Một số giải pháp bảo tồn văn hóa người Mông ở huyện Si Ma Cai và Bắc Hà gắn với phát triển du lịch

Tóm tắt: Người Mông ở huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà ở tỉnh Lào Cai sở hữu một kho tàng văn hóa truyền thống rất phong phú, giàu giá trị nhân văn. Đó là nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch. Từ việc chỉ ra những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác bảo tồn di sản văn hóa người Mông ở hai huyện, bài viết đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, đồng thời góp phần giúp người dân và chính quyền địa phương, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

Từ khóa: bảo tồn, văn hóa, người Mông, du lịch, Si Ma Cai, Bắc Hà.

Abstract: The Hmong people in Si Ma Cai and Bac Ha districts possess a rich treasure of traditional culture, full of humanistic values. It is a unique and attractive tourism resource for tourists. By pointing out the achievements, limitations and reasons leading to limitations in the preservation of the Hmong cultural heritage in the two districts, the article proposes some solutions to improve the effectiveness of cultural preservation associated with tourism development, while contributing to helping people and local governments develop the socio-economic culture.

Keywords: preservation, culture, The Mong people, tourism, Si Ma Cai, Bac Ha.

Văn hóa dân tộc Mông luôn hấp dẫn du khách - Ảnh: baolaocai.vn

1. Thực trạng bảo tồn văn hóa người Mông ở huyện Si Ma Cai và Bắc Hà gắn với phát triển du lịch

Thành tựu

Di sản văn hóa của người Mông ở 2 huyện phong phú, đa dạng, độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, là tài nguyên du lịch độc đáo, có thể hấp dẫn, thu hút được khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu. Họ đã nhận thức được giá trị của di sản văn hóa dân tộc mình, có ý thức giữ gìn, bảo tồn nên nhiều di sản văn hóa người Mông hiện vẫn được bà con người Mông ở đây lưu giữ, bảo tồn.

Các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương ở 2 huyện quan tâm, tạo điều kiện, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tài chính cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Mông: đường giao thông đến các thôn/ bản được mở rộng, nâng cấp; công trình nước sạch, nhà vệ sinh tự hoại của các gia đình được hỗ trợ kinh phí thực hiện. Nhiều chương trình, đề tài, dự án bảo tồn văn hóa các dân tộc nói chung, dân tộc Mông nói riêng đã và đang được thực hiện, đã đem lại các kết quả đáng mừng. Nhiều di sản văn hóa Mông được bà con người Mông và chính quyền địa phương phục dựng để bảo tồn trong các đề tài, dự án như: Thổ cẩm Mông, Văn nghệ dân gian Mông...; một số di sản đã được khai thác xây dựng thành sản phẩm phục vụ khách du lịch, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bước đầu giúp người dân cải thiện kinh tế gia đình. Một số di sản đã được số hóa để bảo tồn và giới thiệu quảng bá.

Tồn tại hạn chế

Đa số người Mông, đặc biệt là lớp người trẻ (những người tham gia khảo sát) chỉ còn nhớ khái quát, chung chung về các di sản văn hóa của dân tộc mình. Khi được phỏng vấn, họ thường trả lời chung chung, không lý giải được nguồn gốc các di sản văn hóa và giá trị của nó trong xã hội truyền thống. Chỉ còn một số ít các nghệ nhân, thày cúng, người già ghi nhớ được các chi tiết cụ thể, lý giải được nguồn gốc ý nghĩa của các di sản văn hóa. Hiện tượng này là dấu hiệu cho thấy di sản văn hóa người Mông đã và đang đứng trước nguy cơ bị mai một, bị thất truyền ngay trong chính cộng đồng Mông ở Si Ma Cai và Bắc Hà.

