Nghệ nhân Hoàng Choóng - Người “giữ lửa” truyền thống

Tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn, nghệ nhân Hoàng Choóng có lẽ là nghệ nhân cao tuổi nhất có mặt để quảng bá cho các sản phẩm thủ công truyền thống mà nhiều năm ông đã bền bỉ với nỗ lực gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Nghệ nhân Hoàng Choóng và những chú gà đất do ông chế tác

Trước Không gian trưng bày mang đậm bản sắc xứ Lạng, nghệ nhân Hoàng Choóng trưng bày những món đồ chơi độc đáo do ông tự tay chế tác. Đó là những chiếc mặt nạ đất sét hình sư tử mèo và những chú gà đất nhiều màu sắc sặc sỡ. Những sản phẩm thủ công truyền thống này đã nhiều năm nay gắn liền với tên tuổi của ông, bởi chỉ có ông là người còn chế tác những món đồ này và làm đúng theo lối xưa, với nỗ lực bảo tồn nét văn hóa của người Tày xứ Lạng.

Nghệ nhân Hoàng Choóng sinh năm 1945, sinh ra và lớn lên tại thôn Thâm Mè, xã Hoàng Việt (nay là thị trấn Na Sầm), huyện Văn Lãng, hiện sinh sống tại thôn Khòn Phổ, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn. Ông nhớ lại, từ khi còn nhỏ, cứ vào mùa xuân, ông lại được tham gia biểu diễn cùng đội múa sư tử tại các lễ hội Lồng tồng ở các thôn, bản trên địa bàn huyện. Vì yêu thích điệu múa sư tử mèo và muốn gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, ông đã tìm hiểu, nghiên cứu cách làm ra những chiếc đầu sư tử mèo và được cụ Nông Xuân Quyền - nghệ nhân nổi tiếng nhất vùng thời điểm đó truyền nghề, làm ra những chiếc đầu sư tử mèo mang đậm nét văn hóa truyền thống. Từ năm 2002, sau khi nghỉ hưu cho đến nay đã gần 80 tuổi, ông chuyên tâm vào việc nghiên cứu, chế tác ra những chiếc đầu sư tử mèo với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Tày.

Nghệ nhân hoàng Choóng trong phút ngẫu hứng múa sư tử mèo

Múa sư tử mèo là loại hình nghệ thuật dân gian, thường được biểu diễn trong các dịp lễ, Tết của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Theo quan niệm, năm mới, sư tử mèo đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Ở xứ Lạng, múa sư tử mèo không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc, mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần, thể hiện khát vọng về sự may mắn, sung túc của người dân. Múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Từ đó đến nay, công tác bảo tồn di sản này càng được các cấp, ngành và nhiều người dân quan tâm. Trong đó phải kể đến công tác truyền dạy và chế tác đạo cụ múa của các nghệ nhân.

Góp phần làm nên thành công của  điệu múa sư tử mèo không chỉ là những động tác khéo léo của người múa, mà phần quan trọng không kém là những đạo cụ như mặt sư tử, mặt báo đông, nả lình, chiêng, chũm xòe, đinh ba… do các nghệ nhân chế tạo ra.

Nghệ nhân Hoàng Choóng là người có rất nhiều kinh nghiệm, am hiểu và tâm huyết với việc giữ gìn và phát huy di sản múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh. Ông đã tích cực nghiên cứu, chế tác ra rất nhiều đầu sư tử mèo đặc sắc và nỗ lực truyền dạy cho các thế hệ sau với mong muốn loại hình nghệ thuật này tiếp tục được giữ gìn và phát triển.

