Nghiên cứu về văn hóa vỉa hè ở Thành phố Hồ Chí Minh: Vấn đề khái niệm và hướng tiếp cận

Văn hóa vỉa hè là một khái niệm vẫn còn khá nhiều tranh luận và chưa được phân tích sâu trong các công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam. Nghiên cứu văn hóa vỉa hè ở TP.HCM, chúng tôi thấy rằng văn hóa vỉa hè là khái niệm đa tầng, đa nghĩa và mang đậm nét dấu ấn của vùng đất, lịch sử, con người tại thành phố trẻ hơn 300 năm tuổi. Trên cơ sở tổng hợp, xem xét một số khía cạnh về mặt khái niệm và cách tiếp cận vận dụng khái niệm văn hóa vỉa hè, bài viết làm rõ những khả năng đa dạng trong việc vận dụng khái niệm này gắn với thực tiễn văn hóa xã hội phức tạp cùng những cảnh huống nghiên cứu cụ thể, đồng thời đặt ra yêu cầu về sự thận trọng trong cách hiểu và thao tác với khái niệm đặc biệt này.

Từ năm 2017 đến nay, khái niệm/ quan điểm về văn hóa vỉa hè thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo. Sở dĩ vậy bởi năm 2017, ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1) kiên quyết ra quân để dẹp sạch vỉa hè, xử lý nghiêm các sai phạm để trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Song, chỉ sau một vài tháng triển khai, ông Đoàn Ngọc Hải phải dừng lại và sau đó thừa nhận là chiến dịch thất bại và ông xin từ chức vào đầu năm 2018. Thất bại của chiến dịch này xuất phát từ sự nhìn nhận chưa toàn diện về khái niệm văn hóa vỉa hè, cấu trúc chức năng vỉa hè. Để có cơ sở cho việc xem xét tính hợp lý trong các lập luận phổ biến trong nghiên cứu, nhất là về văn hóa vỉa hè tại TP.HCM cần sự nhìn nhận một cách nghiêm túc và thấu đáo, những vấn đề về mặt nội hàm và cách tiếp cận trong việc vận dụng khái niệm văn hóa vỉa hè.

1. Văn hóa vỉa hè - Những tranh biện về quan niệm

Vỉa hè trong tiếng Anh là pavement hoặc side-walk, là khoảng không bằng phẳng bên liền kề đường giao thông dành cho người đi bộ (1). Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, “Vỉa hè là phần mặt bằng dành cho người đi bộ cạnh đường xe chạy của tuyến đường ô tô trong thành phố hoặc của cầu” (2). Theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về “Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế” của Bộ Xây dựng, “Vỉa hè (hè đường) là bộ phận tính từ mép ngoài bó vỉa tới chỉ giới đường đỏ. Vỉa hè có thể có nhiều chức năng như: bố trí đường đi bộ, bố trí cây xanh, cột điện, biển báo... Bộ phận quan trọng nhất cấu thành vỉa hè là phần hè đi bộ và bó vỉa. Hè đường chỉ được cấu tạo ở tuyến phố, mà không có trên đường ôtô thông thường” (3).

Những định nghĩa trên đều thống nhất rằng, vỉa hè là một bộ phận của đường phố, nối liền với đường phố và có chức năng lưu thông cho người đi bộ. Tuy nhiên, nghiên cứu về văn hóa vỉa hè cho đến nay vẫn còn hai hướng tranh biện, đó là có văn hóa vỉa hè hay không?

