Giá trị văn hóa ở điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển du lịch sáng tạo

TP.HCM được xem là vùng đất mang những giá trị văn hóa đặc sắc trong tiến trình giao lưu và tiếp biến văn hóa tộc người ở Việt Nam với các nền văn hóa phương Tây. Trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch TP.HCM với chương trình “Mỗi quận, huyện ít nhất có một sản phẩm du lịch đặc trưng”, nhiều giá trị văn hóa địa phương được phát huy tại các tuyến điểm du lịch để phục vụ nhu cầu du lịch đa dạng cho du khách. Từ nguồn tư liệu sơ cấp và thứ cấp, bài viết tổng hợp, phân tích những giá trị văn hóa đặc trưng của các điểm đến du lịch TP.HCM trong phát triển du lịch sáng tạo để du khách trải nghiệm du lịch. Từ đó, đưa ra định hướng khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch sáng tạo nhằm hướng tới phát triển du lịch bền vững ở TP.HCM.

1. Đặt vấn đề

TP.HCM là vùng đất hội tụ của các dòng chảy văn hóa và sự cộng cư của các tộc người ở Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển Sài Gòn - TP.HCM để tạo nên các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương. Trong xu hướng phát triển và hội nhập của ngành Du lịch TP.HCM, các tuyến điểm du lịch, chương trình du lịch được triển khai ở các địa phương với 366 tài nguyên du lịch, 60 sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh du lịch của điểm đến hiện nay. Do đó, việc làm rõ những nét đặc trưng giá trị văn hóa của TP.HCM là để phát triển du lịch sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm văn hóa, khám phá bản thân của du khách. Từ đó, đưa ra định hướng phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tại điểm đến du lịch TP.HCM hiện nay.

2. Cơ sở lý luận

Khái niệm về giá trị văn hóa

Giá trị văn hóa là những lợi ích mà các hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa đem lại cho con người, cá nhân hoặc cộng đồng, đáp ứng được mục đích, nhu cầu, lợi ích của cá nhân hoặc cộng đồng ấy (1). Từ định nghĩa văn hóa, mô hình cấu trúc văn hóa, giá trị văn hóa có thể được xem xét theo các thành tố văn hóa, như văn hóa mưu sinh, ẩm thực, phục sức, cư trú, kiến trúc, giao thông, tổ chức cộng đồng, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, văn học nghệ thuật, giao tiếp… (2). Vậy, giá trị văn hóa có tính tương đối, phụ thuộc vào chủ thể, không gian, thời gian và được lượng giá thông qua các thước đo khác nhau của các cá nhân và cộng đồng người khác nhau.

Khái lược về du lịch sáng tạo

Thuật ngữ du lịch sáng tạo đưa ra khái niệm du lịch sáng tạo được đề xuất như một hình thức du lịch văn hóa mới dựa trên sự lồng ghép nội dung văn hóa vào du lịch. Nhiều tác giả nghiên cứu đều đồng tình rằng, du lịch văn hóa thiếu sự tương tác giữa chủ nhà, khách và các địa điểm giàu tính thẩm mỹ đích thực phong phú của địa phương. Du lịch hướng đến trải nghiệm gắn kết và đích thực, với việc tham gia học tập về nghệ thuật, di sản hoặc đặc điểm đặc biệt của một địa điểm và sự trải nghiệm mang đến kết nối với những người dân địa phương và tạo ra văn hóa sống (3). Du lịch sáng tạo không tập trung đông lượng du khách ở các điểm tham quan văn hóa; hoặc du khách có thể trở thành một phần cốt lõi sáng tạo của điểm đến. Theo Hull và Sassenberg (2012): Du lịch sáng tạo có thể được coi là một dạng chuyển giao quá khứ sang hiện tại và tương lai thông qua mối quan hệ giữa cộng đồng địa phương và khách du lịch (4). Bên cạnh đó, du lịch văn hóa và du lịch sáng tạo có sự khác biệt về cách thức hoạt động du lịch, những giá trị (kỹ năng lâu dài, trải nghiệm sáng tạo) cho du khách (suy nghĩ, bản sắc riêng). Qua đó cho thấy, điểm đến TP.HCM có những giá trị văn hóa rất đặc trưng để du khách được trải nghiệm du lịch sáng tạo cùng với cư dân địa phương nhằm hướng tới sản phẩm du lịch bền vững.