Mặt nạ sư tử mèo cùng đạo cụ như mặt báo đông, nả lình, chiêng, chũm xòe, đinh ba làm nên linh hồn của điệu múa sư tử mèo

Theo ông, nét độc đáo của đầu sư tử mèo là được làm bằng nguyên liệu đất sét cùng những đường nét mang đặc trưng riêng có, được truyền dạy từ nhiều đời trước. Để làm ra được một chiếc đầu sư tử mèo, phải kiên trì, tỉ mỉ ngay từ khâu đầu tiên: chọn đất. Đất được chọn là đất sét trắng ở gần sông, suối, sau đó giã mịn, sàng sảy, ngâm nước rồi mới nhào nặn, chế tác để tạo ra đầu sư tử. Sau khi đất khô lại, ông dán giấy bồi, sơn vẽ các loại màu lên đầu sư tử sao cho đường vẽ sắc nét, màu sắc hài hòa, hội tụ đầy đủ thần thái của con sư tử mèo. Các công đoạn để hoàn thiện một chiếc đầu sư tử mèo phải mất hơn một tuần. Ngoài việc chế tác ra những chiếc đầu sư tử mèo, ông còn truyền dạy lại cách làm cho con, cháu trong gia đình để nghề không bị mai một. Từ năm 2002 đến nay, nghệ nhân Hoàng Choóng đã chế tác và bán khoảng 250 bộ đạo cụ sư tử cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Khách hàng chủ yếu là các cơ quan, đơn vị, các trường học và nhiều cá nhân có nhu cầu mua để trưng bày, biểu diễn, giới thiệu nét văn hóa của dân tộc.

Ngoài tâm huyết trong việc chế tác đầu sư tử mèo, nghệ nhân Hoàng Choóng còn là người đam mê nghiên cứu, bảo tồn các đồ chơi dân gian truyền thống như: gà đất gáy (tiếng Tày gọi là cáy cộc), tò he… Làm gà đất gáy cũng đòi hỏi người làm phải rất tỉ mẩn, chính xác tô vẽ từng chi tiết nhỏ. Việc khó nhất khi làm con “cáy cộc” là chọn đất tốt, đảm bảo khi khô không vỡ nứt, có độ bền cao. Khi nặn chú ý tách gà thành 2 khối tách biệt, được kết nối bởi một lớp giấy xi măng dai, bền. Ở đầu và đuôi gà được khoét 2 lỗ phát ra âm thanh khác nhau. Nếu khách dùng tay kéo giãn thì gà phát ra tiếng kêu “cộc, cộc” như gà mẹ gọi gà con. Còn nếu khách dùng miệng thổi thì gà đất kêu rất to như tiếng gà gáy rất vui tai.

Những chiếc mặt nạ sư tử mèo do nghệ nhân Hoàng Choóng chế tác

Những chú gà đất biết gáy nhiều màu sắc thu hút sự chú ý của du khách

Mặc dù tuổi đã cao nhưng trong những năm qua, nghệ nhân Hoàng Choóng vẫn luôn tích cực tham gia nhiều chương trình quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống, triển lãm đặc trưng của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn tại nhiều sự kiện văn hóa, du lịch khắp các địa phương.

Trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn, các món đồ thủ công truyền thống của ông thu hút rất nhiều khách thuộc đủ mọi lứa tuổi tới trải nghiệm. Vừa say sưa giới thiệu cho người dân và du khách về những chiếc đầu sư tử mèo, con gà đất biết gáy..., nghệ nhân Hoàng Choóng quay sang tâm sự với tôi về mong muốn của ông. Đó là ước mong những sản phẩm thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa của dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng được nhiều người biết đến. Đồng thời, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong mỗi tác phẩm.

Ngày nay, khi trẻ em được tiếp xúc với nhiều món đồ chơi hiện đại, những món đồ chơi dân gian lại trở thành “của hiếm”. Những món đồ chơi nhỏ xinh xắn với màu sắc bắt mắt và cách thức chơi độc đáo này vẫn thu hút sự chú ý của các em nhỏ và các bậc phụ huynh. Nhiều du khách chia sẻ, những món đồ dân gian như mặt nạ sư tử mèo hay gà đất là những đồ chơi vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe, không độc hại lại vừa giúp các em nhỏ được làm quen với những nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Vì vậy, cần lắm những con người tâm huyết như nghệ nhân Hoàng Choóng để gìn giữ và trao truyền nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa của dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng.

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;