Không ít các di sản văn hóa người Mông ở 2 huyện được phục dựng để bảo tồn từ các chương trình của Nhà nước hoặc địa phương khi các chương trình dự án rút đi, thì di sản dường như cũng bị lãng quên; có những di sản văn hóa được phục dựng, nhưng còn mang tính hình thức; chưa chú ý đến tính tổng thể, tính nguyên hợp, giá trị hồn cốt của di sản; bảo tồn theo kiểu cắt xén hoặc sân khấu hóa, làm mất đi tính giá trị cốt lõi của di sản; hoặc bảo tồn di sản, nhưng lại phá vỡ môi trường, nảy sinh, tồn tại và phát triển của di sản…

Một số nét văn hóa truyền thống bị lai căng các bộ phận hoặc bị biến mất, bị thay thế bởi hàng hóa nước ngoài (thổ cẩm Trung Quốc, Thái Lan), hoặc bị thay thế bởi các nét văn hóa ngoại lai (sinh nhật, khao mua xe mới, các loại âm nhạc hiện đại, bỏ qua âm nhạc truyền thống của dân tộc…).

Số ít di sản văn hóa được khai thác để phục vụ phát triển du lịch, nhưng chưa thu hút được sự quan tâm của khách du lịch, chưa phát huy được tiềm năng sẵn có của tài nguyên du lịch tại địa phương như: cảnh quan, khí hậu, các sản vật địa phương... Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển du lịch tại nhiều vùng người Mông cư trú còn chưa đáp ứng được thực tiễn của khách du lịch. Vấn đề số hóa để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mông còn đang gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí và trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ cho số hóa di sản...

2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

Nguyên nhân khách quan

Một số cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy di sản của chính quyền các cấp còn chưa thực sự phù hợp, khi triển khai tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú; đặc biệt các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn còn có những bất cập, không thể tháo gỡ trong một sớm một chiều.

Si Ma Cai và Bắc Hà là những huyện vùng cao miền núi, điều kiện địa hình có tính đặc thù, khiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt hệ thống đường giao thông và cơ sở hạ tầng du lịch còn nhiều khó khăn; nhiều địa phương trong huyện không có đủ kinh phí đảm bảo cho việc phục dựng, bảo tồn và duy trì, phát huy các di sản văn hóa để phát triển du lịch.

Đồng bào dân tộc Mông tại hai huyện có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi nhỏ, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá cao. Nhiều hộ gia đình không tự chủ được về kinh phí trong việc xây dựng các cơ sở dịch vụ: lưu trú, ẩm thực, vui chơi để đón khách du lịch.

Là những huyện vùng cao, miền núi, đời sống còn nhiều khó khăn, để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của gia đình, một số gia đình người Mông phải lo mưu sinh, kiếm sống nên có những khoảng thời gian họ tạm thời bỏ qua một số phong tục tập quán truyền thống, sử dụng các dụng cụ sinh hoạt mua từ thị trường (đồ gia dụng).

Nguyên nhân chủ quan

Một số cán bộ địa phương, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nên quá trình lãnh đạo nhân dân bảo tồn di sản văn hóa chưa toàn diện, chưa hiệu quả.

Một số người Mông ở 2 huyện còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước và chính quyền địa phương, không chủ động trong việc bảo tồn di sản của dân tộc mình. Nhà nước, chính quyền địa phương yêu cầu đến đâu thì họ thực hiện đến đó. Trong quá trình thực hiện, một số người dân còn đòi hỏi chế độ, quan tâm đến những lợi ích tức thời mà chưa có ý thức bảo vệ vốn văn hóa của dân tộc mình.

Một số người Mông chưa nhận thức được giá trị cốt lõi, lâu dài của di sản, chạy theo lợi nhuận, khai thác di sản văn hóa chưa đúng cách làm mai một, biến dạng di sản. Kinh nghiệm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để phục vụ du lịch của người dân còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhiệm vụ.

Thất bại trong khai thác di sản văn hóa để kinh doanh du lịch của một số hộ người Mông tại 2 huyện dẫn tới sự nản chí trong ý thức và tinh thần bảo tồn, khai thác. Một số người Mông, đặc biệt là tầng lớp người trẻ còn sính ngoại, bỏ qua di sản văn hóa của dân tộc mình mà chạy theo văn hóa của các dân tộc khác. Tâm lý và quan niệm về tính thiêng trong một số di sản văn hóa truyền thống của người Mông khiến họ e dè trong công tác số hóa, ghi âm, ghi hình di sản để bảo tồn, quảng bá và khai thác phát triển du lịch.