Du khách tham quan khu vực Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM)- Ảnh: Nguyên Trường

3. Thực trạng phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch sáng tạo ở điểm đến TP.HCM

Nhiều giá trị văn hóa của cộng đồng cư dân được sử dụng để xây dựng sản phẩm du lịch ở các điểm đến TP.HCM nhằm giới thiệu đến khách du lịch các tour trải nghiệm Sài Gòn - ngày và đêm, Ký ức Biệt động Sài Gòn, Lái xe Vespa khám phá Quận 3 đa sắc màu, Củ Chi - Ngày bình yên trên vùng đất thép... Du khách có thể tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng ở mỗi địa phương và ở nhiều điểm tham quan khác được tổ chức để du khách cùng tham gia vào những hoạt động văn hóa ngày thường trong đời sống cư dân.

Về giá trị văn hóa mưu sinh, nhiều nghề và làng nghề trong đời sống thường ngày được đưa vào điểm tham quan để phục vụ du khách, như nghề trồng cây ăn trái, nghề trồng hoa, nghề đánh bắt hải sản, nghề trồng rừng, nghề nuôi động vật ở khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, nghề làm nước mắm, nghề làm muối, nghề làm bánh ngọt, nghề thuốc cổ truyền, làng nghề làm nhang, nghề chế tác kim hoàn, nghề làm tranh sơn mài, nghề dịch vụ y tế, nghề buôn bán… Chẳng hạn, du khách tham quan tự hái các loại trái cây theo mùa (măng cụt, chôm chôm, dâu xanh...) ở 35 điểm nhà vườn trái cây (xã Trung An, huyện Củ Chi). Du khách được hướng dẫn làm hoa đăng bằng giấy bột tre (một loại giấy tự hủy để làm thức ăn cho cá) và thả hoa đăng trước chùa Pháp Hoa hoặc thả cá trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè… Các cơ quan quản lý về du lịch và văn hóa phối hợp với doanh nghiệp lữ hành, hộ dân làm du lịch dự kiến sẽ đưa vào nhiều nghề mưu sinh để du khách tham quan, tìm hiểu hoạt động sinh kế, đời sống hằng ngày của người dân. Tuy vậy, du khách vẫn chỉ xem một số công đoạn sản xuất của nghề và làng nghề, có ít thời gian và chưa được tạo điều kiện tương tác cùng hộ gia đình, nghệ nhân…

Về giá trị văn hóa ẩm thực, các hộ gia đình làm du lịch sử dụng các loại nguyên liệu ẩm thực có sẵn ở địa phương để chế biến những món ăn, thức uống theo cách làm thủ công phục vụ du khách. Chẳng hạn, người dân ở ấp đảo Thiềng Liềng dùng những sản vật của vùng biển như cá kèo bông đỏ, hàu... để nấu món ăn; các món bánh dân gian được làm từ nguyên liệu thuần tự nhiên như kem dừa nước, bánh lọt…; các hộ dân làm du lịch ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè sử dụng món ăn đặc trưng trong các bữa tiệc, đám cưới, đám giỗ ở thôn quê để làm món ăn cho du khách thưởng thức, như mì trường dạ, cháo cối… Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành cũng tổ chức tour Vespa để du khách trải nghiệm những quán ăn địa phương, ẩm thực đường phố ở khu phố ẩm thực Vĩnh Khánh, chợ đêm Hồ Thị Kỷ… Du khách được hướng dẫn để tự pha chế các dòng cà phê đặc trưng của Việt Nam, trải nghiệm quán cà phê và tìm hiểu về trà, tự pha một bình trà. Du khách thưởng thức ẩm thực địa phương và thử làm một vài món ăn thường ngày và thiếu sự trải nghiệm văn hóa ẩm thực cùng người dân địa phương từ việc mua nguyên liệu ẩm thực đến chế biến và trang trí món ăn.