Quan điểm không tồn tại văn hóa vỉa hè

Những luồng quan điểm nhận định không tồn tại văn hóa vỉa hè cho rằng: nói đến văn hóa là nói tới cái đẹp, cái tích cực trong khi vỉa hè lại chứa đựng trong nó những lộn xộn, xấu xí và nhếch nhác. “Cụm từ “Văn hóa vỉa hè” được báo chí, các nhà nghiên cứu văn hóa nhắc đến như một thói quen của người Hà Nội… Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động văn hóa này đang góp phần làm xấu đi bộ mặt đô thị và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông” (4). Khi bàn về văn hóa vỉa hè Hà Nội, PGS,TS Nguyễn Văn Huy đánh giá: “cái gọi là văn hóa vỉa hè không phải là nét sinh hoạt gốc tích của người Hà Nội xưa, mà nó được nảy nở trong mấy chục năm gần đây, khi mà hầu hết người Hà Nội bây giờ đều đến từ các làng quê hoặc có nguồn gốc từ các làng quê. Người ở quê vẫn có thói quen thích tụ họp nhau bên chén trà, hay tụ năm tụ ba ở gốc cây đa đầu làng để “buôn” chuyện, thích sự tiện lợi, có thể mua bán trao đổi ở bất cứ nơi nào… và thói quen ấy được kéo giữ khi họ lên thành phố, họ sử dụng vỉa hè như khoảng trống ở gốc đa làng mình mà không hề để ý đến bộ mặt văn minh đô thị” (5).

Gọi tên khái niệm văn hóa vỉa hè và diễn giải nó trong diễn ngôn về văn minh, hiện đại và phát triển thì hầu hết các ý kiến đều cho rằng văn hóa vỉa hè là một cái gì đó nhếch nhác, xấu xí làm ảnh hưởng tới bộ mặt đẹp đẽ, văn minh của đô thị.

Quan điểm có thực thể văn hóa vỉa hè

Tuy nhiên ở một chiều cạnh khác, khái niệm văn hóa vỉa hè được các chuyên gia, các nhà nghiên cứu nhìn nhận ở khía cạnh tích cực và tốt đẹp. KTS Hồ Quang Toàn và KTS Tâm Thảo trong bài viết Vỉa hè đô thị khẳng định: “Không gian này không đơn thuần là dải lề đi bộ hai bên đường, mà còn giữ rất nhiều vai trò trong việc tạo lập bản sắc, hình ảnh nơi chốn, văn hóa, xã hội” (6).

Lương Thảo Ngân Hiền khi nghiên cứu về vỉa hè TP.HCM dưới góc nhìn văn hóa học cho rằng: “là không gian thiết yếu của người đi bộ, là nơi lắp đặt các thiết bị đường phố và bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật…Vỉa hè còn là không gian kinh tế xã hội, bởi nó là không gian giao tiếp công cộng lớn và quan trọng của cư dân đô thị; là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, các sinh hoạt cộng đồng, là nơi mà các hoạt động kinh doanh diễn ra ở một mức độ nhất định, là nơi phản ánh đời sống đô thị, là bộ mặt của đường phố, mang nét đặc trưng của khu vực” (7). Cũng nghiên cứu về vỉa hè TP.HCM, GS Annette M. Kim khẳng định: “Không gian công cộng nơi vỉa hè chứa đựng một lối sống đầy thẩm mỹ, nhiều giá trị nhân bản, khiến cho Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một nơi đáng nhớ và đáng gắn bó… Vỉa hè có sức sống riêng, tinh thần riêng, thấm đẫm văn hóa và phản ánh đời sống của người dân, chứ không chỉ là một khoảng không gian câm lặng. vỉa hè có sức sống riêng, tinh thần riêng, thấm đẫm văn hóa và phản ánh đời sống của người dân, chứ không chỉ là một khoảng không gian câm lặng” (8).

Theo TS Nguyễn Khắc Thuần, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kỷ lục, “văn hóa hè phố không bao giờ mất đi và nếu sinh ra thành tố mới cũng sinh ra trên hè phố và nó sẽ có một kết cấu văn hóa hè phố mới mà không phải bỏ hết cái cũ. Văn hóa hè phố chỉ là cách gọi của chúng ta bởi những gì tốt đẹp trên vỉa hè đều được gọi là văn hóa vỉa hè nên sẽ không có gì khác cả” (9).

