Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch đêm tại phố cổ Hà Nội

Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm nhờ vào các yếu tố tự nhiên về tài nguyên du lịch, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc cùng với thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu, nền chính trị ổn định sẽ tạo nên nhiều tiềm năng để Việt Nam có thể phát triển kinh tế du lịch ban đêm. Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị mà còn là trung tâm văn hóa của Việt Nam. Hàng ngàn năm lịch sử đã tạo dựng cho Hà Nội một nền văn hóa đồ sộ thể hiện ở hệ thống các phố cổ, các di tích, làng nghề thủ công, các sinh hoạt văn hóa của người dân Thủ đô... đặc biệt là ở các không gian linh thiêng. Vậy, thực tế hiện nay, việc phát triển du lịch đêm tại phố cổ Hà Nội có những lợi thế như thế nào?

1. Mở đầu

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với tư cách là thành viên của WTO, ngành Du lịch Việt Nam đã chọn năm 2017 là năm nâng cao chất lượng và cải cách hành chính. Nằm trong lòng Thủ đô, khu phố cổ được coi là nơi tập trung nhiều nhất các giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, là điểm đến hấp dẫn nhất của khách du lịch khi đặt chân đến Hà Nội. Với tư cách là một tài nguyên du lịch đầy tiềm năng đã và đang được khai thác có hiệu quả cho ngành Du lịch, khu phố cổ đang tận dụng mọi cơ hội để phát triển và thu hút thêm nhiều lượt khách du lịch, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của Thủ đô và cả nước.

Đi theo xu hướng phát triển, thương hiệu du lịch đêm đã ra đời và ngày càng được quan tâm. Ban đầu các hoạt động du lịch đêm chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn, các trung tâm thương mại dịch vụ như ở TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, trong đó Hà Nội là một trong những thành phố khá phát triển loại hình du lịch này. Với tư cách là một tài nguyên du lịch đầy tiềm năng đã và đang được khai thác có hiệu quả cho ngành Du lịch, khu phố cổ tận dụng mọi cơ hội tiềm năng vốn có để tăng tính hấp dẫn và sự hài lòng cho du khách.

2. Vài nét phố cổ Hà Nội

Cho tới nay, mọi người đều biết trục đường chính của 36 phố phường cũ của Hà Nội là từ Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân đến Hàng Giấy. Theo lời xưa truyền lại, đây là một dải đất cao tựa như con đê ngăn nước sông Hồng. Mảnh đất này đã thu hút nhiều người chuyên buôn bán, thợ thủ công có tay nghề giỏi từ các địa phương xa gần tìm đến định cư làm ăn lâu dài nên nơi này ngày càng đông vui, tấp nập. Đến khi dân số tập trung đông, có sự đóng góp tích cực vào nền kinh tế chung, những tầng lớp cư dân tại đây đã tự lập nên Kẻ Chợ tức Làng Chợ, nay là khu phố cổ Hà Nội.

Thăng Long chia thành hai phần: hoàng thành và kinh thành. Khu phố cổ hiện nay có nguồn gốc từ phần kinh thành nằm ngoài hoàng thành. Các đường phố Kẻ Chợ xưa không có biển ghi tên vì chẳng cần thiết. Phố nào bán hàng gì thì dùng ngay hàng ấy làm tên phố.

Từ TK XV, vùng kinh sự đặt thành phủ Trung Đô gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương, tới năm 1469 đổi thành phủ Phụng Thiên. Vào TK XIX, huyện Quảng Đức gọi là Vĩnh Thuận và Vĩnh Xương gọi là Thọ Xương chia thành 36 phố phường, tức mỗi huyện chia thành 18 phường. Quy hoạch Thăng Long 36 phố phường bắt đầu từ đó.