Về giá trị văn hóa phục sức, du khách có thể tham quan Áo Dài Exhibition (Quận 1), Bảo tàng Áo dài (Quận 9), Viện Nghiên cứu trang phục Việt (Viện Trang phục Việt)… có thể tự vẽ trên vải theo hướng dẫn của họa sĩ và các nhà thiết kế. Ngoài ra, du khách có thể may áo dài, áo sơ mi, áo vest tại các cửa hàng may (Quận 1), dịch vụ may đo trong vòng 24 giờ với sự tư vấn về các loại vải, hoa văn, kiểu dáng. Tuy vậy, các hàng hóa lưu niệm gắn với trang phục trang sức còn thiếu tính đặc trưng và không đồng nhất giữa chất lượng và giá cả.

Về giá trị văn hóa cư trú và kiến trúc, ngôi nhà trong các con hẻm, căn hộ ở chung cư được cho là không gian cư trú đặc trưng của người dân ở đô thị Sài Gòn - TP.HCM, như chung cư 42 Nguyễn Huệ, chung cư Tôn Thất Đạm, Quận 1 (5). Theo Sở Xây dựng TP.HCM, 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975, mỗi con hẻm là một không gian văn hóa riêng của cộng đồng cư dân từ những vùng miền khác nhau, như những con hẻm ở khu vực Vườn Chuối, Bàn Cờ, Quận 3; chợ Cầu Muối, Quận 1; những hẻm của người làm lồng đèn (quận Tân Phú) (6). Bên cạnh đó, nhiều căn hộ trong chung cư cũng được tu sửa, thiết kế lại để làm quán cà phê, nhà hàng, bar, pub, cửa hàng tranh và các cửa hàng thời trang phục vụ du lịch; nhiều hẻm được đưa vào trong chương trình tham quan để du khách tìm hiểu văn hóa đường hẻm của đô thị. Nhiều công trình kiến trúc được xem là điểm tham quan hấp dẫn, chụp ảnh cho du khách và đưa vào chương trình du lịch của các doanh nghiệp lữ hành, như Trụ sở HĐND UBND, khách sạn Continental Sài Gòn, chùa Bà Thiên Hậu, đền Mariamman (chùa Bà Ấn)… Có thể thấy, du khách chỉ đi tham quan đời sống người dân trong các hẻm, chung cư, công trình kiến trúc, nhưng ít được tiếp xúc trao đổi cùng người dân.

Về giá trị văn hóa giao thông, nhiều loại phương tiện giao thông được sử dụng để tổ chức cho du khách tham quan, du ngoạn và tìm hiểu các điểm đến, như xe đạp, xe xích lô, xe máy, xe buýt hai tầng, xe jeep, xuồng chèo, đò máy, buýt sông… Chẳng hạn, du khách tìm hiểu các địa phương của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM bằng tàu du lịch theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trên sông Sài Gòn… qua những công trình, như cầu Mống, cầu Hoàng Hoa Thám, cảng Sài Gòn; xe buýt hai tầng theo hành trình du lịch, ngồi xe Jeep với chuyến khám phá cuộc sống đô thị về đêm. Qua đó, du khách có những trải nghiệm về văn hóa ứng xử với hệ thống giao thông của người điều khiển phương tiện ở đô thị đông dân.

