Khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng, bài học từ một số quốc gia Đông Nam Á

Tóm tắt: Mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch dường như mâu thuẫn, đặc biệt trong đời sống của mỗi cộng đồng địa phương. Đã có nhiều bài học trong thực tiễn chứng minh việc tiếp biến văn hóa, xu hướng thương mại tác động tiêu cực, làm chuyển hướng xấu về nhận thức, hành vi trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống, phong tục, lối sống có tính truyền thống... Vậy việc khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) được nhìn nhận theo hướng tích cực sẽ thế nào? Bài viết đưa ra một số kinh nghiệm khai thác di sản văn hóa trong phát triển DLCĐ ở một số quốc gia Đông Nam Á để Việt Nam có thể tham khảo.

Từ khóa: di sản văn hóa, du lịch cộng đồng, Đông Nam Á.

Abstract: The relationship between cultural heritage preservation and tourism development often appears conflicting, especially in the daily lives of local communities. There have been many real-world lessons demonstrating that cultural assimilation and commercial trends have negative impacts, leading to adverse shifts in awareness and behavior regarding the preservation of traditional values, customs, and lifestyles. So, how can the exploitation of cultural heritage in community tourism be viewed in a positive light? This article presents some experiences in leveraging cultural heritage for community tourism development in several Southeast Asian countries for Vietnam to consider.

Keywords: cultural heritage, community tourism, Southeast Asia.

Du lịch nói chung và DLCĐ nói riêng thúc đẩy doanh thu của nền kinh tế trong mỗi khu vực, tạo ra hàng nghìn việc làm, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng và tạo ra điều kiện trao đổi văn hóa giữa người dân bản địa với du khách ở vùng khác và nước ngoài. Trải nghiệm trong DLCĐ bao gồm các hoạt động gắn kết với hệ tài nguyên tự nhiên và nhân văn (văn hóa tộc người)… Theo đó, mỗi cộng đồng có một không gian sinh tồn và những yếu tố văn hóa đặc trưng như ngôn ngữ, trang phục, lối sống, nhà cửa, ẩm thực, tín ngưỡng và nghi lễ, nghề thủ công, nghệ thuật… được hình thành trong quá trình phát triển. Nhiều giá trị văn hóa thể hiện niềm tin của cộng đồng, trở thành di sản văn hóa và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, việc khai thác di sản văn hóa trong DLCĐ không bền vững đã gây ra suy thoái môi trường nhân văn, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế không đồng đều bởi đa phần lợi ích kinh tế từ DLCĐ thuộc về nhà đầu tư, nhà điều hành dịch vụ du lịch, trong khi cộng đồng địa phương chỉ thu được lợi ích kinh tế tối thiểu và phải gánh chịu nhiều bất lợi về biến đổi văn hóa và môi trường tự nhiên… được xem là những vấn đề cần giải quyết khi muốn khai thác di sản văn hóa trong phát triển DLCĐ.

1. Khái quát về DLCĐ

Quan niệm DLCĐ được đề cập rộng rãi ở các nước trên thế giới. Tùy theo góc nhìn, quan điểm nghiên cứu, vị trí của du lịch dựa vào cộng đồng mà có những quan niệm khác nhau.

Quan điểm của Nicole Hausle và Wolffgang Strasdas (2009) cho rằng: DLCĐ là mô hình trong đó chủ yếu là người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đọng lại nền kinh tế địa phương. Với quan điểm này, vai trò chính trong phát triển du lịch là người dân địa phương.

Tại Điều 3, Luật Du lịch năm 2017 nêu khái niệm về DLCĐ: DLCĐ là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.

Trong nội dung Tiêu chuẩn DLCĐ của ASEAN cũng nêu: DLCĐ là hoạt động du lịch do cộng đồng sở hữu và điều hành, được quản lý hoặc điều phối ở cấp cộng đồng, góp phần vào sự thịnh vượng của cộng đồng thông qua việc hỗ trợ sinh kế bền vững, bảo vệ truyền thống văn hóa, xã hội có giá trị và các nguồn tài nguyên di sản thiên nhiên và văn hóa.

