"Lễ ngũ đài" trong lễ "Cấp sắc" của người Sán Chỉ (thôn Khâu Đấng, tỉnh Bắc Kạn)

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024, đoàn nghệ nhân, diễn viên tỉnh Bắc Kạn đã mang đến tiết mục trích đoạn "Lễ ngũ đài" trong lễ "Cấp sắc" của người Sán Chỉ thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Nằm cách trung tâm thành phố Bắc Kạn gần 100km, toàn bộ cư dân thôn Khâu Đấng đều là người Sán Chỉ. Thôn là một ngôi làng yên bình giữa lưng núi với hơn 30 nóc nhà, là nơi cư ngụ của riêng đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Từ trung tâm xã đi men theo chân núi đến thôn khoảng 2km, những ngôi nhà sàn dần xuất hiện thấp thoáng dưới bóng cây, vững chãi và trầm mặc. Mái ngói âm dương ngả màu sẫm nâu, mang những dấu ấn của thời gian đọng lại, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.

Các thày cúng đánh chiêng, trống để thông báo cho trời, đất và tổ tiên biết về tổ chức lễ Cấp sắc

Trong một năm, đồng bào Sán Chỉ nơi đây có rất nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc và thiêng liêng, trong đó có lễ "Cấp sắc". Nghi thức này không chỉ đánh dấu sự trưởng thành của một chàng trai trong dòng họ mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của người Sán Chỉ, mang lại sự kết nối sâu sắc giữa các thế hệ trong cộng đồng. Trích đoạn "Lễ ngũ đài" trong lễ "Cấp sắc" của người Sán Chỉ do các nghệ nhân đến từ thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn thể hiện, gồm 4 phần đó là: Khai lễ; Thắp đèn tìm con cháu dòng họ; Thực hiện nghi lễ đóng dấu, rửa tội và cấp sắc; Truyền dạy nghi lễ.

Lễ "Cấp sắc" bắt đầu bằng phần Khai lễ trang trọng. Các thày cúng đánh chiêng, trống để thông báo cho trời, đất và tổ tiên biết về sự kiện trọng đại này. Trong lời tấu Ngọc Hoàng, có đoạn: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, gia đình mời thày tổ chức lễ Cấp Sắc cho người con, sau này tương lai sẽ tiếp nối dòng họ nhà này. Mong các cụ tổ tiên của dòng họ ủng hộ cho con cháu và làm cho nghi lễ này phát triển tốt đẹp hơn”. Tiếng chiêng vang vọng giữa núi rừng, như một lời mời gọi thiêng liêng, khẳng định ngày lành tháng tốt mà các thày đã lựa chọn. Khoảnh khắc này không chỉ thể hiện sự trang nghiêm mà còn đánh dấu sự bắt đầu của một chuỗi nghi lễ phức tạp nhằm công nhận sự trưởng thành của chàng trai.

Nghi thức soi đèn diễn ra, với ánh sáng từ lửa được sử dụng để kiểm tra chàng trai

Thắp đèn tìm con cháu dòng họ: tiếp theo, nghi thức soi đèn diễn ra, với ánh sáng từ lửa được sử dụng để kiểm tra chàng trai. Các thày cũng sẽ dùng ánh sáng này như một biểu tượng cho sự soi sáng của thần linh và tổ tiên. Việc soi đèn không chỉ là kiểm tra danh tính mà còn nhằm xác nhận rằng chàng trai đúng là con cháu trong dòng họ. Sau khi được xác nhận là con cháu trong dòng họ, chàng trai sẽ được dẫn lên "ngũ đài" - nơi cao quý nhất của lễ "Cấp sắc", để trời đất và tổ tiên công nhận sự trưởng thành của anh.

Chàng trai lên "ngũ đài", sau đó tham gia vào nghi thức rửa tội

Thực hiện nghi lễ đóng dấu, rửa tội và cấp sắc: sau khi lên "ngũ đài", chàng trai sẽ tham gia vào nghi thức rửa tội, do một thày cúng nhận được sự ủy thác của Ngọc Hoàng để chứng kiến và truyền thụ lại cho người được thụ lễ. Hình ảnh đôi vợ chồng cùng đứa trẻ trên lưng xuất hiện trong nghi lễ này, tượng trưng cho sự tái sinh và trưởng thành của chàng trai. Nghi thức này bao gồm việc bón cơm và thực hiện những hành động mang tính biểu tượng, đánh dấu sự trưởng thành chính thức của chàng trai. Đây là khoảnh khắc thiêng liêng, khi cha mẹ và cộng đồng chứng kiến con trai mình chính thức được công nhận.

Nghi thức rửa tội do một thày cúng nhận được sự ủy thác của Ngọc Hoàng thực hiện

Hình ảnh đôi vợ chồng cùng đứa trẻ trên lưng xuất hiện trong nghi lễ này, tượng trưng cho sự tái sinh và trưởng thành của chàng trai

Truyền dạy nghi lễ: cuối cùng, sau khi được công nhận là người con trai trưởng thành, chàng trai sẽ được các thày cúng truyền dạy những điệu múa truyền thống của dân tộc Sán Chỉ và được tham gia các công việc lớn của cộng đồng, xã hội. Đây không chỉ là bài học về văn hóa mà còn là trách nhiệm của chàng trai trong việc gìn giữ và truyền lại những giá trị văn hóa quý báu cho thế hệ sau.

Sau khi được công nhận trưởng thành, chàng trai được các thày cúng truyền dạy những điệu múa truyền thống của dân tộc Sán Chỉ

Lễ "Cấp sắc" không chỉ mang tính cá nhân mà còn là biểu tượng cho sự kết nối cộng đồng của người Sán Chỉ. Nghi lễ "Cấp sắc" và phần trích đoạn "Lễ ngũ đài" là minh chứng cho sự phong phú của người Sán Chỉ ở Khâu Đấng nói riêng và đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở khắp vùng Đông Bắc nói chung, thể hiện những giá trị tâm linh và văn hóa sâu sắc. Việc duy trì và thực hiện nghi lễ này không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa riêng biệt, mà còn góp phần vào việc phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn. "Lễ ngũ đài" trong lễ "Cấp sắc" của người Sán Chỉ nói riêng và những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Sán Chỉ nói chung sẽ được bảo tồn và phát huy, giúp cộng đồng người Sán Chỉ duy trì bản sắc văn hóa trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Bài, ảnh: HÙNG MẠNH

;