Ông Jean Noel Poirier, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh, điều cuốn hút ông nhất khi sống ở Hà Nội là văn hóa vỉa hè:Dường như người Hà Nội trên khu phố cổ chẳng có điều gì phải giấu giếm, chẳng có điều gì cần bí mật. Họ sống trên vỉa hè, nấu cơm trên vỉa hè, nuôi con trên vỉa hè, làm việc trên vỉa hè, ngủ trên vỉa hè. Không sợ ai nhòm ngó. Khách du lịch nhìn thấy đời sống trên vỉa hè sẽ thấy thói quen sinh hoạt của người Hà Nội. Và tôi nói thật, ẩm thực vỉa hè của các bạn cũng rất tuyệt” (10).

PGS,TS Nguyễn Thị Phương Châm khi nghiên cứu về văn hóa vỉa hè Hà Nội đã khẳng định: “Văn hóa vỉa hè cũng là một khái niệm để chỉ một loại hình văn hóa, một nơi chốn văn hóa và trải nghiệm văn hóa của nhiều đối tượng liên quan. Văn hóa vỉa hè bao gồm tất cả các khía cạnh của đời sống văn hóa diễn ra và liên quan đến không gian vỉa hè” (11). Nguyễn Thị Chinh trong bài viết Văn hóa vỉa hè - “nét văn hóa bình dân” được giới trẻ Hà Nội ưa chuộng cho rằng: “Văn hóa vỉa hè là tập hợp tất cả những nết ăn, nết mặc, cách nghĩ, thói quen trong ứng xử, sinh hoạt đang từng ngày diễn ra trên vỉa hè Hà Nội, bắt đầu từ thời Pháp thuộc” (12).

Nhìn chung, khái niệm, quan điểm văn hóa vỉa hè cho đến thời điểm hiện tạo vẫn còn nhiều tranh biện nhưng từ góc độ văn hóa - nhân học thì các nhà nghiên cứu đều thống nhất, có tồn tại thực thể văn hóa vỉa hè. Nhắc đến văn hóa vỉa hè thường gợi nên các ý niệm về không gian đa chức năng, đa sở hữu, đa tương tác mà ở đó các chủ thể liên quan khai thác những giá trị mà vỉa hè mang lại.

2. Hướng tiếp cận nghiên cứu văn hóa vỉa hè tại TP.HCM

Tiếp cận từ lý thuyết cấu trúc - hành động

Nghiên cứu văn hóa vỉa hè TP.HCM từ cách tiếp cận lý thuyết cấu trúc - hành động của A. Giddens - nhà lý luận xã hội học người Anh. Ông vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp nghiên cứu liên ngành trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông cũng đưa ra nhiều lý thuyết được áp dụng trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hiện nay, một trong đó là structuration, tạm dịch là lý thuyết cấu trúc - hành động.

Lý thuyết này chính là sự cân bằng trường phái cấu trúc với đại diện là E. Durkheim khi cho rằng cấu trúc xã hội là yếu tố quy định và chi phối con người và trường phái hành động với đại diện là M. Weber lại đề cao vai trò con người chủ động. Theo Giddens thì cấu trúc và hành động có liên quan mật thiết với nhau, theo đó cấu trúc là “những thuộc tính vốn làm cho những thực tiễn xã hội giống nhau sẽ có thể tồn tại xuyên qua những khoảng thời gian và không gian khác nhau và vốn tạo cho chúng hình thái “có hệ thống”. Hiểu như thế, cấu trúc bao hàm các quy tắc (rules) và nguồn lực (resources) mà các chủ thể hành động dựa vào khi họ tạo ra và tái tạo xã hội trong hoạt động của họ. Cấu trúc hàm ý không chỉ những quy tắc có liên quan đến sự tạo ra và tái tạo các hệ thống xã hội mà cả những nguồn lực nữa” (13).

