Nâng cao năng lực của người dân địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa)

Ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa), đồng bào Thái, Mường là lực lượng lao động chính tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng (DLCĐ). Tuy nhiên, năng lực làm du lịch của người dân Pù Luông còn nhiều hạn chế về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, văn hóa giao tiếp, ngoại ngữ... Để nhân tố này thực sự trở thành nguồn lực trong phát triển du lịch dựa vào cộng đồng ở Pù Luông, cần phải có định hướng mang tính chiến lược. Bài viết này sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu, điền dã, quan sát tham dự để phân tích về thực trạng năng lực của người dân địa phương ở Pù Luông, trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp.

Bản Đôn (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước ) là bản đang khai thác loại hình du lịch sinh thái, DLCĐ hiệu quả hơn cả - Ảnh: baothanhhoa.vn

1. Cơ sở lý luận

Du lịch cộng đồng

DLCĐ hay du lịch dựa vào cộng đồng (community based tourism) xuất phát từ hoạt động tham quan du lịch tại các bản, làng được hình thành từ những năm 1970. Khách du lịch từ các vùng khác đến tham quan các bản làng, tìm hiểu phong tục tập quán, cuộc sống hằng ngày, lễ hội hoặc tham gia hoạt động du lịch sinh thái. Các hoạt động du lịch này thường được tổ chức ở những khu vực núi rừng còn bảo tồn được tính tự nhiên, hoang dã, có phong tục tập quán độc đáo, giàu bản sắc, có hệ sinh thái đa dạng… nhưng còn hẻo lánh, thưa thớt dân cư. Khi tham gia loại hình này, du khách có thể gặp nhiều khó khăn về giao thông, điều kiện sinh hoạt, thông tin hay các điều kiện khác hỗ trợ cho hoạt động du lịch. Do vậy, họ rất cần sự hỗ trợ của người dân địa phương như: dẫn đường, cung cấp đồ ăn, chỗ ngủ… Đây chính là tiền đề cho khái niệm DLCĐ và sự phát triển của du lịch dựa vào cộng đồng.

Nhờ có DLCĐ, người dân có ý thức hơn trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa và môi trường sống của họ. Khi khách du lịch tham quan nhiều hơn, ý thức của người dân được nâng lên, có nhận thức tốt về giá trị tài nguyên. Tài nguyên càng giá trị càng có sức thu hút khách, đồng nghĩa với công ăn việc làm và thu nhập của họ tăng lên. Từ đó có thể thấy, khuyến khích cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ, hoạt động phục vụ khách du lịch có thể bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn các tác động tiêu cực của cộng đồng và nhóm khách du lịch.

Loại hình DLCĐ dần dần hình thành, phổ biến không chỉ tại một khu, vùng du lịch mà nó đã tạo ra sự phong phú, đa dạng các loại sản phẩm du lịch nói chung. DLCĐ bắt đầu phát triển tại các nước châu Phi, châu Úc, châu Mỹ vào những năm 1980 và 1990. Nhờ đó, DLCĐ bắt đầu phát triển mạnh ở các nước châu Á, trong đó có các nước khu vực ASEAN.

Du lịch dựa vào cộng đồng và DLCĐ có thể coi là hai giai đoạn của một quá trình. Mục đích của cả hai giai đoạn này đều góp phần thu hút cộng đồng vào tham gia hoạt động du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sinh kế du lịch. Theo đó, yêu cầu về năng lực của cộng đồng người dân địa phương cũng phải đáp ứng được những đòi hỏi tất yếu của sự phát triển du lịch.

Năng lực của người dân địa phương

Năng lực của người dân địa phương chính là năng lực cộng đồng, được xác định tại một khu vực nghiên cứu nhất định. Đây là khái niệm đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y tế, giáo dục và nông nghiệp. Năng lực cộng đồng đề cập đến mức độ năng lực, khả năng và kỹ năng cần thiết để thiết lập và đạt được các mục tiêu liên quan. Do đó, nó liên quan đến việc phát triển các kỹ năng và khả năng giúp người dân địa phương đưa ra quyết định và hành động để phát triển du lịch. Các quyết định và hành động của cộng đồng đều xuất phát từ mong muốn phát triển DLCĐ của mình.

