Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển bền vững

Di sản kiến trúc là một loại di sản thuộc loại hình di sản văn hóa vật thể, là nguồn tài sản vô giá của mỗi quốc gia, liên quan đến con người và các cộng đồng. Có thể nói, đây là một lĩnh vực rộng, với nhiều quan điểm tiếp cận khác nhau. Trong xu thế chung về hội nhập quốc tế, các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã khẳng định những thành tựu cũng như hiệu quả đối với toàn nhân loại. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ như quan điểm, nhận thức, quy trình, các yếu tố liên quan cũng như sự ảnh hưởng từ môi trường tự nhiên, chính sách quản lý, môi trường xã hội đến di sản kiến trúc…

Nhà thờ Đức Bà (Quận 1, Hồ Chí Minh) Ảnh: thanhnien.vn

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa là hai mặt của một thể thống nhất, có tác động tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển của mỗi xã hội mà văn hóa được xem là nền tảng. Việc phát huy giá trị các di sản văn hóa có tác dụng làm tăng ý thức, trước hết là của mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc và của bè bạn quốc tế đối với trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa. Ngược lại, việc bảo tồn sẽ tạo ra cơ hội có được các giá trị văn hóa để giới thiệu với các dân tộc, các quốc gia khác trên thế giới.

Theo Luật Di sản Văn hóa: “Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học” (1). Theo đó, di tích bao gồm: di tích khảo cổ, di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, trong đó, di sản (di tích) kiến trúc là một loại di sản văn hóa; công trình kiến trúc được coi là di sản kiến trúc khi có những giá trị tiêu biểu đặc trưng về các khía cạnh lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học đối với dân cư địa phương, quốc gia, hoặc cộng đồng quốc tế.

Việt Nam hiện nay có 23 di sản thế giới, gồm: 2 di sản tự nhiên, 5 di sản văn hóa vật thể, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 1 di sản hỗn hợp, 112 di tích quốc gia đặc biệt, trên 40.000 di tích hiện diện ở 63 tỉnh, thành; trong đó có gần 4.000 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh (2). Bên cạnh đó, mỗi tỉnh thành còn có nhiều danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống, phản ánh đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán của các cộng đồng dân cư...

1. Thực trạng bảo tồn, khai thác giá trị di sản kiến trúc ở TP.HCM

Trong những thập kỷ qua, nhiều nước trên thế giới đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản kiến trúc và xem như là nguồn tài nguyên cần gìn giữ và khai thác giá trị để phục vụ phát triển kinh tế du lịch của quốc gia. Bởi ngoài việc góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống, du lịch còn đóng góp vào sự phát triển xã hội, tạo thu nhập cao cho lao động tham gia hoạt động du lịch, giải quyết việc làm, giúp ổn định xã hội.

TP.HCM đã có 188 di tích có quyết định xếp hạng, trong đó: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia, 128 di tích cấp thành phố (3). Di sản kiến trúc của TP.HCM bao gồm những công trình kiến trúc phục vụ cho hoạt động văn hóa của cộng đồng; như cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các công trình được xây dựng phục vụ cho đời sống dân dụng như: nhà ở, các công thự, trường học, bệnh viện, chợ, bưu điện, những cây cầu, những nhà kho - bến cảng… Có thể kể đến: Bưu điện Thành phố, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, mộ Tiền Hiền Tạ Dương Minh, đình Phú Lạc…

Những kiến trúc truyền thống như các công trình tín ngưỡng, nhà ở, kiến trúc của người Hoa, kiến trúc thời Pháp thuộc, kiến trúc các giai đoạn sau này, và những cảnh quan đô thị khác như sông rạch, cây cối, vườn hoa… cho thấy sự phong phú về loại hình và là tiềm năng góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Đặc biệt là góp phần rất lớn vào họat động du lịch ở TP.HCM.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và khai thác các di tích, đặc biệt là di tích kiến trúc - nghệ thuật gặp nhiều khó khăn và còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng, thất thoát di tích. Cụ thể như:

Chùa Hội Sơn ở đường Nguyễn Xiển, Quận 9 được xây dựng từ TK XVIII, là một trong những ngôi chùa cổ có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật ở TP.HCM, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993. Sau một trận hỏa hoạn đêm 17-7-2012 đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

Một trong những nguyên nhân gây mất mát kiến trúc truyền thống xuất phát từ lịch sử, quá trình đô thị hóa, công tác quản lý… Ngoài những công trình đã được xếp hạng di tích và một số công sở quan trọng khác, còn rất nhiều công trình kiến trúc cũ có giá trị hiện do nhiều đơn vị chủ quản khác nhau, ví dụ như các trường học, bệnh viện, công sở… cùng một số nhà ở do tư nhân quản lý.

