Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trường hợp các di tích Biệt động Sài Gòn)

Bài viết nhằm nhìn lại các di tích Biệt động Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam được kiến tạo trở thành dạng sản phẩm du lịch đặc thù. Thông qua đó, các tác giả đưa ra hiện trạng khai thác các di tích Biệt động Sài Gòn trong hoạt động du lịch hiện nay. Để có thêm ý kiến đánh giá, các tác giả tiến hành phỏng vấn, lấy ý kiến của một số bên liên quan như nhà tổ chức tour, hướng dẫn viên du lịch. Phân tích các ý kiến để thấy được những ưu điểm của việc khai thác các di tích Biệt động Sài Gòn trong hoạt đông du lịch cũng như những nhược điểm cần khắc phục, nâng cấp để tour Biệt động Sài Gòn thêm hấp dẫn và phục vụ nhiều du khách trong tương lai khi đến TP.HCM.

Du khách nước ngoài nghe giới thiệu về lực lượng Biệt động Sài Gòn tại Di tích Hộp thư bí mật và Hầm nổi của Biệt động Sài Gòn (nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1) - Ảnh: sggp.org.vn

1. Đặt vấn đề

Trong thời gian qua, các sản phẩm du lịch ở TP.HCM phát triển khá ấn tượng với những tour du lịch, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, đáp ứng phần nào nhu cầu trải nghiệm ngày càng tăng của du khách trong nước và nước ngoài. Tín hiệu tích cực của ngành Du lịch TP.HCM là: “những kiểu thức du lịch hội tụ” hay rõ nét hơn là “du lịch hội tụ” hoặc “du lịch tổng thể” dần dần được thể hiện rõ nét. Việc kiến tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù ở TP.HCM có xu hướng tăng giúp cho trải nghiệm của du khách thêm đa dạng và sâu sắc. Một trong những tour du lịch tạo được ấn tượng và thu hút đông đảo du khách là tour Biệt động Sài Gòn, trải nghiệm các di tích còn sót lại của chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Để thực hiện bài viết này, các tác giả sử dụng một số phương pháp nghiên cứu như:

Phương pháp nghiên cứu tổng hợp và phân tích tư liệu: thông qua những tư liệu đã được xuất bản, in ấn, các tác giả xem xét vấn đề có liên quan đã được đề cập đến như thế nào để từ đó có thêm cái nhìn sát thực tiễn nhất đối với tour Biệt động Sài Gòn.

Phương pháp nghiên cứu phỏng vấn bán cấu trúc: các tác giả thực hiện các cuộc phỏng vấn đối với một số bên liên quan như nhà tổ chức tour, hướng dẫn viên, một số chuyên gia đã từng trải nghiệm qua tour Biệt động Sài Gòn, từ đó rút ra được những vấn đề có liên quan đến việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Tiêu chí chọn người tham gia trả lời phỏng vấn: những người hoạt động trong ngành Du lịch và đã từng trải nghiệm tour Biệt động Sài Gòn trong thời gian gần đây. Có 6 người tham gia trả lời phỏng vấn gồm: 5 hướng dẫn viên du lịch, trong đó có 4 hướng dẫn viên vừa đi tour inboundoutbound, 1 hướng dẫn viên nội địa, 1 nhà tổ chức tour.

Bên cạnh đó, các tác giả tham gia khảo sát các điểm di tích và trao đổi với một số nhân chứng sống trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, trao đổi với hướng dẫn tại điểm di tích Bảo tàng Biệt động Sài Gòn... để lấy tư liệu viết bài. Các phương pháp nghiên cứu này bổ sung cho nhau để từ đó đánh giá được các di tích Biệt động Sài Gòn sát với thực tế nhất và đề xuất những giải pháp nâng cấp sản phẩm du lịch tour Biệt động Sài Gòn.

Những địa điểm tham quan, trải nghiệm các di tích Biệt động Sài Gòn trong bài viết này gồm: Hộp thư bí mật và Hầm nổi của Biệt động Sài Gòn (nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1); Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (nhà số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1); Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 (nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, Quận 3); Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Dinh Độc Lập trên đường Nguyễn Du; Sở chỉ huy tiền phương Phân Khu 6 tức Phở Bình (nhà số 7, Lý Chính Thắng, Quận 3).

