Nấn ná ngày Xuân

 

Tết năm nay có lẽ là một cái Tết đặc biệt với nhiều người. Những người con làm ăn phương xa, có người may mắn được về lại quê nhà, sum vầy bên mâm cơm với gia đình, có người lại thui thủi một mình vì dịch bệnh ngăn cách, có người nằm lại vĩnh viễn lạnh lẽo ở xứ người, nhắc tới thôi ai cũng nhói buốt trong lòng.

Những người được trở về với gia đình, Tết chẳng mong ăn ngon, mặc đẹp, chỉ cần thấy nụ cười của người thân là lòng dâng tràn hạnh phúc. Họ thường nấn ná thêm dăm đôi ba ngày xuân để ở lại với gia đình. Đây là cơ hội hiếm hoi cùng mẹ cùng cha hàn huyên tâm sự, cùng nhau ra vườn làm đất tỉa đậu, trồng cà. Tôi biết có nhiều người giống như tôi, lòng lúc nào cũng bâng khuâng, bồn chồn với biết bao nhiêu câu hỏi mà không tự trả lời được, dùng dằng trong việc đi hay ở lại. Mỗi mùa xuân trôi qua, cha mẹ già thêm một tuổi. Những vết chân chim, những nốt đồi mồi trên da nhắc nhớ ngày những đứa con xa mẹ càng gần. Những ngày xuân sao thấy thời gian trôi nhanh vô cùng. Tôi tham lam cứ muốn có thêm hơn hai mươi bốn giờ mỗi ngày, để được ở gần cha mẹ nhiều hơn. Rồi bỗng chốc lại ước muốn mình bé lại thuở nhỏ dại, vô tư bên căn nhà ngói ba gian mỗi ngày, nơi có bếp lửa chập chờn khói trắng mùa xuân mẹ cặm cụi thổi cơm, đàn con quây quần bên góc bếp. Cuộc sống tuy nghèo như bình yên, giản dị vô cùng. Ngày đó cũng chẳng phải nơm nớp lo dịch bệnh, người người, nhà nhà mở cửa, đón chào khách tới nhà chơi.

Nấn ná ngày xuân không phải là trốn tránh trách nhiệm, cũng không phải là sự chây lười bản thân mà đó là dịp để những người con xa quê ôn lại cố hương. Tôi cũng chưa chắc được số ngày về lại quê nhà có đếm hết trên đầu ngón tay hay không? Cho dù những khung cảnh cũ của quê nhà ngày một rời xa. Cây đa, bến nước, sân đình sẽ chỉ còn trong ký ức. Giếng làng trong leo lẻo ngày xuân người người ra múc nước, giặt giũ, cười nói rôm rả cũng chẳng còn. Con đường đất đỏ ngày xưa đã được bê tông hóa. Nhưng với người con xa quê rồi về lại quê nhà vẫn thấy thân thương một nẻo đi về. Nấn ná trong vài ba ngày xuân để nghe được giọng quê thân thương, mộc mạc, mới gặp ở đầu ngõ đã thấy nụ cười trên môi, cùng lời chào nồng hậu da diết. Vẫn là những câu chuyện đầu xuân xởi lởi hỏi thăm, chúc mừng năm mới, mời vào nhà ăn miếng bánh chưng, bánh tét, ăn dăm sợi mứt dừa, mứt cà rốt trong Tết còn dư hay hũ kiệu, hũ hành muối chua giòn sật ăn giải ngấy.

Nấn ná ngày xuân đôi khi chỉ muốn một mình tự khám phá khoảnh khắc quê nhà, bình yên nhịp sống chậm rãi trôi qua. Nhìn một bông cải vàng nở cũng thấy lòng mình xao động. Bước chân ra vườn thấy cây lá đổi thay, màu xanh ngập tràn bao phủ, tiếng chim chóc ríu rít trên cành chào ngày mới. Dưới chân cỏ dại mọc xanh rì, những bông hoa đồng nội nở bé xíu xiu như chiếc cúc áo, đàn kiến nối đuôi nhau diễu hành, chẳng biết chúng đi kiếm ăn hay đi du xuân. Bước chân ra triền đê gió xuân lao xao thổi mát rượi, lòng như tưới tắm bao niềm an nhiên trước khi bước chân lên phố xồ bồ và tấp nập.

Nấn ná một chút xuân để thấy mình may mắn, hạnh phúc bởi còn một nơi chốn đi về - bất kể khi nào lòng yếu đuối chống chếnh, đều có thể trở lại quê nhà, nơi có cha mẹ dang rộng vòng tay đón đợi, bao bọc và yêu thương…

 

CAO THƠM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022

 

;