Nghệ thuật đá cổ miền núi phía Bắc trong viễn cảnh lý thuyết “Ổ sinh thái”

Vùng núi phía Bắc nước ta là nơi phát hiện được hàng chục địa điểm di sản nghệ thuật đá cổ. Đó là những hình chạm khắc do người xưa tạo ra trên bề mặt đá, phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa cuộc sống của con người và tự nhiên. Giờ đây, các vấn đề môi trường sinh thái càng trở nên sống còn đối với con người và muôn loài trên trái đất này. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng các tri thức mới về sinh thái học vào lĩnh vực nghiên cứu của di sản, đặc biệt là lý thuyết “Ổ sinh thái” có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó có thể giúp nâng cao nhận thức và đề xuất được các giải pháp thiết thực cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị vô giá của loại hình di sản này, góp phần phát triển bền vững vùng và đất nước.

Di tích chạm khắc đá cổ Xín Mần (Hà Giang) năm 2007 - Ảnh: Trình Năng Chung

Di sản nghệ thuật chạm khắc đá cổ là đối tượng nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, các nhà nghệ thuật học và di sản học - được gọi một cách quy ước là nghệ thuật đá cổ hay nghệ thuật trên đá. Đó là những dấu vết do con người tạo ra và để lại trên bề mặt tự nhiên của đá, với đặc trưng nổi bật là phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa con người và môi trường sinh thái xưa. Vùng núi phía Bắc của đất nước ta với hàng chục di tích nghệ thuật trên đá vô cùng quý giá, được coi là một loại hình kiến tạo “Ổ sinh thái” của người xưa, và đây cũng là một trong những khu vực đặc biệt nhạy cảm với các vấn đề môi trường, văn hóa trong quan hệ giữa con người và tự nhiên.

Ở nước ta, các phát hiện và nghiên cứu sớm nhất về nghệ thuật đá cổ được người Pháp thực hiện năm 1925 tại Sa Pa (1). Tiếp đó là phát hiện tại hang Đồng Nội, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình (2). Từ sau năm 1954 cho tới nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam còn phát hiện được hàng loạt địa điểm di sản tại Pá Màng (3), Khe Hổ, tỉnh Sơn La (4), Xín Mần, tỉnh Hà Giang (5), xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái (6), địa điểm Suối Cỏ xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (7).

Tại Xín Mần có 6 tảng đá có hình chạm khắc, tiêu biểu là phiến đá với trên 80 hình khắc, gồm 7 nhóm: các dạng hình học; hồi văn; những vạch đục khắc song song; những biểu tượng sinh thực khí hầu hết là nữ; những hình bàn chân người; những hình người; những hình khắc chưa xác định (8).

Chủ nhân của các di sản này có thể là một hoặc một số tộc người thuộc khối Bách Việt, theo chế độ mẫu hệ, điều đó thể hiện qua biểu tượng sinh thực khí nữ giới (9). Niên đại của bãi đá cổ Xín Mần được xác định sau công nguyên vài ba thế kỷ, hoặc có thể không quá 1.000 năm cách ngày nay (10). Có quan điểm cho rằng, ý nghĩa của hình khắc liên quan đến nghi lễ thờ thần mặt trời.

Vào tháng 7-2020, mở rộng điều tra trên địa bàn xã Lao Chải, đã phát hiện mới thêm tại bản Xéo Dì Hồ B có 11 khối đá tại bản Hú Trù Lình có 6 khối đá chạm khắc. Đặc biệt, có khối đá được phủ kín hoa văn hình ruộng bậc thang, mà chủ nhân là đồng bào Mông, và họ cũng chính là chủ nhân của các bản khắc đá cổ đó (11).