2. Các thuật ngữ liên quan

Du lịch đặc thù: du lịch có thể liên quan đến việc theo đuổi một hoạt động cụ thể, đến thăm một điểm đến liên quan đến một chủ đề cụ thể hoặc đắm mình trong một sở thích cụ thể. Các đặc điểm nổi bật của du lịch đặc thù bao gồm tập trung vào sở thích, mối quan tâm và hoạt động chuyên môn, tùy chỉnh các sản phẩm và dịch vụ du lịch, tham gia tích cực vào bản chất và động cơ của trải nghiệm kỳ nghỉ cũng như mong muốn phát triển bản thân và học hỏi. Du lịch đặc thù được coi là một giải pháp thay thế cho du lịch đại chúng và thường gắn liền với các thị trường ngách.

Sản phẩm du lịch đặc thù: sản phẩm có được yếu tố hấp dẫn, độc đáo/ duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/ điểm đến du lịch; với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu/ mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo. Bản chất của hoạt động du lịch là đáp ứng nhu cầu thay đổi không gian sống hiện tại để khám phá các không gian mới lạ của con người. Vì vậy, yêu cầu thiết yếu nhất đối với các sản phẩm du lịch là phải thể hiện được nét đặc trưng độc đáo của không gian du lịch (hay còn gọi là không gian của điểm đến), giúp cho khách cảm nhận được sâu sắc các giá trị văn hóa và tự nhiên của không gian đó. Chính vì vậy, thực tế kiến tạo sản phẩm du lịch đặc thù trên nền tảng các di tích là một lựa chọn phù hợp hơn cả, nhưng vấn đề đặt ra là nâng cấp và làm cho nó trở thành một sản phẩm mang tính điểm nhấn của TP.HCM.

3. Hiện trạng khai thác các di tích Biệt động Sài Gòn

Tour Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn được ngành Du lịch TP.HCM “khai trương” lần đầu tiên vào ngày 29-4-2020 nhân kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng Sài Gòn do Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist và Công ty Vietravel phối hợp tổ chức vào chủ nhật hằng tuần; Chim Cánh Cụt Travel Service JSC khai thác phát triển với sản phẩm tour Biệt động Sài Gòn; Ohana Eco Tours tổ chức tour Biệt động Sài Gòn cho du khách theo yêu cầu hoặc cho sinh viên một số trường đại học, trong đó có Trường Đại học Văn Lang tham quan, tìm hiểu và học tập.

Ngoài ra, một số công ty du lịch đặc biệt là các hãng lữ hành vespa tổ chức cho du khách tham quan các di tích Biệt động Sài Gòn như một đặc sản dành cho du khách thích lịch sử, tìm hiểu về chiến tranh và hoài niệm về một thời của Sài Gòn trước năm 1975.

Đầu tiên, du khách được đưa đến cà phê Đỗ Phủ tức Hộp thư bí mật và Hầm nổi của Biệt động Sài Gòn để thưởng thức bữa sáng với cơm tấm Đại Hàn đặc trưng của Sài Gòn trước năm 1975 tại nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1. Căn nhà này từng có chức năng là trạm giao liên, tổ chức các cuộc họp quan trọng và chứa tiền, vàng, thuốc tây… để cung cấp cho các chiến sĩ trong nội thành và kinh tài cho chiến khu. Di tích lịch sử Hộp thư bí mật Sài Gòn và Hầm nổi còn được biết đến với tên gọi hiện nay là cà phê Đỗ Phủ. Nơi đây, du khách được tham quan các vật dụng từ thời chiến tranh Việt Nam và đây là một địa điểm “lý tưởng” để ăn cơm tấm theo phong cách Sài Gòn trước năm 1975 với tên gọi cơm tấm Đại Hàn. Cơm tấm Đại Hàn gắn với quán cơm tấm từng phục vụ lính Đại Hàn (tức Hàn Quốc) gần nơi họ đóng quân. Ngoài cơm tấm Sài Gòn còn kèm theo kim chi, món ăn ưa thích của người Hàn Quốc.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn trưng bày rất nhiều kỷ vật, hình ảnh liên quan đến lực lượng Biệt động Sài Gòn. Tại đây, du khách được thưởng thức ly cà phê bơ với nguyên liệu là cà phê Arabica trồng ở Việt Nam, bơ trồng ở Pháp và bánh quẩy truyền thống của người Hoa để tạo thành một phong cách uống cà phê đặc sắc chế biến theo phong cách Pháp và chấm với bánh quẩy của người Hoa.

Thêm vào đó, du khách được trải nghiệm thang máy “cổ” có tuổi đời lên đến trăm năm của người Pháp tại căn nhà số 145 Trần Quang Khải. Khi đến Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, du khách bước vào thang máy theo phong cách Pháp chỉ tải được 4-5 người mới lên được tầng 2 mà không có cầu thang bộ. Thang máy nhỏ, tốn kém thời gian vận chuyển là một tính toán kéo dài thời gian cho các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn ẩn nấp hoặc thoát ra ngoài trong trường hợp có cảnh sát quốc gia ập đến khám xét bất ngờ trong chiến tranh Việt Nam. Đúng như tên gọi của nó, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn là nơi sưu tập và lưu giữ nhiều hiện vật, kỷ vật, hình ảnh và tư liệu có liên quan đến lực lượng Biệt động Sài Gòn hoạt động bí mật trong lòng đô thành Sài Gòn trước năm 1975.

Sau khi tham quan xong Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, xe đưa đoàn đến Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 (1) tại nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3. Nơi đây, du khách sẽ được tham quan căn hầm bí mật dưới lòng đất được lực lượng Biệt động Sài Gòn đào (chủ yếu là hai vợ chồng ông Trần Văn Lai và bà Đặng Thị Hiệp thực hiện), ngụy trang và chứa hơn 2 tấn vũ khí được sử dụng đánh vào Dinh Độc Lập đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân 1968. Trên di tích trước căn nhà viết: “Nơi đây, nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3 với hệ thống hầm ngầm bí mật đã chứa trên 2 tấn vũ khí các loại gồm: B40, AK, Carbin, súng ngắn, lựu đạn, thuốc nổ TNT, C4, các trang thiết bị chiến đấu khác… và hệ thống hầm nổi trên trần nhà với chốt khóa, dây thừng và móc câu để khi vào hầm là đóng nắp, khóa chốt lại rồi di chuyển qua các nhà kế cận hoặc xuống đất rút lui an toàn. Đêm mồng 1, rạng mồng 2 Tết Mậu Thân 1968, 19 chiến sĩ biệt động Đội 5 Anh hùng đã tập kết về tại đây nhận vũ khí, thiết kế bộc phá và toàn bộ lực lượng xuất phát trên 3 xe ô tô vận tải tiến công Dinh Độc Lập - Cơ quan đầu não của Chính quyền Sài Gòn”.

Rời Di tích quốc gia Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, du khách được đưa đến Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Dinh Độc Lập trên đường Nguyễn Du. Tiếp theo, du khách ghé vào tham quan và chụp hình lưu niệm trước Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Hội trường Thống Nhất (còn gọi là Dinh Độc Lập, Phủ Đầu Rồng) đã từng là mục tiêu của đội Biệt động Sài Gòn và rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân 1968.

Nếu du khách ăn sáng với món cơm tấm Đại Hàn tại Hộp thư bí mật và Hầm nổi của Biệt động Sài Gòn - cà phê Đỗ Phủ với kiểu cơm tấm Sài Gòn trước năm 1975, thì Phở Bình là nơi du khách dừng chân ăn trưa với món phở gia truyền của gia đình ông Ngô Toại mở ra trước năm 1975. Theo trao đổi với ông Ngô Văn Lập, quán phở của gia đình mở ra từ rất sớm (khoảng năm 1946) với tên Phở Hà Nội. Thế nhưng, sau khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ông ta không đồng ý ở Sài Gòn có tên gọi Hà Nội nên bắt các cửa hiệu có tên Hà Nội thành tên khác. Chính vì vậy, quán phở gia đình đổi tên thành Phở Bình (năm 1967). Sau khi ăn trưa, du khách có thể tham quan, trải nghiệm di tích Biệt động Sài Gòn - từng là Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 và đặc biệt nhất là được tương tác với ông Ngô Văn Lập (nhân chứng của chiến dịch Tết Mậu Thân 1968). Đây là một trong những “địa chỉ đỏ” của quân và dân ta tập kết vũ khí, đạn dược, phương tiện vận chuyển, nhân lực... tổng tiến công vào các điểm đánh ác liệt và cam go nhất như Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ quán Mỹ, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa… Phở Bình đã trở thành Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6, nơi tập kết chiến sĩ biệt động Sài Gòn đánh trận Mậu Thân 1968. Trên mặt tiền căn nhà có biển ghi: “Nơi đây, nhà số 7 Lý Chính Thắng (Yên Đổ cũ), từ năm 1963 đã trở thành địa điểm liên lạc và nuôi giấu cán bộ Biệt động Thành F.100. Vào 20 giờ ngày mồng 1 Tết Mậu Thân 1968, tại lầu 2 nhà này, Bộ tư lệnh Tiền phương đã đọc mệnh lệnh tổng tiếng công và nổi dậy ở Thành phố”. Hiện nay, gia đình ông Ngô Văn Lập, con trai của ông Ngô Toại tiếp tục kinh doanh thương hiệu Phở Bình mà cha ông đã tạo dựng trước kia. Trao đổi với ông Ngô Văn Lập (ngày 15-4-2024), ông cho biết: Nhà nước sắp giao lại căn nhà kế bên để gia đình ông ở và kinh doanh, còn căn nhà hiện tại sẽ do Nhà nước quản lý và mở cửa cho du khách đến tham quan và người nhà ông sẽ tham gia hướng dẫn, diễn giải di tích cho khách tham quan dưới trợ cấp chi phí chăm nom, vận hành của Nhà nước.