Dựa trên phân tích từ các nghiên cứu, các khía cạnh về năng lực của người dân địa phương rất cần thiết cho phát triển DLCĐ là: kiến thức, kỹ năng, thái độ và thực tiễn tham gia vào hoạt động du lịch. Nhóm nghiên cứu áp dụng KSAP để nghiên cứu: K: Knowledge tập trung vào kiến thức ở chỗ đi vào xem xét cách hiểu của người tham gia nghiên cứu về DLCĐ; S: Skill tìm hiểu các kỹ năng cần thiết của người dân khi tham gia vào du lịch; A: Attitude tập trung vào thái độ để xem xét những cảm xúc của người tham gia nghiên cứu cũng như những ý kiến của họ liên quan đến DLCĐ; P: Practice tập trung đến hành vi như là cách đề cập đến cách thức mà chính người tham gia vào nghiên cứu thể hiện hành vi của mình trong mối quan hệ với nhận thức và thái độ của họ đối với DLCĐ.

2. Thực trạng năng lực của cộng đồng địa phương ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông trong phát triển du lịch

Tình hình phát triển DLCĐ ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Khu du lịch Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên với sự hoang sơ, đa dạng về động thực vật cùng các giá trị văn hóa tộc người của các dân tộc sống tại đây. Các điểm du lịch hấp dẫn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông: bản Hang; bản Kho Mường; bản Hiêu; ba bản Son, Bá, Mười; bản Đôn; đỉnh Pù Luông; hang Co Phường - Bản Sại - Phú Lệ - Quan Hóa; đồn Cổ Lũng, sân bay Cổ Lũng…

Những năm gần đây, Pù Luông nổi lên là một điểm du lịch phía Tây Thanh Hóa thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Theo Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phát triển du lịch năm 2023, đề xuất các nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2024 của UBND huyện Bá Thước, năm 2023, Pù Luông đã đón được 130.560 lượt khách. Trong đó, số khách quốc tế 18.200 lượt, khách trong nước 112.360 lượt, tăng 66 % so với cùng kỳ; doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt trên 110 tỷ đồng. Quy mô và chất lượng trong hoạt động du lịch không ngừng được tăng lên, đặt ra yêu cầu nâng cao vai trò, năng lực của người dân địa phương trong chuỗi cung ứng này. Một số tour được chú trọng xây dựng phục vụ khách du lịch là: du lịch sinh thái sông, hồ kết hợp với du lịch tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với tìm hiểu văn hóa bản địa cộng đồng dân cư; du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực, hàng lưu niệm...

Về cơ sở lưu trú, đến cuối năm 2023, số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tập trung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng là 82 cơ sở, với 119 nhà sàn, 168 bungalow, 258 buồng, phòng, 936 giường; công suất đón khoảng trên 2.800 lượt khách/ ngày/ đêm. Người dân địa phương tham gia làm việc thường xuyên tại các cơ sở này là 420 lao động địa phương và hơn 300 lao động bán thời gian trong mùa du lịch, cao điểm vào tháng 5 và tháng 10 hằng năm.

Bên cạnh đó, những nguồn lực về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, vốn đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách đối với du lịch cũng còn nhiều hạn chế. Theo Báo cáo công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước năm 2018 của UBND huyện Bá Thước, công tác quản lý về DLCĐ còn lúng túng, bất cập tại các bản, các xã có hoạt động DLCĐ; công tác kêu gọi đầu tư, đầu tư cho phát triển DLCĐ chưa đáp ứng được nhu cầu, trong đó, có dự án Son - Mười - Bá chưa kêu gọi được đầu tư. Nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là thuyết minh viên tại điểm, hướng dẫn viên địa phương, lao động phục vụ trực tiếp còn nhiều hạn chế về kỹ năng nghề, văn hóa giao tiếp và ngoại ngữ. Lao động du lịch ở Pù Luông chủ yếu mới chỉ tham gia các lớp tập huấn ngắn ngày tại địa phương, chưa mang tính chuyên nghiệp… Những hạn chế này cũng là nhiệm vụ trước mắt cần giải quyết để du lịch Pù Luông cơ bản trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh Thanh Hóa, có tính chuyên nghiệp.

Phân tích thực trạng năng lực cộng đồng địa phương ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Nghiên cứu lựa chọn bản Đôn (xã Thành Lâm), bản Kho Mường (xã Thành Sơn) đã được huyện Bá Thước tập trung chỉ đạo, làm điểm xây dựng bản văn hóa gắn với phát triển DLCĐ và xây dựng nông thôn mới để thực hiện khảo sát.