Về giá trị văn hóa tổ chức cộng đồng, nhiều gia đình trẻ có xu hướng ra ở riêng, không muốn sống chung với cha mẹ. Cư dân có mối quan hệ với nhau theo công việc trong đời sống đô thị và hầu hết gia đình ở nông thôn vẫn duy trì liên hệ cộng đồng cư trú, quan hệ thân tộc. Đối với hình thức quần cư nông thôn, nhiều hộ gia đình hiện nay cũng tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng như: 2 hộ dân ở xã Hiệp Phước (Nhà Bè), 16 hộ gia đình ở ấp Thiềng Liềng (Cần Giờ)… Du khách tham quan làng Lò Rèn (Nhà Bè), khu tái hiện vùng giải phóng vào ban đêm ở khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi hoặc đến xã đảo Thạnh An ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn trên biển. Điểm đến Thiềng Liềng được bình chọn là “Điểm có 100 điều thú vị” của TP.HCM, nhưng Hợp tác xã du lịch chỉ đón khách đoàn đặt trước, chưa có khách lẻ.

Về giá trị văn hóa tín ngưỡng, du khách chiêm bái, tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cúng nhiên thần, nhân thần và các vị thần của tôn giáo để cầu bình an, gia đình hạnh phúc, cầu quốc thái dân an, cầu tài, cầu lộc… ở khu tưởng niệm các Vua Hùng, lăng Ông Bà Chiểu, đình Vĩnh Hội, miếu Ngũ Hành (chùa Bà Châu Đốc 2), chùa Xá Lợi, các nhà thờ của đạo Công giáo, đền thờ Ấn Độ giáo… Du khách tham quan và thực hiện nghi thức dâng hương tại đài tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức. Điều đó cho thấy, du khách chủ yếu tham quan các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo và chưa có những trải nghiệm đời sống tâm linh ở cơ sở thờ tự của địa phương.

Về giá trị văn hóa lễ hội, nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức ở các điểm đến, như lễ hội Nghinh Ông (rằm tháng 8) ở Cần Giờ, lễ giỗ tổ nghề Kim Hoàn ở Hội quán Lệ Châu (nhà thờ tổ nghề thợ bạc), lễ hội Khai hạ - Cầu an Lăng - Ông Bà Chiểu (ngày 7 tháng Giêng) ở Phú Nhuận, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở Quận 5, lễ hội chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng)… Tùy theo loại hình lễ hội truyền thống, người dân và khách tham quan từ các địa phương về tham gia lễ hội, cúng bái, xem hát, và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí… Đồng thời, những lễ hội du lịch được tổ chức thành các sự kiện du lịch thường niên để phát triển du lịch như: lễ hội ẩm thực, lễ hội áo dài, lễ hội Tết Việt, lễ hội sông nước, hội chợ du lịch quốc tế, ngày hội du lịch… Du khách được xem các hoạt động nghệ thuật, thưởng thức đặc sản các vùng miền, đồng diễn áo dài, thể thao dưới nước như chèo thuyền, flyboard, cano…

Về giá trị văn học nghệ thuật, nhiều hoạt động như chuyện kể, giai thoại, ca dao, tục ngữ… về di tích lịch sử, danh nhân, anh hùng dân tộc được giới thiệu với du khách tại các điểm tham quan như: giai thoại “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà” về Võ Tánh ở lăng Võ Tánh, bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, chiến khu rừng Sác. Hướng dẫn viên kể chuyện về dòng sông Soài Rạp, giới thiệu văn hóa ruộng vườn, sông nước… Đối với nghệ thuật tạo hình, nghệ nhân hướng dẫn du khách trải nghiệm làm tranh gạo; đội ngũ họa sĩ giúp khách tham quan trải nghiệm làm họa sĩ để tạo ra các tác phẩm làm quà tặng. Đối với nghệ thuật diễn xướng, khách tham quan thưởng thức giai điệu du dương của âm nhạc tại bến thuyền, những điệu múa của các nàng tiên Apsara trong tour trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Du khách thưởng thức đờn ca tài tử với tiếng đàn kiềm, đàn sến, đàn ghita và tiếng hát của người dân nghề muối. Du khách thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc tại Trúc Mai House như: sáo trúc, đàn tam thập lục, T’rưng, những bản chầu văn, dân ca, tác phẩm âm nhạc… Ngoài ra, du khách thưởng thức chương trình biểu diễn ở nhà hát thành phố như: À Ố Show, vở múa đương đại Sương sớm, vở Teh Dar, vở múa Palao; các tiết mục múa rối nước ở nhà hát Rồng Vàng (Quận 1); nghệ thuật hát bội trong dịp lễ giỗ Ông Thượng ở lăng Lê Văn Duyệt…

