Tóm tắt: Du lịch sinh thái (DLST) là một trong những loại hình đã và đang được phát triển trong những năm qua tại nhiều quốc gia trên thế giới. DLST được kỳ vọng có thể đóng góp về mặt tài chính, bảo tồn đa dạng sinh học và mang lại nguồn sinh kế thay thế cho cộng đồng, đặc biệt tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Việt Nam là một quốc gia có 178 khu bảo tồn thiên nhiên, với sự giàu có về tài nguyên đa dạng sinh học cùng những giá trị văn hóa tâm linh. Các khu bảo tồn thiên nhiên này có tiềm năng phát triển DLST rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động DLST tại đây vẫn tồn tại nhiều vấn đề và chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Bài viết này tập trung giới thiệu về sự ra đời của loại hình DLST, phân tích tiềm năng, thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển DLST bền vững tại các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam hiện nay. Từ khóa: du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, đề án du lịch sinh thái.
Từ khóa: du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, đề án du lịch sinh thái.
Abstract: Ecotourism is one of the tourism types that has been developed over the past years in many countries worldwide. It is expected to contribute financially, conserve biodiversity, and provide alternative livelihoods for communities, especially in nature reserves. Vietnam, with 178 nature reserves rich in biodiversity and cultural-spiritual values, holds significant potential for ecotourism development. However, ecotourism activities in these areas still face many challenges and have not fully realized their potential. This article focuses on introducing the emergence of ecotourism, analyzing its potential and current state, and proposing sustainable development solutions for ecotourism in Vietnam’s nature reserves.
Keywords: ecotourism, nature reserves, national parks, ecotourism projects.
Với giá trị phong phú của hệ động thực vật, VQG Cúc Phương trở thành điểm đến du lịch sinh thái gắn với công tác cứu hộ, bảo tồn. - Ảnh: thiennhienmoitruong.vn
1. Đặt vấn đề
DLST bắt đầu hình thành từ những năm 1970 của thế kỷ trước, khi mà tình trạng suy thoái rừng nhiệt đới đã khiến Ngân hàng Phát triển Quốc tế và Ngân hàng Thế giới ngừng tài trợ cho các doanh nghiệp khai thác phát triển du lịch đại chúng (mass tourism), thay vào đó, vào những năm 1990, họ chỉ hỗ trợ các dự án liên quan đến DLST.
Có thể nói rằng, một trong những định nghĩa tiên phong về DLST đến từ Ceballos-Lascurain vào năm 1987, cho rằng, đây là loại hình du lịch tới các khu vực tự nhiên chưa bị can thiệp nhằm nghiên cứu và thưởng thức cảnh quan, đa dạng sinh học và văn hóa bản địa. Tuy nhiên, định nghĩa này bị chỉ trích vì quá tập trung vào yếu tố giáo dục và phát triển sản phẩm du lịch bền vững. Sau đó, nhiều định nghĩa khác về DLST ra đời, trong đó, nổi bật là định nghĩa của Hiệp hội Du lịch sinh thái Quốc tế (TIES) năm 1990: “Du lịch có trách nhiệm tới các khu vực tự nhiên nhằm bảo tồn môi trường và cải thiện phúc lợi của người dân địa phương” (TIES, 2024). Đến năm 1996, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cũng đưa ra định nghĩa tương tự, nhấn mạnh trách nhiệm bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động từ du khách và mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho cộng đồng địa phương.
Sự phát triển của khái niệm DLST tiếp tục đến năm 2002, khi mà chủ đề của Ngày Du lịch thế giới được chọn là “Ecotourism, the key to sustainable development” (Du lịch sinh thái, chìa khóa để phát triển bền vững). Đại hội Thế giới về DLST tại Quebec, Canada đã ra Tuyên bố Quebec, mô tả DLST là loại hình du lịch góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương và cung cấp những trải nghiệm văn hóa - tự nhiên cho du khách. Đến năm 2015, TIES cập nhật định nghĩa của mình, nhấn mạnh rằng DLST phải gắn với bảo tồn, duy trì phúc lợi cho người dân địa phương và có yếu tố giáo dục, giải thích về môi trường và văn hóa.