3. Giải pháp bảo tồn di sản văn hóa người Mông ở Si Ma Cai và Bắc Hà gắn với phát triển du lịch

Giải pháp về chính sách đặc thù trong bảo tồn văn hóa

Nhà nước cần miễn thuế có giới hạn về thời gian hoặc giảm thuế cho các dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên cho phát triển du lịch, đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao có mục đích và có khả năng xuất khẩu tại chỗ.

Có cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch, hỗ trợ thông tin tuyên truyền, quảng bá. Xây dựng chiến lược phát triển du lịch để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư tại huyện Si Ma Cai và Bắc Hà.

Khoanh vùng, quy hoạch khu vực, thôn/ bản hiện còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của người Mông để có chính sách đặc thù hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học tại các thôn/ bản có người Mông sinh sống. Bên cạnh đó, cần biên soạn, bổ sung thêm vào hương ước để nó có thể đóng vai trò như một nguyên tắc định hướng chung của cả cộng đồng. Hương ước cần ngắn gọn, đề cập đến những vấn đề cấp thiết của thôn/ bản như giải quyết các tranh chấp lợi ích của các hộ gia đình trong thôn, vấn đề bảo vệ an ninh trật tự, vấn đề bảo vệ rừng...

Huy động các nguồn vốn/ nguồn lực của các bên tham gian trong bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Vốn của Nhà nước cung cấp: lồng ghép toàn bộ các dự án liên quan để xây dựng một chương trình tổng thể nhằm phát triển du lịch nâng cao đời sống người Mông. Nguồn vốn của Nhà nước nên được cấp phát cho thôn, bản, hộ dân cư, hợp tác hóa… theo nguyên tắc “cho cần câu chứ không cho con cá”. Trong đó, chú trọng ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, thiết kế sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu.

Nguồn vốn của doanh nghiệp: nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư rất quan trọng, nhưng theo kinh nghiệm ở các điểm du lịch cộng đồng, doanh nghiệp chỉ được đầu tư vào việc đưa đón khách, giúp quảng bá chứ không trực tiếp tham gia các dịch vụ tại cộng đồng. Vì ở nhiều nơi, những dịch vụ ở cộng đồng do doanh nghiệp tham gia sẽ dẫn đến mất nguồn thu của người dân. Người Mông là chủ tài nguyên du lịch sẽ trở thành người đi làm thuê cho những người ở nơi khác đến.

Vốn văn hóa của người dân trong cộng đồng: đây là nguồn vốn quan trọng của người Mông, vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị siêu sử dụng. Do đó, phải luôn phát huy được vốn văn hóa của cộng đồng. Cộng đồng người Mông vừa là chủ nhân du lịch cộng đồng, nhưng vừa là chủ của nguồn vốn vô giá đó trong phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, cộng đồng còn có thể đóng góp các nguồn vốn khác như về nguồn nhân lực, đất đai để phát triển du lịch.

Nguồn lực khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số: thực tế cho thấy, việc sử dụng công nghệ nói chung, công nghệ số nói riêng trong bảo tồn, khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch đã đem lại những bước chuyển biến lớn, vấn đề này cần triển khai rộng rãi ở 2 huyện.

Bảo vệ môi trường nảy sinh và phát triển của các di sản văn hóa Mông gắn với phát triển du lịch

Bảo vệ môi trường sinh thái

Bảo vệ giữ gìn cảnh quan, không phá vỡ hệ tuần hoàn sinh thái môi trường thôn/ bản của người Mông; hạn chế tối đa những tác động có hại từ phát triển kinh tế, du lịch tới môi trường. Nghiên cứu phát triển cảnh quan du lịch gắn với cây đặc thù của vùng như mận Tam Hoa, lê Tai Nung, hoa Đào, hoa Tam giác mạch...