 Cấu trúc không thể tự tồn tại nếu thiếu hành động, nó chỉ tồn tại trong và thông qua hoạt động của người hành động. Nói cách khác, với tư cách là những quy tắc và nguồn lực, cấu trúc không tồn tại bên ngoài hành động, mà liên tục có tác động đến việc tạo ra và tái tạo hành động. “Hành động và cấu trúc không phải hai loại hiện tượng độc lập với nhau, không phải hai khối trong một nhị nguyên, mà là một tính chất hai mặt (duality)… tất cả mọi hành động xã hội đều đòi hỏi phải có trước một cấu trúc. Đồng thời cấu trúc cũng đòi hỏi phải có hành động bởi vì “cấu trúc” phụ thuộc vào tính chất có quy tắc của hành vi con người” (14).

Áp dụng lý thuyết trên để nghiên cứu văn hóa vỉa hè tại TP.HCM, có thể thấy vỉa hè TP.HCM là không gian có một cấu trúc gắn liền với các hành động/hành vi của con người. Những người dân sử dụng không gian trên vỉa hè cũng đồng thời tác động và tham gia vào cấu trúc không gian ấy một cách chủ động và có những mục đích riêng. Cấu trúc không gian vỉa hè bao gồm: 1) Không gian kinh tế với rất nhiều hoạt động kinh tế đa dạng và linh hoạt với các hoạt động kinh tế tư nhân và tổ chức của tất cả các giới tính, các tầng lớp từ bình dân, trung lưu, giàu có; 2) Không gian sinh hoạt thường ngày của người dân, tổ chức từ đun nấu, cưới xin, tang ma, trung thu…; 3) Không gian xã hội với những câu chuyện “muôn hình vạn trạng” của mọi đối tượng, mọi tầng lớp; thể hiện lối văn hóa giao tiếp, ứng xử; 4) Không gian nghệ thuật với những giá trị độc đáo của sự chuyển động phố phường, những gánh hàng rong đủ màu sắc, những người hát rong, biểu diễn xiếc, ảo thuật, nhảy múa, võ thuật, tạp kỹ...; những loại đồ ăn, thức uống phô bày cả cách làm…; 5) Không gian ký ức gắn với những kỷ niệm, hoài niệm về chợ trời, về những con người, nhân vật lịch sử, con đường lịch sử; 6) Không gian cư trú của những người vô gia cư; 7) Không gian của lòng nhân ái với những san sẻ không gian vỉa hè của những cư dân bán hàng rong, hoạt động từ thiện với người vô gia cư… Với 7 cấu trúc không gian này, những hoạt động của người dân đã chứng minh văn hóa vỉa hè TP.HCM là một thực thể văn hóa đầy sống động với những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cả đất và người nơi đây.

Tiếp cận từ lý thuyết hiện đại hóa

Cách tiếp cận “hiện đại hóa” (modernist approach) được sử dụng ở nhiều quốc gia, trong đó, chính quyền các cấp coi các hoạt động thường ngày diễn ra ở những vỉa hè, góc phố làm mất trật tự và mỹ quan thành phố, cản trở giao thông và lớn hơn nữa làm cho TP.HCM trở thành thành phố “lộn xộn”, “nhếch nhác”, “không văn minh”, “kém hiện đại” và không mang tầm quốc tế. Chính vì vậy, hơn 20 năm trước, chính quyền TP.HCM và cả nước đã triển khai hàng loạt các chương trình và biện pháp nhằm “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Để đưa chính sách này vào thực tiễn, bên cạnh các khẩu hiệu và chương trình tuyên truyền được triển khai rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cảnh sát khu vực, trật tự phường, dân phòng và thanh tra giao thông cũng thường xuyên tiến hành các đợt tuần tra, giám sát các hoạt động diễn ra trên vỉa hè, lòng đường và các không gian công cộng khác. Đỉnh điểm là chiến dịch do nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM, ông Đoàn Ngọc Hải trực tiếp chỉ đạo thực hiện và được truyền thông phản ánh rầm rộ vào năm 2017.