Có thể nói rằng, DLST hiện nay không còn là một chủ đề mới mẻ và đã có nhiều công trình nghiên cứu quan trọng về chủ đề này. Tuy nhiên, việc hiểu đúng và thực hành phát triển DLST tại Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là việc phát triển DLST tại các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên.
2. Tiềm năng và thực trạng phát triển DLST tại các khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam
Việt Nam đã thành lập 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó, có 34 vườn quốc gia, 61 khu dự trữ thiên nhiên, 21 khu bảo tồn loài - sinh cảnh, 62 khu bảo vệ cảnh quan. Với số lượng các khu bảo tồn thiên nhiên kể trên, Việt Nam có tiềm năng và lợi thế rất lớn về phát triển loại hình DLST. Tuy nhiên, hoạt động DLST chỉ thực sự diễn ra tại một số vườn quốc gia, còn các khu dự trữ thiên nhiên, các khu bảo tồn loài - sinh cảnh, và các khu bảo vệ cảnh quan hoạt động du lịch chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. DLST được phát triển khá tốt tại các vườn quốc gia, như: phía Bắc có Ba Bể, Ba Vì, Cúc Phương, Cát Bà, Tam Đảo; khu vực miền Trung - Tây Nguyên có Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã, Núi Chúa, Bidoup Núi Bà, Yok Đôn; khu vực Nam Bộ có Vườn quốc gia Cát Tiên, Côn Đảo, Tràm Chim, Mũi Cà Mau… Trong đó, đáng chú ý phải kể đến Vườn quốc gia Cúc Phương - vườn quốc gia này liên tiếp 4 năm (từ 2019-2022) nhận giải thưởng Du lịch thế giới và được vinh danh là Công viên quốc gia hàng đầu châu Á, với số lượng khách tham quan mỗi năm khoảng 120.000 đến 130.000 khách du lịch. Trong đó, khoảng 1/4 là khách quốc tế (Vũ Thượng, 2022). Còn đối với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, năm 2023 đã đón hơn 662.000 lượt khách, tăng hơn 6%. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 83.000 lượt, tăng 231% và doanh thu du lịch đạt gần 270 tỷ đồng; tăng 23% so với năm 2022 (Hà Anh, 2023). Vườn quốc gia Cát Tiên, đã đạt được nhiều danh hiệu, chứng nhận trong quá trình hình thành và phát triển, như: Bàu Sấu được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (2005), Vườn quốc gia Cát Tiên là khu dự trữ sinh quyển 411 thế giới (2011), Di tích quốc gia đặc biệt (2012) và năm 2024 Vườn quốc gia Cát Tiên đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chính thức công nhận là khu bảo tồn thứ 72 trên thế giới đạt danh hiệu Danh lục Xanh IUCN. Theo đại diện Vườn quốc gia Cát Tiên, trong năm 2022, nơi đây đã đón 54.000 lượt khách đến tham quan, du lịch. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã đón 59.000 lượt khách. Trong đó, cao điểm vào dịp cuối tuần khoảng 500 lượt/ ngày và dịp lễ, Tết trên 1.000 lượt khách/ ngày. Đây là một tính hiệu đáng mừng cho du lịch tại Vườn quốc gia Cát Tiên, nhưng đồng thời cũng là thách thức cho việc quản lý phát triển một cách bền vững.
Phần lớn các khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc hệ thống rừng đặc dụng (167 khu) đã có hoạt động DLST hiện đang tổ chức theo 3 hình thức: tự tổ chức; liên doanh, liên kết; cho thuê môi trường rừng. Theo Tổng cục Lâm Nghiệp, phần lớn các khu bảo tồn thiên nhiên tự tổ chức kinh doanh du lịch (56 khu, chiếm 92%). Cũng theo kết quả điều tra cho thấy, 56 khu bảo tồn thiên nhiên này tổ chức kinh doanh hoạt động DLST khi chưa có đề án phát triển DLST (Tổng cục Lâm Nghiệp, 2017). Cho đến nay, mặc dù nhiều khu bảo tồn thiên nhiên đã và đang tiến hành xây dựng các đề án phát triển DLST nhưng tỷ lệ hoàn thành vẫn chưa đáng kể.