Xây dựng các con đường, các công trình dân sinh, nhà ở... trong khu du lịch cần tôn trọng cảnh quan bản thôn người Mông cư trú; đề ra những quy định và cơ chế thưởng phạt cho hoạt động này. Chú ý tới vấn đề vệ sinh, tôn tạo cảnh quan tại các gia đình, các lối đi trong thôn/ bản; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới để xây dựng các công trình vệ sinh tự hoại, xây dựng điểm thu gom và xử lý rác thải; chú ý vấn đề bảo vệ rừng, đất, nước và các tài nguyên du lịch tự nhiên của địa phương.

Bảo vệ môi trường du lịch và xã hội

Xây dựng hệ thống trạm, bến bãi; trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, hợp lý và an toàn; xây dựng các phương án đảm bảo an toàn cho du khách và sơ cứu - cấp cứu trong các trường hợp khẩn cấp.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác giữ gìn trật tự, an ninh, vệ sinh môi trường cho các điểm tham quan du lịch tại các thôn/ bản người Mông; xử lý nghiêm các hành động gây phiền hà, làm mất an toàn về người và tài sản của khách du lịch; đăng ký tạm trú, tạm vắng cho khách nước ngoài để tránh xảy ra tình trạng mất an ninh chính trị - trật tự xã hội và an ninh quốc phòng vùng biên giới.

Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn trong du lịch mạo hiểm cho đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên và nhân viên kỹ thuật; xây dựng hệ thống cảnh báo và hướng dẫn cho du khách trước và trong chuyến tham quan du lịch mạo hiểm; mở các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tộc người.

Khai thác di sản văn hóa người Mông xây dựng sản phẩm du lịch

Chắt lọc di sản văn hóa người Mông để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch: nghiên cứu tài nguyên du lịch văn hóa và đặc điểm điều kiện tự nhiên ở 2 huyện và căn cứ vào nhu cầu du khách (khách nội địa, du khách đại trà Trung Quốc và du khách chất lượng cao của châu Âu…) để xây dựng ý tưởng, thiết kế các sản phẩm du lịch văn hóa Mông; chú trọng các sản phẩm đặc thù, trong đó, lưu ý các tài nguyên du lịch là “hồn cốt” của văn hóa Mông. Quy trình xây dựng sản phẩm đòi hỏi có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa nhà tư vấn, các nghệ nhân và doanh nghiệp du lịch; đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng.

Mở rộng không gian trải nghiệm các di sản văn hóa các dân tộc tại địa phương, nhưng không làm giảm giá trị cốt lõi của di sản văn hóa Mông: khai thác sản phẩm du lịch Văn hóa người Mông 2 huyện trong mối liên kết với những di sản văn hóa người Mông ở các vùng phụ cận, giáp ranh để tạo nên các tuyến du lịch hấp dẫn: Hà Giang, Sa Pa, Mù Cang Chải; chú ý tới vai trò của các công ty lữ hành trong việc xây dựng sản phẩm du lịch. Cần tìm kiếm sự hợp tác từ những doanh nghiệp lữ hành chuyên tổ chức chương trình du lịch lên khu vực phía Bắc.

Tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa Mông có tính thương mại cao: một trong những hướng đi quan trọng là đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa người Mông. Ví dụ, với nghề thủ công làm thổ cẩm, thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm truyền thống như váy, áo hay khăn, có thể sáng tạo ra các mặt hàng mới như túi xách, ví, bọc laptop, phụ kiện trang trí nội thất hoặc quà lưu niệm.

Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa kỹ thuật dệt truyền thống và các thiết kế hiện đại là điều cần thiết. Việc sử dụng các chất liệu tự nhiên như sợi lanh, bông, kết hợp với nhuộm màu thân thiện với môi trường cũng là một điểm cộng, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh trên toàn cầu.