Về giá trị văn hóa giao tiếp, du khách được giao lưu, tiếp xúc với cư dân từ những địa phương khác nhau về đặc điểm văn hóa, phương ngữ ở các điểm du lịch, dịch vụ du lịch… Ví dụ như: người làm du lịch đến tận “Cổng chào Thiềng Liềng” để đón khách với nụ cười, chiếc áo bà ba, nón lá… trông dễ thương, thân thiện. Ngoài ra, du khách trải nghiệm hoạt động cho chữ thư pháp ở đình Vĩnh Hội, phố ông đồ vào dịp Tết, hoặc tìm hiểu kho tàng sách Hán - Nôm về y học cổ truyền ở bảo tàng Fito, Quận 10, cổng cổ với chữ Gia Định, quận Bình Thạnh.

Nhìn chung, các giá trị văn hóa góp phần vào sự đa dạng hóa của các điểm du lịch và làm tăng tính hấp dẫn của dịch vụ du lịch. Tuy vậy, chất lượng sản phẩm du lịch ở các điểm đến TP.HCM vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của du khách về trải nghiệm cuộc sống cùng cộng đồng cư dân và khám phá, sáng tạo những giá trị văn hóa với người dân địa phương.

4. Định hướng khai thác giá trị văn hóa ở TP.HCM trong phát triển du lịch sáng tạo

Ngành Du lịch TP.HCM đưa ra phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” để thu hút du khách. Từ những nét đặc trưng của giá trị văn hóa, các bên liên quan, như chính quyền địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch lữ hành, cư dân địa phương… cần tăng cường liên kết du lịch sáng tạo để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch trải nghiệm đích thực, sáng tạo của du khách trong và ngoài nước.

Liên kết giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch lữ hành, cư dân địa phương trong tổ chức, quy hoạch du lịch sáng tạo gắn với giá trị văn hóa

Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và văn hóa ở TP.HCM đẩy mạnh các chính sách, cơ chế phù hợp và có vai trò đầu mối liên kết, hỗ trợ cho các bên liên quan để triển khai các sản phẩm du lịch sáng tạo ở các điểm tham quan văn hóa, điểm du lịch cộng đồng, như kỹ năng làm du lịch sáng tạo, sự tham gia du lịch của người dân, đội ngũ thuyết minh viên tại điểm, hỗ trợ vốn làm du lịch… Hơn nữa, các doanh nghiệp du lịch lữ hành nghiên cứu nhu cầu du lịch của từng nhóm du khách để kết nối tuyến điểm du lịch và liên kết với hộ gia đình, nghệ nhân ở điểm tham quan trong thiết kế, tổ chức trải nghiệm, sáng tạo văn hóa. Sự tham gia của cộng đồng cư dân tạo cho du khách cùng hòa nhập với văn hóa địa phương.

