Hà Tĩnh là một tỉnh ở Bắc Trung Bộ giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, được thể hiện qua khối lượng lớn hệ thống di sản văn hóa, trong đó có một lượng lớn di sản sắc phong thời Lê Trung hưng phong chức cho các văn quan, võ quan đương thời và phong thần cho các vị nhân thần và thiên thần. Các sắc phong được phân bố đều khắp các huyện trong tỉnh là nguồn tư liệu gốc có những đặc trưng và giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ, phản ánh nhiều lĩnh vực khác nhau từ truyền thống học hành khoa bảng, khoa hoạn của các dòng họ, tình hình ổn định chính trị, xã hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, khai hoang lập ấp... thời Lê Trung hưng ở Hà Tĩnh.
Sắc phong Thần đền Thư viện, tước “Đại vương” cho Thám hoa Nguyễn Huy Oánh của Vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng 44 (ngày 6-7-1783)
Đặt vấn đề
Hà Tĩnh là vùng địa linh nhân kiệt nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Đông giáp biển, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp nước Lào. Với thời tiết khá khắc nghiệt, Hà Tĩnh có mùa đông lạnh, mùa xuân mưa phùn, ẩm ướt, mùa hè khô nóng bởi gió phơn Tây Nam thổi, mùa thu thường bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Về địa hình, tỉnh Hà Tĩnh có núi cao ở phía Tây, đồng bằng xen kẽ ở giữa và vùng ven biển với hệ động thực vật phong phú và đa dạng.
Với điều kiện tự nhiên như vậy, từ thời tiền sử hàng nghìn năm trước, tỉnh Hà Tĩnh đã có con người đến sinh sống. Họ tập trung ven núi, ven sông và ven biển để thuận lợi của việc tụ cư lâu dài. Các di tích khảo cổ học thời hậu kỳ đá mới như Thạch Lạc, Rú Điệp, Rú Trò, Cồn Lôi Mốt, Bãi Diền Diền ở huyện Thạch Hà, Rú Dầu ở huyện Đức Thọ, Phôi Phối ở huyện Nghi Xuân đã chứng minh con người có mặt ở đây ít nhất từ 4.000 đến 5.000 năm. Trong suốt thời kỳ lịch sử, cộng đồng người Hà Tĩnh cùng với cả nước đã dựng nước và giữ nước, chống lại thiên tai và địch họa. Thời kỳ nào, tỉnh Hà Tĩnh cũng có các danh nhân, hào kiệt trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Tiêu biểu trong số đó có Mai Thúc Loan, Đào Tiêu, Nguyễn Biểu, Đặng Tất, Đặng Dung, Lê Hữu Trác, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng. Chính họ cùng với quần chúng nhân dân thông qua lao động và sản xuất đã góp công sáng tạo nhiều di sản văn hóa quý giá còn tồn tại cho đến ngày nay.
Thời Lê Trung hưng có 202 sắc phong cho các vị thần và quan lại ở Hà Tĩnh. Đây là thời kỳ dài nhất trong số các triều đại phong kiến Việt Nam tồn tại đến 256 năm, được bắt đầu từ Vua Lê Trang Tông (năm 1533) và kết thúc vào năm 1789, đời Vua Lê Chiêu Thống trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Triều đại này có 17 đời Vua: Lê Trang Tông (1533-1548), Lê Trung Tông (1548-1556), Lê Anh Tông (1556-1573), Lê Thế Tông (1573-1599), Lê Kính Tông (1599-1619), Lê Thần Tông (1619-1643 và 1649-1662), Lê Chân Tông (1643-1649), Lê Huyền Tông (1663-1671), Lê Gia Tông (1672-1675), Lê Hy Tông (1675-1705), Lê Dụ Tông (1906-1729), Lê Duy Phường (1729-1732), Lê Thuần Tông (1732-1735), Lê Ý Tông (1735-1740), Lê Hiển Tông (1740-1786) và Lê Chiêu Thống (1786-1788).
