Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI: “Đông Bắc tự hào và tỏa sáng”

Tối 2-11, tại sân khấu chính quảng trường đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn long trọng tổ chức khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn, năm 2024.

Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn; đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng dân tộc của Quốc hội… cùng 433 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 8 tỉnh Đông Bắc tham dự Ngày hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại buổi lễ

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Phát biểu khai mạc Ngày hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Thiết thực triển khai hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng tới Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024, hôm nay, tại tỉnh Lạng Sơn - vùng đất cửa ngõ “phên dậu” của Tổ quốc, giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Lạng Sơn và các bộ, ngành, địa phương hữu quan long trọng tổ chức Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Vùng Đông Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng của nước ta. Đây cũng là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số với kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Trong chiến lược phát triển đất nước, vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng Đông Bắc nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Ngày hội

Chính vì vậy, những năm qua, các tỉnh vùng Đông Bắc đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội, các thiết chế văn hóa, thể thao góp phần giữ gìn, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, các giá trị văn hóa tốt đẹp đã và đang được đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc bảo tồn, phát huy, tạo thành nguồn lực, là động lực quan trọng để các dân tộc vùng Đông Bắc vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên.

Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, Bộ VHTTDL đã bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Việc tổ chức Ngày hội lần này là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Trong đó, tập trung bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc vùng Đông Bắc nói riêng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh nội sinh cho dân tộc nhằm hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam hùng cường.

Tiếp nối thành công của 10 kỳ Ngày hội đã tổ chức, Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024  diễn ra từ ngày mùng 2 đến 4-11-2024 tại tỉnh Lạng Sơn với nhiều chương trình hấp dẫn, góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Đông Bắc tới bạn bè trong nước và du khách quốc tế.

Các tiết mục nghệ thuật tại lễ khai mạc

Đến với Ngày hội, người dân, du khách sẽ được hòa mình vào không gian đậm chất văn hóa miền Đông Bắc, tham gia, trải nghiệm các hoạt động như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; Trưng bày, chế biến và giới thiệu nghệ thuật ẩm thực; Hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian; Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, Hội thảo Khoa học “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - Khơi nguồn và phát triển”… Đặc biệt, Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Với chủ đề Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc, hội nhập và vươn xa, do các chủ thể văn hóa tự giới thiệu và trình diễn chắc chắn sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ yêu thương, cùng giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của thiên tai, nhanh chóng xây dựng lại cuộc sống yên bình, ổn định và phát triển.

“Những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ còn được nối tiếp, vun đắp và tô đậm hơn theo dòng chảy của lịch sử, đó cũng là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đại đoàn kết, ý chí bất khuất, khát vọng vươn lên của các dân tộc Việt Nam nói chung, người dân vùng Đông Bắc nói riêng, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để các tỉnh vùng Đông Bắc cùng cả nước nỗ lực hơn nữa trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, Lạng Sơn là vùng đất “phên dậu”, cửa ngõ phía Đông Bắc nơi địa đầu của Tổ quốc, với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, luôn giữ vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa Xứ Lạng được hình thành và phát triển đa dạng, gắn liền với hai nền văn hóa cổ đại rực rỡ: “Văn hóa Mai Pha” và “Văn hóa Bắc Sơn”, được coi là một trong những “cái nôi” của người Việt cổ.

Cũng tại mảnh đất xinh đẹp này, trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã cùng cả nước anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà, lập nên nhiều chiến công hiển hách, ghi dấu son chói lọi vào trang sử vàng của dân tộc bằng lòng yêu nước, trí tuệ, tiêu biểu là: Chiến thắng Chi Lăng lịch sử năm 1427; cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940; chiến dịch đường số 4 anh hùng; chiến thắng biên giới Thu – Đông năm 1950...; là mảnh đất đã nuôi dưỡng đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Lương Văn Tri - Những người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Người con ưu tú của quê hương Xứ Lạng, Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam đã mãi mãi đi vào lịch sử vẻ vang của đất nước.

Cùng với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc, Xứ Lạng còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh tươi đẹp, nổi tiếng như: Núi Mẫu Sơn, thung lũng Bắc Sơn, thảo nguyên Đồng Lâm, Chùa Thành, Phố Kỳ Lừa, Núi Tô Thị, chùa Tam Thanh, Thành Nhà Mạc… đã đi vào thi ca dân tộc, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và quê hương Xứ Lạng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu phát biểu tại buổi lễ

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, trong những năm qua, cùng với việc quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Lạng Sơn luôn chú trọng tới công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt vui mừng và tự hào, tháng 9-2024 vừa qua, Hội đồng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO đã biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, là Công viên địa chất toàn cầu thứ 4 trong cả nước; trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội, tạo cơ hội để tỉnh Lạng Sơn cùng các tỉnh Đông Bắc phát triển theo mô hình "mở", vừa bảo tồn và phát huy các di sản địa chất, văn hóa lịch sử, bảo vệ môi trường vừa thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn tới.

Ông Hồ Tiến Thiệu khẳng định, trải qua các thời kỳ lịch sử, đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần cách mạng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. Việc tổ chức luân phiên Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc là sự kiện chính trị - văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc Đông Bắc; tạo cơ hội để giao lưu, trao đổi văn hóa, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng vùng Đông Bắc ngày càng giàu đẹp, văn minh.

“Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc vùng Đông Bắc nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng bày tỏ niềm tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; kiên định, vững bước dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp bước truyền thống các thế hệ cha anh, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, nắm bắt thời cơ, vượt mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng vùng Đông Bắc phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” – ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh.

Nhân dịp này Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã tặng Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho các đoàn nghệ nhân, diên viên, vận động viên 8 tỉnh vùng Đông Bắc tham gia Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho các đoàn tham gia Ngày hội

Tại buổi lễ, khán giả đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đông Bắc tự hào và tỏa sáng” do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo thực hiện. Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương, Chương 1: Sắc màu Đông Bắc; Chương 2: Đông Bắc – Bản trường ca quang vinh; Chương 3: Đông Bắc – Tự hào và tỏa sáng.

 

BÍCH NGỌC - Ảnh: TUẤN MINH

 

;