Trong suốt 5 tháng đầu năm 2017, cái tên Đoàn Ngọc Hải và chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” của ông đã trở thành đề tài “hot” không chỉ trên truyền thông mà còn gây tranh luận trên khắp các diễn đàn, là đề tài trao đổi trong bữa ăn gia đình; là câu chuyện phiếm ở quán trà đá vỉa hè, cà phê góc phố hay thậm chí là tranh luận trên nghị trường quốc hội. Có nhiều ý kiến ủng hộ cho hành động quyết liệt của ông Hải khi đưa ra những lý do về tính tất yếu của một đô thị văn minh, hiện đại. Nhưng cũng không ít những ý kiến phản đối bởi họ cho rằng vỉa hè là không gian công cộng, trên đó nó thực hiện nhiều chức năng chứ không chỉ “dành riêng cho người đi bộ”. Và tất nhiên, với các chủ thể có các hoạt động trực tiếp trên vỉa hè thì việc “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” luôn gặp phải những thách thức và phản kháng ở nhiều dạng thức khác nhau, từ trực tiếp đến gián tiếp, từ ẩn đến hiện, giữa người dân và các cơ quan công quyền. “Trật tự” hè phố chỉ được diễn ra khi có sự có mặt của các đoàn thanh tra, giám sát. Sự bận rộn của các con đường, góc phố với đa dạng các hoạt động của nhiều nhóm người khác nhau lại trở về như cũ mỗi khi lực lượng chức năng rời đi.

Có thể thấy, chiến dịch đó đã không đạt được hiệu quả như chính quyền Quận 1 mong muốn. Điều này đã đặt ra những vấn đề về lý luận và thực tiễn khi nghiên cứu về văn hóa vỉa hè ở TP.HCM nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Để có mô hình quản lý tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của dân chúng, thay vì coi vỉa hè là không gian vật lý đơn thuần gồm những yếu tố như kích thước không gian, lối đi (gạch lát, bó vỉa), cây xanh, bồn hoa, các công trình chức năng dọc vỉa hè (trường học, công viên, nhà ở, cửa hàng…) với chức năng duy nhất là để dành cho người đi bộ thì cần phải có những hiểu biết sâu, hệ thống và đa chiều hơn.

Tiếp cận từ lý thuyết hiện đại hóa, áp dụng lý thuyết về nhà nước hiện đại của James C. Scott để sử dụng như khung lý thuyết cho việc tìm hiểu về đời sống văn hóa xã hội trên vỉa hè TP.HCM hiện nay. Những phân tích, bàn luận về sự đa cấu trúc không gian của vỉa hè với những hoạt động/hành vi trong đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế của các chủ thể liên quan và biểu tượng của vỉa hè đối với các nhóm người khác nhau sẽ giúp chứng minh sự khác biệt của vỉa hè TP.HCM với một số quốc gia trên thế giới, đồng thời bổ khuyết những cách hiểu còn thiếu sót về văn hóa vỉa hè. Tất nhiên, nghiên cứu văn hóa vỉa hè từ cách tiếp cận hiện đại hóa còn góp phần tác động hữu ích cho các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng thiết kế và quy hoạch đô thị nói chung và vỉa hè nói riêng phù hợp với đặc trưng đất nước và nhân văn hơn.

3. Kết luận

Quan điểm trái chiều và sự nhạy cảm của vấn đề nghiên cứu văn hóa vỉa hè tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng khiến chủ đề này ít khi được phân tích một cách đầy đủ, nhiều khi chỉ giới hạn ở khía cạnh quy ước hay tính mặc định khi sử dụng thuật ngữ. Những khả năng đa dạng trong cách hiểu cả trong thực tiễn và học thuật đã đặt ra các yêu cầu vận dụng khái niệm khác nhau. Điều quan trọng là khi gọi tên và thao tác với khái niệm văn hóa vỉa hè, nhà nghiên cứu cần phải xác định rõ cách hiểu của người trong cuộc, xem xét tiếp cận từ góc độ nào, từng trường hợp mà có hiểu phù hợp nhất.