Thời Lê Trung hưng là giai đoạn vùng đất Hà Tĩnh còn thuộc trấn Nghệ An (tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An ngày nay) là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đã được các nguồn sử liệu khẳng định. Nổi bật, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, đây là nơi tiếp giáp giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, là bãi chiến trường ác liệt của cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn, cư dân phải sống trong điều kiện khó khăn, nhiều người trong số đó phải tha phương, cầu thực, một số khác được huy động vào cuộc nội chiến tương tàn.
Thứ nữa, thời Lê Trung hưng cũng ghi nhận quá trình tụ cư, phát triển về xã hội, văn hóa, giáo dục ở tỉnh Hà Tĩnh. Đây là thời kỳ nổi lên các sĩ tộc có đóng góp lớn cho chính quyền Lê - Trịnh, đạt thành tích xuất sắc trong giáo dục, khoa cử và hoạn lộ, tiêu biểu dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu, dòng họ Hà - Tùng Lộc, dòng họ Nguyễn - Tiên Điền, dòng họ Đinh Nho ở An Hòa Thịnh, dòng họ Nguyễn ở Ích Hậu, dòng họ Phan Huy - Thu Hoạch, dòng họ Ngô - Trảo Nha. Dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, nay thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc có truyền thống Nho học, văn chương và khoa cử với nhiều đời, nhiều người đỗ đạt, làm quan như Nguyễn Như Thạch, Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Kiên… Dòng họ này còn thành lập nên Trường học Phúc Giang xa kinh thành Thăng Long, làm mộc bản in sách giáo khoa, thu hút hàng ngàn người đến tầm sư học đạo và đào tạo nhiều người thi đỗ hàng chục tiến sĩ có đóng góp lớn cho phát triển văn hóa, chính trị, giáo dục, ngoại giao của đất nước. Dòng họ Nguyễn - Tiên Điền nổi bật đã sản sinh ra Tể tướng Nguyễn Nghiễm, Đại thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều thơ nôm bất hủ. Dòng họ Đinh Nho với Tiến sĩ Đinh Nho Công và Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn. Dòng họ Hà ở Tùng Lộc với Hà Tông Chính, Hà Tông Trình, Hà Tông Mục. Dòng họ Nguyễn ở Ích Hậu với Tể tướng Nguyễn Văn Giai và các con cháu. Dòng họ Phan Huy - Thu Hoạch tiêu biểu có Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn, Phan Huy Thực, Phan Huy Chú. Dòng họ Ngô - Trảo Nha có Ngô Phúc Vạn cùng 18 vị quận công.
Những đặc điểm như trên đã góp phần tạo nên một hệ thống di sản văn hóa được gìn giữ, bảo quản, trong đó có các bản sắc phong thời Lê Trung hưng. Chắc chắn sắc phong thời kỳ này được làm ra nhiều hơn số sắc phong hiện đang lưu giữ tại các bảo tàng và cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh do biến thiên của lịch sử và tác động của khí hậu khắc nghiệt nên mất mát nhiều.
Đặc trưng và giá trị sắc phong thời Lê Trung hưng ở Hà Tĩnh
Sắc phong là một loại văn bản của nhà nước phong kiến có giá trị pháp lý phong cho bách quan và bách thần mang tính mệnh lệnh phải tuân theo. Việc được ban sắc phong là một vinh dự lớn đối với dòng họ hoặc cộng đồng. Vì vậy, việc rước sắc phong là một sự kiện lớn, thu hút sự chú ý của một số lượng lớn người tham gia. Sắc phong là độc bản. Về hình thức, sắc phong thời Lê Trung hưng có hình chữ nhật, viết các nội dung bằng chữ Hán màu đen bằng thủ công theo thể chân thư, phần lớn chữ khá to, rõ ràng và dễ tra cứu, bố trí theo cột dọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Thư pháp chữ Hán trên sắc phong thời Lê Trung hưng mang phong cách riêng đến mức chúng ta không cần xem nội dung cũng biết sắc của thời kỳ này. Cuối nội dung sắc phong thời Lê Trung hưng thường có chữ 故勅 (cố sắc). Phía bên trái sắc ghi niên hiệu, thời gian ban cấp theo âm lịch chi tiết đến ngày, tháng, phía trên được đóng dấu triện đỏ hình vuông cạnh khoảng 10cm có in hình 4 chữ Hán theo thể triện thư lớn: 勅命之寶 (Sắc Mệnh Chi Bảo). Chất liệu giấy làm sắc phong là giấy sắc được phường Yên Thái gồm các làng Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô ở Thăng Long sản xuất phục vụ triều đình. Sắc phong thường màu vàng được trang trí hoa văn truyền thống như tứ linh, chữ Thọ. Rồng được vẽ kích thước lớn ở mặt trước sắc phong thể hiện uy quyền của nhà Vua (1).
