Xây dựng công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Trường hợp văn hóa ẩm thực

Trong nội dung bài viết, chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu việc xây dựng văn hóa ẩm thực Việt Nam như một ngành công nghiệp văn hóa (CNVH). Từ phương diện văn hóa, lĩnh vực này cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm, tại sao với một nền văn hóa ẩm thực phong phú như vậy, được nhiều bạn bè quốc tế biết đến nhưng chúng ta không phát triển được, không tận dụng được sức mạnh mềm này như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã làm; đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các chủ trương, chính sách và cơ chế quản lý đặc thù của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển ngành “công nghiệp ẩm thực” ở Việt Nam hiện nay.

Một gian hàng tại Lễ hội Ẩm thực Hà Nội năm 2023 - Ảnh: Quang Mạnh

Dẫn nhập

Trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, sự đóng góp của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia ngày càng được khẳng định. Văn hóa không chỉ được xem như một phương diện góp phần cho sự tăng trưởng kinh tế mà văn hóa còn là một nhân tố quan trọng gắn kết xã hội và phát triển con người. CNVH và sáng tạo ngày càng xuất hiện nhiều trong chiến lược phát triển của các quốc gia trên thế giới, có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế, xã hội, trở thành một ngành công nghiệp trụ cột trong hệ thống kinh tế của nhiều quốc gia. Ngoài những nước đã có ngành CNVH phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc… những quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi, nơi mà ngành CNVH còn rất mới mẻ, cũng rất quan tâm phát triển ngành công nghiệp này.

Thị trường sản phẩm CNVH trong nước và quốc tế trong bối cảnh toàn cầu không ngừng phát triển. Việc xuất khẩu các sản phẩm CNVH trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia. Doanh thu của việc xuất khẩu các sản phẩm CNVH cùng với “sức mạnh mềm” mà các sản phẩm này mang lại thực sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư, các nhà lãnh đạo và các nhà quản lý.

Theo UNESCO, lợi nhuận khổng lồ của CNVH đã khiến cho nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đua nhau tham gia. Chỉ tính riêng doanh thu của kinh đô điện ảnh Hollywood, năm 1997 đã lên tới 30 tỉ USD. Sự xuất khẩu của những sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú ra thế giới tác động mạnh đến văn hóa dân tộc của các nước đang phát triển (1). Sau Mỹ, Pháp, Anh, thu nhập xuất khẩu từ điện ảnh của Hàn Quốc đứng thứ tư trên thế giới; phim truyền hình và điện ảnh của Trung Quốc đang trỗi dậy và xâm nhập mạnh vào khu vực châu Á và các nước phương Tây.

Xét về bản chất, một ngành được coi là CNVH cần đáp ứng các tiêu chí: tính sáng tạo, vốn văn hóa, yếu tố công nghệ và kỹ năng kinh doanh, trong đó nhấn mạnh tính sáng tạo (2). Dựa trên 4 tiêu chí này, có thể khẳng định ẩm thực truyền thống Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu để hướng tới nền công nghiệp ẩm thực trong bối cảnh hội nhập hiện nay, vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa quảng bá các giá trị văn hóa cũng như hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Những vấn đề chung về CNVH

Thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1947 trong công trình Dialectic of Enlightenment (Biện chứng của khai sáng) của hai nhà nghiên cứu Horkheimer và Adorno thuộc trường phái Frankfurt. Horkheimer và Adorno (2002) cho rằng các sản phẩm văn hóa được tính toán kỹ cho nhu cầu tiêu thụ của đại chúng và do đó chúng được sản xuất ít hay nhiều theo kế hoạch; “công nghiệp” không nhằm chỉ quá trình sản xuất mà còn chỉ sự tiêu chuẩn hóa các sản phẩm cũng như hợp lý hóa kỹ thuật liên quan đến việc cung ứng, phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, quan điểm của Horkheimer và Adorno có ý phê phán sự khai thác có tính thương mại, tính sáng tạo của con người (3).

Ở mỗi quốc gia, mỗi tổ chức khác nhau lại có những quan điểm khác nhau về nội hàm của CNVH. UNESCO (2017) quan niệm “công nghiệp văn hóa là một thuật ngữ chỉ các ngành công nghiệp mà có sự kết nối giữa sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm văn hóa (vật thể và phi vật thể) và các nội dung sáng tạo được bảo vệ bản quyền”. Bên cạnh thuật ngữ “Công nghiệp văn hóa” (Cultural industries) còn có một số thuật ngữ khác như: Công nghiệp sáng tạo (Creative industries), Công nghiệp giải trí (Entertainment industries), Nền kinh tế sáng tạo (Creative economy), Công nghiệp bản quyền (Copyright industries)…

Như vậy, có thể hiểu CNVH là sự kết hợp giữa khoa học - kỹ thuật và sự sáng tạo của con người trong lĩnh vực văn hóa thể hiện sự gắn kết giữa văn hóa và kinh tế, văn hóa là nội lực cho sự phát triển kinh tế, sự gắn kết này cho thấy sức mạnh tiềm ẩn của văn hóa về phương diện kinh tế mà trước đây ít được chú ý.

Ở nước ta hiện nay, việc phát triển ngành CNVH đang trở thành một yêu cầu cấp thiết. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (2014) cũng đề ra mục tiêu cụ thể là xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển CNVH, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Phát triển CNVH phải song hành với việc khai thác văn hóa dân tộc. Ẩm thực chính là “sản phẩm” của văn hóa dân tộc phản ánh mối quan hệ của con người trong sự tương tác với môi trường tự nhiên, lịch sử - xã hội cụ thể. Do đó, việc khai thác yếu tố ẩm thực trong sản xuất CNVH có thể góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc và mang lại nguồn lợi kinh tế quốc gia.

Ẩm thực là sản phẩm của CNVH hướng tới sự phục vụ nhu cầu đông đảo của người dân, của du khách quốc tế. Các yếu tố cấu thành ngành CNVH ẩm thực bao gồm: sáng tạo - sản xuất - bảo quản, phân phối, lưu thông - tiêu dùng. Vậy, ẩm thực Việt Nam có thể phát triển như chuỗi cửa hàng H-mart của Hàn Quốc xây dựng ở Mỹ, hay như chuỗi các nhà hàng Thái với các đặc sản đi vào làng ẩm thực thế giới qua món bún xào Pad Thai, Tom Yum… Các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia kinh tế, chuyên gia dinh dưỡng cần chung tay để đưa ẩm thực Việt Nam phát triển thành một ngành công nghiệp.

Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ẩm thực ở Việt Nam

Nền văn hóa ẩm thực Việt Nam đặc sắc và phong phú

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, với hệ sinh thái phồn tạp thiên về thực vật; bên cạnh đó, sự đa dạng vùng miền với đặc trưng sông nước, núi, đồng bằng, biển đã tạo nên cho văn hóa ẩm thực Việt Nam sự đặc sắc và phong phú rất đặc trưng. Ẩm thực Việt Nam đã được những tổ chức, những tạp chí của thế giới vinh danh như: Forbes Travel Guide, Michelin Guide, Asia’s 50 Best Restaurants, CNN Travel, Saveur Magazine… những đánh giá này không chỉ giúp quảng bá ẩm thực Việt Nam mà còn đưa các nhà hàng và địa điểm ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam lên tầm quốc tế.

Đặc điểm văn hóa ẩm thực Việt Nam là một sự kết hợp tinh tế giữa nguyên liệu đa dạng (nguyên liệu từ các địa hình tự nhiên sông nước, núi, đồng bằng và biển) và hương vị độc đáo (các vị trong ngũ hành mặn, đắng, chua, cay, ngọt), phản ánh truyền thống ẩm thực độc đáo, sự sáng tạo phong phú, đa dạng và lối sống của người Việt trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Đặc trưng điển hình của ẩm thực Việt Nam chính là tính ngon và tính lành, lấy tự nhiên làm gốc. Ngon bởi vì người Việt luôn chú trọng việc sử dụng những nguyên liệu tự nhiên tươi xanh (rau sống, cá tươi... mùa nào thức ấy (mùa hè cá sông, mùa đông cá biển…); cùng sự kết hợp hài hòa với các nguyên liệu gia vị tạo nên những món ăn độc đáo và ngon miệng. Lành là sự phối hợp các gia vị và nguyên liệu với nhau theo nguyên tắc quân bình âm dương, tạo nên các món ăn bài thuốc (trứng gà lá mơ, gà tần ngải cứu, canh cải cá rô, cháo tía tô…). Đây là nguyên tắc cân bằng âm dương trong ẩm thực, tổng hòa nhiều chất, hóa giải những món độc, không lành, đảm bảo an toàn trong việc ăn uống.