Bản Đôn là bản đang khai thác loại hình du lịch sinh thái, DLCĐ hiệu quả hơn cả. Điểm du lịch này có đường giao thông thuận tiện: nằm trên trục đường quốc lộ 15C cách thị trấn Cành Nàng của huyện Bá Thước 10km. Khu nghỉ dưỡng lớn nhất ở bản Đôn là Pù Luông Retreat, được đưa vào khai thác cuối năm 2015. Khu nghỉ dưỡng này nằm ở vị trí lý tưởng, nhìn ra không gian mênh mông của cánh đồng ruộng bậc thang, xa xa là dãy núi cao mờ sương. Du khách đến đây được trải nghiệm hòa mình ngắm nhìn thiên nhiên từ bể bơi vô cực hoặc từ cửa phòng các bungalow. Pù Luông Retreat nói riêng và các homestay của người dân địa phương ở bản thường có lượng khách ổn định quanh năm, nhiều nhất là khách nước ngoài.

Bản Kho Mường nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nổi bật với những tạo hình độc đáo từ các dãy núi đá vôi, nhất là hang động. Trong hang Kho Mường, có nhiều loài vật đặc hữu cần được bảo vệ. Loại động vật nhiều nhất phải kế đến là các loài dơi. Bên trong lòng hang, có nhiều đá, nhũ đẹp, nhiều màu sắc. Sinh sống trong bản là hơn 60 nếp nhà sàn của dân tộc Thái với đời sống văn hóa giản dị. Bản Kho Mường đang là điểm tham quan hấp dẫn cho các du khách, đặc biệt là giới trẻ và khách du lịch nước ngoài.

Tại hai bản, cư dân địa phương tham gia khá đa dạng vào các hoạt động du lịch, được chính quyền địa phương và doanh nghiệp phối hợp hỗ trợ. Với những đặc điểm trên, đây là hai địa bàn thuận lợi để nghiên cứu tìm hiểu đa dạng các mặt về năng lực của người dân địa phương trong phát triển du lịch.

Kết quả quan sát thực địa và phỏng vấn sâu với 30 đáp viên đến từ hai địa bàn khảo sát cho thấy, đa số người dân đã có nhận thức ban đầu về phát triển du lịch và kênh thông tin truyền tải đến với họ chủ yếu là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: tivi, đài báo… và thông tin từ UBND xã, huyện. Đồng thời, họ đều thể hiện thái độ mong muốn, nhu cầu được tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch có công ăn việc làm và cải thiện thu nhập.

Đối tượng người dân địa phương được lựa chọn phỏng vấn sâu đều cho thấy điểm chung trong thực tiễn tham gia vào phục vụ du lịch ở nhiều vị trí công việc khác nhau, tùy theo hoàn cảnh gia đình và bản thân: kinh doanh lưu trú, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ ăn uống tại các khu nghỉ dưỡng, tự đi chợ và phục vụ ăn uống cho khách tại nhà, lái xe máy chở khách quanh các điểm tham quan… Có thể thấy, người dân địa phương chính là nguồn nhân lực chủ yếu trong chuỗi cung ứng du lịch ở Pù Luông.

Dựa trên mô hình nghiên cứu, nghiên cứu đã phân nhóm kết quả phỏng vấn về năng lực của người dân địa phương trong phát triển DLCĐ tại bản Đôn và bản Kho Mường qua các yếu tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ, thực tiễn tham gia du lịch, qua bảng 1 (xem trang 84).

Từ các thông tin được 30 đáp viên cung cấp trong phỏng vấn sâu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành mã hóa đồng bộ về từ khóa, sau đó thống kê phân tích các nhận định. Về kiến thức, các đáp viên đều khẳng định hiểu biết về tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa địa phương. Đây là cơ sở, nền tảng kiến thức rất quan trọng khi người dân tham gia làm du lịch. Họ cũng là người có nhiều trải nghiệm với khách du lịch sau một thời gian đón khách ở Pù Luông nên cũng khẳng định họ có hiểu biết về tâm lý khách du lịch, có vốn từ vựng tiếng Anh giao tiếp cơ bản. Có đáp viên còn chia sẻ thêm sự khác biệt về sở thích ăn uống, lựa chọn phòng, tour tham quan… của khách người Việt và khách nước ngoài.