Sự liên kết chuỗi giá trị du lịch sáng tạo từ đặc trưng văn hóa của điểm đến để du khách trải nghiệm sáng tạo

Du khách cần được tổ chức để tham gia đích thực vào các hoạt động văn hóa, như học cách đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, công việc giữ rừng của người dân, làm diêm dân, các công đoạn chuẩn bị cho bữa ăn cùng gia đình, trải nghiệm văn hóa hẻm ở đô thị, hình thức homestay ở nông thôn Cần Giờ, nghệ thuật vẽ tranh, chạm khắc… học các điệu múa, hát và các loại nhạc cụ, kể chuyện, tham gia tiết mục trong chương trình biểu diễn nghệ thuật, tìm hiểu phương ngữ…

Định vị thương hiệu du lịch sáng tạo của điểm đến TP.HCM

Điểm đến TP.HCM có thể xây dựng thương hiệu du lịch sáng tạo từ những giá trị văn hóa, như nghề và làng nghề của người dân ở khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, ẩm thực bánh mì, lễ hội sông nước, trang phục áo dài, Sài Gòn - TP.HCM về đêm, tổ chức cộng đồng ở địa đạo Củ Chi gắn với những trải nghiệm thực sự của du khách cùng người dân địa phương. Đồng thời, các bên liên quan tăng cường quảng bá 50 sản phẩm du lịch ở TP.HCM, trong đó có 20 sản phẩm du lịch mới để du khách trải nghiệm sáng tạo.

5. Kết luận

Điểm đến TP.HCM có những nét đặc trưng văn hóa riêng trong tiến trình giao lưu và tiếp biến văn hóa các tộc người ở Việt Nam và với nhiều quốc gia trên thế giới. Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở TP.HCM là nguồn tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch sáng tạo ở các điểm đến du lịch nhằm thu hút sự tham gia của du khách. Do đó, các bên liên quan đẩy mạnh liên kết du lịch sáng tạo trong mối tương tác giữa du khách và cộng đồng chủ nhà để năng cao năng lực cạnh tranh du lịch đô thị và du lịch nông thôn ở TP.HCM. Ngoài ra, các điểm đến ở khu vực ngoại thành của TP.HCM cần được tiếp tục nghiên cứu để phát triển kỹ năng của du khách, tạo sự kết nối với cư dân địa phương, như Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ… trong xu hướng hội nhập đương đại.

________________________

1, 2. Lý Tùng Hiếu, Văn hóa Việt Nam: Tiếp cận hệ thống liên ngành, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2019, tr.74, 97.

3. Hiroyoshi, S., Theoretical consideration on creative tourism (Xem xét lý thuyết về sáng tạo), Journal of Global Tourism Research, Volume 1, Number 2, tr.1.

4. Paula, R., Olga, M., Isabel, F., Ricardo, G., Juliana, A., Vítor, R., Miguel, P., Carla, X., An international overview of certified practices in creative tourism in rural and urban territories (Tổng quan quốc tế về các hoạt động được chứng nhận trong lĩnh vực sáng tạo du lịch vùng nông thôn và thành thị), Journal of Hospitality & Tourism Research, Vol. XX, No. X, Doi: 10.1177/1096348020950792, Month 2020, tr.4.

5, 6. Tài liệu khảo sát, phỏng vấn Thực trạng Văn hóa và du lịch tại TP.HCM, tháng 6, 2024, tr.15.

Tài liệu tham khảo

1. Cao Tự Thanh, Nguyễn Hoài Bảo, Hoàng Hương, Nguyễn Quân Bảo, Đỗ Bèn, Lê Thị Ngọc Dung… Lê Tường Vân, Những thay đổi trong đời sống văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian 1986-2006, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2011.

2. Milica, I., Benefits of Creative Tourism The Tourist Perspective (Lợi ích của du lịch sáng tạo - Góc nhìn của du khách), academia.edu, 2014.

3. Richards, G., Creative tourism and local development (Du lịch sáng tạo và phát triển ở địa phương), Nxb Santa Fe: Sunstone, 2009, tr.78-90.

4. Richards, G., The challenge of creative tourism (Thách thức của du lich sáng tạo) Ethnologies, 38 (1-2), 2016, tr.31-45.

TRẦN TRỌNG LỄ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7-2024

;