Sắc phong thời Lê Trung hưng có niên đại sớm nhất ở Hà Tĩnh là sắc ghi niên hiệu Thận Đức thứ nhất (1600), đời Vua Lê Kính Tông, cách ngày nay 424 năm. Sắc phong muộn nhất thời này là sắc phong niên hiệu Chiêu Thống (1786-1788), cách ngày nay 235 năm. Sắc phong có số lượng lớn nhất là sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng có 133 sắc phong, chiếm gần 66% tổng số sắc phong thời Lê Trung hưng ở Hà Tĩnh. Sắc phong có số lượng ít nhất là sắc phong có niên hiệu Thận Đức, Phúc Thái, Đức Nguyên, Chiêu Thống, mỗi loại có 1 cái chiếm gần 0,5%. Các niên hiệu Nguyên Hòa của Vua Lê Trang Tông, Thuận Bình của Vua Lê Trung Tông, Thiên Hựu, Chính Trị, Hồng Phúc của Vua Lê Anh Tông, Gia Thái và Quang Hưng của Vua Lê Thế Tông chưa tìm thấy sắc phong.
Sắc phong quý hiếm và độc đáo là sắc phong bằng lụa họ Nguyễn Văn của Tể tướng Nguyễn Văn Giai, ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh với chiều dài 4,5m, chiều rộng 0,5m cùng 318 chữ Hán, chia thành 63 cột dọc, thư pháp chân thư, được cấp năm Hoằng Định thứ 11 (1610) đời Vua Lê Kính Tông, cách ngày nay 414 năm. Nội dung sắc phong viết về Tể tướng Nguyễn Văn Giai từng đỗ Hoàng giáp, tước Thái bảo, Quận công, Công thần khai quốc nhà Lê Trung hưng.
Cũng giống như các di sản văn hóa khác, sắc phong Hà Tĩnh thời Lê Trung hưng phản ánh lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội đương thời. Qua thống kê cho thấy, hiện nay sắc phong thời Lê Trung hưng còn 202 sắc, trong đó sắc phong cho nhân thần 29 sắc, chiếm hơn 14% tổng số sắc phong với 3 niên hiệu, trong đó Cảnh Trị có 1 sắc phong, Cảnh Hưng có nhiều nhất 27 sắc phong và Chiêu Thống có 1 sắc phong. Nhân thần thường có tên cụ thể có lai lịch rõ ràng và đỗ đạt cao, làm quan to, đóng góp nhiều công lao với nhà nước phong kiến và cộng đồng làng xã, được ban sắc giao cho nhân dân thờ phụng. Trong số các sắc phong cho nhân thần có những vị thần khá đặc biệt như sắc phong thần liên quan đến giáo dục Nho học, tạo lập thư viện Phúc Giang của Nguyễn Huy Oánh mà ngày nay thường gọi là trường học Phúc Giang để dạy học. Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) đỗ đầu thi Hương năm 19 tuổi, đỗ Đình Nguyên Thám hoa năm 35 tuổi làm đến chức Thượng thư bộ Công, bộ Lễ, Tế tửu Quốc Tử Giám, Chánh sứ tuế cống Trung Hoa, tước Hoằng Thạc Đại vương; biên soạn 40 đầu sách, đào tạo 30 học trò đỗ tiến sĩ. Ông là người biên soạn và viết chữ để khắc Mộc bản Trường học Phúc Giang, được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016. Còn nữa, dòng họ Nguyễn Huy còn có một số danh nhân được phong làm thành hoàng làng Trường Lưu (huyện Can Lộc).