Có nhiều nguyên nhân cản trở việc phát triển DLST tại các khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, trong đó phải kể đến nguyên nhân thiếu cơ chế chính sách và hướng dẫn để làm cơ sở triển khai hoạt động DLST tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Mặc dù đã có một số quy định liên quan đến việc triển khai hoạt động DLST trong các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu những quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết để triển khai, như các quy định về cơ chế kết hợp kinh doanh du lịch, cho thuê môi trường rừng khi kết hợp với các doanh nghiệp để triển khai thác phát triển du lịch, quy định về tài chính, các hướng dẫn liên quan đến sự tham gia của cộng đồng và các tiêu chí đánh giá, giám sát hoạt động DLST… Do vậy, một số hoạt động du lịch thông thường được triển khai tại các khu bảo tồn thiên nhiên nhưng dưới danh nghĩa là hoạt động DLST. Ngoài ra, những hạn chế về tài chính, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để triển khai hoạt động DLST là những rào cản ảnh hưởng tới thực trạng phát triển DLST tại các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.
3. Các giải pháp phát triển DLST theo định hướng phát triển du lịch bền vững
Xây dựng đề án phát triển DLST
Theo quy định, các khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt liên quan đến rừng đặc dụng, để phát triển DLST cần phải xây dựng đề án DLST, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt. Kinh phí lập đề án được cân đối trong kế hoạch tài chính hằng năm hoặc do thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân liên kết. Trong trường hợp thuê môi trường rừng, kinh phí lập dự án do bên thuê chịu trách nhiệm. Hiện nay, một số khu bảo tồn thiên nhiên đã triển khai phát triển DLST nhưng chưa có đề án chính thức và ngược lại.
Hình thức kinh doanh DLST gồm 3 loại: tự tổ chức; liên doanh, liên kết; cho thuê môi trường rừng, tất cả đều phải tuân thủ Luật Lâm nghiệp và các quy định pháp luật khác. Sau khi đề án được phê duyệt, chủ rừng sẽ phối hợp với các bên liên quan để lập dự án DLST.
Quá trình triển khai cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm du lịch với khu bảo tồn thiên nhiên, đồng thời xây dựng cơ sở lưu trú và dịch vụ cơ bản trong khu bảo tồn để nâng cao khả năng tiếp cận và sẵn sàng đón khách. Tóm lại, việc xây dựng đề án phát triển DLST là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch bền vững tại các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.
Xây dựng sản phẩm DLST đặc thù
Các khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, nhưng để nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo sự khác biệt, cần phát triển các sản phẩm DLST đặc thù. Theo Luật Du lịch, sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ dựa trên khai thác tài nguyên để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, còn sản phẩm du lịch đặc thù nhấn mạnh vào tính độc đáo, khác biệt để đáp ứng kỳ vọng cao hơn.
Mỗi khu bảo tồn thiên nhiên cần nghiên cứu để xác định giá trị độc đáo của mình. Dù có nhiều nét tương đồng về tài nguyên tự nhiên, sự khác biệt có thể đến từ đa dạng sinh học, cảnh quan, hoặc các loài đặc hữu. Ở những nơi có cộng đồng dân cư bản địa, văn hóa địa phương có thể trở thành tài nguyên du lịch độc đáo, giúp lồng ghép yếu tố tự nhiên và văn hóa trong sản phẩm DLST. Các sản phẩm này có thể được thiết kế dưới dạng chương trình du lịch, tuyến tham quan, hoặc câu chuyện (storytelling) hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đặc biệt của DLST.