Hiện nay, kiến trúc truyền thống ở TP.HCM đang có một xu thế chuyển dần sang tư nhân hóa việc quản lý và sử dụng. Một mặt, xu hướng này giúp tìm ra nguồn vốn để giữ gìn và duy trì kiến trúc cũ, đồng thời tạo sức sống cho công trình. Mặt khác, do quản lý không tập trung, thiếu hồ sơ gốc và trình độ chuyên môn của chủ sở hữu cùng cơ quan quản lý công trình không cao nên dẫn đến việc thay đổi kiến trúc, làm mất đi giá trị nghệ thuật và kiến trúc vốn có của công trình. Đồng thời, do sự phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc và do trình độ học vấn, người nghèo đô thị ít được tham dự vào sự hưởng dụng các công trình này, tạo ra một hình ảnh kiến trúc cao cấp, nhưng xa rời trong lòng đại bộ phận dân cư đô thị.

Chỉ nói riêng về biệt thự truyền thống, hiện chúng không chỉ được sử dụng làm nhà ở, mà còn là công sở, văn phòng làm việc, nhà hàng. Cho dù được bảo tồn tốt, trong thời gian tới, quy mô, tính chất và nội dung các công trình truyền thống của thành phố cũng sẽ không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế. Hay ở những ngôi nhà truyền thống với lối kiến trúc truyền thống xưa, theo thời gian, đã xuống cấp trầm trọng cần được phục chế sửa lại theo nguyên bản gốc của nó.

Ngoài ra, ở TP.HCM còn có những dãy phố truyền thống tập trung chủ yếu ở khu vực Quận 5 với các khu phố truyền thống: Hải Thượng Lãn Ông, Trần Hưng Đạo, Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học. Tuy nhiên, việc giữ gìn và phát huy giá trị của những khu phố truyền thống này cần có thời gian và sự chung tay của các cấp, ngành mới thành hiện thực, tạo thêm nét đẹp cho thành phố.

Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM đã và đang triển khai dự án tổng kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng di tích trên toàn địa bàn thành phố nhằm nắm được số lượng, nội dung và giá trị cũng như việc bảo tồn, khai thác giá trị của toàn bộ di sản văn hóa một cách chính xác, nhưng vấn đề bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa tại TP.HCM vẫn còn nhiều hạn chế, một số di tích đang xuống cấp.

2. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc trong phát triển bền vững

Nghị quyết lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, mục III Nhiệm vụ, điểm 4 có nêu rõ: “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một… ”.

Như vậy, trong yêu cầu phát triển văn hóa và con người Việt Nam, các di sản văn hóa có thể xem là tài nguyên đặc biệt vừa góp phần giáo dục chính trị, vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, quốc gia.

Để các tài nguyên đặc biệt này vừa gắn với phát triển kinh tế, vừa giữ gìn được các giá trị truyền thống cần phải có sự kết hợp chặt chẽ từ 4 chủ thể của di sản văn hóa.

Nhà nước mà cụ thể là chính quyền TP.HCM và các cơ quan chức năng

Ban hành những chủ trương, chính sách trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phù hợp với tình hình mới, hoàn cảnh mới của thành phố trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời, thành phố định hướng và xây dựng chính sách quản lý phát triển du lịch cho các địa bàn (dựa vào đặc trưng về kinh tế văn hóa của từng quận, huyện), lưu ý đến các địa bàn có các di sản văn hóa và tự nhiên tiêu biểu, mang tính đại diện như Quận 1, Quận 3, Quận 5 với đặc thù là di sản kiến trúc đô thị, trung tâm mua sắm, ẩm thực và dịch vụ kết hợp tham quan hệ thống bảo tàng tại thành phố; Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển, du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, có thể phát triển du lịch MICE; Hóc Môn, Củ Chi với các di tích cách mạng kết hợp giữa giáo dục truyền thống và tổ chức picnic cho thanh thiếu niên của thành phố…

Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích ngành Kinh doanh du lịch đẩy mạnh và quản lý du lịch theo hướng tôn trọng và phát huy di sản văn hóa đang tồn tại; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích đối thoại giữa những người chịu trách nhiệm về di sản và những người kinh doanh du lịch nhằm giúp họ hiểu rõ hơn tầm quan trọng và tính chất mỏng manh dễ hỏng của các di sản kiến trúc, các sưu tập, các giá trị văn hóa đang tồn tại, kể cả sự cần thiết phải đảm bảo một tương lai bền vững cho những di sản đó.

Cần có những chiến lược quảng bá các di sản văn hóa thông qua các công ty du lịch Việt Nam và quốc tế có uy tín trên thị trường hiện nay một cách thường xuyên như là một dạng tài nguyên du lịch, đồng thời cũng là những sản phẩm du lịch có giá trị cho du khách.

Sở VHTTDL cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện quy hoạch tổng thể di sản văn hóa, bản đồ phân bố di sản kiến trúc làm cơ sở để thiết kế các tour du lịch văn hóa với nhiều điểm đến hấp dẫn, nhiều nội dung phong phú.

Các quận, huyện tiếp tục lập đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương mình đang quản lý. Từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể trong việc khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu di tích trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, tăng tính hấp dẫn của di tích nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan; tổ chức các hoạt động văn hóa tại địa điểm di sản hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững.

Nhà dân (cộng đồng dân cư tại địa phương có di sản)

Trong những năm qua, công tác giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sở tại cùng các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đã đạt được những kết quả và tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát huy di sản vẫn chưa đến được với các cộng đồng dân cư vùng sâu, vùng xa, nơi rất cần tăng cường nhận thức về bảo tồn và phát huy di sản, đặc biệt là công tác bảo tồn các giá trị thiên nhiên.

Việc cùng tham gia của cộng đồng ngày càng được nhân rộng như một nguyên tắc bền vững để quản lý di sản trên phương diện quốc gia và quốc tế. Mục đích chính của sự tham gia cộng đồng là thu hút mọi người đóng góp tài năng, trí tuệ và công sức vào quá trình quản lý di sản gắn liền với phát triển kinh tế. Sự tham gia của người dân địa phương và bản địa trong quản lý bảo tồn và phát huy các giá trị di sản là cần thiết bởi: nếu thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương thì sự bền vững lâu dài của di sản sẽ bị đe dọa, kể cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của di sản; người dân địa phương có quyền được hưởng lợi nhờ khai thác di sản cho sinh kế, nghỉ dưỡng, các nhu cầu văn hóa xã hội và các nhu cầu tâm linh của họ.

Vì vậy, những quyết định về quy hoạch, kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản của các cơ quan chức năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cộng đồng. Những người trong cộng đồng chịu ảnh hưởng do họ là những người sinh sống, làm việc, học tập và thường qua lại trong khu vực đó. Trường hợp khu đô thị mới Thủ Thiêm là bài học “xương máu” trong công tác quản lý. Do đó, sự cần thiết phải có được những ý kiến của họ về những gì họ đang làm, những gì họ đang muốn có và trong nhiều trường hợp chính cộng đồng là những người ra quyết định.

Nhà doanh nghiệp

Các nhà doanh nghiệp (bao gồm các công ty vận tải, truyền thông, dịch vụ du lịch, các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các nhà tổ chức hoạt động lễ hội, sự kiện...) hay còn gọi là các cộng đồng liên quan đóng vai trò then chốt trong guồng máy hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp này có nhiệm vụ tăng cường quảng bá, tổ chức các tour, tuyến, tạo ra các chương trình, các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đưa du khách đến tham quan, thưởng ngoạn các di sản văn hóa, di sản tự nhiên.

Để sự liên kết trở nên chặt chẽ, các nhà doanh nghiệp cần phải tuân thủ luật Di sản văn hóa; Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành trong hoạt động bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, tích cực tổ chức các diễn đàn để trao đổi thông tin, học tập và chia sẻ kinh nghiệm quản lý giữa các khu di sản tại các địa phương, tranh thủ các ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong việc khai thác di sản, cần có sự phối hợp đồng bộ, liên kết giữa các ngành Văn hóa, Du lịch, thương mại dịch vụ... trong khai thác giá trị di sản phục vụ cho hoạt động du lịch.

Chính quyền thành phố một mặt tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động, mặt khác cần có những chế tài hữu hiện nhằm bảo vệ và giữ gìn di sản văn hóa, xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với di sản văn hóa dành cho cộng đồng và du khách.

