Đắk Nông: 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần xây dựng và phát triển con người tỉnh Đắk Nông nghĩa tình, văn minh, giàu đẹp.

Ngày 13-11-2014, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chương trình số 31-CTr/TU, để triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW trong toàn tỉnh. Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình số 31-CTr/TU để cụ thể hóa, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định số 1750/QĐ-UBND ngày 2-11-2015, về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình số 31-CTr/TU ngày 13-11-2014 của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Nhiều hoạt động cổ động trực quan được thực hiện đa dạng như tuyên truyền trên hệ thống pano, băng rôn, khẩu hiệu, cổng chào…; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Đắk Nông cũng như giá trị văn hóa đặc trưng, những lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, các giá trị của công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong địa bàn tỉnh trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát huy hiệu quả; hằng năm, đổi mới phương thức tổ chức Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân (18-11), UBMTTQ các xã, phường, thị trấn tổ chức biểu dương những gương điển hình tiêu biểu, các mô hình sản xuất hiệu quả, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực trong xây dựng môi trường văn hóa tại địa phương, đơn vị.

Toàn tỉnh có 135.771/152.086 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 89.27%, tăng 16,14% hộ so với năm 2014: 89496/122373 đạt tỷ lệ 73,13%); có 670/713 thôn, bon, buôn, bản đạt chuẩn văn hóa (đạt 93.96%, tăng 59,7% so với năm 2014). Đến nay, toàn tỉnh có 196 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 61,8%. Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững Đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, đến nay có: 54/60 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa (đạt 90%); 59/60 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa (đạt 98,3%).

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai rộng khắp. Phấn đấu đến hết năm 2024, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh ước đạt 30% tăng 4,3% so với năm 2019 và tăng 8% so với năm 2014; Phấn đấu đến hết năm 2024 số gia đình tập luyện thể thao thường xuyên ước đạt 21,5% /tổng số hộ, tăng 5% so với năm 2019 và tăng 8,9% so với năm 2014.

Cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa trong Đảng; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2015. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Lễ kết nghĩa anh em dân tộc Ê-đê - Ảnh: Thanh Hải

Trong 10 năm qua, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, tạo cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; huy động được nhiều nguồn lực giữ gìn di sản văn hóa truyền thống, nhất là một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; bước đầu khai thác có hiệu quả giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm, tổ hợp tác làm rượu cần tại xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa; thành lập các CLB, đội văn nghệ truyền thống tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nhiều di sản văn hóa được vinh danh. Đến tháng 3-2024, Đắk Nông có 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh; 18 di tích được xếp hạng (trong đó: 1 cấp quốc gia đặc biệt, 10 di tích cấp quốc gia gồm: 3 danh thắng, 7 di tích lịch sử, 1 di tích khảo cổ học; 7 di tích cấp tỉnh). 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Sử thi Ot N’Drong của người M’nông, huyện Đắk Mil, huyện Tuy Đức và Đắk Song; Nghệ thuật trình diễn Nau M’Pring (dân ca) của người M’nông; Nghề thủ công truyền thống - Nghề dệt của người M’nông; Tập quán xã hội tín ngưỡng Lễ cúng Thần rừng (Yang brê) của người Mạ, thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong).

Công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật, hoàn chỉnh hồ sơ các hiện vật lịch sử, văn hóa đã được chú trọng nâng cao. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ 44.500 tài liệu, hiện vật. Tỉnh cũng đã có những chính sách để tôn vinh các nghệ nhân - những báu vật nhân văn sống có công gìn giữ và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 55 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú (4 Nghệ nhân nhân dân và 51 Nghệ nhân ưu tú).