Cuối cùng, cần phải nói đến phát hiện mới nhất về di tích chạm khắc đá ở Suối Cỏ, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đó là 2 khối đá ký hiệu khối đá A và khối đá B với 5 đồ án, phong cách nghệ thuật khá nhất quán với chủ đề chung là các khuôn mặt người dạng thú. Các vòng tròn đồng tâm mang phong cách trang trí Đông Sơn thể hiện mắt người và phần thu nhỏ thể hiện mũi, miệng khá đồng nhất ở cả 5 hình khắc. Bản khắc ở khối đá A được cho là chân dung mô phỏng của một vị thần, trong đó đôi mắt vượt cao hẳn lên. Hiện tại, chỉ có thể dựa vào lịch sử cư trú trong vùng để phỏng đoán chủ nhân hình khắc này có thể thuộc giai đoạn cuối của văn hóa Hòa Bình đến giai đoạn sau di chỉ Mán Bạc (12).

1. Nghệ thuật đá cổ trong viễn cảnh lý thuyết “Kiến tạo ổ sinh thái”

Khái niệm “Kiến tạo ổ sinh thái”

Lý thuyết Kiến tạo ổ sinh thái (Niche Construction) hay lý thuyết “Ổ sinh thái” là một phân ngành của sinh học tiến hóa, nhấn mạnh vào khả năng của các sinh vật trong việc biến đổi chọn lọc tự nhiên trong môi trường và do đó đóng vai trò là đồng điều hành quá trình tiến hóa của bản thân mỗi loài và của các loài khác. Càng ngày lý thuyết “Ổ sinh thái” càng được coi là một cách tiếp cận hữu hiệu đối với các vấn đề tiến hóa chung rộng lớn, chứ không chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu tiến hóa riêng biệt. Kiến tạo ổ sinh thái là quá trình tương tác của các sinh vật, và con người với môi trường, vì mục đích hoạt động và lựa chọn sinh tồn. Các quá trình đó luôn làm biến đổi các vị trí sinh sống được gọi chung là “ổ” của bản thân mình và/ hoặc của các loài liên quan. Ví dụ, về kiến tạo ổ sinh thái bao gồm động vật làm tổ, đào hang, dệt mạng, làm vỏ nhộng; thực vật thay đổi hàm lượng khí thể, khí quyển và điều chỉnh chu trình dinh dưỡng; nấm phân hủy chất hữu cơ; và các chất dinh dưỡng cố định vi khuẩn; con người tạo ra nơi trú ẩn, lều trại, nhà cửa, làng xóm và các nền văn hóa (13).

Việc tập trung vào sự biến đổi môi trường của sinh vật cũng là trọng tâm của khái niệm “công trình hệ sinh thái”. Khái niệm này được coi là đồng nghĩa với “kiến tạo ổ”, và chủ yếu được sử dụng liên quan đến sinh học, trong khi “kiến tạo ổ” được các nhà sinh thái học tiến hóa khai thác sâu hơn, và đạt tới đỉnh cao ở sinh thái học văn hóa và sinh thái học nghệ thuật của con người. Về phương diện khảo cổ học, với tư cách là những nhà kiến tạo ổ sinh thái vô cùng mạnh mẽ, nên con người là loài kiến tạo ổ sinh thái ở bậc cuối cùng; là loài duy nhất hiểu được cách kiến tạo ổ sinh thái nhằm điều chỉnh động lực tác động (kể cả tích cực lẫn tiêu cực, vật chất lẫn tinh thần, hữu hình lẫn vô hình) của quần thể người lên môi trường sinh tồn của mình (14).

Kiến tạo ổ trong hệ sinh thái người

Năng lực về công nghệ, văn hóa và thẩm mỹ rõ ràng là những yếu tố quan trọng làm cơ sở cho tiềm năng kiến tạo ổ sinh thái của con người, và chính vì vậy, các nhà sinh thái nhân văn coi mỗi nền văn hóa cổ là một loại hình ổ sinh thái người. Quan điểm coi kiến tạo ổ sinh thái văn hóa là nguyên nhân dẫn đến quá trình tiến hóa của con người được các nhà di truyền học chứng minh khi phân tích bộ gen của con người cho thấy nhiều gen chịu sự quét chọn lọc là phản ứng đối với các hoạt động văn hóa (15), và đó cũng chính là quá trình đồng tiến hóa gen - văn hóa. Chẳng hạn, có một số ví dụ về phản ứng di truyền do văn hóa gây ra đối với mọi yếu tố của môi trường trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của con người, chẳng hạn, gen di truyền của người chăn nuôi thì quen với sản phẩm thịt, đường, sữa; trong khi đó gen di truyền của người sản xuất lúa gạo và đánh bắt động vật thủy sinh lại thân thuộc với bột gạo, các thực phẩm lên men như thịt cá muối chua, nước mắm nguồn gốc thủy sản… (16).