Ẩm thực Việt Nam với các món ăn phong phú, đa dạng đã trở thành thương hiệu nhận diện như: phở (phở nước, phở khô, phở cuốn, phở xào…); nem rán, bánh mì, cơm tấm, các loại bún (bún chả, bún bò, bún riêu, bún đậu, bún thang…); các loại xôi (xôi vị, xôi xéo, xôi vò, xôi khúc…); các loại bánh (bánh tôm, bánh xèo, bánh bèo, bánh lọc, bánh khoái, bánh căn, bánh gối…); các loại chả (chả lụa, chả bò, chả rươi, chả lá lốt, chả ếch, chả quế, chả cốm…). Với thực đơn các món ăn phong phú, đa dạng như vậy, hoàn toàn thỏa mãn tiêu chí để trở thành món ăn trong hệ thống chuỗi cửa hàng ẩm thực Việt; hoàn toàn khả thi trong phát triển, quảng bá thương hiệu ẩm thực Việt.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, các khu phố ẩm thực tại các đô thị phát triển không ngừng, sự lên ngôi của ẩm thực đường phố, của chợ đêm ẩm thực và những gánh hàng rong… càng có thể khẳng định, các món ăn truyền thống Việt Nam hoàn toàn đáp ứng để có thể đưa vào kinh doanh và phát triển thành hệ thống chuỗi cửa hàng thức ăn Việt.

Nguồn nguyên liệu tại chỗ, đảm bảo tươi, ngon

Văn hóa Việt Nam được tích hợp bởi ba yếu tố núi, đồng bằng và biển, với cảnh quan đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều tiềm năng cho sự phát triển của ngành Du lịch và ẩm thực. Dọc theo chiều dài của đất nước từ Bắc đến Nam, địa hình Việt Nam từ đồng bằng, đồi, núi, bờ biển, sông nước nơi nào cũng có sản vật đặc trưng của từng địa hình, từng vùng miền, cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào trong ẩm thực. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm mưa nhiều, tài nguyên thiên nhiên phong phú, sinh vật đa dạng... Việt Nam có đủ tiềm năng để tự cung ứng nhiều nguyên liệu cho việc kinh doanh, phát triển công nghiệp ẩm thực Việt.

Ngày nay, việc lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu từ những doanh nghiệp Việt đang dần được các thương hiệu nước ngoài chú ý, có thể kể đến như Lotteria đã chọn: gạo Đồng Tháp, gà Đồng Nai… làm hình ảnh đại diện cho sản phẩm của mình; McDonald’s cũng đã sử dụng nguyên liệu cà chua và xà lách từ thị trường nông sản Việt Nam; Nestlé là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đã sử dụng cà phê Việt Nam cho các sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê đóng hộp… Sự lựa chọn của các doanh nghiệp này vừa thể hiện chiến lược kinh tế, tiết kiệm chi phí thay vì nhập khẩu 100% nguyên liệu từ nước ngoài, vừa là sự hòa hợp, linh hoạt thích nghi với văn hóa bản địa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy để trở thành nhà cung cấp chuyên nghiệp cho ngành công nghiệp ẩm thực, nhà cung ứng Việt sẽ phải thay đổi rất nhiều để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ giúp đảm bảo nguyên liệu luôn tươi mới, bảo đảm chất dinh dưỡng, đạt chất lượng an toàn thực phẩm, không trải qua quá trình vận chuyển lâu dài. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ cũng giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm lượng khí thải và rác thải của quá trình vận chuyển.

Việc đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu tại chỗ là một chiến lược quan trọng trong ngành công nghiệp ẩm thực Việt Nam, hỗ trợ cho nông dân và nhà sản xuất nội địa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Tâm lý tiêu dùng

Phân tích tâm lý tiêu dùng là một phần quan trọng trong xây dựng nền tảng CNVH ẩm thực. Để có thể đáp ứng được các yêu cầu của “thượng đế”, các thương hiệu ẩm thực Việt cần có sự linh hoạt, nhạy bén, đưa những giá trị văn hóa ẩm thực đến gần hơn với đời sống hiện đại. Đặc biệt, trong thời đại của công nghệ, truyền thông, chúng ta có thể thấy tầm ảnh hưởng của thị trường và truyền thông đã tác động mạnh mẽ đến khách hàng. Khách hàng thường bị ảnh hưởng bởi cách thức truyền thông từ các nhà hàng qua hình ảnh các món ăn, các đầu bếp nổi tiếng, qua mạng xã hội… họ sẽ lựa chọn món ăn qua những kênh mà họ được thấy, được nghe quảng bá, đánh giá. Ngày nay, công nghệ đã thay đổi cách kinh doanh, cách ứng dụng đặt hàng trực tuyến, cung cấp dịch vụ tận nhà. Nhịp sống hiện đại đã kéo theo nhiều sự tiện lợi, các sản phẩm ăn uống và các dịch vụ hỗ trợ của các cửa hàng ăn uống cũng không nằm ngoài xu hướng này. Các cửa hàng, dịch vụ ăn uống ngày càng chuyên nghiệp, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng qua các dịch vụ giao hàng tận nơi. Đây cũng chính là một ưu điểm lớn chinh phục người tiêu dùng.

Tâm lý tiêu dùng trong ngành ẩm thực còn phụ thuộc vào phân khúc khách hàng qua thu nhập. Những người có thu nhập cao sẽ chú trọng nhiều đến sự trải nghiệm và sự độc đáo của món ăn hơn là giá cả. Ngược lại, những người có thu nhập thấp giá cả có thể là yếu tố quyết định chính. Bên cạnh đó, sự sáng tạo trong không gian của nhà hàng, quán ăn, cách phục vụ cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến tâm lý khách hàng. Và điều quan trọng là việc ăn uống ngày nay không chỉ ăn ngon, mà còn phải chú trọng đến “lành”, yếu tố sức khỏe và an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu mà khách hàng chọn lựa. Khách hàng ưu tiên chọn những nhà hàng, quán ăn có tiêu chuẩn vệ sinh và chất lượng thực phẩm cao để đảm bảo sức khỏe của mình.

Trên nền tảng những món ăn truyền thống Việt được kết hợp phục vụ theo phong cách công nghiệp, nhanh gọn, tiện lợi, các doanh nghiệp cần phải quan tâm nghiên cứu thị trường, phân tích tâm lý tiêu dùng, đưa ra các chiến lược marketing phù hợp thì chắc chắn sẽ tạo được những giá trị bền vững cho ngành công nghiệp ẩm thực Việt, sẽ thu hút và giữ chân được khách hàng.

Xây dựng ngành công nghiệp ẩm thực ở Việt Nam

Thực trạng hiện nay có thể nhận thấy để phát triển ngành CNVH ẩm thực vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình mô hình chuỗi ẩm thực công nghiệp là Phở 24, mô hình chuỗi nhà hàng món Huế, hai mô hình này đã xây dựng thương hiệu theo mô hình chuỗi nhà hàng ăn tại chỗ, đã gợi mở nhiều ý tưởng cho việc đưa món ăn truyền thống Việt vào kinh doanh.

Tuy nhiên, cả hệ thống Phở 24 và chuỗi nhà hàng món Huế đã thất bại sau một thời gian kinh doanh trên thị trường Việt Nam, đã không còn đứng vững khi phải đối mặt với quá nhiều đối thủ cạnh tranh, đáng chú ý là các doanh nghiệp này gặp mâu thuẫn ngay trong chiến lược kinh doanh của chính mình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thua cuộc trên chính sân nhà của các thương hiệu thức ăn Việt sau một thời gian ra quân: nguyên nhân quan trọng nhất là do hệ thống quản lý và lựa chọn mô hình kinh doanh chưa phù hợp; thiếu khả năng quản lý nên vấn đề quản lý chuỗi chưa được đồng bộ, không kiểm soát được toàn hệ thống về chất lượng phong cách phục vụ; chi phí cao dẫn đến thiếu hụt tài chính; lợi thế cạnh tranh không bền vững, thị trường văn hóa nội địa vẫn còn yếu hay loay hoay trong việc định vị thương hiệu. Đây chính là bài học kinh nghiệm quan trọng cho các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình chuỗi của ngành công nghiệp ẩm thực.

Ngoài các thương hiệu kể trên, nhìn chung, các thương hiệu thức ăn tại Việt Nam hầu hết còn nhỏ lẻ, manh mún, một số thương hiệu có tên tuổi cũng chỉ dừng lại ở rất ít cửa hàng, đại lý, chưa thể phát triển thành chuỗi ẩm thực một cách chuyên nghiệp và bài bản. Để xây dựng ngành công nghiệp ẩm thực, yếu tố quan trọng làm nên vị trí vững chắc của ẩm thực Việt Nam chính là hương vị và chất lượng sản phẩm. Đây cũng là lý do, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập văn hóa hiện nay các thương hiệu F&B (Food and Beverage - thức ăn và đồ uống) nước ngoài ngày càng phát triển, nhưng ẩm thực Việt vẫn không bị yếu thế, bởi vị trí vững chắc của ẩm thực Việt được tạo dựng bởi hai đặc trưng tính ngon và lành.

Tính ngon trong ẩm thực Việt được quyết định bởi ba yếu tố: nguyên liệu (tươi mới, tại chỗ, thiên về thực vật, phong phú, đa dạng…); cách chế biến (đa dạng, ít dầu mỡ, giữ hương vị đặc trưng của nguyên liệu, thanh đạm, hài hòa, giàu dinh dưỡng); cách trình bày đơn giản, không cầu kỳ, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên.

Về tính lành, đó là nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn thực phẩm, là sự phối hợp hài hòa, quân bình âm dương, ngũ hành của nguyên liệu chế biến. Người Việt quan niệm thức ăn chính là vị thuốc để giúp cơ thể khỏe mạnh. Năm mức âm dương trong ngũ hành là hàn, nhiệt, ôn, lương, bình; khi chế biến cần đảm bảo kết hợp hài hòa các nguyên liệu để tạo nên món ăn có sự cân bằng âm dương, có lợi cho sức khỏe và ngon miệng. Bên cạnh đó, người Việt còn ăn uống theo mùa, theo khí hậu, thời tiết nóng ăn thức ăn hàn, lương tính mát, nhiều nước, có vị chua tính âm vừa giải nhiệt, vừa dễ tiêu hóa; thời tiết lạnh ăn các loại thức ăn nóng có tính dương, nhiệt như các món xào, chiên, kho…

Thực đơn là yếu tố quan trọng góp phần mang lại thành công cho thương hiệu Việt, vì vậy, thực đơn cần phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng, quảng bá được các nguyên liệu, các món ăn đặc sản địa phương; chú trọng bao bì đảm bảo thân thiện với môi trường.

Không gian cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành công nghiệp ẩm thực. Không gian cần mang phong cách hiện đại lẫn truyền thống; bày trí thể hiện được nét đẹp của văn hóa Việt Nam; giới thiệu văn hóa Việt Nam qua tranh, ảnh, giấy dán tường, bàn ghế nội thất, dụng cụ ăn, âm nhạc dân tộc cho toàn bộ hệ thống các cửa hàng.

Nhân viên phục vụ được xem là gương mặt đại diện cho thương hiệu ẩm thực Việt và cũng chính là người quảng bá văn hóa Việt Nam. Vì vậy, trang phục phải thể hiện được giá trị bản sắc văn hóa, cùng với đó là kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ vui vẻ, lịch sự, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Phải xây dựng chuỗi cửa hàng và dịch vụ online tiện lợi, chuyên nghiệp để thực khách có thể đặt hàng qua trang web và điện thoại, giao hàng tận nơi.

