Tóm tắt: Bài viết phân tích quan điểm Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa; tầm quan trọng của việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong quá trình phát triển du lịch ở các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc Việt Nam trên cơ sở lý luận và thực tiễn; đề xuất một số khuyến nghị đảm bảo mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa ở các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc Việt Nam nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được và khắc phục hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển du lịch trong thời gian qua.
Từ khóa: kinh tế, văn hóa, du lịch, miền núi phía Bắc, Việt Nam.
Abstract: This article analyzes the Marxist-Leninist perspective, Ho Chi Minh’s thought, and the Party’s view on the intricate relationship between economy and culture. It emphasizes the crucial role of harmonizing this relationship in the development of tourism, particularly in Vietnam’s northern mountainous and border provinces. Based on both theoretical frameworks and practical experiences, this study proposes recommendations to ensure that economic growth and cultural preservation go hand-in-hand in tourism development. The goal is to build upon past successes while addressing existing challenges and limitations.
Keywords: economy, culture, tourism, Nerthern mountains, Vietnam.
Thác Bản Giốc ( Cao Bằng) - Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Đặt vấn đề
Các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc gồm 7 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Sơn La có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng; nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử với nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc thiểu số. Với những lợi thế đó, du lịch được các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian qua, sự phát triển của du lịch đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số được giữ gìn, phát huy. Song, trong quá trình phát triển du lịch cũng làm xuất hiện nhiều vấn đề bất cập xoay quanh việc giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế phải hài hòa với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nhưng không làm chậm trễ sự phát triển kinh tế. Vì vậy, mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển du lịch ở các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc cần được nghiên cứu thấu đáo trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
1. Quan điểm Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển du lịch nước ta
Theo quan điểm Mác - Lênin, mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa là mối quan hệ biện chứng; cái này lấy cái kia để nương nhờ, tồn tại và tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Kinh tế tạo tiền đề, cơ sở cho văn hóa phát triển; văn hóa phản ánh kinh tế; là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế. Kinh tế và văn hóa có tính độc lập tương đối, vận động, biến đổi theo những quy luật riêng nhưng không thể tách rời nhau trong quá trình tồn tại và phát triển. Mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa là mối quan hệ của hai mặt (hai lĩnh vực của đời sống xã hội) vừa thống nhất vừa đấu tranh với nhau; trong đó, thống nhất tạo môi trường cho sự phát triển, đấu tranh tạo động lực cho sự phát triển. Vận dụng quan điểm về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa theo quan điểm Mác - Lênin có thể hiểu: sự thống nhất giữa kinh tế và văn hóa là sự hỗ trợ nhau phát triển, cùng hướng tới sự phát triển của mỗi lĩnh vực và vì sự phát triển chung của xã hội; sự đấu tranh giữa kinh tế và văn hóa là sự đấu tranh của các mặt đối lập tạo thành mâu thuẫn biện chứng và mỗi khi giải quyết được mâu thuẫn đó, sự vật sẽ phát triển, văn hóa, kinh tế phát triển. Mâu thuẫn giữa kinh tế và văn hóa nảy sinh trong quá trình phát triển là do một bên phải luôn hướng tới sự tăng trưởng kinh tế, lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất (lợi nhuận, nâng cao giá trị kinh tế, vật chất) hay những nhu cầu cấp bách “cơm áo, gạo tiền” trong cuộc sống hằng ngày đặt ra; một bên là nhu cầu gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp, giàu bản sắc, mang lại giá trị tinh thần, lợi ích tinh thần là chủ yếu, đôi khi không thể đo đếm, tính toán về lợi ích kinh tế hoặc giá trị kinh tế, giá trị vật chất. Từ đó, đòi hỏi phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa nhằm đảm bảo sự thống nhất đồng thời giải quyết mâu thuẫn biện chứng trong quá trình phát triển.