Di sản văn hóa các DTTS được quan tâm, giữ gìn và phát huy, nhất là nhiệm vụ bảo tồn văn hóa các DTTS có nguy cơ thất truyền; phục dựng bảo tồn các lễ hội, tái hiện nhiều nghi lễ của các DTTS tại chỗ. Từ năm 2014 đến nay đã tổ chức phục dựng lễ hội, tái hiện trích đoạn nghi lễ (gọi chung là lễ hội) gồm có: 22 Lễ hội cấp tỉnh; 30 lễ hội cấp huyện và 30 lễ hội cấp xã, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao công tác quản lý và hoạt động văn hóa cơ sở, bảo tồn dân ca M’Nông, truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống; chế tác nhạc cụ truyền thống các DTTS và ngày hội văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Phong trào thể dục thể thao quần chúng trong vùng đồng bào DTTS có những bước tiến đáng kể; trung bình tổ chức từ 6-12 giải cấp tỉnh/năm; 6-8 giải cấp huyện/năm và từ 1-3 giải cấp xã/năm.

Nhiều hoạt động thể thao được tổ chức ở các huyện - Ảnh: Thanh  Hải

Tỉnh  thực hiện tốt việc đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh. Hiện, có 9 dự án kinh doanh du lịch được tỉnh cấp chủ trương đầu tư gồm: Khu du lịch - Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh cụm thác Đ'ray Sáp - Gia Long (Krông Nô); Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái Đắk G'lun (Tuy Đức); Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên (Đắk Song); Khu nghỉ dưỡng và Thiền hiểu về trái tim (Đắk Song); Dự án nâng cấp, cải tạo khu du lịch thác Trinh Nữ (Cư Jút); Dự án Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái Phước Sơn (Đắk R’lấp); Tu viện Liễu Quán (Đắk G’Long); Trang trại thiên nhiên hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái Yến Ngọc (Đắk G’Long); Dự án trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái (Đắk G’Long).

Tỉnh cũng tăng cường hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở cấp độ địa phương, trọng tâm là tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Mondulkiri Campuchia; chủ động quan hệ, tiếp xúc với một số đại sứ quán các nước tại Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... nhằm tăng cường mối quan hệ, qua đó, góp phần thu hút đầu tư, viện trợ và hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Đắk Nông  tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 17-CTr/TU ngày 18-6-2012 của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1097/QĐ-UBND ngày 9-8-2011 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020 của tỉnh Đắk Nông và Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 21-1-2022 về triển khai thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh .

Cùng với đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực cho hoạt động văn hóa, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hóa trong tình hình mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 có những khó khăn hạn chế do đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa còn mỏng, nhất là ở sơ sở. Công tác quản lý, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Một số cơ chế chính sách còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, nhưng chậm sửa đổi, bổ sung. Nguyên nhân của những khó khăn trên do ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hóa còn thấp, chưa đảm bảo để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hiệu quả chưa cao. Đầu tư trang thiết bị cho hoạt động còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Đối với việc khai thác cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế. Kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã xuất hiện những yếu tố bất lợi, mặt trái, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập, lan tỏa trong cộng đồng dân cư, làm cho một bộ phận nhân dân phai nhạt lý tưởng cũng như giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sự phân hóa giàu nghèo, âm mưu “diễn biến hòa bình”, sự chống phá của các thế lực thù địch cũng đã tác động không nhỏ đến bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trong địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, tỉnh Đắk Nông đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới như: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76-KL/TW và Chương trình hành động số 31-CTr/TU của Tỉnh ủy Đắk Nông, nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người của từng địa phương, đơn vị; ban hành kế hoạch quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa thực sự có năng lực, có kinh nghiệm; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, nhất là ở cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, gắn với quản lý phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quan tâm đầu tư đúng mức cho lĩnh vực văn hóa, tương ứng với mức tăng trưởng, phát triển kinh tế. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bảo tồn văn hóa truyền thống và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, duy trì hoạt động hiệu quả của các câu lạc bộ văn hóa; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thiết thực, đổi mới nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, tin tưởng rằng tỉnh Đắk Nông sẽ xây dựng được văn hóa và con người Đắk Nông phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, góp phần phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

THU HẰNG

(Sở VHTTDL tỉnh Đắk Nông)

;