Càng ngày càng có nhiều nhà nhân học ứng dụng viễn cảnh kiến tạo ổ sinh thái vào bộ công cụ lý thuyết của họ và họ thường tùy chỉnh để thực hiện các công trình nhân học theo cách mà đôi khi chính những người sáng lập ra lý thuyết này cũng không hình dung đến. Đồng thời, một số nhà lý thuyết kiến tạo ổ sinh thái trong sinh học tiến hóa đã xây dựng mối quan hệ với các học giả trong các ngành như xã hội học và nhân học (17). Nhìn từ viễn cảnh ổ sinh thái, đặc biệt là trong khảo cổ học và cổ nghệ thuật học thì mọi sản phẩm kiến tạo nên ổ sinh thái đều được coi là “tác vật” (artifacts). Về phương diện này, tác vật bao gồm từ loại hiện vật cụ thể và nhỏ bé như chiếc rìu, hay rộng lớn như các hệ thống ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Tác vật cũng bao gồm cả những sản phẩm trừu tượng như tín ngưỡng vật linh trong mỗi con người cho đến cả một nền văn hóa. Trong viễn cảnh “ổ sinh thái nhân văn”, tác vật được hình dung qua mô hình kế thừa bộ ba kiến tạo ổ là: Đặc trưng kế thừa qua các thế hệ; Đặc trưng sinh thái nhân văn; Đặc trưng văn hóa. Mô hình này được đưa vào các công trình nghiên cứu khảo cổ học và những lĩnh vực cụ thể như nghệ thuật đá cổ nhằm khai thác triệt để năng lực nhận thức và ứng dụng thực tế vào bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thuộc về cả ba phạm vi đó. Dữ liệu nhân học và khảo cổ học về các truyền thống thủ công, đặc biệt là các hệ thống tri thức bản địa có thể được sử dụng để theo dõi sự kế thừa văn hóa, do đó lập biểu đồ các mối quan hệ lịch sử giữa các cộng đồng sáng tạo và kế thừa từ quá khứ để tạo thành các giá trị bền vững của từng văn hóa trong một phạm vi sinh thái nào đó. Ngoài ra, nhiều dữ liệu khảo cổ học và nghệ thuật đá cổ còn giúp cung cấp thông tin trực tiếp về sự biến đổi của con người đối với môi trường sinh học và phi sinh học, cả cục bộ và tạm thời, ở quy mô địa lý và thời gian lớn hơn (18).

