Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng

Xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) là một chủ trương lớn của Đảng, lần đầu tiên được đưa ra trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Tại Nghị quyết này, vấn đề xây dựng GĐVH đã được đề cập một cách cấp thiết: “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng GĐVH. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội”.

 

     1. Khái quát về phong trào xây dựng GDVH ở các tỉnh ĐBSH

     Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Tỉnh ủy và UBND các tỉnh đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã ban hành chương trình hành động và kế hoạch chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong 20 năm qua, phong trào xây dựng GĐVH trên địa bàn có những bước phát triển vượt bậc, đi vào nề nếp và đạt hiệu quả thiết thực. Tại Thái Bình, năm 2001, toàn tỉnh chỉ có 265.000/501.000 gia đình đạt chuẩn GĐVH (bằng 52,9%), đến 2005 đạt 62,37%, năm 2011 đạt 76%, năm 2015 đạt 80,1% (1), đặc biệt đến 2017 đã có 87,50% gia đình đạt chuẩn GĐVH. Như vậy, từ 2001 đến 2017, tỷ lệ các gia đình đạt danh hiệu GĐVH ở tỉnh Thái Bình đã tăng lên 34,6%. Tại Ninh Bình, năm 2001 là 38,3%, đến năm 2005 là 73,1%, năm 2010 là 81,9%, đến năm 2015 tăng lên 86% (2) và năm 2017 là 87,60% tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu GĐVH. Tại Bắc Ninh, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu GĐVH vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra, năm 2015, có 259.677/290.376 gia đình được công nhận GĐVH, đạt 89,4% vượt 4,4% so với kế hoạch (3); năm 2016 có 262.336/291.028 hộ gia đình được công nhận (đạt 90% so với tổng số, tăng 0,6% so với năm 2015, vượt kế hoạch 5%); năm 2017, có 270.320/297.808 hộ gia đình được công nhận GĐVH (90,8% so với tổng số) (4). Tất cả các tỉnh, thành phố còn lại trong vùng đều có số hộ đạt danh hiệu GĐVH tăng dần qua các năm và đạt từ 80% đến 89% (5).

     Đến tháng 12-2017, toàn vùng đã có 5.128.990 gia đình đạt danh hiệu GĐVH trên tổng số 19.064.069 GĐVH của cả nước (chiếm 26,9%), đặc biệt ở một số tỉnh, thành phố như Hà Nội có 1.552.031 GĐVH/1.794.256 gia đình (đạt 86,50%); Bắc Ninh có 270.320 GĐVH/297.808 gia đình (đạt 90,76%); Thái Bình có 514.598 GĐVH/588.113 gia đình (đạt 87,50%); Ninh Bình có 246.360 GĐVH/281.230 gia đình (đạt 87,60%)... Kết quả này cao hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước (85,73%) (6).

     Những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng GĐVH ở các tỉnh ĐBSH trong thời gian qua đã góp phần đem lại sự no ấm, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc cho mỗi gia đình, sự ổn định, đoàn kết và phát triển của địa phương, là cơ sở để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, khắc phục và dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong các gia đình và địa phương, đóng góp quan trọng trong việc xây dựng thôn mới, làng, khu phố văn hóa, tạo tiền đề vững chắc, góp phần tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì phong trào xây dựng GĐVH ở các tỉnh ĐBSH còn những hạn chế, yếu kém: “Chất lượng của các hoạt động cụ thể trong phong trào còn nhiều bất cập. Việc bình xét công nhận các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương, cơ sở còn khá dễ dãi, khen thưởng chưa kịp thời, một số gia đình văn hóa, làng, thôn, phố... sau khi được công nhận danh hiệu văn hóa có biểu hiện buông lỏng công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân tiếp tục giữ vững danh hiệu, dẫn đến giảm sút về chất lượng” (7); công tác “tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Phong trào chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và thường xuyên” (8); “Nhiều giá trị của gia đình truyền thống như: hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới, coi trọng nghĩa tình… có biểu hiện biến đổi, bị xâm hại và có nguy cơ mai một. Các mối quan hệ tốt đẹp của gia đình truyền thống đang bị lấn át bởi những quan hệ hàng hóa, thị trường, lợi nhuận…” (9). Những hạn chế đó xuất phát từ các nguyên nhân: một bộ phận người dân và cán bộ chính quyền chưa đánh giá đúng mức vai trò của việc xây dựng GĐVH; tác động của mặt trái kinh tế thị trường làm cho các mối quan hệ gia đình cũng bị chi phối nghiêm trọng; vai trò của hệ thống chính trị (đặc biệt cấp cơ sở) trong việc xây dựng GĐVH còn hạn chế; tình trạng coi nhẹ và buông lỏng giáo dục đạo đức gia đình (đặc biệt là đạo đức gia đình truyền thống) trong các gia đình hiện nay.

     2. Giải pháp cơ bản xây dựng GĐVH ở các tỉnh ĐBSH hiện nay

     Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề xây dựng GĐVH

     Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu sâu sắc hơn về bản chất, mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ của việc xây dựng GĐVH. Để làm tốt điều này cần thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua đội ngũ cán bộ, báo cáo viên làm công tác gia đình và xây dựng GĐVH; tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin truyền thông như đài phát thanh, truyền hình địa phương, các bản tin, pano, áp phích, tranh cổ động, báo chí, internet; tuyên truyền bằng việc sử dụng các hình thức sân khấu hóa, các diễn đàn, các câu lạc bộ, các cuộc thi tìm hiểu về vấn đề gia đình và xây dựng GĐVH.

     Cùng với công tác tuyên truyền, cần gắn với việc tổng kết thực tiễn, khen thưởng các tấm gương gia đình điển hình trong xây dựng GĐVH, trong giữ gìn các giá trị gia đình truyền thống. Các danh hiệu trao tặng như: danh hiệu GĐVH, GĐVH tiêu biểu, Gia đình ông bà mẫu mực con cháu hiếu thảo, Gia đình nuôi con khỏe dạy con ngoan...

     Tăng cường các lớp tập huấn kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức cho đội ngũ cán bộ. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và tuyên dương các tấm gương cán bộ giỏi trong công tác xây dựng GĐVH.

     Đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình

     Một là, khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ gia đình vươn lên làm giàu hợp pháp.

     ĐBSH là vùng có trình độ phát triển kinh tế cao so với mặt bằng chung cả nước. Tuy nhiên, năm 2016, vùng vẫn còn 2,4% hộ gia đình thuộc hộ nghèo. Đây là một khó khăn cho công tác xây dựng GĐVH khu dân cư, bởi tiêu chí đầu tiên trong xây dựng GĐVH đó là gia đình no ấm. Vì thế, để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, chính quyền các tỉnh vùng ĐBSH cần thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để các hộ gia đình thuộc hộ nghèo sẽ thoát nghèo, các gia đình no đủ có thể vươn lên làm giàu hợp pháp thông qua chính sách cho vay vốn làm kinh tế; hỗ trợ đào tạo, tạo điều kiện cho các gia đình được tham gia các khóa học, các lớp đào tạo về kỹ năng sản xuất kinh doanh, các mô hình kinh doanh gắn với tiềm năng thế mạnh của từng địa phương và đặc điểm của từng hộ gia đình; chủ động liên kết với các doanh nghiệp cung cấp tư liệu sản xuất đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra...

     Hai là, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

     Theo số liệu thống kê ở vùng ĐBSH (2016), tỷ lệ thất nghiệp là 2,24%, trong đó thành thị là 3,23% và nông thôn là 1,73%; tỷ lệ thất nghiệp ở nam cao hơn nữ (nam là 2,60% và nữ là 1,84%) (10). Thất nghiệp kéo theo sự khó khăn về đời sống kinh tế và tình trạng “nhàn cư vi bất thiện” là cơ sở dẫn đến những bất ổn về gia đình như: nghèo đói, mâu thuẫn, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội... ảnh hưởng đến việc xây dựng GĐVH. Vì vậy, vùng ĐBSH trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường cần gắn kết mật thiết với việc giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động; thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế; có chính sách chăm lo đến người già, trẻ em và đặc biệt tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào lĩnh vực kinh tế bình đẳng với nam giới. Đây là cơ sở để khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình với người phụ nữ.

     Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong xây dựng GĐVH

     Một là, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò gương mẫu tiên phong của đảng viên trong việc xây dựng GĐVH. Đây là vấn đề cấp bách, bởi lẽ, Ðảng là lực lượng tiên phong lãnh đạo trong hệ thống chính trị, muốn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách thì trong tổ chức đảng và các đảng viên phải trong sạch, vững mạnh, đi tiên phong trong mọi công việc, đặc biệt là tiên phong gương mẫu trong gia đình mình, trong việc xây dựng GĐVH. Tổ chức Đảng và người đảng viên phải là người làm gương, đi đầu trong nhận thức và hành động.

     Hai là, không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong việc thực xây dựng GĐVH. Công tác gia đình và việc xây dựng GĐVH chỉ có thể đạt hiệu quả khi có sự tích cực, chủ động vào cuộc của chính quyền các cấp. Bộ máy chính quyền, trực tiếp nhất là Sở VHTTDL các tỉnh (và các phòng, ban văn hóa các huyện, xã) cần bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, triển khai thực hiện một cách kịp thời và linh hoạt các chủ trương, đường lối về xây dựng GĐVH đến các địa phương. Đặc biệt, chính quyền cần phải tỏ rõ hơn vai trò quản lý mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tạo môi trường phát triển lành mạnh nhất để các gia đình có thể triển khai và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn của GĐVH.

     Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các cấp. Mặt trận Tổ quốc cần thu hút và mở rộng các thành viên là những tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cá nhân tiêu biểu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế xã hội; không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chủ trương, chính sách gắn với xây dựng GĐVH; phát huy vai trò tích cực của các tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, người có uy tín trong nhân dân, có chính sách phù hợp động viên, khích lệ để họ tự giác tham gia các công việc và tập hợp được đông đảo quần chúng cùng thực hiện các nhiệm vụ trong xây dựng GĐVH.

     Coi trọng giáo dục đạo đức trong xây dựng GĐVH

     Một là, cần làm cho mọi người nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc giáo dục đạo đức gia đình; những giá trị đạo đức gia đình truyền thống cần được quan tâm, kết hợp với việc giáo dục các giá trị đạo đức gia đình mới và nhân văn hiện nay. Tuyên truyền, giáo dục gắn với việc phê phán và cảnh báo sự xuống cấp của đạo đức gia đình, sự coi nhẹ các giá trị đạo đức gia đình truyền thống; những vấn đề mới phát sinh trong đời sống xã hội hiện nay tác động tiêu cực đến đạo đức gia đình, như: lối sống thực dụng, ích kỷ; mặt trái của khoa học công nghệ; các tệ nạn xã hội...

     Hai là, kết hợp giữa giá trị đạo đức truyền thống và hiện đại trong việc giáo dục đạo đức gia đình. GĐVH được xây dựng dựa trên sự kế thừa các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống và phát huy những nét tiến bộ của gia đình hiện đại. Vì thế, trong giáo dục đạo đức gia đình cần xác định rõ: những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống cần đưa vào giáo dục trong gia đình ĐBSH hiện nay, đó là: tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ giữa các thành viên gia đình; giữ gìn nề nếp gia phong; con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tổ tiên; vợ chồng thủy chung, tình nghĩa; anh em hòa thuận tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống... Những giá trị của đạo đức gia đình hiện đại cần được phát huy, tăng cường trong giáo dục đạo đức gia đình, đó là: quyền dân chủ, bình đẳng và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên gia đình... Phương thức kết hợp hiệu quả giữa giáo dục đạo đức truyền thống và hiện đại, đó là: cần kế thừa và phát huy những điểm tích cực, khắc phục những mặt hạn chế, tiêu cực của đạo đức gia đình truyền thống và đạo đức gia đình hiện đại trong giáo dục gia đình vùng ĐBSH hiện nay.

     Ba là, sử dụng nhiều hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức như nêu gương hoặc tự rèn luyện, tự tu dưỡng. Ông bà, cha mẹ vừa là những người đứng đầu, vừa là chủ thể chính của hoạt động giáo dục đạo đức gia đình, vì vậy cần phát huy vai trò làm gương đối với con cháu. Hoạt động giáo dục đạo đức trong gia đình cần phát huy được tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thay đổi bản thân theo hướng tích cực. Để phát huy khả năng tự rèn luyện và tu dưỡng của mỗi thành viên thì giáo dục đạo đức gia đình ở vùng ĐBSH cần tạo ra môi trường tự lập và tôn trọng sự tự lập, giáo dục sự tự chịu trách nhiệm của mỗi thành viên, tránh cách giáo dục theo hướng bao bọc, chiều chuộng hoặc thụ động... có như vậy mới phát huy được tính tự rèn luyện của mỗi cá nhân trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.

     Có thể khẳng định, xây dựng GĐVH là phong trào có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đem lại sự no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh cho mỗi gia đình, mà còn góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển cho cộng đồng xã hội. Vì vậy, để vùng ĐBSH khắc phục được những hạn chế tồn tại trong công tác xây dựng GĐVH thời gian vừa qua, thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng đến năm 2020 thì việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng GĐVH là một nhiệm vụ cần thiết.

_______________

1. UBND tỉnh Thái Bình, Báo cáo số 09/BC-BCĐ Tổng kết 15 năm thực hiện phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, 2015, tr.12.

2, 7. UBND tỉnh Ninh Bình, Báo cáo số 103/BC-UBND, Tổng kết 15 năm thực hiện phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, 2015, tr.14.

3. UBND tỉnh Bắc Ninh, Báo cáo tổng kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020, tr.6.

4, 8. UBND tỉnh Bắc Ninh, Báo cáo kết quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, tr.11.

5, 9. Nguyễn Thị Thu Thủy, Gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay, Tạp chí Lao động và Công đoàn, số 630/2017, tr.43.

6. Bộ VHTTDL, Báo cáo công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, 2017.

10. Tổng cục thống kê, Niên giám thống kê 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2016.

 

Tác giả: Trần Thị Thúy Chinh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

;