ sông Hồng, rồi chảy ngang qua đầu làng. Vẻ đẹp đó thực đúng như đôi câu đối trong đình còn ghi: Tư dân thọ vực xuân đài càn khôn đức Đại/ Kỳ địa thanh sơn tú thủy tả hữu nguyên Phùng. Nghĩa là: Cõi thọ đài xuân nơi dân này là đức lớn của trời đất/ Sông núi tươi đẹp ở đất này là gặp được nguồn tả hữu (5).
Điểm nổi bật nhất của đình Đại Phùng là nghệ thuật chạm khắc, với những mảng chạm gỗ, thể hiện đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc dân gian TK XVII. Ở đây, nghệ nhân xưa đã thao diễn kỹ thuật điêu luyện dưới dạng chạm bong, lộng, nổi cao với rất nhiều đề tài và bố cục sống động. Đó là các biểu tượng gắn với thế lực thiêng liêng của bầu trời mang ước vọng cầu sinh khí cho mùa màng bội thu, là những linh vật ở các trạng thái tĩnh động khác nhau. Sinh động và đặc sắc hơn cả vẫn là những hình tượng gắn với hoạt cảnh của cuộc sống con người nơi trần thế. Có thể nói, những mảng chạm đã thể hiện tinh tế các ý tưởng, nội dung có giá trị cao về nghệ thuật, phong phú về thể loại, khai thác các đề tài sinh hoạt văn hóa dân gian, thể hiện những ước vọng của cư dân nông nghiệp. Tiêu biểu là mô típ hoạt cảnh vinh quy bái tổ, đấu vật, đá cầu...
Đình Đại Phùng thờ phụng một vị thần thời Hùng Vương là Tích Lịch Hỏa Quang và một vị tướng thời trong một thực thể văn hóa quan trọng bậc nhất của nông thôn Việt Nam: đình làng. (ii) Đình làng và tín ngưỡng Thành hoàng làng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, nơi dung chứa và gìn giữ huyết mạch văn hóa, sự cố kết cộng đồng và đoàn kết dân tộc. (iii) Bảo vệ di tích đình làng phải gắn liền với việc bảo tồn, phát huy giá trị nghi thức thực hành tín ngưỡng Thành hoàng làng, các lễ hội truyền thống và sinh hoạt văn hóa làng quê trong không gian văn hóa đình làng.
4. Chủ động xử lý tốt áp lực gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa nông thôn đối với kiến trúc đình làng và tín ngưỡng Thành hoàng làng
Cũng như các loại hình di tích khác, đình làng cũng đã và đang đối diện với nhiều thách thức. Đặc biệt đối với những ngôi đình Bắc Bộ như di tích đình Đại Phùng, thách thức lớn nhất hiện nay cần nhận diện thật rõ là: (i) Gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa nông thôn tạo áp lực ngày càng khắc nghiệt lên di tích, trước hết với cảnh quan di tích và tính toàn vẹn của di tích; (ii) Nhận thức của cộng đồng cư dân sở tại, thậm chí của cả cơ quan quản lý di tích ở địa phương, chưa thật đúng đắn, dẫn đến xác định biện pháp bảo vệ chưa toàn diện, chưa hiệu quả, trong một số trường hợp làm sai lệch, mai một giá trị của di tích.
Qua khảo sát việc thực hành tín ngưỡng Thành hoàng làng tại đình Đại Phùng trong mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 và những năm gần đây, chúng tôi xin đề xuất một vài kiến nghị:
Thứ nhất: bảo vệ di tích đình làng phải gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng Thành hoàng làng. Đình làng, đặc biệt là tín ngưỡng Thành hoàng làng, cùng các di sản văn hóa phi vật thể phái sinh quanh việc thực hành tín ngưỡng đó, có vai trò và chức năng quan trọng đối với sự phát triển của xã hội nông thôn hiện đại: giáo dục lịch sử và tinh thần yêu nước; gắn kết và tương trợ cộng đồng; bồi đắp, trao truyền và định hình bản sắc văn hóa làng xã nông thôn một cách tự nhiên, bền vững. Đây là các giá trị đảm bảo cho sự phát triển xã hội một cách hài hòa, nhân văn và bền vững. Và đây cũng chính là yêu cầu, nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Thứ hai: nếu đã không thể né tránh thì cần chủ động đối mặt và xử lý tốt áp lực ngày càng mạnh mẽ từ quá trình đô thị hóa đang tự phát diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Đối với di tích quốc gia đặc biệt như đình Đại Phùng, cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Phân định rõ các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và những vùng điều chỉnh quy hoạch xây dựng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Công khai quy hoạch, cắm mốc giới bảo vệ các khu vực di tích. Việc thực hiện các dự án thành phần, khi quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, kết hợp tạo sinh kế cho nhân dân địa phương từ các nghề truyền thống, nâng cao đời sống của người dân trong vùng di tích. Việc cải tạo, xây dựng các công trình ngoài khu vực bảo vệ của di tích nhưng có nguy cơ và khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích cũng cần được thẩm tra, quản lý chặt chẽ.
Thứ ba: tôn trọng và nhận thức đúng về vai trò của chủ thể di sản văn hóa. Cần trao quyền quyết định, tổ chức và thực hành cho cộng đồng chủ nhân của di sản văn hóa. Đây là nguyên tắc đặc biệt đúng đắn trong quản lý nhà nước đối với di tích đình làng và tín ngưỡng Thành hoàng làng. Tuyệt đối tránh sự can thiệp quá sâu của cơ quan nhà nước, bảo đảm việc điều hành và thực hành lễ hội đình làng không bị làm sai lệch theo hướng “hành chính hóa”. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể buông lỏng, lơ là quản lý, mà cần thực hiện tốt vai trò tư vấn, định hướng và hỗ trợ, bảo đảm việc điều hành và thực hành lễ hội đình làng không bị làm sai lệch theo hướng “thương mại hóa”, bị xuyên tạc, làm méo mó, mai một giá trị của di tích, di sản.
_______________
1. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Đình Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
2. Trần Lâm Biền chủ biên, Đình làng Việt (châu thổ Bắc Bộ), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2017, tr.171. 3. Theo Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14-10-2016 của UBND thành phố Hà Nội.
4. Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng Thành Hoàng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr.60.
5. Nguyễn Kim Măng (Chủ nhiệm dự án), Tư liệu Hán Nôm di tích đình Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, 2022.
BÙI THỊ NGỌC DIỆP
Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024