2. Nghệ thuật đá cổ miền núi phía Bắc trong viễn cảnh “Kiến tạo ổ sinh thái”

Để ứng dụng các loại hình kiến tạo ổ sinh thái vào diễn giải nghệ thuật đá cổ miền núi phía Bắc, chúng ta có thể phân tích trường hợp di sản Suối Cỏ xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Tại địa điểm này cho đến nay đã phát hiện 2 khối đá có hình khắc nằm cách nhau khoảng 25m. Cả 2 khối đá này đều thuộc loại đá lăn, chất liệu granite tại rìa phía đông của con suối mang tên Suối Cỏ. 2 tảng đá này được đặt tên là khối A sát đường đi vào và khối B. Khối A có một hình khắc lớn. Khối B có 4 cụm tạo thành 4 hình khắc độc lập (19). Trên bề mặt khối A có một hình người khá lớn (khoảng 25cmx35cm) được khắc chìm, có rãnh khắc rộng khoảng 1,5cm, sâu khoảng 0,7cm với vùng bụng nở nang, gồm các vòng hoa văn gần như đồng tâm và 2 tay giơ lên trời. Phần bàn tay cũng là các vòng hoa văn gần như đồng tâm, nhưng nhỏ hơn so với vùng bụng, và đường kính vành ngoài khoảng 6-7cm, trông rất giống mô típ trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn, còn phần mặt cũng cùng mô típ với 2 đường viền đồng tâm như vậy (20). Trên khối đá B có 4 cụm hình khắc khá giống nhau, mỗi cụm gồm 2 hình tròn đồng tâm đường kính khoảng 7-8 cm ở phía trên. Phía dưới là một lỗ khoét gần vuông tạo thành hình giống như 2 lỗ mũi và tương tự hình mặt khỉ. Do địa hình và di sản nghệ thuật đá cổ độc đáo, huyền bí nên từ xưa đến nay, người dân nơi đây đã chọn Suối Cỏ để xây dựng miếu thờ rất linh thiêng của người Mường, gọi là miếu Đồng Đóng. Ngôi miếu là nơi người Mường ở xóm Chum thực hiện các nghi lễ nông nghiệp như lễ khai hạ (ngày 8 tháng Giêng theo lịch Mường) và lễ rửa lá lúa (ngày 8 tháng Ba lịch Mường), đồng thời còn là nơi để người dân thực hiện các nghi lễ cầu an mỗi khi gia đình có công việc trọng đại. Có điều rất đáng lưu ý là người dân địa phương gọi các hình khắc nơi đây là hình “mặt quỷ”. Niên đại phỏng đoán và chủ nhân của các hình khắc này được cho là thuộc giai đoạn cuối của văn hóa Hòa Bình từ hơn 4.000 đến khoảng 1.000 năm TCN, có thể là các cư dân trồng lúa thời Phùng Nguyên - Mán Bạc và thậm chí cả cư dân thời Đông Sơn từ vùng hạ lưu sông Bưởi lên vùng này (21).

Dưới đây là phần diễn giải 3 loại hình kiến tạo ổ sinh thái phổ biến của trường hợp địa điểm di sản Suối Cỏ, đó là: Kiến tạo ổ khởi đầu; Kiến tạo ổ phản ứng; Kiến tạo ổ di chuyển. Riêng loại hình thứ tư là kiến tạo ổ di cư theo mùa dù rất phổ biến và còn có thể quan sát dễ dàng bằng các tài liệu dân tộc học, nhưng ít khi để lại thông tin trên các di tích chạm khắc đá cổ. Vì vậy, loại hình này không được đưa ra phân tích ở đây. Về phương diện địa lý, Suối Cỏ là một đứt gãy địa chất khá lớn nhận nước từ nửa phía Đông Nam của dải núi giáp ranh giữa 2 huyện Lạc Sơn và Kim Bôi, đổ vào sông Trắng hợp lưu với nhánh suối lớn từ Mường Vang rồi nhập vào sông Bưởi. Địa hình thung lũng khu vực phân bố di sản đá cổ khá bằng phẳng, rộng chừng 300m, kéo dài khoảng 1.200m, cao khoảng 10m so với mặt suối, từ lâu đã được khai thác tạo thành các thềm ruộng bậc thang trồng lúa thấp dần về phía Đông cao hơn về phía Tây, Bắc. Hiện nay, có một cộng đồng người Mường cư trú thành xóm làng ở địa thế cao, phía Tây Bắc, cách mặt suối khoảng 50m; ngoài ra, còn một cụm dân cư ở ven đường vào thung lũng, có độ cao 10-15m so với mặt suối (22). Di sản nghệ thuật để lại cho thấy, người Suối Cỏ xưa đã thực hiện các loại hình kiến tạo sau:

Kiến tạo ổ khởi đầu: mục đích là tạo ra sự thân thuộc bằng cách bắt đầu thay đổi môi trường do họ chọn lựa về mặt vật lý và biến đổi bản thân cho phù hợp với môi trường xung quanh mình. Đây là quá trình xác định đặc trưng riêng, tiến tới hình thành các khía cạnh bản sắc văn hóa của nhóm. Họ đã chạm khắc lên đá các hình tượng mà giờ đây chúng ta thường gọi theo cách nhận thức và phân loại của xã hội hiện đại là thuộc “loại hình nghệ thuật”, vốn không hề có và không thể tồn tại trong xã hội tiền sử của họ. Họ đã thay đổi bản thân thông qua các khía cạnh sau: Mong muốn thể hiện mình bằng các hình chạm khắc bền vững lưu dấu tại môi trường Suối Cỏ; Làm cho mình vĩnh viễn hiện diện bằng các hình chạm khắc trong môi trường Suối Cỏ; Tạo ra nhận thức mới về bản thân và môi trường thông qua tư duy và hành động trong các mối tương tác sinh tồn với hệ sinh thái Suối Cỏ; Hình thành trong não các hình tượng cần hiện diện thường hằng tại Suối Cỏ; Tạo ra các tác vật - là bộ công cụ mới để tác động lên bề mặt đá nhằm chạm khắc hình tượng; Hình thành và cải thiện các kỹ năng quan sát, thao tác mới trong quá trình chạm khắc đá; Hình thành và cải thiện các nhận thức mới về chất liệu đá và chất liệu công cụ chạm khắc; Hình thành và cải thiện việc kiến tạo ý nghĩa, diễn giải ý nghĩa và mục đích của các hình tượng; Hình thành, cải thiện và thể hiện quá trình cảm xúc, nhận thức đó qua hình chạm khắc để đạt tới mỹ cảm và cái đẹp.

Kiến tạo ổ phản ứng: Con người luôn phản ứng lại sự thay đổi của môi trường bằng cách biến đổi nơi sinh tồn để hình thành môi trường mới, đó là hệ sinh thái nhân văn, tiếp nối quá trình kiến tạo ổ khởi đầu đã phân tích ở trên. Điều này có thể thấy rõ nhất ở hệ thống ruộng bậc thang ở Suối Cỏ cũng như ở tất cả các địa điểm di sản chạm khắc đá miền núi phía Bắc, điển hình như Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Xín Mần (Hà Giang)… Các hoạt động kinh tế tước đoạt và nương rẫy kết hợp chăn nuôi nhỏ lẻ làm cho đồ ăn và vật liệu phục vụ đời sống của con người trong môi trường tự nhiên dần dần trở nên khan hiếm, nghèo kiệt và đi kèm là các phản ứng của tự nhiên đối với con người như thiên tai, dịch bệnh, đói khát. Trong bối cảnh đó, để cải thiện sinh tồn, con người phải biến đổi môi trường, tăng năng suất để tạo ra lương thực, thực phẩm ổn định hơn. Ruộng bậc thang và kỹ thuật tưới tiêu bằng đường đồng mức cùng vô số kỹ năng canh tác ruộng bậc thang tại tất cả các vùng có địa điểm di sản chạm khắc đá cổ chính là một minh chứng thuyết phục cho loại hình kiến tạo ổ sinh thái mang tính phản ứng với các xáo trộn này. Vì vậy, ruộng bậc thang không chỉ là một loại hình “kiến tạo ổ xáo trộn phản ứng”, mà còn là nguồn xáo trộn nhận thức và tạo cảm hứng về vẻ đẹp ngay cả với chủ nhân của hệ thống này. Điều đó thể hiện rất rõ qua vô số hình ruộng bậc thang được chạm khắc trên đá tại các khu vực có ruộng bậc thang nổi tiếng như Sa Pa, Mù Cang Chải, Xín Mần…

Kiến tạo ổ di chuyển: Giống như mọi sinh vật, với các nguyên nhân tự nhiên, con người cũng tiếp xúc với một môi trường chọn lọc mới bằng cách di chuyển đến hoặc phát triển ở một nơi mới, cư trú tại môi trường sống mới. Tuy nhiên, khác với các loài sinh vật, bên cạnh các nguyên nhân tự nhiên, con người còn có vô số nguyên nhân xã hội khiến cho họ phải di chuyển đến môi trường mới. Khu vực miền núi phía Bắc, là nơi tập trung sinh sống của các tộc người thiểu số, tuy đất rừng còn nhiều, nhưng ruộng, đất trồng lúa, trồng lương thực thực phẩm ít và đang dần bị thu hẹp, chất lượng đất càng ngày càng xấu đi. Đây là vùng địa hình chủ yếu là các dãy núi trung bình và núi cao, đất dốc, ruộng rẫy ít màu mỡ do không được phù sa của các sông lớn bồi đắp, diện tích đất trống đồi trọc chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt, trong mùa khô, nạn thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất trở nên trầm trọng, có vùng người dân phải đi xa hàng chục km để lấy nước ăn như Đồng Văn tỉnh Hà Giang, Bắc Hà tỉnh Lào Cai, Lục Khu tỉnh Cao Bằng... là những nhân tố chính thúc đẩy người ta di cư đi tìm vùng đất mới (23). Đặc biệt, đối với người Mông di cư và sống trên núi cao vốn đã sẵn có trong tâm thức của họ, trở thành tập quán ăn sâu bám rễ vào căn tính tộc người từ hàng ngàn năm trước. Theo dòng lịch sử, cùng với nhiều biến động lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa và sau này là tôn giáo, lối sống di cư lại càng trở nên phổ biến. Vì vậy, việc cư trú ở một môi trường mới luôn đồng nghĩa với quá trình kiến tạo ổ sinh thái mới, mà một trong những cách thức dễ thấy của họ là ghi dấu ấn kiến tạo ổ di chuyển ấy trên đá, góp phần hình thành các địa điểm di sản chạm khắc đá ở nhiều nơi trên miền núi phía Bắc nước ta.

3. Tạm kết

Việc khai thác tự nhiên quá mức thông qua các hoạt động kinh tế tước đoạt tự nhiên như thu lượm, săn bắt, đánh cá, chặt phá rừng, làm nông, lai tạo các loài mới, mở mang công nghiệp và phát triển đô thị đã làm mất cân bằng trầm trọng mối quan hệ giữa tự nhiên và con người. Vì vậy, càng ngày các vấn đề môi trường sinh thái càng trở nên sống còn đối với muôn loài trên trái đất này. Trong bối cảnh đó, khả năng lý giải sâu sắc và tính ứng dụng thực tiễn cao của lý thuyết kiến tạo ổ sinh thái đã giúp cho chúng ta nhận thức rõ hơn mức độ cấp bách của vấn đề để có thể đưa ra những giải pháp thiết thực hơn đối với mọi mặt của cuộc sống con người. Vùng núi phía Bắc của đất nước ta, nơi có hàng chục dân tộc thiểu số sinh sống, là một trong những khu vực đặc biệt nhạy cảm với các vấn đề mất cân bằng môi trường sinh thái trong quan hệ giữa con người và tự nhiên. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng việc nghiên cứu nghệ thuật đá cổ miền núi phía Bắc trong viễn cảnh lý thuyết “Ổ sinh thái” cũng không nằm ngoài ý nghĩa, và mục đích nâng cao nhận thức, góp phần giải quyết các vấn đề nảy sinh nhằm phát triển bền vững vùng và đất nước.

_______________________

1. Goloubew V., Roches gravées dans la région de Chapa (Đá có hình khắc ở khu vực Sa Pa), In Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient (Trong Bản tin của Trường Viễn Đông Pháp), số 25, 1925, tr.423-434.

2. Colani M., Quelques stations Hoabinhiennes (Một số di chỉ Hòa Bình), In Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient (Trong Bản tin của Trường Viễn Đông Pháp), tập 29, 1929, tr.261-272.

3. Nguyễn Khắc Sử - Võ Quý - Nguyễn Thị Ngọc Lan, Khảo cổ học tiền sử và sơ sử Sơn La, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.

4. Bùi Văn Mạnh, Phạm Văn Tuấn, Bãi đá có hình khắc cổ tại Sơn La. Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2012, Viện Khảo cổ học, Hà Nội, 2013.

5, 8, 9. Trình Năng Chung, Những hình khắc cổ trên đá ở Xín Mần Hà Giang, Tạp chí Khảo cổ học, số 5, 2007, tr.76-84.

