Tăng cường đào tạo nhân lực du lịch phục vụ tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái cho phát triển du lịch bền vững

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động từ đầu tháng 9-2022, là cơ hội cho sự phát triển du lịch của các địa phương khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh như Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái... Bên cạnh những cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó có du lịch, cũng kèm theo không ít thách thức cho các địa phương trên tuyến đường cao tốc này. Một trong những khó khăn đó là vấn đề nhân lực. Vì vậy, để có thể khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung cho công tác đào tạo nhân lực du lịch, hướng tới sự phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững hơn.

Những đoàn xe đầu tiên chạy thông tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, ngày 1-9-2022  - Ảnh: quangninh.gov.vn

1. Mở đầu

Quảng Ninh với nhiều cảnh quan đặc sắc, nổi trội, hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên: rừng, núi, biển đảo, sông hồ...; là cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch và hướng đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa - giải trí cao cấp. Với hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, đặc biệt có Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới và năm 2011 được ghi danh là một trong bảy Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Quần thể Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long là nguồn tài nguyên du lịch nổi bật, độc đáo vào bậc nhất cả nước và thế giới, với hơn 2.077 hòn đảo (chiếm 2/3 số đảo của cả nước).

Với tiềm năng thế mạnh về vị trí địa và tài nguyên du lịch nổi, ngành Du lịch của tỉnh có điều kiện để phát triển nhanh, bền vững, từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế của cả nước.

Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có cơ sở hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Điều này góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh với tăng trưởng GRDP năm 2021 ước đạt 10,28%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7.614 USD/người và là một trong hai tỉnh dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế. Theo thống kê từ đầu năm đến hết tháng 11, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 42.440 tỷ đồng, bằng 82% dự toán, 96% so với cùng kỳ.

Xác định phát triển hạ tầng là một trong ba khâu đột phá chiến lược, Quảng Ninh huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động vào tháng 9-2022 có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuyến cao tốc này đã kết nối liên vùng, nội vùng và quốc tế để thúc đẩy phát triển các tỉnh đồng bằng sông Hồng, tam giác kinh tế trọng điểm và khu vực phía Bắc. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đưa vào hoạt động đã kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600 km. Từ đó đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước với 176km, chiếm tỷ lệ 18% chiều dài cao tốc đã đưa vào sử dụng trong cả nước. Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), 3 khu kinh tế với 1 cửa khẩu quốc tế.

2. Thực trạng đào tạo nhân lực du lịch phục vụ tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái

Tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch bền vững gắn với tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái

Nhằm phát huy thế là điểm đầu phía Đông Bắc với các tuyến giao thông không - thủy - bộ, vừa là trung tâm kinh tế, du lịch, vừa là điểm trung chuyển sầm uất, kết nối thị trường quốc tế và thị trường du lịch nội địa tại Việt Nam, Quảng Ninh đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại đặc biệt hệ thống đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nói chung, du lịch nói riêng, nhất là các địa phương nằm trên trục đường cao tốc. Hệ thống đường cao tốc của tỉnh Quảng Ninh dài 176km bắt đầu từ cầu Bạch Đằng chạy qua 8 huyện, thị xã, thành phố đến cửa khẩu Móng Cái, kết nối liên thông với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất cả nước dài gần 600km, là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ với 3 sân bay quốc tế (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn) cùng hệ thống cảng biển và logictics, các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái, kiến tạo hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, mở ra không gian phát triển mới, động lực mới để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và hoàn thành mục tiêu đón 25 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế trước năm 2030.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, du lịch Quảng Ninh đã có nhiều thay đổi, thích nghi nhanh chóng trong xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, tìm kiếm và phát triển thị trường khách, mở ra không gian phát triển du lịch sôi động, khắc phục tính mùa vụ vốn là điểm yếu của ngành Du lịch địa phương. Hiện, các địa phương dọc tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái cùng các nhà đầu tư đang nắm bắt cơ hội, nghiên cứu, đầu tư sản phẩm du lịch mới. Từ đó, đưa trục cao tốc này trở thành “con đường du lịch”.

Với việc sở hữu 3 tuyến cao tốc nối liền một dải dọc tỉnh gồm: Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái đã đưa Quảng Ninh trở thành địa phương hiện có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, hệ thống đường cao tốc hình thành sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đối với hoạt động du lịch của các địa phương và các khu vực phụ cận trên địa bàn tỉnh; mở ra cơ hội lớn cho các địa phương dọc tuyến như: Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Mỗi địa phương mà trục cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đi qua đều có những tài nguyên du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, như vịnh Bái Tử Long, các tuyến đảo du lịch ở Vân Đồn, rừng ngập mặn Đồng Rui ở huyện Tiên Yên, đảo Cái Chiên của huyện Hải Hà. Đặc biệt là Bình Liêu - nơi được ví là “Sapa của Quảng Ninh” và Móng Cái với bãi biển Trà Cổ, đảo Vĩnh Thực cùng các hoạt động giao thương sôi động…

Trước những lợi thế của tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái trong phát triển du lịch, ngành Du lịch Quảng Ninh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án số 5812/PA-UBND ngày 10-11-2022 thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái nhằm quảng bá hình ảnh du lịch đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa các địa phương dọc tuyến cao tốc nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung đến với du khách trong nước và quốc tế; triển khai có hiệu quả kinh doanh du lịch, dịch vụ từ lợi thế của đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, có thể tạo ra tăng trưởng thêm cho hoạt động du lịch từ 15-20%. Trục cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh đã kết nối các địa phương dọc tuyến cao tốc, mở mang và làm gia tăng cơ hội phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác. Đây cũng chính là cơ hội lớn để các địa phương dọc tuyến cao tốc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Giai đoạn 2019- 2022, tổng lượng khách đạt trên 38 triệu lượt khách lượt (trong đó khách quốc tế đạt 6,6 triệu lượt), tổng thu từ du lịch đạt trên 80.778 tỷ đồng. Sự tăng trưởng tốt nhất vào năm 2019, tuy nhiên có sự suy giảm từ năm 2020 đến nay do tác động bởi đại dịch COVID-19. Năm 2022, ngành Du lịch Quảng Ninh đã có bước phục hồi mạnh mẽ, kết quả đạt được năm 2022 ước đạt: Tổng khách du lịch đạt 11,6 triệu lượt khách (tăng 164,6% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế đạt 304.000 lượt; tổng thu đạt 22.599 tỷ (tăng 191,8% so với cùng kỳ). 8 tháng năm 2023, tổng khách du lịch đạt 12,06 triệu lượt khách (đạt 147% cùng kỳ 8 tháng năm 2022), trong đó khách quốc tế 8 tháng đạt 875.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 23.985 tỷ đồng (đạt 160% so với cùng kỳ 8 tháng năm 2022).

Thực trạng phát triển nhân lực du lịch của Quảng Ninh hiện nay

Nguồn lực con người là yếu tố quyết định mọi hoạt động nhưng không phải ở đâu, bất cứ ai và khi nào cũng nhận thức đầy đủ về tính quyết định của nguồn nhân lực và dành nguồn lực cho việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực, do nguồn lực không có nhiều lại bị các nhiệm vụ cấp bách khác chi phối. Hiện tượng phổ biến khi phân bổ nguồn lực cho chiến lược, chính sách phát triển thường ưu tiên cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và chi thường xuyên, còn nguồn lực cho đào tạo nhân lực thường xếp vào hàng thứ yếu. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch của Quảng Ninh cũng không nằm ngoài tình trạng như vậy.

Hiện nay, tại Quảng Ninh, đội ngũ lao động du lịch đang làm việc chưa qua đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên, có nơi chưa quan tâm thích đáng đến công tác bồi dưỡng, chưa có cơ chế thỏa đáng để khuyến khích nhân viên học thêm nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học; khi tuyển chọn nhân lực, các doanh nghiệp chưa chú trọng đòi hỏi nhân lực du lịch phải có kiến thức chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, có trình độ ngoại ngữ, tin học; những doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh nhỏ trên địa bàn chủ yếu thuê lao động phổ thông, lao động thời vụ chưa qua đào tạo nguồn nhân lực được đào tạo không đủ, không đáp ứng số lượng theo yêu cầu dịch vụ, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ. Thời gian qua, ngành Du lịch Quảng Ninh đã thông qua hình thức đào tạo tại chỗ, liên kết với các cơ sở đào tạo hoặc tự tổ chức đào tạo tại cơ sở kinh doanh du lịch và tại các trung tâm dạy nghề của một số địa phương, trước mắt đáp ứng được một phần nhu cầu đào tạo tay nghề ở trình độ sơ cấp cho nhân viên phục vụ.

Vào mùa cao điểm du lịch, bài toán nhân lực vẫn làm đau đầu các nhà quản lý, cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Nhất là trong 3 năm qua, đã có khoảng 10.000 lao động trực tiếp chuyển nghề, trong đó phần lớn là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và hiện họ đã có việc làm ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Theo phân tích của các chuyên gia, luôn có sự xê dịch về lực lượng. Lao động phổ thông nếu thiếu sẽ dễ bổ sung hơn, vì có nhân lực tầm cao, trung gánh các phần việc chuyên môn. Tuy nhiên, để tuyển dụng hay đào tạo nhóm lao động chất lượng cao, đòi hỏi phải có thời gian ít nhất là vài tháng.

Tính đến hết năm 2019, ngành Du lịch Quảng Ninh có khoảng 33.000 lao động trực tiếp, 45.000 lao động gián tiếp. Trong đó, lao động trực tiếp có trình độ đại học, cao đẳng nghề chiếm 40%, trung cấp nghề chiếm 25%, sơ cấp nghề chiếm 22% và lao động phổ thông là 13%, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành Du lịch.

Dù đã có nhiều nỗ lực, song, số lượng và trình độ nhân lực du lịch của tỉnh chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, tốc độ phát triển cũng như những định hướng tương lai của tỉnh. Theo đó, những hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, tinh thần thái độ phục vụ... vẫn là những rào cản trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện nay.

3. Giải pháp tăng cường đào tạo nhân lực du lịch phục vụ khai thác tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái cho phát triển du lịch bền vững

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tài nguyên du lịch trong xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế phát triển theo chiều sâu có trọng tâm, trọng điểm; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế, điểm đến du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong tỉnh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng an ninh. Việc phát triển du lịch bền vững tuyến Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái cần phải có những giải pháp tăng cường đào tạo nhân lực du lịch để phục vụ khách du lịch:

Thứ nhất, để có chất lượng dịch vụ tốt, phải có đội ngũ nhân lực tự tin, chuyên nghiệp, từ kinh nghiệm làm việc đến tinh thần, thái độ làm việc. Vì vậy, cần tập trung đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ gắn với nhu cầu thực tế ở từng bộ phận. Bên cạnh đó, khuyến khích nhân viên học hỏi, tìm hiểu phát triển các kỹ năng phục vụ trong các vị trí công việc khác nhau; truyền đạt, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhân viên.

Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong tổ chức thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường ký kết với các đơn vị đào tạo chuyên ngành về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Đồng thời, chú trọng liên kết “3 nhà” (Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp), vừa tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thực hành, bồi dưỡng nghiệp vụ trực tiếp, thường xuyên, vừa tuyển chọn nhân lực chất lượng, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Từ đó, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực có trình độ tương xứng với yêu cầu phát triển ngày càng chuyên nghiệp của ngành Du lịch.

Thứ ba, trong thời gian tới, các địa phương có đường cao tốc đi qua cần tiếp tục thu hút lao động, tuyển dụng lao động ngành Du lịch thông qua kết nối trực tuyến, trực tiếp, ngày hội việc làm tại các địa phương, kết nối doanh nghiệp du lịch với các cơ sở đào tạo để các doanh nghiệp đặt hàng theo nhu cầu; tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút học sinh, sinh viên học nghề du lịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đặc biệt là kỹ năng nghề; bố trí sinh viên tham gia phục vụ các hội nghị, hội thảo, sự kiện, thực tập tại các doanh nghiệp du lịch vào thời vụ du lịch, thời điểm đông khách đảm bảo đúng chuyên ngành được học để giúp sinh viên dễ tiếp cận.

Thứ tư, huy động và đào tạo nhân lực cấp tốc từ các bộ phận khác nhau để phục vụ du khách đang được các đơn vị lựa chọn. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng lấy từ các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch mà doanh nghiệp đã ký kết hợp tác, từ đó tiến hành đào tạo lại cho phù hợp với công việc cụ thể. Lượng nhân lực thuê theo thời vụ cũng là giải pháp được nhiều cơ sở lựa chọn.

Thứ năm, xây dựng chính sách đãi ngộ nhân lực. Đãi ngộ nhân lực là việc xây dựng và thực thi các chính sách trả công lao động nhằm mục đích khuyến khích người lao động chủ động, tích cực và sáng tạo để hoàn thành các công việc được giao, đồng thời khuyến khích họ duy trì và kéo dài sự gắn bó với nơi làm việc. Đãi ngộ nhân lực bao gồm đãi ngộ về vật chất và đãi ngộ về tinh thần. Hiện nay, ngoài các yếu tố về tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, phúc lợi, người lao động còn đặc biệt quan tâm đến các yếu tố về tinh thần như cơ hội thăng tiến, điều kiện làm việc, động viên bằng các danh hiệu, quan tâm đến đời sống tinh thần, biểu dương, khen ngợi, ghi công… nhằm tạo sự hăng say làm việc, tạo động lực từ bên trong giúp nhân viên gắn bó hơn với doanh nghiệp.

4. Kết luận

Như vậy, có thể thấy để khai thác hiệu quả lợi thế của tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái cần tập trung cho công tác tuyên truyền, quảng bá, đa dạng về sản phẩm du lịch, gia tăng về số lượng và nâng cao chất lượng cơ sở dịch vụ đi kèm, đặc biệt quan tâm đến đào tạo nhân lực để phục vụ khách du lịch. Còn tại các địa phương như: Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ cần chuẩn bị các điều kiện về cơ sở lưu trú phục vụ du khách, sản phẩm du lịch mới, có đặc trưng vùng miền để thu hút du khách thay vì chỉ là các sản phẩm phục vụ khách dừng chân, hay sản phẩm ẩm thực, quà tặng cho khách du lịch. Thông qua các giải pháp đồng bộ trên, kết nối phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh, từ đó giúp phát triển các tour du lịch đưa du khách đến với các địa phương dọc tuyến cao tốc.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 5-1-2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 5-2-2016 về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.

3. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4. Bộ VHTTDL, Quyết định số 2292/QĐ-BVHTTDL ngày 13-8-2021 ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025.

5. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8-12-2014 về triển khai thực hiện một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới.

6. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị quyết số 82-NQ/CP ngày 18-5-2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

7. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

8. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 24-5-2013 về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, 2013.

9. UBND tỉnh Quảng Ninh, Phương án số 5812/ PA-UBND ngày 10-11-2022 về thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.

TS VŨ VĂN VIỆN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;