Chiến lược truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng ngành công nghiệp ẩm thực. Do đó, cần chú trọng nhấn mạnh những giá trị văn hóa Việt thông qua những hình ảnh quảng bá tại hệ thống các cửa hàng. Cần tập trung khai thác bài viết PR (EditorialAdvertorial), quảng cáo trên Facebook, TikTok, báo điện tử, các trang mạng giới thiệu ẩm thực… Tổ chức các lễ hội ẩm thực, video clip, cuộc thi ẩm thực để lan tỏa và quảng bá các giá trị ẩm thực Việt.

Trong quá trình thâm nhập vào thị trường Việt Nam, các thương hiệu thức ăn ngoại nhập và nội địa đều đạt được những thành công nhất định nhưng cũng gặp không ít thất bại. Điều này chính là những bài học kinh nghiệm quý giá cho việc xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt trong hiện tại và tương lai. Nếu hệ thống nhận diện thương hiệu ẩm thực Việt là cách để khách hàng biết đến, nhớ đến và lựa chọn, thì chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự bền vững, lâu dài.

Kết luận

Để xây dựng thành công thương hiệu ẩm thực Việt, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ việc kinh doanh theo dạng chuỗi, kiểm soát chất lượng dịch vụ và xây dựng hình ảnh thương hiệu đồng nhất trong toàn hệ thống chuỗi. Việc xây dựng văn hóa thương hiệu phải nghiên cứu kỹ tâm lý khách hàng để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng; đáp ứng nhu cầu nhanh chóng, tiện lợi, chuyên nghiệp trong phục vụ; đa dạng, chất lượng, hấp dẫn trong thực đơn và xây dựng triết lý kinh doanh của thương hiệu ẩm thực mà mình kinh doanh. Việc xây dựng thành công thương hiệu ẩm thực quốc gia sẽ là đóng góp quan trọng trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, góp phần quảng bá ẩm thực Việt vươn tầm thế giới, góp phần tăng trưởng kinh tế bằng chính nội lực văn hóa của mình.

____________________

1. Vũ Đức Thanh, Hoàng Khắc Lịch, Công nghiệp văn hóa, Tạp chí Lý luận chính trị, số 7, 2016.

2. Trần Hoàng Hoàng, Nhận diện công nghiệp văn hóa, qdnd.vn, 19-5-2019.

3. Trần Nho Thìn, Công nghiệp sáng tạo và văn hóa, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2 (157), 2015, tr.22-34.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014).

2. Emiko Kakiuchi và Kiyoshi Takeuchi, Creative industries: Reality and potential in Japan (Các ngành công nghiệp sáng tạo: Thực trạng và tiềm năng ở Nhật Bản), National Graduate Institute for Policy Studies (Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản), Tokyo, 2014.

3. Giang Đinh, Món Huế phá sản: bài học quản lý và vận hành chuỗi, nhahangso.com, 5-5-2023.

4. Hải Vân, Tại sao Phở 24 thất bại? Bài học quản lý chuỗi đắt giá, nhahangso.com, 28-10-2022.

5. Horkheimer Max, Adorno Theodor, Dialectic of Enlightenment, Philosophical Fragments (Biện chứng của sự khai sáng, phân đoạn triết học), Stanford University Press, California, 2002.

6. Ngô Đức Thịnh, Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2010.

7. O’Connor, J, The definition of the “cultural industries” (Định nghĩa về “các ngành công nghiệp văn hóa”), Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật châu Âu, 2000.

8. Trân Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP.HCM, 2001.

9. UNESCO, The 2018 Global Report, Reshaping Cultural Policies: Advancing Creativity for Development (Báo cáo toàn cầu năm 2018, Định hình lại chính sách văn hóa: Thúc đẩy sáng tạo để phát triển), Paris, 2017.

TS LÊ THỊ NGỌC ĐIỆP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;