Tăng cường quảng bá, liên kết phát triển du lịch
Hoạt động du lịch tại 34 vườn quốc gia đang phát triển mạnh nhờ vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch sinh thái phong phú, sự đầu tư và các đề án phát triển bài bản. Truyền thông, quảng bá và liên kết du lịch đóng vai trò then chốt trong thành công này. Gần đây, sáng kiến “hộ chiếu vườn quốc gia” đã được triển khai nhằm thúc đẩy DLST, tạo cơ chế tài chính bền vững và tăng cường hạ tầng du lịch. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị hệ sinh thái. Đây là bước đi quan trọng giúp các vườn quốc gia tự chủ tài chính cho công tác bảo tồn. Từ kinh nghiệm này, cần nhân rộng mô hình cho các khu bảo tồn thiên nhiên khác. Ngoài ra, việc quy hoạch tuyến, điểm, hợp tác với doanh nghiệp lữ hành và tư nhân sẽ góp phần phát triển DLST, hỗ trợ sinh kế và bảo tồn bền vững.
4. Kết luận
Các khu bảo tồn thiên nhiên sở hữu tiềm năng lớn để phát triển DLST nhờ tài nguyên tự nhiên phong phú, cảnh quan đa dạng và văn hóa bản địa đặc sắc. Tuy nhiên, không phải tất cả các khu bảo tồn thiên nhiên đều hội đủ điều kiện phát triển như 34 vườn quốc gia. Các khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan (tổng cộng 144 khu) vẫn đối mặt với nhiều thách thức về chính sách, nguồn vốn và nhân lực.
Xây dựng đề án phát triển DLST là bước đầu tiên và quan trọng để thúc đẩy du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên này. Đồng thời, cần tạo sức hút thông qua các sản phẩm du lịch đặc thù, chương trình quảng bá hiệu quả và hợp tác đầu tư với doanh nghiệp lữ hành.
Trong giai đoạn đầu, các khu bảo tồn thiên nhiên nên tập trung thu hút khách du lịch nhằm tạo nguồn thu cho bảo tồn. Tuy nhiên, phát triển DLST bền vững đòi hỏi tránh du lịch đại chúng, giới hạn lượng khách phù hợp với sức tải của hệ sinh thái để giảm thiểu tác động tiêu cực. Điều này đảm bảo DLST vừa hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học vừa tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương và khu bảo tồn thiên nhiên.
____________________
Tài liệu tham khảo
1. Anandaraj, M., & Phil, M., Ecotourism: origin and development (Du lịch sinh thái: nguồn gốc và sự phát triển), International Journal of Management and Humanities, 2(1), 2015.
2. nbca.gov.vn.
3. Butcher, J., The United Nations international year of ecotourism: a critical analysis of development implications (Năm quốc tế về du lịch sinh thái của Liên hợp quốc: phân tích quan trọng về ý nghĩa phát triển). Prog. Dev. Stud. 6 (2), 2006.
4. Ceballos-Lascurain, H., Arg. Hector Ceballos-Lascurain: the architect of ecotourism (Arg. Hector Ceballos-Lascurain: kiến trúc sư của du lịch sinh thái), ECOCLUB: International Ecotourism Monthly, 2006.
5. Drumm, A., & Moore, A., Ecotourism development: a manual for conservation planners and managers: an Introduction to ecotourism planning (Phát triển du lịch sinh thái: Sổ tay dành cho các nhà quy hoạch và quản lý bảo tồn: Giới thiệu về quy hoạch du lịch sinh thái), Nature Conservancy, 2005.
6. Hà Anh (tổng hợp), Năm 2023: Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đạt doanh thu gần 270 tỷ đồng từ du lịch, thoibaotaichinhvietnam.vn, 5-12-2023.
7. Honey, M., Ecotourism and sustainable development. Who owns paradise? (Du lịch sinh thái và phát triển bền vững. Ai sở hữu thiên đường?), 1999.
8. IUCN-The World Conservation Union, Resolutions and Recommendations (Nghị quyết và khuyến nghị), World Conservation Congress, Montreal, Canada, 1997.
9. Luật Du lịch, Luật số 09/2017/QH14 của Quốc hội: Luật du lịch.
10. ecotourism.org
11. Tổng cục Lâm nghiệp, Báo cáo Kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hà Nội, 2017.
12. Vũ Thượng, Vườn quốc gia Cúc Phương đón hơn 100.000 khách du lịch năm 2022, danviet.vn, 2-12-2022.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 20-11-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 15-1-2025; Ngày duyệt đăng: 5-2-2025.
TS NGUYỄN VĂN HOÀNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025