4. Ý kiến của một số bên liên quan trong việc bảo tồn và khai thác giá trị di tích Biệt động Sài Gòn

Ý kiến của nhà cung ứng dịch vụ du lịch

Để có thêm ý kiến về việc vận dụng các di tích Biệt động Sài Gòn vào hoạt động du lịch, các tác giả tiến hành phỏng vấn người làm doanh nghiệp lữ hành (Tour organizer, code TO01) có tổ chức tour Biệt động Sài Gòn.

TO01, 46 tuổi, quê tỉnh Bình Dương, tham gia vào hoạt động du lịch từ năm 2000. Hiện nay, chị là giám đốc của một doanh nghiệp lữ hành quốc tế trên địa bàn TP.HCM. TO01 cho rằng, tour Biệt động Sài Gòn là một sản phẩm của Saigontourist đã triển khai trước đây mà chị may mắn được trải nghiệm sản phẩm này. Sản phẩm này có ý nghĩa như là một minh chứng lịch sử, ghi nhận lại công sức của các chiến sĩ Biệt động Thành trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ngoài giá trị về lịch sử, các di tích này còn là các điểm đến có thể giới thiệu cho du khách trong và nước ngoài tham quan và tìm hiểu, đưa vào chương trình tour du lịch. Bên cạnh đó, nó còn là nơi để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Các hiện vật đều được lưu trữ một cách cẩn thận tại chính cơ sở của Biệt động Sài Gòn trước đây. Một số di tích chính vẫn tái hiện lại được các hoạt động vốn có như việc vẫn lưu giữ nơi đây là một điểm kinh doanh quán cà phê Đỗ Phủ, quán cơm tấm Đại Hàn... như thời các chiến sĩ Biệt động sinh sống và hoạt động cách mạng trong nội đô Sài Gòn xưa (2).

Ý kiến của hướng dẫn viên

TG01 43 tuổi, quê tỉnh Phú Yên, làm hướng dẫn inbound tiếng Anh từ 2010. Anh thường xuyên đưa khách tới địa điểm trên tham quan dù là phương tiện Vespa, xe đoàn hay xích lô hay xe gắn máy cá nhân thường ghé qua là Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, tức địa điểm được công nhận là Di tích quốc gia và lý do anh đưa thêm là “nó tiện đường”.

TG02, 38 tuổi, là hướng dẫn viên inboundoutbound nói tiếng Anh. Anh nhiều lần đưa du khách trải nghiệm ẩm thực tại Phở Bình (tức Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 của Đội Biệt động Sài Gòn). TG02 cho rằng, các điểm đang khai thác trên mang tính thương mại nhiều hơn là di tích và quan trọng hơn là yếu tố con người ở đây trong việc khai thác các di tích để du khách trải nghiệm. Chẳng hạn như: không có nhân chứng hoặc người nhà nhân chứng tương tác với du khách làm cho di tích kém “sức sống”.

TG03, 28 tuổi quê ở Đồng Tháp, làm hướng dẫn viên nội địa từ năm 2017. TG03 cho rằng các di tích Biệt động Sài Gòn là một trong những điểm nổi bật về di tích lịch sử trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, những di tích này không những mang trong mình giá trị về lịch sử mà còn mang ý nghĩa rất lớn về tinh thần dân tộc, là điểm tựa cho thế hệ tiếp bước được nghe, được thấy những cống hiến của cha ông trong công cuộc thống nhất đất nước và hòa bình dân tộc.

TG04, 49 tuổi quê ở Long An, làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế từ năm 2000. TG04 đánh giá các di tích Biệt động Sài Gòn khá đa dạng như Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, quán cà phê Đỗ Phủ, cơm tấm Đại Hàn, cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành, Garage Biệt động Sài Gòn, Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được phục dựng, tu sửa, bảo quản khá tốt để phục vụ du khách. TG04 cho rằng, hàng chục di tích liên quan đến Biệt động Sài Gòn đã và đang được đầu tư, khai thác phục vụ cho du khách trong và ngoài nước khá tốt. Vì sản phẩm du lịch mới, có liên quan đến lực lượng được nghe, được nhắc đến rất nhiều trong suốt thời kỳ kháng chiến, vừa thực vừa mang tính huyền thoại nên dễ tạo sự tò mò cho du khách tham gia.

TG05, 50 tuổi, sinh sống ở TP.HCM, làm hướng dẫn viên inboundoutbound tiếng Anh từ năm 2000. Anh cho rằng, các di tích lịch sử này đã trực tiếp góp phần giới thiệu những chiến công, những tấm gương ngời sáng, lịch sử truyền thống hào hùng của lực lượng Biệt động Sài Gòn và của đồng bào cho công chúng trong và ngoài nước. Qua đó góp phần giáo dục lịch sử truyền thống thống yêu nước, ý chí độc lập tự chủ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng... cho các tầng lớn nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau (3).

Cũng trong lần đến khảo sát điểm di tích Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6, chúng tôi ghé qua Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (số 145 Trần Quang Khải, Quận 1) và được tiếp xúc với cựu giao liên của đội Biệt động Sài Gòn là cô Trần Thị Lệ Thu (tức Thu Bà Điểm). Trong lúc thưởng thức cà phê bơ Pháp, chúng tôi được cô Thu kể chuyện liên quan đến hoạt động của đội Biệt động Sài Gòn, những chiến công mà họ đã lập cũng như những hy sinh, mất mát, bi tráng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Cô Thu nói rằng, cô “đóng đô” tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn để có dịp tương tác nhiều hơn với du khách đến tham quan. Đây là một điểm rất đáng chú ý đối với các di tích Biệt động Sài Gòn mà các lần trước đến đây, chúng tôi không có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với nhân chứng tuy rằng có thuyết minh viên (nếu có đoàn tham quan đặt) giúp khách hiểu thêm các sự kiện lịch sử liên quan đến các di tích Biệt động Sài Gòn.

Nói tóm lại, theo các ý kiến trả lời phỏng vấn, trao đổi, các di tích liên quan đến đội Biệt động Sài Gòn ở Trung tâm TP.HCM được giữ gìn khá tốt mà hai trong số di tích đó thuộc về tư nhân như cà phê Đỗ Phủ. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Dinh Độc Lập trên đường Nguyễn Du được khánh thành vào ngày 26-1-2018. Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 đặt tại Phở Bình (số 7 Lý Chính Thắng, Quận 3) do con cháu trong gia đình ông Ngô Toại giữ gìn và kinh doanh.

Ý kiến của du khách

Trên trang TripAdvisor, chuyên trang du lịch có 7 bình luận của du khách nước ngoài về Ca Phe Do Phu - Bao Tang Biet Dong Sai Gon (tức cà phê Đỗ Phủ - Bảo tàng Biệt động Sài Gòn), trong đó có 6 ý kiến đánh giá xuất sắc và 1 ý kiến đánh giá tốt. Điều đó cho thấy, du khách nước ngoài ấn tượng về điểm tham quan này. Trong quá trình tác nghiệp và khảo sát, chúng tôi quan sát thấy khách nước ngoài thường xuyên tham quan các điểm liên quan đến di tích Biệt động Sài Gòn, nhưng không biết họ am hiểu về các di tích gắn với lịch sử chiến tranh Việt Nam ra sao. Ý kiến sớm nhất vào tháng 3-2019 và ý kiến gần đây nhất vào tháng 3-2024. Trong 7 ý kiến đánh giá trên, có 3 ý kiến đánh giá bằng tiếng Anh, 2 ý kiến đánh giá bằng tiếng Ý, 1 ý kiến đánh giá bằng tiếng Nga và 1 ý kiến đánh giá bằng tiếng Hàn.