Tác giả Võ Quế quan niệm: Du lịch dựa vào cộng đồng là phương thức phát triển du lịch trong đó cộng đồng dân cư tổ chức cung cấp các dịch vụ để phát triển du lịch, đồng thời tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đồng thời cộng đồng được hưởng quyền lợi về vật chất và tinh thần từ phát triển du lịch và bảo tồn tự nhiên.

Như vậy, DLCĐ được coi là loại hình đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, giúp người dân bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, những nét văn hóa đặc sắc của địa phương.

Trong du lịch nói chung và hoạt động DLCĐ, sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Trong Luật Du lịch năm 2017 đã nêu rõ: Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.

Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

2. Một số kinh nghiệm khai thác di sản văn hóa trong phát triển DLCĐ ở một số quốc gia Đông Nam Á

Trên thế giới, DLCĐ xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm phong tục, tập quán của một số cộng đồng địa phương ở một số khu vực xa xôi, hẻo lánh và có sự hỗ trợ đi lại, lưu trú của người dân địa phương. Về mặt tích cực, sự phát triển của DLCĐ tạo ra việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng và có thể giúp bảo tồn môi trường tự nhiên, di sản và truyền thống văn hóa, đồng thời giảm nghèo và bất bình đẳng ở địa phương. Sản phẩm của loại hình DLCĐ thường hướng đến khai thác những giá trị của di sản văn hóa tại địa phương như: nghề thủ công, nghệ thuật truyền thống, ẩm thực, các tập quán xã hội, nghi lễ và các sự kiện lễ hội.

Ở Thái Lan, sản phẩm du lịch được biết đến với những chuyến nghỉ dưỡng tại bãi biển yên tĩnh, khám phá ẩm thực độc đáo, tham quan những ngôi chùa và phong cảnh tráng lệ, tìm hiểu về lịch sử tại những địa điểm văn hóa mang đậm bản sắc riêng. Đối với lĩnh vực DLCĐ, Thái Lan là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Điều kiện địa lý tự nhiên đa dạng và vốn văn hóa phong phú của Thái Lan đã tạo điều kiện cho nhiều trải nghiệm DLCĐ đa dạng, từ khai thác tài nguyên thiên nhiên như những bãi biển cát trắng ở phía Nam, khám phá những khu rừng xanh tươi của miền núi phía Bắc và thưởng thức văn hóa địa phương ở vùng Đông Bắc... Từ những năm 1990, ở Thái Lan, DLCĐ bám sát định hướng “do người dân địa phương vì người dân địa phương”. Khi đó, người dân địa phương là những người ra quyết định chính trong việc phát triển du lịch của họ và là những người được hưởng lợi hoàn toàn từ những hoạt động này. Cộng đồng địa phương được lựa chọn hình thức tổ chức để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và các tác động văn hóa xã hội và môi trường do hoạt động du lịch gây ra. Trong giai đoạn đầu, sản phẩm DLCĐ chỉ giới hạn ở một số loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, du lịch cảnh quan thiên nhiên kết hợp với một số trải nghiệm gắn với tri thức truyền thống tại cộng đồng, phù hợp với nhóm nhỏ, tại những điểm đến có cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ và có sự kết hợp với những trải nghiệm, hoạt động văn hóa của người dân địa phương. Trước những thách thức đặt ra trong quản lý DLCĐ theo hướng khai thác văn hóa bản địa bền vững, cơ quan quản lý du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp như: bảo tồn môi trường, chất thải dựa vào cộng đồng; gia tăng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khai thác DLCĐ, mô hình kinh tế xanh… Theo đó, mối quan hệ của các bên liên quan trong phát triển DLCĐ phải có sự thống nhất và rõ ràng.

Các đơn vị khai thác DLCĐ khi lập kế hoạch cần có sự hợp tác, thống nhất giữa chính quyền và cộng đồng địa phương để tránh các dự án không phù hợp với bối cảnh địa phương hoặc phục vụ nhu cầu thực sự của các bên liên quan. Cộng đồng địa phương cần được nâng cao nhận thức để biết, hiểu và có nhận thức, hành vi phù hợp đối với những tác động mà loại hình DLCĐ đối với văn hóa, môi trường… thậm chí có thể tham gia xác lập dự án du lịch và quản lý.

Chính quyền địa phương hỗ trợ để phát triển DLCĐ như: cơ chế, chính sách, đầu tư cho các đơn vị khai thác DLCĐ, cho đến nâng cao nhận thức, trang bị cho cộng đồng địa phương về kiến thức, kỹ năng khi tham gia hoạt động DLCĐ một cách bền vững, hạn chế những nguy cơ làm biến đổi, phá hoại giá trị truyền thống hay hủy hoại về môi trường…

Ở Malaysia, Chính phủ có chiến lược dài hạn để tối đa hóa lợi ích của DLCĐ với mục đích phát triển tăng trưởng cho nhóm thu nhập thấp, góp phần thúc đẩy tạo việc làm, tăng cường mối quan hệ kinh tế địa phương. Trong đó, định hướng phát triển DLCĐ nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng địa phương trong tất cả các giai đoạn phát triển du lịch, từ hình thành ý tưởng đến lập kế hoạch, thực hiện, quản lý, giám sát và đánh giá, hướng đến mục tiêu đạt được sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, đồng thời tăng cường năng lực du lịch của cộng đồng bằng cách giảm chi phí và nâng cao lợi ích của du lịch. Tại các điểm DLCĐ, sản phẩm chủ yếu bao gồm hoạt động du lịch, ẩm thực và dịch vụ lưu trú. Bên cạnh các hoạt động du lịch ngoài trời như leo núi, cắm trại và đi dạo, những trải nghiệm văn hóa khác như nấu ăn, dệt vải và tham gia các hoạt động nghệ thuật truyền thống khác… Với mục tiêu đặt ra, ngoài việc mang lại những hiệu quả kinh tế tích cực, như đóng góp cho sự phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, DLCĐ còn củng cố truyền thống văn hóa khu vực, trao quyền cho cộng đồng địa phương, thúc đẩy trao đổi đa văn hóa, bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. Như vậy, mối quan hệ của các bên liên quan trong phát triển DLCĐ cũng đã được xác lập cụ thể:

Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý toàn diện và minh bạch để ngăn chặn sự lạm dụng, khai thác tối đa làm ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương. Cùng với việc trao quyền cho cộng đồng, chính quyền cũng cung cấp các nguồn lực, cơ hội, kiến ​​thức và kỹ năng để nâng cao năng lực quyết định và tham gia của người dân vào những việc có ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa tại địa điểm khai thác DLCĐ.

Các kế hoạch khai thác du lịch tại địa phương cần được các bên liên quan có cùng một tầm nhìn chung về du lịch và mục tiêu chiến lược phát triển dài hạn. Điều này đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của du lịch gắn với giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống văn hóa của cộng đồng địa phương.

Philippines là một trong những điểm du lịch hấp dẫn với những hòn đảo xinh đẹp, rừng mưa nhiệt đới và động vật hoang dã. Những người yêu thích DLCĐ chọn đến thăm quốc gia này để khám phá môi trường đẹp như tranh vẽ, cũng như tham quan các di tích văn hóa và lịch sử như đảo Coron ngoài khơi Palawan và Donsol ở tỉnh Sorsogon.

Philippines nhìn nhận DLCĐ là một nguồn tài nguyên chung, đóng vai trò như một công cụ xóa đói giảm nghèo nhằm kích thích phát triển kinh tế, lợi ích từ hoạt động này phải đem đến cho cộng đồng địa phương đảm bảo sự phát triển bền vững và công bằng. Để mục tiêu này được thực hiện cần tập trung cụ thể vào sự tham gia của cộng đồng địa phương. Sự tham gia của người dân trong hoạt động du lịch tại địa phương theo hướng: lập kế hoạch, thực hiện và giám sát phát triển du lịch; phân phối vật chất, nguồn lực trong quá trình phát triển DLCĐ một cách công bằng; hoàn thiện kiến ​​thức, kỹ năng để tham gia quá trình làm DLCĐ một cách bền vững, hạn chế những tác động có tính tất yếu của hoạt động này.

Như vậy, mô hình DLCĐ ở một số quốc gia phần lớn do người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý, trên cơ sở hỗ trợ cơ chế, chính sách chung từ cơ quan quản lý nhà nước. Điều này góp phần quảng bá hình ảnh, tạo việc làm, thúc đẩy một số ngành, nghề truyền thống và lợi ích kinh tế có được từ DLCĐ sẽ giúp duy trì hiệu quả mô hình này.

3. Khai thác Di sản văn hóa trong phát triển DLCĐ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, phát triển DLCĐ ngày càng được quan tâm và đóng vai trò quan trọng trong phát triển địa phương. Quan điểm này đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, các ngành phối kết hợp trong phát triển DLCĐ. Ngày 2-8-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Bộ Khoa học Công nghệ công bố Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ theo Quyết định số 3941/QĐ-BKHCN ngày 31-12-2020. Chương trình phối hợp số 04/CTPH-BNN&PTNT-BVHTTDL ngày 23-8-2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ VHTTDL về việc phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024- 2030. Gần đây nhất, tháng 10-2024, Bộ VHTTDL đã ban hành Đề án Phát triển DLCĐ tại Việt Nam. Trong đó, đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tại các điểm DLCĐ được công nhận ở Việt Nam, cơ bản các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; có 20% điểm DLCĐ có nhà sinh hoạt cộng đồng; 20% điểm DLCĐ có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Như vậy, có thể thấy, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống không những là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển DLCĐ mà còn là nhận thức bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống tại cộng đồng dân cư.

Để duy trì, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong phát triển DLCĐ cần phải phát triển một hệ thống hoặc phương pháp quản lý có tính đến những vấn đề và thách thức đặt ra trong thực tiễn, để quá trình ra quyết định trở nên đáng tin cậy, nhằm tối ưu hóa giá trị di sản văn hóa. Có thể thấy rằng, việc khai thác di sản văn hóa trong DLCĐ chính là tạo nên cho du khách những trải nghiệm về địa điểm và hoạt động thể hiện chân thực lối sống do một cộng đồng phát triển và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiều địa phương đã thành công trong việc khai thác và phát huy di sản văn hóa trong phát triển văn hóa cộng đồng. Ví dụ như: Khu phố cổ tại Hà Nội được coi là “bảo tàng sống” về quá trình hình thành và phát triển của Kinh thành Thăng Long, đã khai thác các loại hình nghệ thuật truyền thống, nghề thủ công, ẩm thực, kiến trúc nhà cổ… giới thiệu, biểu diễn trên phố, hấp dẫn được khách du lịch trong và ngoài nước; Lào Cai khai thác những lễ hội gắn với văn hóa truyền thống của các dân tộc Mông, Tày, Giáy... như lễ hội mùa Xuân, lễ hội mùa Hè Sa Pa, lễ hội mùa Thu gắn với Ngày hội ruộng bậc thang Bát Xát... Về cơ bản, việc khai thác di sản văn hóa trong phát triển DLCĐ, từ kiến ​​trúc, thủ công mỹ nghệ, trang phục truyền thống, dân ca và dân vũ… đã và đang nảy sinh xung đột trong việc quản lý giữa các bên liên quan: nhà quản lý du lịch và di sản văn hóa, doanh nghiệp và chính cộng đồng địa phương theo những cách tiếp cận về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khác nhau như “nguyên vẹn/ tĩnh” hay “kế thừa/ động”. Trong đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để di sản văn hóa được khai thác trong du lịch, nhưng cũng được bảo vệ ngay chính trong đời sống cộng đồng địa phương. Bởi lẽ, ở mỗi địa phương không những là môi trường sản sinh ra các di sản văn hóa mà còn là nơi tốt nhất để giữ gìn, bảo vệ, làm giàu và phát huy chúng trong đời sống xã hội. Do đó, với bài học phát triển DLCĐ lấy chính cộng đồng địa phương làm nền tảng cần xác định rõ: lập kế hoạch cụ thể về cách thức khai thác và bảo vệ di sản văn hóa theo một cách tiếp cận phù hợp nhất trong mối quan hệ ba bên, giữa cộng đồng địa phương - doanh nghiệp khai thác du lịch - cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Bài học khai thác di sản phố cổ Hội An (Quảng Nam) rất đáng để chúng ta suy ngẫm một cách thấu đáo về khai thác di sản văn hóa trong phát triển DLCĐ; nhu cầu và sự sẵn sàng của cộng đồng địa phương khi tham gia vào hoạt động DLCĐ. Chúng ta cũng có những câu chuyện về khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), hay tại khu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)… cho thấy sự thành công hay không phụ thuộc nhiều vào sự tham gia tích cực của người dân địa phương; xác định sản phẩm DLCĐ gắn với những di sản văn hóa cụ thể tại địa phương; sự nhận thức và chuẩn bị nhân lực từ phía cộng đồng địa phương đối với các dự án du lịch tại địa phương; xác lập vị thế tham gia (chủ động hay bị động) đối với các dự án DLCĐ; lập kế hoạch và thiết kế sản phẩm DLCĐ gắn với di sản văn hóa tính đến phương án bảo tồn phù hợp với năng lực, nhận thức của người dân tại từng thời điểm triển khai; xác định nhu cầu thị trường, triển khai và có phương án giám sát hiệu quả từ chính cộng đồng.