Kế thừa quan điểm Mác - Lênin, Hồ Chí Minh cũng khẳng định: kinh tế thuộc cơ sở hạ tầng, văn hóa thuộc kiến trúc thượng tầng; mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế là mối quan hệ biện chứng với nhau (1); văn hóa phải đặt ngang hàng các lĩnh vực khác của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, xã hội) và có quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, kinh tế là nền tảng xây dựng văn hóa nên trong quá trình kiến thiết nước nhà phải chú trọng xây dựng kinh tế, cơ sở hạ tầng để có điều kiện xây dựng, phát triển văn hóa; đồng thời khi kiến trúc thượng tầng được kiến thiết, văn hóa phát triển sẽ tạo nền tảng vững chắc cho cơ sở hạ tầng, kinh tế phát triển một cách bền vững.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn quan tâm tới phát triển văn hóa, gắn văn hóa với phát triển; chủ trương đưa các giá trị văn hóa thấm sâu vào kinh tế trong đó có phát triển kinh tế du lịch làm cho văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển của kinh tế tất cả các địa phương, bao gồm cả vùng miền núi biên giới phía Bắc nước ta. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn” (2). Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa thống nhất trong đa dạng và làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển kinh tế nói riêng, phát triển đất nước nói chung. Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục khẳng định: văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa (3). Đây là những tuyên bố, cam kết và định hướng rõ ràng của Đảng ta, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của tất cả các lĩnh vực, trong đó có du lịch.
2. Thực trạng giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển du lịch ở các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc
Các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc bao gồm các tỉnh nằm ở phía Đông Bắc (Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn); Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La) có đường biên giới giáp với Trung Quốc và Lào; có hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, các cặp chợ biên giới; có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử, sắc thái văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu số hợp thành thế mạnh phát triển kinh tế thương mại, du lịch và dịch vụ.
Khi tới các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ của thiên nhiên: động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc (Cao Bằng); núi Cô Tiên, thác Tà Lâm, thung lũng Mường Hoa (Lào Cai); động Tam Thanh, động Nhị Thanh, núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn); ruộng bậc thang có ở nhiều nơi...; tham quan di tích khảo cổ hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, di tích lịch sử Ải Chi Lăng (Lạng Sơn), dinh họ Vương (Hà Giang), di tích lịch sử văn hóa Bãi đá cổ Sa Pa (Lào Cai), khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo, hang Pác Bó (Cao Bằng), khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên), nhà tù và bảo tàng Sơn La… (4); thưởng thức vẻ đẹp, hấp dẫn của các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Bố Y, Cơ Lao, Cống, La Ha, Lự, Lô Lô, Si La, Pà Thẻn, Pu Péo, Mảng…) như: ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc, ẩm thực, lễ hội, văn nghệ dân gian (trò chơi dân gian, hát then…). Có thể nói, tiềm năng phát triển du lịch văn hóa của các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc là vô cùng to lớn, nhưng trong quá trình đó luôn phải quan tâm tới việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa; không phát triển kinh tế bằng mọi giá làm biến đổi tiêu cực, mai một hoặc làm mất đi những giá trị văn hóa quý giá của các dân tộc vùng biên cương Tổ quốc bởi theo như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn” (5).
Thực tế đã chứng minh, sự tăng trưởng của ngành Du lịch của các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc trong năm 2023 dựa trên phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc qua báo cáo tổng kết công tác văn hóa, thể thao du lịch của các tỉnh như: du lịch Cao Bằng đã thu hút được lượng khách du lịch tăng cao, đạt hơn 72% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó phải kể đến một sự kiện văn hóa được đưa vào kỷ lục Việt Nam là màn đồng diễn hát then nhân dịp lễ hội “Thác Bản Giốc năm 2023” (6); Lào Cai có lượng khách du lịch đạt 7.261.581 (7) tăng 64,6% so với năm 2022 do tiếp tục khai thác, phát huy được tiềm năng văn hóa dân tộc; Hà Giang có số lượng khách du lịch ước đạt trên 3 triệu người, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022 (8), trong đó phải kể đến việc phát huy được nhiều giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có các món ẩm thực dân tộc đặc sắc như cá bỗng, cháo ấu tẩu, phở ngô đã được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vinh danh… Đó là những minh chứng thuyết phục về vai trò của văn hóa trong kinh tế, trong kinh tế có văn hóa sẽ giúp đẩy mạnh sự phát triển du lịch của các địa phương.
Bên cạnh sự thống nhất giữa kinh tế và văn hóa trong quá trình phát triển du lịch, các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc cũng xuất hiện những mâu thuẫn, sự đấu tranh giữa một bên là nhu cầu tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa còn có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo cao hơn nhiều vùng trên cả nước; một bên là yêu cầu cũng hết sức cấp thiết về giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc thiểu số. Trong thực tế, việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của các dân tộc thiểu số đang góp phần tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch và mang lại lợi ích kinh tế, giá trị kinh tế, động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển đồng thời cũng mang lại những hệ quả là sự biến đổi tiêu cực, sự mai một hoặc mất đi những giá trị văn hóa truyền thống. Một nguy cơ hiện hữu ở vùng các dân tộc thiểu số là kinh tế càng phát triển, du lịch phát triển thì hiện tượng bị cuốn theo nhịp sống hiện đại mà pha tạp, chạy theo lợi ích kinh tế, “lợi dụng văn hóa”, “tận dụng văn hóa” để làm kinh tế bằng mọi giá xuất hiện. Hiện tượng đó nếu không có sự điều chỉnh thì sẽ có sự chệch hướng làm cho thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số dần dần xa rời những giá trị văn hóa truyền thống như làm mất đi ngôn ngữ, trang phục, văn nghệ dân gian… của dân tộc mình; du lịch mất đi chiều sâu văn hóa; dân tộc mất đi bản sắc của dân tộc.
Như vậy, giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang đặt ra yêu cầu không được chủ quan duy ý chí, không tuyệt đối hóa yếu tố kinh tế hoặc yếu tố văn hóa; phải kết hợp hài hòa yếu tố kinh tế và văn hóa; không phát triển kinh tế bằng mọi giá, quên lãng hoặc bỏ mặc sự mai một nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc miền núi phía Bắc; hoặc giữ gìn, phát triển văn hóa mà không cần tính đến yếu tố kinh tế, bỏ qua những nhu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, trong quá trình phát triển du lịch, việc xuất hiện sự đấu tranh giữa hai mặt là tất yếu vì là hai xu hướng khác nhau, có quy luật vận động riêng; mục đích yêu cầu, đòi hỏi riêng. Một bên là mục đích phát triển kinh tế, là phải mang lại giá trị kinh tế thậm chí là lợi nhuận khi đầu tư để có thể tiếp tục đầu tư; một mặt là giữ gìn truyền thống đã được hun đúc, nuôi dưỡng, trao truyền từ nhiều thế hệ và đòi hỏi phải tiếp tục được giữ gìn nó trong sự biến đổi không ngừng của dòng chảy lịch sử. Để khắc phục nó chỉ còn cách là khi giữ gìn văn hóa thì phải chọn lọc cho phù hợp sự phát triển của xã hội đương đại, phải gia cố, trau chuốt nó sao cho trở thành sản phẩm du lịch mang đầy đủ các yếu tố chân, thiện, mỹ và không phá vỡ giá trị truyền thống của dân tộc.
3. Một số khuyến nghị về giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển du lịch ở các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc
Thứ nhất, phải quán triệt quan điểm của Đảng ta về đảm bảo mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển du lịch theo đúng tinh thần: coi văn hóa ngang bằng các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội; trong kinh tế có văn hóa và trong văn hóa có kinh tế; tránh tư duy kinh tế thuần túy hoặc văn hóa thuần túy; phát huy vai trò chủ thể phát triển kinh tế và văn hóa vùng miền núi biên giới là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân các dân tộc; chú trọng công tác nghiên cứu, bảo tồn giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; quan tâm công tác đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức ở các các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương.
Thứ hai, để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và khắc phục hạn chế trong phát triển du lịch; phải triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế, văn hóa vùng miền núi. Cần có nhiều hội thảo, nghị quyết chuyên đề chuyên sâu về giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển du lịch để tập hợp trí tuệ, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các nghệ nhân, cán bộ, công chức cơ sở và nhân dân các dân tộc thiểu số nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc nâng cao chất lượng chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó khắc phục “độ lệch” giữa chính sách được xây dựng ở cấp trung ương với thực tế rất phong phú, đa dạng và biến đổi nhanh ở thực tiễn cuộc sống.
Thứ ba, cần tạo môi trường đẩy mạnh sự sáng tạo của nhân dân về giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa thông qua nhiều hình thức: tạo không gian số mở cho các nhà khoa học, các nhà quản lý, các văn nghệ sĩ, các nghệ nhân, các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến, đề xuất sáng kiến giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển du lịch. Không ai hiểu tình hình phát triển kinh tế và văn hóa như cán bộ, công chức, nhân dân địa phương và cũng không ai mong muốn hơn họ về việc phát triển kinh tế, văn hóa địa phương. Cần phải có nhiều cách thức, giải pháp phù hợp để phát triển du lịch vừa mang lại giá trị kinh tế vừa mang lại giá trị văn hóa.
Thứ tư, cần khẩn trương, quyết tâm khắc phục hạn chế “Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng” như trong Nghị quyết 33 của Trung ương Đảng đã nêu. Thời kỳ đổi mới của nước ta đã trải qua gần 40 năm, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được đẩy mạnh, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những thành tựu thì những hạn chế, bất cập, thách thức trong phát triển kinh tế, đặc biệt nguy cơ mai một, mất đi nhiều giá trị văn hóa có giá trị của các dân tộc thiểu số đã hiện hữu thì việc có cơ chế, chính sách thật sự phù hợp để vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa giữ gìn, phát huy được giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc phải được chú trọng, trước khi không thể cứu vãn. Trong quá trình đó, có thể thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách mới để giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc; không thể chậm trễ, cầu toàn, chờ đợi có một cơ chế, chính sách hoàn thiện ngay.
Thứ năm, trong xã hội công nghệ số phát triển, trình độ dân trí vùng miền núi biên giới hiện nay đã được nâng cao cần chủ động đón nhận những cơ hội mà công nghệ số mang lại để truyền thông, tuyên truyền, trưng cầu ý kiến của nhân dân các dân tộc ở miền núi biên giới một cách rộng rãi để trưng cầu, tập hợp ý kiến nhân dân về việc kết hợp hài hòa kinh tế và văn hóa trong phát triển du lịch. Cần phải quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dân không chỉ là yêu dân, tin dân, kính dân mà còn lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu sáng kiến của nhân dân và tinh thần của Đại hội XIII của Đảng về phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để không chỉ tạo sự đồng thuận, sự ủng hộ mà còn là trưng cầu, phát huy sáng kiến của nhân dân trong quá trình phát triển.
Kết luận
Theo quan điểm Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa là mối quan hệ biện chứng. Đảng ta vận dụng và quán triệt quan điểm này xuyên suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp phát triển phát triển kinh tế nói chung, phát triển du lịch nói riêng của đất nước. Mối quan hệ này được các cấp chính quyền, nhân dân các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc triển khai tổ chức thực hiện trong quá trình phát triển du lịch dựa trên phát huy nền văn hóa đặc sắc, đậm đà bản sắc các dân tộc thiểu số. Trong quá trình đó, một số vấn đề bất cập, mâu thuẫn xuất hiện là những bài toán đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước thông qua những cơ chế, chính sách ngày càng phù hợp hơn; phát huy tốt hơn sự nỗ lực sáng tạo của mọi chủ thể trong đó chính quyền, nhân dân các dân tộc thiểu số để các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc tiếp tục có những bước phát triển vững chắc trong thời gian tới.
__________________
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh dành cho bậc đại học không chuyên lý luận chính trị, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.120.
2, 5. Nguyễn Phú Trọng, Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tạp chí Cộng sản, số 979, 12-2021, tr.3, 3.
3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, 9-6-2014.
4. Hoàng Thị Hương, Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, 2017.
6. Diệu Hoa, Xác lập kỷ lục 1000 người biểu diễn hát then, đàn tính, baocaobang.vn, 7-10-2023.
7. Nguyễn Thị Như Ngọc, [Inforgraphic] Du lịch Lào Cai năm 2023, dulichlaocai.vn.
8. Hoa Hiền - Phương Nghi, Du lịch Hà Giang: Một năm khởi sắc, dangcongsan.vn, 20-12-2023.
Ngày Tòa soạn nhận bài 3-7-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 17-7-2024; Ngày duyệt đăng 2-1-2025.
TS NGUYỄN THÀNH NAM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025