Về kỹ năng, người dân địa phương ở bản Đôn và bản Kho Mường đã hình thành một số kỹ năng cần thiết trong hoạt động du lịch, như: kỹ năng hướng dẫn, thuyết minh; kỹ năng phục vụ ăn uống cho khách du lịch... Những kỹ năng này được hình thành trong quá trình họ tham gia thực tế vào hoạt động du lịch và qua một số lớp tập huấn của Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, Phòng Văn hóa huyện Bá Thước và một số tổ chức phi chính phủ.

Về thái độ, với tinh thần hiếu khách, thân thiện, người dân ở hai bản đều khẳng định thái độ vui vẻ, niềm nở, thân thiện khi phục vụ du khách, thái độ hợp tác, giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động du lịch, chủ động, sẵn sàng giúp đỡ khách, sẵn sàng chia sẻ thông tin/ lợi ích với khách.

Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế về kiến thức, kỹ năng, thực tiễn tham gia du lịch của người dân Pù Luông trong phát triển du lịch. Kiến thức hạn chế về công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm du lịch là một khó khăn trong khi quá trình chuyển đổi số đang diễn ra như một tất yếu. Kỹ năng phục vụ lưu trú và phục vụ ăn uống, kỹ năng giao tiếp và tương tác với khách, kỹ năng phản hồi khách du lịch nhanh nhạy cũng chưa được thực hiện tốt, việc tham gia các lớp đào tạo về DLCĐ cũng mới chỉ dừng lại ở những con số ít ỏi…

(+): Ưu điểm; (-): Hạn chế; N1, N2: Tổng số mẫu phỏng vấn

Bảng 1 - Nguồn: Tổng hợp từ phỏng vấn sâu tháng 12-2023

Số lao động du lịch nơi đây được đào tạo bài bản mới chỉ là một con số khiêm tốn. Ngoài công chức văn hóa du lịch ở UBND huyện Bá Thước, thì các hộ dân kinh doanh du lịch chủ yếu mới được học các lớp ngắn ngày tại địa phương, chưa mang tính chuyên nghiệp. Ngay cả ở các khu nghỉ dưỡng lớn nhất nhì nơi đây như: Pù Luông Retreat, Pù Luông Eco Garden, Pù Luông Natura… cũng chỉ có người quản lý là có kinh nghiệm được đào tạo bài bản, còn đa số nhân viên phục vụ là thanh niên địa phương còn thiếu nhiều kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ.

Homestay ở các điểm khảo sát chủ yếu là do người dân địa phương dựng lên kinh doanh tự phát và nhỏ lẻ. Lao động trong các cơ sở này chủ yếu là người dân và người thân trong gia đình làm việc theo mùa vụ và ít được đào tạo những kỹ năng, kiến thức dành cho phục vụ kinh doanh du lịch. Chính vì vậy, chất lượng phục vụ du khách của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nơi đây còn ở mức tương đối thấp.

Thông tin từ khảo sát cũng cho thấy có sự khác biệt về một số năng lực giữa hai địa bàn được nghiên cứu. Người dân ở bản Đôn có kiến thức, kỹ năng tốt hơn bản Kho Mường. Bản Đôn là nơi tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng chất lượng cao. Một số mô hình du lịch sinh thái cộng đồng phân khúc nghỉ dưỡng chất lượng đạt chuẩn mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Retreat, Pù Luông Natura, Ciel De Pù Luông, Pù Luông Ecolodge (doanh thu hằng năm đạt hàng chục tỷ đồng); bên cạnh đó mô hình homestay hộ gia đình cũng đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, điển hình như: hộ gia đình ông Hà Văn Giáp, Hà Văn Lịch, Hà Văn Thược (bản Đôn, xã Thành Lâm).

3. Một số giải pháp nâng cao năng lực của cộng đồng địa phương ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Phát triển năng lực người dân địa phương là trọng tâm trong sinh kế bền vững. Để hoạt động DLCĐ có hiệu quả, người dân địa phương cần được bồi dưỡng năng lực ở các mặt: kiến thức, kỹ năng, thái độ và thực tiễn tham gia du lịch thông qua một số chương trình đào tạo như:

Đào tạo hướng dẫn viên

Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có nghiệp vụ du lịch và hiểu biết về môi trường, về văn hóa địa phương có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thuyết minh, hướng dẫn. Hướng dẫn viên được đào tạo ở đây chính là những người dân địa phương với lợi thế về kỹ năng và kiến thức bản địa.