Việc khai thác di sản văn hóa trong phát triển DLCĐ mang lại nhiều lợi ích xã hội, thể hiện những tác động xã hội tích cực, góp phần bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương, cũng như củng cố cộng đồng, cung cấp dịch vụ xã hội, thương mại hóa văn hóa và nghệ thuật, phục hồi các phong tục tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống… Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến tình trạng quá tải và suy thoái các giá trị văn hóa ở địa phương hay có thể thay đổi tính cách và văn hóa của một cộng đồng. Bài học ở một số quốc gia đã cho thấy sự kết nối, đồng bộ ở các bên liên quan trong khai thác di sản văn hóa nhằm phát triển DLCĐ mới có thể tạo ra được sản phẩm du lịch có chất lượng, bền vững. Ngoài ra, cần tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ vật chất kỹ thuật cho DLCĐ cũng như đặc biệt đề cao vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch mới bảo đảm hài hòa lợi ích thu được từ DLCĐ, hướng đến hoạt động phát triển vì cộng đồng.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Azizul Almad, Du lịch di sản văn hóa ở Malaysia: Các vấn đề và thách thức, researchgate.net, 2014.

2. Eylla Laire M.Guterrez, Các trường hợp về du lịch cộng đồng ở Philippines, en.apu.ac.jp, 2019.

3. Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang, Phát triển cộng đồng: lý thuyết và vận dụng, tập 1, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2000.

4. IUCN - ITDR, Hội thảo chia sẻ bài học kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam, Hà Nội, 2003.

5. Nguyễn Thanh Loan (chủ biên), Phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam, Nxb Thể thao và du lịch, 2020.

6. Pattamon Rungchavalnont, Du lịch cộng đồng: Trao quyền cho địa phương để phát triển bền vững ở Thái Lan, undp.org, 2022.

7. Võ Quế, Du lịch cộng đồng lý thuyết và vận dụng, tập 1, Nxb Khoa học và kỹ thuật, 2006.

8. Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng của ASEAN.

9. Luật Du lịch năm 2017.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 14-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 10-2-2025; Ngày duyệt đăng: 28-2-2025.

Ths TRẦN THỤC QUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025

;