Tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI đang diễn ra tại thành phố Lạng Sơn năm 2024, tỉnh Bắc Kạn dành một không gian đặc biệt giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc Tày trong tỉnh.
Không gian văn hóa của người dân tộc Tày tỉnh Bắc Kạn
Chị Ma Thị Biển - Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết, đoàn Bắc Kạn gồm 48 thành viên, trong đó có 21 diễn viên và viên chức, 18 vận động viên và huấn luyện viên, 9 nghệ nhân tham dự Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI. Không gian văn hóa dân tộc Tày tỉnh Bắc Kạn giới thiệu với du khách những đặc trưng về bản sắc văn hóa của dân tộc Tày Bắc Kạn. Cộng đồng dân tộc Tày ở Bắc Kạn có số lượng đông nhất trong các dân tộc của tỉnh, chiếm khoảng hơn 54% dân số.
Không gian trưng bày ngôi nhà sàn truyền thống với kiến trúc độc đáo, không chỉ là nơi cư trú của mỗi gia đình người Tày mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết trong cộng đồng, nơi diễn ra những nghi lễ thiêng liêng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Ngôi nhà truyền thống với hơi ấm từ khu vực bếp nấu ăn, bên cạnh đó là những công cụ lao động và vật dụng sinh hoạt thường ngày không chỉ phục vụ cho lao động và sinh hoạt mà còn mang ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự gắn bó với đất đai và nghề nông của người Tày.
Không gian còn là nơi trình diễn kỹ thuật dệt vải, biểu tượng của nghệ thuật dệt truyền thống
Không gian còn là nơi trình diễn kỹ thuật dệt vải, biểu tượng của nghệ thuật dệt truyền thống, được gìn giữ qua nhiều thế hệ người Tày. Các sản phẩm được tạo từ khung cửi không chỉ là vật dụng sinh hoạt, là hàng hóa mà còn chứa đựng tâm huyết, sự sáng tạo và di sản văn hóa của cộng đồng. Điển hình là những bộ trang phục vải chàm thể hiện sự khéo léo tài năng của người nghệ nhân, phản ánh sâu sắc lịch sử, đời sống và mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên của cộng đồng dân tộc Tày. Trang phục ngoài phục vụ cho sinh hoạt còn là di sản văn hóa gắn liền với nghi lễ quan trọng, dịp lễ hội và các sự kiện văn hóa cộng đồng.
Một nét âm nhạc truyền thống với những chiếc đàn tính đặc sắc của dân tộc Tày Bắc Kạn hòa quyện cùng tiếng then tạo nên một không gian âm nhạc đầy cảm xúc trong cộng đồng văn hóa Tày. Hát then, đàn tính không chỉ là nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa cầu nguyện cho mùa màng bội thu, thường được trình diễn trong các lễ hội như lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.
Bên cạnh những nét ẩm thực độc đáo mang đặc trưng văn hóa của người Tày Bắc Kạn, tại không gian này còn kết hợp trưng bày và giới thiệu điểm du lịch hấp dẫn nhất của tỉnh Bắc Kạn, đó là Hồ Ba Bể - được ví là “viên ngọc xanh giữa núi rừng Đông Bắc”. Không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ và thơ mộng, nơi đây còn ẩn chứa những truyền thuyết huyền bí. Đây từng được chọn là bối cảnh của bộ phim Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ. Hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cách thủ đô Hà Nội khoảng 200km về phía Bắc. Nằm giữa lòng Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể cuốn hút du khách bằng vẻ đẹp nguyên sơ, quyến rũ và những câu chuyện đậm nét văn hóa, lịch sử. Hồ Ba Bể không chỉ là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, mà còn được vinh danh trong top 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới.
Chị Ma Thị Biển
Nếu hồ Ba Bể đã được nhiều du khách biết đến thì những địa danh nổi tiếng quanh hồ cũng đều có câu chuyện riêng đầy lôi cuốn. Đó là đền An Mạ, nơi tưởng nhớ các vị tướng sĩ nhà Mạc với không gian linh thiêng và trang nghiêm. Đền nằm trên đảo An Mã giữa hồ Ba Bể, mang nét kiến trúc giản dị mà trang nghiêm, hài hòa với cảnh sắc tự nhiên xanh tươi bao quanh. Theo truyền thuyết, các tướng sĩ trung thành nhà Mạc đã ẩn náu tại vùng Ba Bể sau biến loạn, và người dân địa phương đã lập đền để ghi nhớ lòng trung nghĩa của họ. Ngày nay, đền An Mạ là điểm đến tâm linh, thu hút du khách đến dâng hương, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tĩnh lặng và tìm hiểu lịch sử văn hóa của vùng đất Ba Bể.
Tiếp theo, là Đảo Bà Góa - viên ngọc xanh giữa lòng hồ Ba Bể. Gắn liền với hòn đảo là câu chuyện về lòng nhân ái: trong một lễ hội ở xã Nam Mẫu, một bà lão ăn mày xuất hiện và bị nhiều người hắt hủi, chỉ có hai mẹ con góa nghèo dang tay giúp đỡ. Để đáp lại, bà lão đã tặng họ gói tro và vỏ trấu, giúp họ vượt qua trận đại hồng thủy trong đêm. Sau cơn lũ, ngôi nhà của hai mẹ con hóa thành một hòn đảo nhỏ giữa hồ - bà con địa phương gọi tên là Đảo Bà Góa, trở thành biểu tượng của lòng nhân hậu và tình người đáng quý.
Bên cạnh đó còn có một hồ nhỏ tuyệt đẹp trên đỉnh núi phía Bắc Hồ Ba Bể là Ao Tiên, rộng khoảng 3.000m². Theo truyền thuyết, nơi đây từng là nơi các tiên nữ thường xuống tắm và vui chơi. Một chàng trai trẻ vô tình phát hiện ra họ và thường xuyên trở lại ngắm nhìn. Một ngày, tiếng động của chàng khiến các tiên nữ bay đi mãi mãi. Chàng đau buồn đến cuối đời, và linh hồn chàng được cho là đã bay theo các nàng tiên, trở thành huyền thoại gắn liền với Ao Tiên.
Trưng bày nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày
Tiếp nối hành trình là Thác Đầu Đẳng hùng vĩ, Động Puông huyền bí thu hút du khách bởi những khối thạch nhũ kỳ ảo, tạo nên một cảnh sắc vừa hoang sơ vừa lôi cuốn.
Gần đây, hành trình trekking xuyên qua rừng nguyên sinh cũng sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị dành cho du khách thích mạo hiểm. Du khách sẽ được khám phá hệ sinh thái đa dạng, với rất nhiều loài động thực vật phong phú trong Vườn Quốc gia Ba Bể, cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của thiên nhiên nơi đây.
Điểm cuối hành trình du lịch Ba Bể là bản Pác Ngòi, nơi du khách được khám phá văn hóa đặc trưng của người Tày và thưởng thức những món ăn truyền thống.
Trong không gian lần này cũng giới thiệu những món ẩm thực đặc sắc của đồng bào Tày vùng hồ Ba Bể. Đó là món xôi ngũ sắc, cá hồ nướng, lạp sườn hun khói, thịt trâu gác bếp xào măng chua, chân giò hầm, măng rừng luộc, nộm rau dớn... Mỗi món ăn không chỉ được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon của núi rừng mà còn gửi gắm trong đó sự nồng hậu, chân thành của người dân Bắc Kạn.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN