Nghi lễ cấp sắc Tào Lài là một trong những phong tục đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng tại tỉnh Lạng Sơn. Trong Ngày hội VHTTDL dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, đoàn nghệ nhân xã Thành Hòa, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tái hiện trích đoạn nghi lễ, góp phần giúp người xem hiểu hơn về nghi lễ quan trọng của người Nùng – di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Lạng Sơn không chỉ được thiên nhiên và tạo hóa ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng có giá trị về địa chất, mà nơi đây còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong những di sản đó, loại hình tín ngưỡng dân gian Mo Tào là nghi lễ quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng dân tộc Nùng tại Lạng Sơn.
Nghi lễ Cái Tào được tiến hành bắt đầu vào chính giờ lành, thầy cả dẫn các đệ tử cùng ngồi trước ban thờ để lễ sinh slay
Tào của người Nùng rất phong phú, đa dạng, được chia theo nhiều dòng khác nhau. Tào Lài được chia ra ba chi lớn: chi Phàn Slình tồn tại trong cộng đồng người Nùng Phàn Slình, chi Inh ở người Nùng Inh, chi Cháo Chu do người Nùng Cháo nắm giữ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong nghi lễ quan trọng của thầy Tào, nghi lễ Cái Tào – cấp sắc là một nghi lễ rất quan trọng được chuẩn bị công phu trong 2 – 3 ngày, dưới sự giúp đỡ của gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản. Với quan niệm, làm cấp sắc là làm danh giá nhà cửa, bản thân, nên người được cấp sắc cùng gia đình, dòng họ phải công phu chuẩn bị. Bắt đầu là chọn ngày lành, tháng tốt và chuẩn bị các lễ vật như: dê, lợn, gà, gạo, rượu, vải trắng, vải đỏ, giấy màu… Mỗi vật phẩm đều có quy định riêng về số lượng, không thiếu, không thừa.
Các thầy làm phép trên đầu đệ tử mới
Việc hành lễ có các thầy chính, gồm: thầy tào, thầy pụt, thầy mo và các thầy phụ. Mở đầu nghi lễ là việc báo cáo tổ tiên gia chủ, báo cáo các vị thánh, quan chức nhà trời về một việc lớn của gia đình. Theo quan niệm dân gian, thầy pụt mở đường lên trời để đón tổ sư, tổ tiên gia chủ xuống dự lễ, cúng giải xung, giải hạn cho gia chủ thông qua các lễ nhỏ: báo tổ tiên, báo Ngọc Hoàng, dâng lễ, dâng hương.
Nghi lễ Cái Tào được tiến hành bắt đầu vào chính giờ lành, thầy cả dẫn các đệ tử cùng ngồi trước ban thờ để lễ sinh slay – tức mời thầy và tổ sư, sau đó phát tấu sớ lên thổ công và gia tiên, các vị tổ nghề, thần linh trong gia đình người được cấp sắc.
Sau đó, đệ tử mới được đưa ra để trình diện thần linh và thực hiện các nghi lễ cấp sắc. Khi đó, thầy cả sẽ ra hiệu cho đệ tử đốt đèn sáng để thỉnh mời các vị tổ sư, thần linh, Ngọc Hoàng chứng giám.
Lễ sinh hạ đệ tử
Các thầy sẽ tiến hành đoạn cái tào, bước này các thầy làm phép trên đầu đệ tử mới, với hàm ý chứng giám cho sự thông minh, sáng dạ và thành tựu về tương lai của thầy Tào.
Để có được đệ tử mới, phải làm lễ sinh hạ đệ tử, người Nùng sử dụng sợi vải trắng là slai đưa, được gọi là dây rốn, tượng trưng cho sợi dây vô hình kết nối giữa các vị thần linh để truyền những điều hay lẽ phải cho đệ tử, từ đây đệ tử sẽ chính thức được sinh ra thêm một lần nữa.
Sau khi cắt rốn, đệ tử được choàng chiếc chăn đỏ tượng trưng như một bầu trời mới, một ước mơ khát vọng mới về tương lai tươi sáng, thầy Tào sẽ có quân mã, ấn tín và sách vở để đi cứu nhân độ thế.
Các thầy cùng hát điệu Mo “khảo kỳ”
Sau khi được cấp sắc, các thầy sẽ cùng hát điệu Mo “khảo kỳ” có nghĩa cấp quang cấp quyết cho nhà thầy cai mã được mạnh, cai binh được ác. Kết thúc điệu hát, thầy cả cùng các đệ tử sẽ vui mừng nhảy múa điệu Khảu Siều. Điệu múa này có ý nghĩa xiên đàn, các vị thần nhập về chứng giám và chúc phúc cho đệ tử, gia đình làng bản, quê hương.
Tiếp theo các thầy vây vòng đệ tử như một lời căn dặn, từ đây đệ tử mới sinh đã có thể theo thầy cả học, phải tôn trọng tổ tiên và cầu chúc cho bách gia trăm họ, làng bản được bình an, hạnh phúc.
Lễ Cấp sắc có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Nùng. Nghi lễ không chỉ mang ý nghĩa giáo dục đạo đức, nhân cách, mà còn nhắc nhở mỗi người biết gìn giữ nếp sống có tôn ti, trật tự trong cộng đồng và biết ơn tổ tiên cũng như các vị thần đã che chở bảo vệ.
Các thầy vây vòng đệ tử như một lời căn dặn đệ tử mới sinh
Trong lễ Cấp sắc, còn có diễn xướng dân gian, được tập hợp khá nhiều hình thức nghệ thuật biểu diễn như các trò diễn, hát, nhạc… với những lời ca gần gũi với đời sống con người. Tất cả được trình diễn trong không khí trang trọng, linh thiêng, vì thế vừa mang tính hấp dẫn, vừa kỳ bí.
THÁI ANH - Ảnh: TUẤN MINH