Xây dựng các điểm du lịch văn hóa cộng đồng tại các thôn/ bản của người Mông: việc xây dựng các điểm du lịch văn hóa cộng đồng là một chiến lược hiệu quả để bảo tồn di sản văn hóa người Mông ở 2 huyện, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Các thôn/ bản người Mông có thể được quy hoạch thành các điểm du lịch cộng đồng. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội khám phá đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của người Mông: Những ngôi nhà trình tường truyền thống, các sản phẩm thủ công, hay không gian làm việc của các nghệ nhân đều có thể trở thành điểm nhấn thu hút khách tham quan.

Nhóm giải pháp xúc tiến và quảng bá du lịch

Lập kế hoạch số hóa, xúc tiến và quảng bá du lịch

Các huyện cần xây dựng đề án về số hóa văn hóa Mông phục vụ phát triển du lịch; kêu gọi du khách đến với thôn bản tổ chức hoạt động du lịch. Khảo sát, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của hoạt động du lịch để xây dựng mục tiêu xúc tiến, quảng bá. Căn cứ vào khả năng tổ chức dịch vụ, cơ sở vật chất, sức chứa du khách và căn cứ nhu cầu của du khách, ban tổ chức hoạt động du lịch dự kiến đón bao nhiêu du khách (phân loại du khách trong nước và khách quốc tế)… xây dựng các biện pháp quảng bá phù hợp; lựa chọn các “kênh” để quảng bá, giới thiệu với các doanh nghiệp, quảng bá trên truyền hình, trên mạng xã hội…

Quảng bá du lịch văn hóa người Mông

Ban tổ chức hoạt động du lịch cần xây dựng khẩu hiệu; xây dựng các phương tiện quảng bá, nên lựa chọn các “kênh” thông tin truyền hình, các trang web, mạng xã hội, họp báo hoặc họp báo trực tuyến vào dịp đầu năm trước khi khai mạc năm du lịch của huyện, khai mạc các sự kiện quan trọng trong mùa du lịch…; quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa người Mông qua các sự kiện, lễ hội hay chợ phiên...; mời các nghệ nhân là người Mông tham gia các hội chợ thủ công mỹ nghệ hoặc triển lãm văn hóa quốc tế là cách hiệu quả để giới thiệu sản phẩm ra ngoài biên giới; tham gia các sàn thương mại điện tử cũng là một bước tiến quan trọng. Các sản phẩm du lịch được xây dựng từ việc khai thác giá trị di sản văn hóa Mông có thể được bày bán trên các nền tảng lớn như Shopee, Lazada, hoặc thậm chí trên các trang quốc tế như Etsy, Amazon.

Giải pháp về liên kết địa phương và liên vùng

Chính quyền địa phương 2 huyện cần có sự hợp tác chặt chẽ, xác định rõ nội dung liên kết du lịch trên phạm vi toàn vùng và tiểu vùng bao gồm: liên kết xây dựng quy hoạch vùng du lịch; thống nhất cơ chế, chính sách quản lý phát triển du lịch trên phạm vi 2 huyện; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng và địa phương, phát triển sản phẩm du lịch mới; phát triển thị trường du lịch. Cụ thể:

Đẩy mạnh liên kết với các trung tâm du lịch lớn của cả nước (Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM) và các trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc (Sa Pa, Mộc Châu, Điện Biên Phủ), các địa phương lân cận (Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang), liên kết với các địa phương thuộc mô hình 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng để phát triển du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững tạo ra khả năng cạnh tranh cao hơn; đẩy mạnh liên kết theo tuyến du lịch cung đường Sa Pa - Bắc Hà - lên Si Ma Cai - Mường Khương.

Xây dựng và khai thác tour, tuyến điểm du lịch, trên cơ sở vai trò, trách nhiệm của từng địa phương; đảm bảo tính đồng thuận và tính thực tiễn cao (không chỉ liên kết trên giấy tờ); xây dựng các mô hình liên kết, các chương trình hành động cụ thể và lộ trình rõ ràng trong liên kết.

Nhóm giải pháp về tuyên truyền, giáo dục

Nghiên cứu tính đặc thù trong truyền thông theo kiểu truyền thống vùng người Mông ở 2 huyện: Truyền thông trực tiếp của trưởng bản, già thôn, những người có uy tín trong cộng đồng có tác dụng tạo dựng dư luận nhanh chóng.

