Tóm tắt: Bài viết cung cấp thang đo hoạt động tự học (HĐTH) của sinh viên trong bối cảnh Cách mạng công nghệ lần thứ 4 (CMCN 4.0) thông qua các tiêu chí đánh giá được tổng hợp từ các nghiên cứu trước và được bổ sung từ tác giả. Các cuộc phỏng vấn nhóm chuyên gia trong ngành Giáo dục, ngành Du lịch và 300 sinh viên khoa Du lịch (SVKDL) Trường Đại học Nguyễn Tất thành (NTTU) đang theo học đã được khảo sát trực tiếp và khảo sát trực tuyến thông qua bảng câu hỏi đóng. Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp dành cho sinh viên và giảng viên nhằm nâng cao HĐTH. Bài viết cũng cung cấp các thông tin có hàm ý quản trị cho các đơn vị đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục 4.0 (GD 4.0).
Từ khóa: giáo dục 4.0, Cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động tự học.
Abstract: This article develops a scale to measure students’ self-study activities in the context of the Fourth Industrial Revolution. The scale uses assessment criteria compiled from previous studies and supplemented by the author. Group interviews were conducted with experts in the education and tourism sectors, as well as 300 students from the Faculty of Tourism at Nguyen Tat Thanh University. These interviews were conducted both directly and online using a closed questionnaire. Based on these results, the author proposes several solutions to improve self-study activities for both students and lecturers. This study’s findings have administrative implications for training units aiming to enhance training quality in the context of Education 4.0.
Keywords: education 4.0, fourth industrial revolution, self-study activity.
Ảnh minh họa - tác giả cung cấp
1. Đặt vấn đề
Dưới tác động của CMCN 4.0, nguồn nhân lực của ngành Du lịch có những đòi hỏi mới về kỹ năng, cần phát triển GD 4.0 với đặc trưng tự học, tự nghiên cứu là một trong những yêu cầu bắt buộc, buộc người học phải tăng tính chủ động, khả năng tự định hướng các kiến thức mình cần và xây dựng lộ trình học tập riêng theo nhu cầu của từng cá nhân, lượng kiến thức của con người tăng lên từng giây trong khi thời gian học tập ở trường lại có hạn. Do đó, tự học để tiếp thu kiến thức là một xu hướng tất yếu, là yêu cầu bắt buộc khi áp dụng đào tạo tín chỉ, ảnh hưởng đến kết quả học tập và chất lượng đào tạo trình độ đại học của NTTU. Tuy nhiên, sinh viên sẽ thể hiện thái độ tích cực đối với việc tự học, nhưng họ thường không hoàn thành các HĐTH, do đó HĐTH của SVKDL cần phải được nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của khoa Du lịch tại NTTU.
2. Nội dung nghiên cứu
Nghiên cứu thực hiện phỏng vấn chuyên gia với câu hỏi mở về HĐTH của sinh viên, cấu trúc thang đo HĐTH (1). Thang đo gồm 5 mức: 5 = luôn luôn, 4 = thường xuyên, 3 = thỉnh thoảng, 2 = hiếm khi, 1 = không bao giờ, được diễn giải từ rất tốt đến rất tệ.
Một số nhóm SVKDL được phỏng vấn, sau đó hiệu chỉnh câu trả lời để khảo sát trực tuyến SVKDL tại NTTU. Khảo sát sử dụng phương pháp chọn mẫu xác suất phân tầng theo khóa học (năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba).
Thang đo SRSSDL gốc gồm 40 biến quan sát với 8 thành phần (2), được bổ sung theo ý kiến chuyên gia. Khoảng 300 SVKDL tại NTTU tham gia khảo sát nhằm đánh giá thực trạng HĐTH.
Nhận thức về HĐTH
HĐTH là một hoạt động nhận thức của cá nhân, tự nguyện và tích cực, tự phát huy nguồn lực nội tại của bản thân để tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong một lĩnh vực nào đó của cuộc sống nhằm đạt được mục tiêu của mình (3). HĐTH có thể phân chia thành: tự học trên lớp có sự tổ chức, điều khiển, hướng dẫn của giảng viên; tự học ngoài lớp có sự tổ chức, điều khiển của giảng viên; tự học ngoài lớp không có sự tổ chức, điều khiển của giảng viên. 2 hình thức đầu hướng đến HĐTH để đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo trong nhà trường. Hình thức thứ ba thể hiện sự tự giác của sinh viên nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, thỏa mãn nhu cầu, mong muốn hiểu biết của họ.
Động lực tự học
Động lực tự học được thể hiện qua nhận thức, cảm xúc và thái độ của sinh viên đối với việc học. Động lực học tập có tác động đáng kể đến hoạt động tự học của sinh viên đại học gồm: động lực tự khẳng định; động lực nghề nghiệp; động lực xã hội; động lực nhận thức khoa học (4).
Kỹ năng tự học
Năng lực tự học thể hiện qua kỹ năng tự học, phản ánh nhận thức và thái độ học tập, khả năng vận dụng tri thức, kinh nghiệm để tự học hiệu quả trong điều kiện cho phép. Năng lực tự học giúp cá nhân chiếm lĩnh tri thức, giải quyết tình huống cụ thể và hoàn thành nhiệm vụ học tập. Trong hệ thống học tín chỉ, năng lực tự học được đánh giá qua 4 tiêu chuẩn: chủ động xác định nhiệm vụ tự học; lập kế hoạch tự học cho từng học phần; thực hiện kế hoạch với phương pháp phù hợp; kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh phương pháp, thời gian học (5). Từ các nghiên cứu trước, chúng tôi đề xuất các kỹ năng tự học của SVKDL bao gồm:
Kỹ năng nhận thức: nhận thức nhu cầu học tập, hiểu rõ các quy định về tự học trong chương trình đào tạo, nhận thức tầm quan trọng của hoạt động tự học đối với sự phát triển nghề nghiệp, xác định được các HĐTH phù hợp.
Kỹ năng lập kế hoạch tự học: xác định được mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung cần tự học, khối lượng và yêu cầu cần đạt được, các hoạt động phải thực hiện. Kế hoạch tự học phải đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức và tính khả thi.
Kỹ năng chọn nguồn tài liệu: thu thập, đánh giá, lựa chọn tài liệu phù hợp, kết hợp trao đổi với giảng viên, quan sát và trải nghiệm thực tế.
Kỹ năng xử lý thông tin và vận dụng tri thức khoa học: phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa kiến thức để chuyển hóa thành tri thức cá nhân.
Kỹ năng chọn phương pháp ôn tập: tập hợp nội dung ôn tập; xử lý nội dung ôn tập; ghi nhớ nội dung ôn tập để củng cố và phát triển kiến thức, kỹ năng.
Kỹ năng chọn hình thức tự học: lựa chọn hình thức tự học phù hợp với nội dung học tập cũng như năng lực của bản thân. SVKDL có thể lựa chọn một hoặc phối hợp nhiều hình thức như: học cá nhân, đôi bạn học tập, học nhóm trong quá trình tự học.
Kỹ năng đánh giá và củng cố trong quá trình tự học: xác định mục tiêu, nội dung, loại và số lượng dữ liệu đánh giá, so sánh kết quả với mục tiêu và nhiệm vụ học tập, rút ra kết luận từ kết quả đánh giá, phản hồi và điều chỉnh.
Tương tác của giảng viên
Trong GD 4.0, giảng viên là người kết nối có khả năng kết hợp với hệ thống thông tin về thế giới, vai trò giảng viên trong giai đoạn này trở nên phức tạp hơn, đặc biệt ở thời điểm mà tri thức như là vô tận, cùng với việc sinh viên trong thời đại CMCN 4.0 được tạo điều kiện đầy đủ về phương tiện tiếp cận thông tin. Giảng viên là người giúp sinh viên hiểu ý nghĩa và chất lượng của thông tin, hướng dẫn họ tiếp cận tri thức khoa học và hình thành những nhóm kỹ năng tự học cho họ (6).
Thời gian tự học
Quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ số 43/2007/BGD&ĐT của Bộ GD ĐT, sinh viên chỉ có 1/3 thời gian học trên lớp do giảng viên hướng dẫn, 2/3 thời gian còn lại phải tự học. Trong quy chế đào tạo của NTTU và chương trình đào tạo các ngành của khoa Du lịch đã quy định thời gian tự học là yêu cầu bắt buộc trong tiếp thu kiến thức của môn học, kiến thức của bất kỳ môn học nào cũng được hình thành trong quá trình tự tìm tòi của SVKDL và sự hướng dẫn, hỗ trợ của giảng viên.
Dịch vụ hỗ trợ tự học
HĐTH của sinh viên cần có các nguồn lực từ các dịch vụ hỗ trợ qua các điều kiện vật chất cần thiết như: hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, báo, tạp chí đủ về số lượng, phong phú về nội dung và chuẩn chất lượng, hệ thống phòng học, phòng thực hành, thư viện, khu vực tự học, internet… (7).
Hiệu quả hoạt động tự học
Hiệu quả HĐTH là sự phù hợp giữa kết quả thực tế của các HĐTH và mục tiêu của các HĐTH. Mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa điểm thi cuối kỳ và hiệu quả HĐTH trong các môn học từ năm thứ nhất (8).
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Chương trình đào tạo khoa Du lịch hướng đến nguồn nhân lực sáng tạo, khởi nghiệp và học tập suốt đời. Kết quả phỏng vấn giảng viên và SVKDL cho thấy tự học là yêu cầu bắt buộc trong mọi môn học. HĐTH phổ biến gồm: chuẩn bị bài mới; làm bài tập ôn tập; cá nhân/ nhóm trình bày chủ đề; thực hiện bài tập lớn, tiểu luận và thuyết trình.
SVKDL tự học để hoàn thành nhiệm vụ giảng viên giao, thiếu chủ động trong việc đặt mục tiêu, lựa chọn phương pháp và tự đánh giá. Hoạt động nghiên cứu khoa học có sự hướng dẫn của giảng viên nhưng tỷ lệ tham gia còn thấp.
Nghiên cứu dựa trên tiêu chí là tính dễ tiếp cận, bảng hỏi được thiết kế trên Google Form và khảo sát trực tuyến đối với SVKDL, có 52 biến quan sát. 302 bảng đã thu được, trong đó có 292 bảng đạt yêu cầu (96,7%), 10 bảng không đạt yêu cầu do chọn cùng một đáp án cho tất cả các câu hỏi.
Bảng 1: Đặc điểm của mẫu (Nguồn kết quả khảo sát)
Thang đo bao gồm: nhận thức của sinh viên về tự học gồm 5 biến; động lực tự học gồm 5 biến; Kỹ năng tự học gồm 10 biến; tương tác của giảng viên gồm 6 biến; dịch vụ hỗ trợ tự học gồm 5 biến; hiệu quả hoạt động tự học gồm 3 biến.
Kết quả khảo sát giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của các khóa học cho thấy HĐTH của SVKDL chỉ ở mức trung bình khá, với điểm trung bình từ 3.58-3.93 và độ lệch chuẩn 0.849-0.984. Có sự khác biệt giữa các khóa về nhận thức, thời gian, địa điểm và hiệu quả HĐTH. SVKDL năm thứ nhất chưa nhận thức đầy đủ, chưa sắp xếp thời gian hợp lý. SVKDL năm thứ hai, năm thứ ba bận đi làm nên chưa dành đủ thời gian tự học. SVKDL 3 khóa đều chưa chọn được địa điểm học phù hợp.
Kết quả khảo sát giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của các biến quan sát cho thấy SVKDL chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của tự học (điểm trung bình 3.58), chưa xem đây là hoạt động bắt buộc trong chương trình đào tạo theo tín chỉ (3.42) và chưa coi tự học là quá trình trải nghiệm tích cực (3.49). Động lực tự học ở mức trung bình (3.78), nhưng cao hơn khi liên quan đến nâng cao kiến thức khoa học - công nghệ (4.02).
Kỹ năng tự học chưa được sử dụng thường xuyên (3.93), đặc biệt kỹ năng lập kế hoạch (3.51), hệ thống hóa thông tin (3.64) và xác định mục tiêu (3.66) còn thụ động. Kỹ năng công nghệ (3.78) và ngoại ngữ (3.8) chưa được quan tâm đúng mức. Sinh viên phụ thuộc vào đánh giá của giảng viên (3.78) và chưa chú trọng nghiên cứu bài trước khi lên lớp.
Thời gian tự học từ 2-4 giờ (4.15) cao hơn so với dưới 2 giờ (3.94), do SVKDL năm thứ nhất học ít môn hơn. Đa số chọn thư viện làm địa điểm học (3.94), SVKDL năm thứ ba linh hoạt hơn (3.57). Tương tác với giảng viên (3.7) chưa thực sự thúc đẩy tự học, phương pháp kiểm tra - đánh giá chưa hiệu quả (3.63). Dịch vụ hỗ trợ (3.7) chưa được sử dụng thường xuyên, đặc biệt tài liệu học tập (3.49) và phương tiện công nghệ (3.59). Hiệu quả HĐTH trên mức trung bình (3.63), nhưng chưa tối ưu hóa việc hệ thống hóa kiến thức (3.64), cần cải thiện để ứng dụng CMCN 4.0 và nâng cao khả năng học tập suốt đời.
4. Giải pháp nâng cao HĐTH của SVKDL
Nâng cao nhận thức của SVKDL về HĐTH
SVKDL năm thứ nhất phải xác định rõ ràng học ở bậc đại học với đào tạo theo tín chỉ thì tự học là một yêu cầu bắt buộc để có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Do đó, phần kiến thức môn Nhập môn chuyên ngành, SVKDL cần được tìm hiểu về chương trình đào tạo của ngành nhằm hiểu rõ tầm quan trọng của HĐTH đối với kết quả học tập, điều này giúp cho sinh viên có thái độ tích cực đối và thường xuyên nâng cao HĐTH của bản thân.
Cố vấn học tập tiếp cận sinh viên để tìm ra nguyện vọng học tập nhằm hỗ trợ họ xác định nhu cầu cụ thể của bản thân về nghề nghiệp. Tư vấn cho sinh viên xác định mục tiêu, kế hoạch tự học phù hợp với hoàn cảnh nhằm giúp họ nâng cao nhận thức, tạo động lực học tập duy trì trong suốt quá trình học.
Nâng cao động lực của SVKDL về HĐTH
SVKDL đã nhận thức được tầm quan trọng và có thái độ tích cực thực hiện HĐTH mà không cần sự thúc giục hay ép buộc từ người khác. SVKDL dựa trên những mục tiêu phát triển nghề nghiệp để phát triển động lực nghề nghiệp và động lực nhận thức khoa học.
Giảng viên có thể tạo động lực bằng cách truyền cảm hứng giúp SVKDL có sự khao khát được lĩnh hội kiến thức và kỹ năng, để họ nhận thấy HĐTH là quá trình trải nghiệm tích cực về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Luôn khuyến khích các ý tưởng khác biệt, mới lạ của SVKDL thể hiện qua lời khen, hoặc những hình thức khích lệ.
Nâng cao kỹ năng tự học
SVKDL cần cải thiện việc xây dựng chiến lược học tập khoa học theo phong cách cá nhân. Các kỹ năng quan trọng gồm: chọn tài liệu, hệ thống hóa thông tin, phát triển công nghệ và ngoại ngữ, định hướng nghề nghiệp. Đặc biệt, kỹ năng công nghệ và ngoại ngữ giúp SVKDL tự định hướng học tập hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. SVKDL cũng cần rèn luyện kỹ năng thông tin để tìm kiếm, đánh giá, sử dụng và tạo thông tin hiệu quả, thúc đẩy tư duy độc lập và sáng tạo.
Trường, khoa khi xây dựng chương trình đào tạo du lịch trong CMCN 4.0 cần chú trọng đào tạo kỹ năng thông tin cho SVKDL, giúp họ xác định, đánh giá và sử dụng thông tin hiệu quả. Trường và khoa cần phổ biến, đặc biệt cho sinh viên năm nhất đề cương môn học, chiến lược học tập qua trang web, bảng thông báo, sinh hoạt chủ nhiệm và hội thảo chuyên đề.
Nâng cao kỹ năng tự đánh giá HĐTH
SVKDL còn lúng túng trong tự đánh giá kết quả HĐTH, phụ thuộc nhiều vào giảng viên, dù đây là kỹ năng quan trọng cho tự học suốt đời. SVKDL có thể dựa vào thang đánh giá của giảng viên và đề cương môn học để xác định mục tiêu, tiến độ và nội dung đánh giá. So sánh, phân tích kết quả với kế hoạch giúp điều chỉnh kịp thời. Tự đánh giá cần trở thành thói quen, kết hợp với công nghệ để nâng cao hiệu quả học tập và duy trì động lực.
Phòng Khảo thí, phòng Đảm bảo chất lượng và khoa Du lịch nên bổ sung nội dung tự đánh giá việc tự học của sinh viên sau khi kết thúc học phần, nhằm giúp đơn vị đào tạo có thêm thông tin về kết quả HĐTH của sinh viên cho mỗi môn học trong kỳ.
Nâng cao phương pháp tự học
SVKDL chưa tận dụng các nguồn uy tín như Google Scholar, Sage, Emerald, Springer Link, do thiếu kỹ năng tìm kiếm thông tin hiệu quả. Điều này hạn chế hứng thú tìm hiểu sâu hơn ngoài mục tiêu môn học. SVKDL cần phát triển kỹ năng tìm kiếm, chia sẻ và lưu trữ tài liệu trực tuyến qua SEO, Dropbox, Google Drive… để nâng cao hiểu biết, củng cố kiến thức, tạo thái độ học tập chủ động, phát triển tư duy tổng hợp để hỗ trợ sự nghiệp sau này.
Thư viện cần hệ thống dữ liệu phong phú, video hướng dẫn sinh động, nhân viên am hiểu nguồn tài liệu để hỗ trợ SVKDL. Cần chương trình định hướng giúp SVKDL tiếp cận và sử dụng hiệu quả các tài nguyên.
Nâng cao tương tác của giảng viên
SVKDL tương tác với giảng viên được tăng cường trong và ngoài lớp qua tình huống thực tiễn ngành Du lịch. Trong lớp, giảng viên đặt câu hỏi mở, sinh viên quan sát, thảo luận, thuyết trình ngắn về kiến thức đã học. Ngoài lớp, SVKDL phát triển tư duy phản biện bằng cách đặt câu hỏi và nghiên cứu giải pháp dựa trên gợi ý của giảng viên.
Giảng viên cần tạo môi trường cởi mở, khuyến khích SVKDL chia sẻ kiến thức và xây dựng chiến lược học tập toàn diện. Hướng dẫn SVKDL tự ôn tập, kiểm tra bài, chuẩn bị bài mới, lập nhật ký học tập và tiếp cận tài liệu đáng tin cậy. Chọn tình huống thực tế phù hợp để SVKDL rèn kỹ năng giải quyết vấn đề. Hướng dẫn SVKDL sử dụng công cụ hệ thống hóa kiến thức như sơ đồ tư duy, Graph, bản đồ khái niệm, cũng như ứng dụng chia sẻ và lưu trữ tài liệu trực tuyến như Dropbox, Google Drive.
Đổi mới phương pháp tiếp cận học tập
Các cơ sở giáo dục đại học cung cấp kiến thức chuyên ngành Du lịch và phải bồi dưỡng sinh viên trở thành người học suốt đời. Tự học hiệu quả giúp SVKDL tham gia sâu vào quá trình học thay vì chỉ tiếp nhận giáo dục. Có 2 phương pháp tiếp cận: học bề mặt - chỉ học để đáp ứng yêu cầu đánh giá; học sâu - phân tích, tổng hợp, tư duy phản biện, mở rộng ý tưởng. Học sâu giúp sinh viên thích ứng với công việc đòi hỏi cao và trở thành công dân tích cực. Ban giám hiệu cần cụ thể hóa chính sách quản lý tự học, chỉ đạo thực hiện qua các phòng ban.
5. Kết luận
Để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Du lịch thời CMCN 4.0, các cơ sở đào tạo cần đổi mới theo hướng giáo dục bền vững, giúp sinh viên chủ động chiếm lĩnh tri thức. Nâng cao HĐTH là yếu tố thiết yếu để cải thiện chất lượng đào tạo, đòi hỏi sự quan tâm từ trường, khoa, giảng viên và các bộ phận hỗ trợ.
Nghiên cứu sử dụng thang đo SRSSDL nhằm đánh giá thực trạng tự học của SVKDL tại NTTU, phục vụ việc nâng cao hoạt động này. Kết quả có thể là tiền đề cho nghiên cứu sâu hơn về năng lực tự học của SVKDL tại NTTU hoặc mở ra hướng nghiên cứu mới cho các trường đại học tại Việt Nam.
__________________
1, 2. Cadorin, L., Bortoluzzi, G., & Palese, A., The Self-Rating Scale of Self-Directed Learning (SRSSDL): A factor analysis of the Italian version (Thang đo tự đánh giá về học tập tự định hướng (SRSSDL): Phân tích nhân tố của phiên bản tiếng Ý), Nurse Education Today, 2013, tr.1512, 1513.
3. Phi Dinh Khuong, Lam Thuy Duong, Enhancing the management measures of students’ self-study activities at Thai Nguyen University of Sciences (Nâng cao các biện pháp quản lý hoạt động tự học của sinh viên tại Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên), Tạp chí Khoa học và công nghệ, Đại học Thái Nguyên, 2019, tr.35.
4. Lê Thái Phượng, Tác động của động cơ học tập đến năng lực tự học của sinh viên tại các trường đại học trên thành phố Đà Nẵng, Tạp chí Khoa học và công nghệ, Đại học Thái Nguyên, 2022, tr.81.
5. Nguyễn Thúy Vân, Phát triển năng lực tự học cho sinh viên trong dạy học theo học chế tín chỉ ở trường đại học, Luận án tiến sĩ Khoa học giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 2021.
6. Đàm Thị Kim Thu, Kỹ năng của sinh viên đại học sư phạm trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Khoa học và công nghệ, Đại học Thái Nguyên, 2023, tr341.
7. Võ Thị Ngọc Lan, L. T. P. H., Hoạt động tự học của sinh viên năm nhất Khoa Điện tử - Viễn thông Trường Đại học Sài Gòn, Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm TP.HCM, 2018, tr.108.
8. Nguyen Van Thuy, Factors affecting students’self-Learning ability and the effectiveness of self-Learning activities (Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự học của sinh viên và hiệu quả hoạt động tự học), International Journal of Mechanical and Production Engineering Research and Development (IJMPERD), 2020, tr.7317.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 4-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 15-2-2025; Ngày duyệt bài: 28-2-2025.
Ths VŨ THỊ THÙY LINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025