Sau khi Hà Nội thành đất nhượng địa, Pháp đổi tên đường phố theo nhân danh, địa danh của Pháp. Các phố của Kẻ Chợ bị dịch ra tiếng Pháp. Vào những năm 1954-1958, việc buôn bán ở khu phố cổ vẫn giữ được như trước, song, từ năm 1950 trở đi, do chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân và chính sách phát triển sản xuất, kinh tế của thời bao cấp, toàn bộ khu phố cổ - nơi buôn bán sầm uất trước đây, đã trở thành khu đơn thuần cho dân cư ở (1960-1983). Một số nghề thủ công truyền thống đã bị mai một vì không được chú ý, bởi những mặt hàng này sản xuất ra không có thị trường buôn bán và tiêu thụ. Trong thời gian này, các hoạt đông văn hóa lễ hội, tâm linh cũng bị lắng xuống.

Từ năm 1986 đến nay, với chính sách chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giao lưu kinh tế được mở rộng, các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, việc buôn bán ở khu vực phố cổ dần dần được phục hồi, phát triển sầm uất hơn trước. Nhiều đình, đền, chùa được tu sửa. Có nhiều con phố được mang tên mới nhưng một số phố vẫn giữ nguyên tên gọi như: Hàng Đường, Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Buồm... nhưng hầu hết các con phố này đều không còn bán những mặt hàng đúng với tên gọi của nó.

3. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch đêm tại phố cổ Hà Nội

Ở khu vực phố cổ, hiện nay, sản phẩm du lịch đêm ngày càng được các nhà cung ứng, các nhà làm du lịch chú ý. “Mới” và “lạ” là hai nhân tố hết sức quan trọng để gây sức hấp dẫn cho du khách. Để tạo nên một hình ảnh Hà Nội ấn tượng trong mắt du khách, cần tạo cho họ cảm nhận được những giá trị của sản phẩm du lịch đặc trưng không chỉ là sản phẩm dành cho du lịch ngày mà cả du lịch đêm. Dưới đây là một số sản phẩm du lịch đêm tiêu biểu tại khu phố cổ Hà Nội:

Ẩm thực đêm của phố cổ Hà Nội thường không chú trọng cơ sở vật chất, phần nhiều các quán mở sát lề đường, chỉ có các dãy bàn ghế được xếp tạm bợ... Tuy nhiên, điều này không làm ảnh hưởng đến sức hút của ẩm thực phố cổ bởi hương vị của nó từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội.

Cùng với sự phát triển kinh tế của Thủ đô, các địa điểm cung cấp dịch vụ ăn uống về đêm cũng tăng cả về số lượng và chất lượng. Các quán ăn, nhà hàng mọc lên khắp nơi cùng với sự đa dạng của các nguyên liệu, cách thức chế biến... phục vụ không chỉ các món ăn truyền thống, đặc sản của người dân Việt Nam mà còn phục vụ đa dạng các món ăn của nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, phố Tống Duy Tân được coi là phố ẩm thực Hà Nội. Đây là một tổ hợp của các nhà hàng ăn uống, có những thực phẩm từ cao cấp cho đến bình dân, bên cạnh đó, còn có các dịch vụ cho du khách tự chế biến các món ăn của mình. Ban đầu, trong số 200 hộ dân sống tại đây, chỉ có 66 hộ đăng ký kinh doanh mặt hàng ăn uống, phục vụ du khách từ 9h-23h với các món ăn theo phong vị miền Bắc như bún thang, ốc hấp, phở, gà tần, cháo gà... Dần dần, các gia đình tại đây tham gia kinh doanh nhiều hơn, thực đơn cũng được mở rộng thêm với các món ăn của nhiều địa phương khác, chủ yếu là đặc sản 3 miền. Phố ẩm thực hiện nay đã có thể mở cửa suốt ngày đêm.

Một địa điểm nữa cũng phải kể đến là phố ăn đêm bên cạnh chợ Đồng Xuân với một thực đơn phong phú từ hàng bình dân như: bún ốc, bún riêu, xôi nóng, bún chả; đến những hàng ăn “xa xỉ” hơn như đồ hải sản: cua, ghẹ… Đây cũng là điểm dừng chân cho nhiều du khách sau khi tham gia các hoạt động mua sắm, giải trí trên tuyến đường Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường.

Tất cả những nét văn hóa và hương vị đặc biệt của ẩm thực Hà Nội sẽ làm cho du lịch Thủ đô nói chung và du lịch đêm phố cổ Hà Nội nói riêng thêm phong phú và hấp dẫn hơn, tạo nên ấn tượng khó quên trong lòng du khách.

Chợ đêm là bản sắc kinh tế - văn hóa một địa phương, là loại sinh hoạt đặc biệt hấp dẫn du khách. Hiện nay, ở rất nhiều quốc gia trên thế giới đã tổ chức các phiên chợ đêm như một hình thức kinh doanh vừa thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương, vừa thu hút khách du lịch. Tại Hà Nội, hiện nay cũng có khá nhiều chợ đêm mọc lên như chợ đêm Đồng Xuân, chợ đêm Sinh viên, chợ đêm Phùng Khoang..., tuy nhiên chỉ có chợ đêm Đồng Xuân tại khu phố cổ là hấp dẫn khách du lịch hơn cả.

Các loại hình nghệ thuật được biểu diễn tại khu phổ cổ vào buổi tối thường là các loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống như: tuồng, chèo, hát xẩm, hát ca trù, múa rối nước, cải lương, xiếc; các loại hình dân ca, kịch nói, quan họ, nghệ thuật múa dân gian, múa hiện đại… Mỗi một loại hình nghệ thuật lại đặc trưng cho vùng, miền khác nhau và mang tính nhân văn sâu sắc.

Trong các tour du lịch Hà Nội, múa rối nước là một tiết mục rất được ưa chuộng không chỉ với du khách nước ngoài mà với cả người dân trong nước. Đây là một loại múa rối độc đáo duy nhất trên thế giới bắt nguồn từ sinh hoạt lúa nước của cư dân đồng bằng Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, hát ca trù - dòng nhạc dân ca Hà Nội cũng có sức thu hút đặc biệt với du khách nước ngoài. Ca trù có đủ các thể loại: trữ tình, sử thi anh hùng ca, lãng mạn, giáo huấn… mang đến cho người xem những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Suốt chặng đường gần 1.000 năm trở lại đây, người Hà Nội chưa bao giờ sao nhãng nghệ thuật ca trù, không ngừng cải tiến cả về hình thức lẫn nội dung để trở nên lối hát ca trù ngày nay. Đến với Hà Nội, hay đến với Việt Nam, có lẽ ít có du khách nào lại có thể bỏ qua nghệ thuật độc đáo này của dân tộc Việt Nam. Sự cách tân mới mẻ của nghệ thuật hát ca trù sẽ là môi trường tốt thu hút nhiều du khách thưởng thức hơn, góp phần là sản phẩm du lịch đêm khá độc đáo của Thủ đô.

Như vậy, ta có đánh giá rằng, du lịch đêm phố cổ Hà Nội có nhiều điểm mạnh hấp dẫn đối với du khách như: mang đậm nét cổ kính và lãng mạn với kiến trúc cổ xưa, ngôi nhà gỗ truyền thống, và những con đường nhỏ nhắn đèn lấp lánh. Đi dạo trên phố cổ vào ban đêm là một trải nghiệm thú vị và mê hoặc, khi các ngôi nhà cổ và con phố được chiếu sáng tạo nên không gian đẹp mắt và ấm áp. Đây còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như ca trù, hát xẩm và múa rối nước. Du khách có thể thưởng thức các buổi biểu diễn nghệ thuật độc đáo và truyền thống của Việt Nam.

Phố cổ Hà Nội nổi tiếng với ẩm thực đa dạng và phong phú. Du khách có thể thưởng thức những món ăn truyền thống như phở, bún chả, nem rán, bánh cuốn và nhiều món ngon khác tại các quán ẩm thực nổi tiếng và hẻm nhỏ; là một điểm đến tuyệt vời để mua sắm các sản phẩm thủ công truyền thống, như áo dài, nón lá, lụa, đồ gốm, và nhiều sản phẩm độc đáo khác. Các cửa hàng và chợ đêm trên phố cổ cũng cung cấp nhiều lựa chọn mua sắm cho du khách.

Phố cổ Hà Nội trở nên sôi động và rực rỡ vào buổi tối. Du khách có thể thưởng thức các quán bar, quán cà phê, nhà hàng và quán nhậu độc đáo, cùng với âm nhạc trực tiếp và không gian vui chơi giải trí.

Phố cổ Hà Nội nằm ở trung tâm thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá các điểm tham quan và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Hà Nội. Điểm mạnh của du lịch đêm phố cổ Hà Nội nằm trong sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc cổ xưa, văn hóa truyền thống, ẩm thực đặc trưng và đời sống vui vẻ vào buổi tối. Điều này tạo nên một không gian độc đáo và hấp dẫn cho du khách khi khám phá thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc phát triển du lịch đêm tại phố cổ vẫn còn những tồn tại:

 Tình trạng hạn chế nhận thức xã hội và năng lực tổ chức quản lý dịch vụ du lịch của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ du lịch trong thời gian gần đây. Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý trong việc đưa ra các giải pháp, các sáng kiến để phát triển các dịch vụ du lịch đêm, các tour du lịch đa dạng, hấp dẫn và chi phí hợp lý

Những yếu tố tiêu cực của môi trường đô thị như: ô nhiễm môi trường, xả rác không đúng nơi quy định, kẹt xe, móc túi và tệ nạn xã hội, thiếu các bãi đỗ xe ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ du lịch.

Quảng cáo và buôn bán gian lận: một số du khách đã phản ánh về những hoạt động buôn bán không trung thực và các hình thức quảng cáo lừa đảo trên phố cổ Hà Nội. Điều này có thể làm mất đi sự tin tưởng và trải nghiệm không tốt cho du khách.

Giá cả cao: do sự phát triển của du lịch và tăng cường quảng cáo, giá cả cho các dịch vụ, món ăn và sản phẩm trên phố cổ Hà Nội cao hơn so với các khu vực khác. Du khách cần chú ý đàm phán và tìm hiểu trước để tránh bị “hét giá”.

Vẫn thiếu các điểm đến quy mô và các dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn. Dịch vụ Hà Nội chưa tạo được điểm nhấn riêng, chưa thực sự để lại ấn tượng sâu sắc với du khách trong nước và quốc tế. Điều đó khiến tỷ lệ du khách quay lại lần sau đạt thấp.

Từ kết quả phân tích trên tác giả đưa ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển du lịch đêm tại phố cổ Hà Nội:

Thứ nhất, đối với dịch vụ ăn uống

Phục vụ ăn uống cho du khách cũng là một dịch vụ quan trọng trong kinh doanh du lịch. Nét ẩm thực truyền thống, đặc trưng của từng vùng, địa phương cũng như kỹ thuật nấu ăn và chất lượng phục vụ sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn cho du lịch đêm phố cổ; tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp giấy phép xây dựng, kinh doanh, có chính sách khuyến khích việc xây dựng, mở cửa các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ các món ăn truyền thống của địa phương, các món ăn dân tộc nhằm giới thiệu văn hóa của người dân Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Cần có sự kiểm tra, đánh giá, xếp hạng cho các cơ sở kinh doanh ăn uống, nâng cao chất lượng các dịch vụ; có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan y tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống nhà hàng đủ tiêu chuẩn với thực đơn phong phú trên cơ sở các món ăn truyền thống của địa phương, các món ăn dân tộc; đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, người lao động...

Thứ hai, đối với hoạt động kinh doanh hàng lưu niệm và dịch vụ vui chơi giải trí

Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của vùng miền; các dịch vụ kinh doanh buôn bán cần được tổ chức, kiểm tra, giám sát, về giá cả cần được niêm yết; nâng cao trình độ nghiệp vụ ngoại ngữ, văn hóa ứng xử cho đội ngũ bán hàng, thể hiện được nét văn hóa của người Hà Thành.

Thứ ba, đối với dịch vụ biểu diễn nghệ thuật và tổ chức sự kiện

Tổ chức đa dạng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thường xuyên thay đổi và nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn; tăng thêm nhiều địa điểm biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách; tổ chức các lễ hội, sinh hoạt truyền thống tại các phố nghề. Một mặt vừa tái hiện được không gian văn hóa phố cổ, mặt khác lại thu hút được sự tham gia của du khách.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao ý thức, kỹ năng phục vụ cho các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch đêm

Phát triển du lịch đêm tại phố cổ Hà Nội đang trở thành một xu hướng không thể phủ nhận, nhưng để đảm bảo sự bền vững và thu hút du khách, việc tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ là rất quan trọng. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để đạt được điều này là đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên làm việc tại các khu mua sắm, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí trong khu vực.

Để bắt đầu, việc kiểm tra lại trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ của đội ngũ nhân viên là bước cơ bản, nhưng vô cùng quan trọng. Điều này giúp cho việc đánh giá và phân loại trình độ lao động trở nên chính xác hơn, từ đó có thể xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo phù hợp, tránh lãng phí tài nguyên và thời gian.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở khía cạnh chuyên môn, mà còn cần chú trọng vào việc nâng cao trình độ văn hóa và ứng xử của đội ngũ nhân viên. Việc này không chỉ giúp tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, mà còn thể hiện đúng nét văn hóa thanh lịch của người dân đất Hà Thành, góp phần làm nên sự duyên dáng và quyến rũ cho không gian du lịch này.

Ngoài ra, việc xây dựng đội ngũ nhân lực đa dạng về chuyên chở du khách cũng là một yếu tố quan trọng. Việc này có thể bao gồm những phương tiện di chuyển đặc trưng như xe điện, xích lô và nhiều loại hình khác, giúp tạo ra sự lựa chọn đa dạng cho du khách và mang lại trải nghiệm mới mẻ, độc đáo khi du lịch tại phố cổ Hà Nội.

Tóm lại, việc đầu tư vào đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên không chỉ là yếu tố quan trọng mà còn là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch đêm tại phố cổ Hà Nội một cách bền vững và thu hút nhiều du khách hơn trong tương lai.

4. Kết luận

Phát triển du lịch phố cổ nói chung và hình thức du lịch đêm tại phố cổ nói riêng là một hướng đi đúng đắn và cần thiết trong công cuộc xây dựng Hà Nội thành trung tâm du lịch hấp dẫn của cả nước và khu vực, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô và cộng đồng dân cư phố cổ qua các hoạt động du lịch, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của thủ đô và cả nước. Mặc dù, hình thức này đã đạt được nhiều thành quả nhất định, nhưng bên cạnh đó, cũng tồn tại nhiều hạn chế về chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, về an ninh và môi trường... Khắc phục được những hạn chế này, du lịch đêm tại phố cổ Hà Nội sẽ tiến thêm một bước trong tiến trình phát triển du lịch của Thủ đô.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Phạm Hùng, Du lịch đêm Hà Nội, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 8-2001, tr.34-35.

2. Hà Nội chú trọng phát triển du lịch văn hóa và du lịch MICE, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 3-2007, tr.3.

3. Nguyễn Hoàng Hưng, Chợ đêm Đền Lừ, Tạp chí Hà Nội ngàn năm, số 36-2007, tr.26.

4. Hoàng Minh, Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 11-2007, tr.8.

5. Bút Sắt, Chợ đêm, Tuổi trẻ chủ nhật,số 32, 2000, tr.29.

6. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, Phân tích dữ liệu với SPSS, 2009.

7. P. Christou, K. Pericleous, A. Papatheodorou, Dazzled by the strobe lights: Tourist experience and complexity in the night-economy (Chói lọi bởi ánh đèn strobe: Trải nghiệm du khách và sự phức tạp trong nền kinh tế về đêm), Journal of Hospitality and Tourism Management (Tạp chí Quản lý Lưu trú và Du lịch), số 52, tháng 9-2022, tr.452-458.

8. Guo Qin, LIN Meizhen, Meng Jin-hua, ZhaoJun-lei, The development of urban night tourism based on the nightscape lighting projects Acase study of Guangzhou (Sự phát triển của du lịch đêm đô thị dựa trên các dự án ánh sáng cảnh đêm - Một nghiên cứu trường hợp tại thành phố Quảng Châu), School of Geographic Science Guangzhou University (Trường Khoa học Địa lý, Đại học Quảng Châu, Trung Quốc).

VŨ THỊ NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;