Nghiên cứu kênh tuyên truyền qua mạng xã hội: lựa chọn, xây dựng đội ngũ blogger ở 2 huyện, mỗi huyện xây dựng một số blogger có sức thu hút xã hội lớn. Các blogger trở thành các cộng tác viên của các Trung tâm văn hóa, Phòng văn hóa của huyện, thành phố; bổ sung chức năng của các Phòng văn hóa, Trung tâm văn hóa của 2 huyện: Trung tâm văn hóa - Đài phát thanh huyện chuyển từ đơn vị trực tiếp tuyên truyền sang đơn vị cung cấp dịch vụ, cung cấp tác phẩm cho hệ thống blogger.

Số hóa di sản văn hóa người Mông Si Ma Cai và Bắc Hà

Số hóa di sản: Toàn bộ kho tàng di sản văn hóa vật hóa vật thể và phi vật thể của người Mông đều được chụp ảnh, ghi âm, lưu trữ theo từng chuyên đề: nhà cửa, làng bản, trang phục, âm nhạc, múa, phong tục tập quán, dân ca, ẩm thực, nghề thủ công… Từ đó được sử dụng lưu trữ lâu dài, sử dụng trong quảng bá, tuyên truyền, bán các sản phẩm du lịch… Các bước cần thực hiện: ghi nhận và lưu trữ tài liệu về văn hóa dân tộc Mông ở Si Ma Cai và Bắc Hà; sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR); xây dựng nền tảng số hóa di sản văn hóa người Mông; tạo dựng các sản phẩm du lịch từ số hóa di sản văn hóa người Mông.

Giải quyết các khó khăn, thử thách trong quá trình số hóa di sản văn hóa để bảo tồn gắn với phát triển du lịch

Trong quá trình số hóa di sản văn hóa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, cần phải giải quyết về chi phí đầu tư cao là một trong những thách thức lớn nhất trong việc số hóa di sản văn hóa và thiếu nguồn lực và chuyên gia trong số hóa di sản văn hóa. Do đó, để thực hiện việc số hóa di sản văn hóa, đặc biệt là ở 2 huyện, cần có đội ngũ chuyên gia có trình độ cao về công nghệ thông tin, bảo tồn di sản, và quản lý dữ liệu số. Thêm vào đó, việc đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia tại các khu vực này cũng gặp nhiều trở ngại. Sự thay đổi thói quen của cộng đồng cũng là một cản trở lớn. Mặc dù việc số hóa di sản văn hóa là một giải pháp hiệu quả để bảo tồn và phát triển du lịch, nhưng không phải cộng đồng nào cũng dễ dàng tiếp nhận những thay đổi này.

Kết luận

Văn hóa người Mông là nguồn lực để phát triển du lịch, góp phần hình thành nên thương hiệu điểm đến du lịch; nguồn kinh phí từ du lịch hỗ trợ công tác phục dựng, bảo tồn, duy trì và quảng bá văn hóa. Nếu khai thác di sản văn hóa đúng cách, theo hướng bền vững sẽ giảm thiểu được các tác động có hại và gia tăng tác động có lợi; góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ bản sắc văn hóa, đảm bảo an ninh xã hội và bảo vệ môi trường tự nhiên. Hy vọng, với các quan điểm định hướng và các nhóm giải pháp khi được thực hiện đồng bộ sẽ mang tính toàn diện, khả thi hơn nữa.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Trần Hữu Sơn, Xây dựng mô hình thôn du lịch văn hóa, trong sách Xây dựng đời sống văn hóa ở vùng cao, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.

2. Trần Hữu Sơn, Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch di sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tạp chí Cộng sản, tháng 8-2021.

3. Hà Văn Thắng (chủ biên), Văn hóa dân gian các dân tộc Lào Cai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2016.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 3-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 15-1-2025; Ngày duyệt đăng: 5-2-2025.

TS HOÀNG VĂN DƯƠNG - LÝ XUÂN THÀNH - TS ĐẶNG THỊ OANH - Ths TRẦN THỊ HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025

;