Ngoài ra, sắc phong thời Lê Trung hưng còn ban cho nhiều vị nhân thần nổi tiếng ở xứ Nghệ là Tam Tòa Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi, Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương. Những vị thần này được thờ trong ba trong bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ: “Nhất Cờn, nhị Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng” và rất nhiều ngôi đền khác mà phần lớn đều có sắc phong cho thần. Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ. Năm Càn Phù Hữu Đạo thứ nhất (1039), ông được cử làm Tri châu Nghệ An (bao gồm cả Hà Tĩnh ngày nay). Tại đây, ông còn có công lớn trong việc ổn định tình hình chính trị, xã hội, rất được nhân dân biết ơn. Sau khi mất, ông được lập đền thờ ở nhiều nơi. Tại Hà Tĩnh có rất nhiều đền thờ ông trải dọc từ Bắc xuống Nam ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, trong đó tiêu biểu có đền Nen (xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà), đền Huyện (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân), đền Tam Tòa Tứ Vợi (xã Thạch Hải)... Thần Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương là mẹ con Hoàng hậu nhà Tống bị quân Nguyên truy đuổi, đuối nước dạt vào bờ biển Nghệ An, linh ứng trở thành thần biển được nhân dân vùng Nghệ Tĩnh tôn thờ. Ở Hà Tĩnh, có nhiều đền thờ thần. Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi là người có công trong Khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi lãnh đạo và có công lớn trong chinh phạt Chiêm Thành. Ông mất tại Cửa Sót (Hà Tĩnh) được nhân dân vùng Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ lập đền thờ. Ngoài ra còn có nhóm sắc phong thần thời Lê Trung hưng cho Đô Ngự sử Bùi Cầm Hổ là Bỉnh quân Hồng trạch Hoằng liệt Phụ quốc Hiển linh Thùy huống Diên hựu Dương uy Trợ thắng Tán hóa Hoằng nhân Bách huệ Phô uy Tuyên hóa Đại vương. Ông người xã Độ Liêu, huyện Thiên Lộc, là vị quan thời Lê Sơ, từng 3 lần đi sứ Trung Hoa…
Sắc phong thời Lê Trung hưng phong cho nhiên thần ở Hà Tĩnh có tổng cộng 36 sắc phong chiếm gần 18% tổng số sắc phong, chia thành 5 niên hiệu, trong đó niên hiệu Cảnh Hưng 24 sắc phong, Chính Hòa có 5 sắc phong, Vĩnh Khánh, Vĩnh Thịnh đều có 3 sắc phong, Cảnh Trị 1 sắc phong. Đây cũng là sắc phong có niên đại sớm nhất thờ nhân thần ở Hà Tĩnh, cách ngày nay 353 năm. Nhiên thần phản ánh trong sắc phong ở Hà Tĩnh tiêu biểu có Cao Sơn Cao Các, Tam lang Long Vương, Kê Quan Sơn, Bạch Y Công chúa. Đây là những vị thần tối cổ của người Việt được thờ nhiều nơi ở Hà Tĩnh. Các vị thần này đều được lịch sử hóa, nhân cách hóa, nhuốm màu sắc nhân thế mà không phải trường hợp nào cũng lý giải được. Thần Cao Sơn Cao Các là thần núi được thờ nhiều nơi ở các huyện miền núi Hà Tĩnh. Thần Tam Lang Long Vương (ba con rắn) là thủy thần, được thờ nhiều nơi ở huyện Thạch Hà. Kê Quan sơn là một dãy núi phân bố ở nơi tiếp giáp 2 huyện Vũ Quang và Hương Sơn, có vị trí trọng yếu trong căn cứ Đỗ Gia của nghĩa quân Lam Sơn đầu TK XV chống quân Minh xâm lược, đã linh ứng và được các triều đại Lê Trung hưng, Tây Sơn và Nguyễn ban sắc phong thần.