Tập huấn kinh doanh homestay

Homestay là loại hình du lịch mà du khách sẽ ở chung nhà và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua hoạt động tập thể đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hóa của mảnh đất mà du khách đặt chân đến. Do đó, cần đào tạo cho chủ nhà có cơ sở lưu trú cho khách nghỉ lại về việc kinh doanh loại hình này.

Tập huấn dịch vụ ẩm thực

Tập huấn dịch vụ ẩm thực nhằm cung cấp cho du khách những bữa ăn sạch, ngon, trải nghiệm được văn hóa ẩm thực địa phương. Do đó, trong chương trình tập huấn ẩm thực cần chú trọng kỹ thuật sử dụng nguyên liệu thực phẩm địa phương để chế biến thức ăn ngon, chủ động thay đổi thực đơn linh hoạt cho phù hợp với nguyên liệu theo mùa vụ, kiến thức đảm bảo một môi trường chế biến vệ sinh, bố trí không gian ăn uống thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên.

Tập huấn kỹ năng phục vụ khách du lịch

Để có thể phục vụ du khách tốt hơn, một số kỹ năng cần được tổ chức tập huấn cho người dân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch như: kỹ năng giao tiếp: chào hỏi, bắt tay, cách nói chuyện...; kỹ năng sơ cứu: khóa đào tạo về sơ cứu sẽ cung cấp cho người dân biết cách sơ cấp cứu ban đầu đối với những trường hợp gặp tai nạn, hiểu về các tiêu chuẩn y tế, các thiết bị và kỹ năng cần thiết trong trường hợp khẩn cấp, xác định con đường nhanh nhất để đến bệnh viện gần nhất.

Đa dạng hóa các hình thức (mức độ) tham gia

Đa dạng hóa các hình thức tham gia sẽ thu hút được nhiều người dân tham gia vào hoạt động du lịch, biến du lịch trở thành một trong những lựa chọn sinh kế cho cộng đồng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với với các công việc chủ yếu như: cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà dân (homestay), biểu diễn văn nghệ dân tộc, dịch vụ tắm thuốc người Dao, làm hướng dẫn viên du lịch, cung cấp dịch vụ vận chuyển...

Cộng đồng có thể tham gia các công việc trên từ mức độ gián tiếp là: cung cấp thông tin, đến mức độ tham gian trực tiếp và mức độ cao nhất là tham gia quản lý các hoạt động phục vụ khách du lịch.

4. Kết luận

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có cảnh sắc tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, hệ sinh thái đa dạng; cùng nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc Thái, Mường là tiềm năng lớn để phát triển DLCĐ nơi đây. Tuy nhiên, năng lực của người dân địa phương khi tham gia du lịch, đặc biệt là kỹ năng nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, cần phải được chuẩn hóa sớm bằng các hình thức đào tạo khác nhau, tạo nên nguồn nhân lực thật sự chất lượng, bền vững.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Balint, P.J., Improving community-based conservation near protected areas: the import-ance of development variables (Cải thiện hoạt động bảo tồn dựa vào cộng đồng tại các khu bảo tồn: tầm quan trọng của các biến số phát triển), Environmental Management, 2006.

2. Gianna Moscardo, Building Community Capacity for Tourism Development (Xây dựng năng lực cộng đồng để phát triển du lịch), CABI Publishing, 2008.

3. Lavarack, G., Evaluating community capacity: visual representation and interpretation (Đánh giá năng lực cộng đồng: trình bày và diễn giải trực quan), Community Development Journal, 2005.

4. UBND huyện Bá Thước, Báo cáo công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước năm 2018.

5. UBND tỉnh Thanh Hóa, Quyết định số 4591/ QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án Xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng bản Kho Mường tại xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, 2020.

6. UBND tỉnh Thanh Hóa, Quyết định số 4513/ QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2020, định hướng đến năm 2045, 2023.

7. UBND huyện Bá Thước, Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phát triển du lịch năm 2023, đề xuất các nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2024, 2023.

8. puluong.org.vn.

TS BÙI CẨM PHƯỢNG - TS NGUYỄN NHIÊN HƯƠNG - TS PHẠM THỊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

 

;