Nhìn từ lý thuyết cấu trúc - hành động của A.Giddens, có thể nhận thấy rằng, cấu trúc không gian văn hóa vỉa hè tại TP.HCM là sự đa dạng của nhiều cấu trúc với nhiều hoạt động/ hành vi liên quan đến những mục đích khác nhau của các chủ thể, tổ chức liên quan. Những hoạt động của người dân trên vỉa hè đã làm cho không gian này trở nên đa chức năng và trở thành không gian nhân văn dung dị, gần gũi giữa nhịp sống đô thị. Cùng với đó, lý thuyết hiện đại hóa cũng góp phần chứng minh “sự hiện đại, văn minh của vỉa hè là sự hợp tác hiệu quả, thấu hiểu của người dân và chính quyền”.

________________

1. Oxford advanced learner’s dictionary (Từ điển Oxford nâng cao dành cho học viên), Đại học Oxford, 2005, tr.1715.

2. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb Từ điển Bách khoa, tr.863.

3. Bộ Xây dựng, Quyết định số Số 22 /2007/QĐ-BXD về việc ban hành TCXDVN 104:2007 “Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế”, 2007, tr.23.

4. Mạnh Long, Đừng để văn hóa vỉa hè làm xấu Hà Nội, baophapluat.vn, 6-3-2017.

5. Linh Anh, Giữ hay bỏ văn hóa vỉa hè, kinhtedothi.vn, 24-6-2017.

6. Hồ Quang Toàn và Tâm Thảo, Trật tự và quy hoạch đô thị: Không gian vỉa hè - Nét văn minh của đô thị, sggp.org.vn, 23-4-2012.

7. Lương Thảo Ngân Hiền, Vỉa hè thành phố Hồ Chí Minh dưới góc nhìn văn hóa học, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, 2012, tr.16.

8. Hà Thu, Đời sống vỉa hè Sài Gòn qua góc nhìn không gian đô thị của người Mỹ, vovworld.vn, 12-7-2022.

9. Khải An, Văn hóa vỉa hè sẽ không bao giờ mất đi, vietnammoi.vn, 13-6-2017.

10. Tuệ Lam, Cựu Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier: Văn hóa vỉa hè là điều thú vị nhất, tiasang.com, 15-7-2017.

11. Nguyễn Thị Phương Châm, Văn hóa vỉa hè ở Hà Nội hiện nay, Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến, tr.115-127.

12. Nguyễn Thị Chinh, Văn hóa vỉa hè - “nét văn hóa bình dân” được giới trẻ Hà Nội ưa chuộng, thanhnienviet.vn, 4-7-2023.

13, 14. Giddens. A., The Constitution of Society: Outline of the Theory of Structuration (Hiến pháp của xã hội: Đề cương lý thuyết cấu trúc), Cambridge: Polity Press, 1984, tr.23, 108-109.

Tài liệu tham khảo

1. James C. Scott, Seeing like a State: How Certain Schemes to Improve the Human Condition Have Failed (Nhìn như một Nhà nước: Một số kế hoạch cải thiện điều kiện con người có tác dụng như thế nào), Yale University Press, New Heaven, USA, 1999.

2. Durkheim. E (Đinh Hồng Phúc dịch), Các quy tắc của phương pháp xã hội học, Nxb Tri thức, 2012.

3. Giddens, A., Central Problems in Social Theory: Action, Structure and Contradiction in Social Analysis (Các vấn đề trọng tâm trong lý thuyết xã hội: Hành động, cấu trúc và mâu thuẫn trong phân tích xã hội), MacMillan, Publishers, London, 1979.

NGUYỄN THỊ THU HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

;