Sắc phong thời Lê Trung hưng cho văn quan bao gồm 58 sắc chiếm gần 29% tổng số sắc phong, chia thành 14 niên hiệu, trong đó sắc phong niên hiệu Hoằng Định có niên đại sớm nhất, cách ngày nay hơn 400 năm, sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng có niên đại muộn nhất 250 năm. Niên hiệu Cảnh Hưng cũng có nhiều sắc phong nhất: 19 cái, niên hiệu Long Đức, Vĩnh Trị, Đức Nguyên, Vĩnh Thọ, Đức Thái có sắc phong ít nhất: 1 sắc phong. Đây thường là sắc phong chức tước cho những người đỗ đạt cao, làm quan to có công lao với nhà nước, được khen thưởng và tăng cấp, chức, tước theo thời gian. Sắc phong cho văn quan có tính lịch sử, nhân vật công trạng và địa điểm cụ thể.
Sắc phong chức cho văn quan chủ yếu là phong chức tước cho họ khi còn sống nổi bật với ban cho các dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu với các danh nhân như Nguyễn Huy Tựu, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, Nguyên Huy Cự... Ngoài ra còn có cá danh nhân họ Nguyễn Trí, làng Đan Chế, huyện Thạch Hà, họ Nguyễn Văn ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, họ Vương, xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà với sắc phong cho Thái y viện Vương Khả Độ…
Sắc phong chức cho võ quan có số lượng lớn nhất: 76 sắc phong, chiếm gần 38% tổng số sắc phong thời Lê Trung hưng ở Hà Tĩnh, được chia thành 11 niên hiệu. Số lượng lớn nhất là niên hiệu Cảnh Hưng (60 sắc phong), niên hiệu ít nhất gồm Thận Đức, Vĩnh Khánh, Vĩnh Trị và Cảnh Trị, mỗi loại 1 sắc phong. Sắc phong thời kỳ này chủ yếu phong chức cho những người tham gia quân đội Lê Trịnh lập nhiều công lao khi xung trận đánh tan tàn dư nhà Mạc như những vị quan họ Trần Hậu ở thành phố Hà Tĩnh, hoặc tham gia cuộc chiến với chúa Nguyễn ở Đàng Trong, hay tham gia bảo vệ Trấn Ninh, hay là những lính ưu binh Thanh Nghệ bảo vệ kinh thành Thăng Long vào TK XVIII. Tiêu biểu có Trần Hậu Hoa, Nguyễn Thân, Phan Tử Lăng, Trần Như Kiên, Nguyễn Oanh, Nguyễn Diên, Nguyễn Hiền… Họ chủ yếu quê ở các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, thành phố Hà Tĩnh. Những địa điểm này một thời là những chiến trường của cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn.
Kết luận
Tóm lại, sắc phong thời Lê Trung hưng ở Hà Tĩnh là di sản văn hóa vật thể, đồng thời là bằng chứng vật chất để nghiên cứu quá khứ đã qua. Những di sản đó mang những đặc trưng và giá trị riêng phản ánh lịch sử, văn hóa, xã hội, giáo dục, tính ngưỡng dân gian, thẩm mỹ, phong tục tập quán của tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ Lê Trung hưng mà nhiều yếu tố vật thể và phi vật thể còn được trao truyền cho đến ngày nay, trở thành nguồn tài nguyên quan trọng cần được bảo tồn và phát huy phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội nhằm hội nhập khu vực và quốc tế của tỉnh Hà Tĩnh.
___________________
1. Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, Sắc phong Hà Tĩnh, tập 1, Hà Tĩnh, 2013, tr.8-9.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Duy Báu (chủ biên), Lịch sử Hà Tĩnh, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.
2. Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, Sắc phong Hà Tĩnh, tập 2, Hà Tĩnh, 2015.
3. Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh (bản thảo), Sắc phong Hà Tĩnh, tập 3, Hà Tĩnh, 2024.
TRẦN PHI CÔNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024