Tuy số lượng ý kiến đánh giá chưa phong phú, nhưng nhìn chung, 7 ý kiến trên đều cho thấy sự ngạc nhiên và thán phục tài giấu vũ khí của người chiến sĩ cộng sản trong chiến tranh Việt Nam giữa lòng đối phương. Nhìn chung, 7 ý kiến mà du khách để lại trên trang TripAdvisor về Ca Phe Do Phu - Bao Tang Biet Dong Sai Gon (tức cà phê Đỗ Phủ - Bảo tàng Biệt động Sài Gòn), có liên quan đến địa điểm di tích Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968. Hai di tích còn lại của “chuỗi” cà phê Đỗ Phủ cũng có du khách nước ngoài đến thăm, nhưng ít hơn.

7 ý kiến trên của du khách nước ngoài cho thấy, du khách quan tâm đến di tích với không gian hoài cổ, bày trí các vật dụng cũ và đặc biệt là họ khen các dịch vụ phục vụ tại đây. Riêng Phở Bình không xuất hiện trên TripAdvisor, do đó, chúng tôi không thể khảo sát ý kiến du khách.

Ngoài ra, một số ý kiến phát biểu từ 14 “khách hàng” là các em sinh viên Khoa Du lịch - Trường Đại học Văn Lang khi tham gia trải nghiệm và học tập từ tour Biệt động Sài Gòn do Ohana Eco Tours tổ chức vào ngày 23-3-2026: Hầu hết các em đều cho rằng rất bất ngờ và thú vị với nội dung tour Biệt động Sài Gòn và đây là một tour trải nghiệm rất khác biệt với các chương trình city tour mà các hãng lữ hành đang tổ chức thành sản phẩm cho du khách trong và ngoài nước mà các em đã từng biết đến.     

5. Kết luận

Những ý kiến của các bên liên quan mà các tác giả đã phân tích ở trên được vận dụng vào việc nâng cấp sản phẩm du lịch để thu hút nhiều du khách trong tương lai. Đặc biệt, theo ý kiến của nhân vật được phỏng vấn - TG05, còn rất nhiều di tích liên quan đến Đội Biệt động Sài Gòn chưa được khai thác vì tản mác, tư nhân hóa, thay đổi. Cũng là tour Biệt động Sài Gòn nhưng tùy theo sự kiến tạo sản phẩm du lịch của từng hãng lữ hành mà dịch vụ được thể hiện với các sắc thái khác nhau. Ví dụ: đi xe đoàn, xe xích lô, vespa, xe honda 67, thậm chí là đi bộ nếu du khách có thời gian, có sức khỏe và điều kiện thời tiết thuận lợi... Chúng tôi cho rằng, đây là một sản phẩm du lịch đặc sắc cần khai thác tốt hơn nữa để tạo điểm nhấn cho du lịch TP.HCM. Nên phát huy, kiến tạo các sắc thái của sản phẩm tour Biệt động Sài Gòn theo hướng này để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

___________________

1. Ngày 16-11-1988, di tích Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia với tên gọi theo văn bản là Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập.

2, 3. Tư liệu phỏng vấn của tác giả. 

Tài liệu tham khảo

1. Jang Hye-won, An Exploratory study on the Conceptualization of Convergence Tourism (Một nghiên cứu khám phá về khái niệm hóa Du lịch hội tụ), The tourism Sciences Socitey of Korea (Hiệp hội khoa học Du lịch Hàn Quốc), tập 40 (3), 2016, tr.55-69.

2. Phạm Trung Lương, Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, Tạp chí Du lịch Việt Nam, 2007, tr.51-53.

3. Phan Thị Thu Hiền, Hội tụ trong phát triển du lịch nông thôn (trường hợp Trà Vinh), in trong Trà Vinh - Tạo sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, 2022, tr.7-22.

4. Quảng Đại Tuyên, Du lịch đặc thù, Nxb Khoa học xã hội, 2023.

TS VÕ VĂN THÀNH - Ths NGUYỄN HẢI MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;