6, 11. Nguyễn Văn Quang, Nhóm đá chạm khắc ở Mù Cang Chải qua tìm hiểu và nghiên cứu, baoyenbai.com.vn, 5-10-2016.

7, 19, 20, 21, 22. Nguyễn Việt, Kết quả nghiên cứu Bãi đá có hình khắc nguyên thủy tại Suối Cỏ, Mỹ Thành, Lạc Sơn, Hòa Bình, vanhoavaphattrien.vn, 4-10-2022.

10. Trịnh Sinh, Bãi đá Sa Pa: Góc nhìn Khảo cổ học, Dân tộc học và khai thác du lịch, Hội thảo Khoa học Tìm hiểu giá trị văn hóa của di sản đá khắc Sa Pa, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết, Hà Nội, 15-12-2018.

12. Lê Hải Đăng, Báo cáo sơ bộ kết quả thực địa khảo cổ học di tích chạm khắc đá cổ ở tỉnh Hòa Bình tháng 3 -2024, Báo cáo Thực địa Dự án: Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam, Hà Nội, tháng 4-2024.

13. Odling-Smee, F. J., Laland, K. N., & Feldman, M. W., Niche construction: The neglected process in evolution (Kiến tạo ổ: Quá trình bị bỏ qua trong tiến hóa), Monographs in population biology 37 (Chuyên khảo về sinh học quần thể 37), Nxb Đại học Princeton, 2003.

 14. Jones, C. G., Lawton, G. H., & Shachak, M., Ecosystem engineering by organisms: Why semantics matters (Công trình hệ sinh thái của sinh vật: Tại sao ngữ nghĩa lại quan trọng), Tạp chí Các xu hướng Sinh thái & Tiến hóa, số 12 (7), 1997, tr.275.

15. Voight, B. F., Kudaravalli, S., Wen, X., & Pritchard, J. K., A map of recent position selection in the human genome, (Sơ đồ chọn lọc vị trí gần đây trong bộ gen của con người), Tạp chí Thư viện Khoa học Công cộng Sinh học, số 4(3), 2006, tr.72.

16. Burger, J., Kirchner, M., Bramanti, B., Haak, W., & Thomas, M. G, Absence of the lactase-persistence-associated allele in early Neolithic Europeans (Sự vắng mặt của thể lạ liên quan - đến sự tồn tại - dai dẳng của enzyme - hấp thụ đường sữa có ở người châu Âu sơ kỳ đá mới), Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, 104, 2007, tr.3736-3741.

17. Schultz, Emily A., Niche Construction and the Study of Culture Change in Anthropology: Challenges and Prospects (Kiến tạo ổ và Nghiên cứu Biến đổi văn hóa trong Nhân học: Thách thức và Triển vọng), Tạp chí Liên ngành 3, số 5, 2015, tr.303-327.

18. Reide Felix, Adaptation and Niche Construction in Human Prehistory: A Case Study from the Southern Scandinavian Late Glacial (Thích ứng và Kiến tạo ổ trong thời Tiền sử của Con người: Nghiên cứu Trường hợp từ thời Băng hà Muộn ở Nam Scandinavi), Kỷ yếu Triết học của Hiệp hội Hoàng gia, 366, 2011, tr.793-794.

23. Nguyễn Duy Thụy, Di cư của người dân tộc thiểu số đến Tây Nguyên từ năm 1975 đến năm 2015, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.131.

Tài liệu tham khảo

1. Man Khánh Quỳnh, Báo cáo Kết quả điều tra khảo sát di sản chạm khắc đá cổ tại Xóm Chung, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, Báo cáo Thực địa Dự án: Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam, Hà Nội, tháng 4-2024.

2. Phùng Hoa Miên, Ghi chép nghệ thuật đá Suối Cỏ tháng Ba năm 2024, Báo cáo Thực địa Dự án: Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam, Hà Nội, tháng 4-2024.

TS HÀ HỮU NGA - Ths PHÙNG HOA MIÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024

;