Nhà khoa học

Các nhà khoa học như kiến trúc sư, nhà quy hoạch kiến trúc, các chuyên gia bảo tồn, các nhà nghiên cứu văn hóa, cảnh quan đô thị… có nhiệm vụ tư vấn cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tại các địa phương những biện pháp bảo tồn các di sản cũng như việc khai thác giá trị các di sản trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Các đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học nên hướng đến bảo tồn môi trường của di sản và bản thân di sản, ngoài việc nghiên cứu, phục chế các vật liệu để trùng tu, tôn tạo di tích, còn hướng đến nghiên cứu những trang thiết bị hỗ trợ cho việc khai thác giá trị di tích hiện đại, tiện ích, nhưng phải bảo đảm an toàn, góp phần bảo quản, ngăn ngừa những hiểm họa cho di tích được lâu dài.

Bảo tồn và khai thác luôn là hai mặt của một vấn đề, nếu chỉ bảo tồn mà không chú ý tới khai thác sẽ gây lãng phí tài nguyên, hạn chế việc phát huy giá trị; nếu chỉ khai thác mà không bảo tồn thì còn nguy hiểm hơn nữa, điều đó sẽ gây hủy hoại di tích, hủy hoại môi trường và những hậu quả to lớn khác cho toàn xã hội.

Khi thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích, ngành Văn hóa cần tranh thủ ý kiến các chuyên gia, đặt ra mục tiêu kép là không chỉ bảo tồn, chuyển giao các giá trị văn hóa nguyên gốc cho các thế hệ tương lai, mà còn phải tôn tạo di tích thích ứng với nhu cầu xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới ứng dụng công nghệ 3D scaning (quét 3D trong không gian thực của công trình bằng tia hồng ngoại) làm cơ sở để phục hồi các di sản đã bị hư hỏng, sụp đổ do các biến cố. Mặt khác, với 3D scanning giúp số hóa các di sản, phục vụ cho việc nghiên cứu và tham quan thực tế ảo (Virtuaal - Reality), một xu thế tất yếu trong giai đoạn mới của xã hội số.

3. Kết luận

Trong xu thế hội nhập hiện nay, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản kiến trúc nói riêng ở TP.HCM phải được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, cần có sự liên kết của các cơ quan văn hóa, kinh tế, du lịch, truyền thông… cần sự vào cuộc của chính quyền thành phố, các nhà khoa học cũng như sự hỗ trợ của doanh nghiêp trong quá trình xã hội hóa và sự đồng thuận của cộng đồng tạo điều kiện để di sản khẳng định được vị trí và sức sống lâu bền của mình và là cầu nối với bạn bè thế giới thông qua hoạt động du lịch. Đặc biệt là du lịch văn hóa - một hoạt động du lịch mang tính bền vững và là hướng đi phù hợp với điều kiện của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Tác động của du lịch đối với di sản văn hóa có nhiều yếu tố tích cực, góp phần bảo tồn và phục hồi các giá trị truyền thống. Đồng thời, nếu chúng ta giữ gìn tốt di sản là giữ gìn được nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế du lịch lâu dài. Song song với việc phát triển du lịch văn hóa, chúng ta phải chú ý đến việc giáo dục, tuyên truyền cho du khách, cho người dân ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa địa phương cũng như ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

___________________

1. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật số 28/2001QH10, Luật Di sản văn hóa, 2002.

 2. Nguyễn Thị Thu Trang, Phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, nhandan.vn, 11-7-2024.

3. Linh Bảo, Thành phố Hồ Chí Minh có thêm 3 di tích cấp thành phố, nhanhdan.vn, 23-11-2023.

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, 9-6-2014.

2. Bộ VHTTDL, Thông tư số 04/2010 về kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể.

3. Trịnh Thị Minh Đức, Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, giáo trình, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2007.

4. An Nhơn, Cháy chùa cổ 300 tuổi, vnexpress.net, 18-7-2012.

5. Tùng Nguyên, Bảo tồn phố cổ chợ Lớn giúp phát triển du lịch - thương mại, dantri.com.vn, 5-6-2012.

6. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật số 09/2017 QH14, Luật Du lịch.

7. Gia Thuận, Phát huy giá trị di sản văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh - tiềm năng còn bỏ ngỏ, baotintuc.vn, 16-12-2018.

TS NGUYỄN ĐỨC TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024

;