Tóm tắt: Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng cũng như sự đa dạng và phong phú của các di tích, danh thắng gắn với tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước. Nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh của người Việt Nam ngày càng trở thành động lực thúc đẩy du lịch văn hóa tâm linh phát triển thể hiện ở số lượng khách du lịch văn hóa tâm linh ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa. Bài viết phân tích vai trò quan trọng của du lịch văn hóa tâm linh trong sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là tiềm năng của trục du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử. Đồng thời, phân tích tiềm năng và thách thức cũng như đề xuất các giải pháp phát triển loại hình du lịch này.
Từ khóa: du lịch, văn hóa, du lịch tâm linh, Tây Yên Tử.
Abstract: Vietnam has significant potential and strengths to develop spiritual cultural tourism, as evidenced by its rich cultural heritage tied to traditions, religions, and beliefs, as well as the diversity and abundance of historical and religious landmarks celebrated through festivals and events held year-round across the country. The growing demand for spiritual cultural tourism among Vietnamese people has become a driving force for its development, reflected in the increasing number of spiritual cultural tourists, who account for a large proportion of the overall tourism structure, especially among domestic tourists. This article analyzes the crucial role of spiritual cultural tourism in economic and social development, particularly highlighting the potential of the Tay Yen Tu spiritual cultural tourism axis. It also examines the opportunities and challenges, while proposing solutions for the sustainable development of this tourism sector.
Keywords: tourism, culture, spiritual tourism, Tay Yen Tu.
Chùa Thượng Tây Yên Tử còn được gọi là Linh Thông Thiền Tự - Ảnh: tayyentu.vn
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành và lĩnh vực có liên quan (1). Một số điểm đón lượng khách lớn như Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (hơn 7 triệu lượt du khách), chùa Hương (trên 1,5 triệu lượt), Yên Tử (khoảng 1 triệu lượt khách), miếu Bà Chúa Xứ núi Sam - An Giang (trên 5 triệu lượt khách) (2). Bởi vậy, các trục, các con đường du lịch văn hóa tâm linh mới cũng dần được hình thành nhiều hơn và phát triển theo hướng bền vững hơn. Trước đây quần thể danh thắng Yên Tử nổi tiếng với con đường hành hương về đất Phật: “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”, những năm gần đây trung tâm Phật giáo Tây Yên Tử đã nổi lên như một trục du lịch văn hóa tâm linh mới kết nối trực tiếp với trung tâm Phật giáo Đông Yên Tử hay vẫn được gọi là Yên Tử. Hệ thống di sản văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự kết nối trục du lịch văn hóa tâm linh Yên Tử hướng tới phát triển bền vững.
1. Du lịch văn hóa tâm linh và trục du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử
Các nghiên cứu về du lịch văn hóa tâm linh đã xuất hiện nhiều trên thế giới, có thể xem nó xuất phát từ những nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa... Các cuộc hành hương có nguồn gốc ban đầu cho các hoạt động du lịch văn hóa tâm linh và tồn tại từ rất lâu đời trong thế giới loài người. Các tín đồ Hồi giáo phải thực hiện các cuộc hành hương về thánh địa Mecca, người Thiên Chúa giáo hành hương về vùng Đất thánh tại Jerusalem, hay tín đồ Phật giáo hành hương đến Thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ... Tại Trung Quốc, du lịch văn hóa tâm linh được xem là hoạt động du lịch văn hóa đặc biệt, được định hướng bởi văn hóa tâm linh với sự hỗ trợ của môi trường sinh thái cụ thể, liên quan đến các hoạt động thờ cúng, lễ nghi, vãn cảnh được thực hiện bởi các tín đồ tôn giáo và cả những khách du lịch thông thường.
Dưới góc độ du lịch, du lịch tâm linh là các chương trình du lịch đưa du khách tới những nơi nào đó mà ở đó du khách được thỏa mãn các nhu cầu tâm linh, tinh thần của mình. Do vậy, du lịch tâm linh có thể được hiểu là loại hình du lịch đưa du khách tới những nơi có các cơ sở và điều kiện đặc thù để du khách có cơ hội được chiêm bái và thực hành các nghi thức tôn giáo - tín ngưỡng, giúp họ thỏa mãn các nhu cầu tâm linh - tinh thần của mình.
Trục du lịch văn hóa tâm linh được hiểu là trung tâm chính diễn ra hoạt động du lịch văn hóa tâm linh hay nhiều người gọi bằng tên “con đường du lịch tâm linh”. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng khái niệm “trục du lịch văn hóa tâm linh” để nhấn mạnh tính chất trung tâm, trục chính hay trục tâm linh của một khu vực di sản nơi diễn ra hoạt động du lịch văn hóa, bên cạnh trục chính là các nhánh xương cá để bổ sung, kết nối và hoàn thiện các tuyến du lịch dựa trên trục du lịch văn hóa tâm linh chính. Do vậy, trục du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử là trục trung tâm kết nối với trục du lịch văn hóa tâm linh Yên Tử và các vùng phụ cận. Hiện nay, trục du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử mới bắt đầu được khai thác và cũng có nhiều phương án để kết nối với trung tâm Yên Tử bằng con đường hành hương từ Đông sang Tây theo dấu chân Phật hoàng Trần Nhân Tông. Theo đó, trục du lịch văn hóa tâm linh Đông Yên Tử chính là quần thể danh thắng Trúc Lâm Yên Tử thuộc thị xã Uông Bí và huyện Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh, trục du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử bao gồm hệ thống di sản văn hóa gắn với Tam tổ Trúc Lâm và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang và huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trục du lịch văn hóa tâm linh này vốn đã được định hình trong dân gian từ rất sớm: “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa tới, Thiện tâm chưa đành”.
Yên Tử và Quỳnh Lâm là những ngôi chùa rất nổi tiếng thuộc Quảng Ninh (Đông Yên Tử) và Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa nổi tiếng từ thời Trần thuộc tỉnh Bắc Giang (Tây Yên Tử) - nơi đào tạo rất nhiều tăng đồ, đệ tử của Thiền phái Trúc Lâm.
Để có thể phát triển trục du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử một cách bền vững, trước hết cần nhấn mạnh đến việc xác định các tuyến du lịch văn hóa tâm linh; sự kết nối các tuyến, điểm du lịch tâm linh; chú ý đến mối quan hệ giữa các bên trong phát triển du lịch văn hóa tâm linh theo hướng bền vững (nhà nước - nhà chùa - nhà doanh nghiệp) và (doanh nghiệp - chính quyền - cộng đồng dân cư). Có thể thấy, nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh ngày càng đa dạng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ các hoạt động gắn với tôn giáo mà mở rộng tới các hoạt động, sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yếu tố thiêng khác. Hoạt động du lịch văn hóa tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân. Hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du lịch tâm linh ngày càng được thể hiện ở quy mô, hình thức, tính chất hoạt động của các khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh trên khắp cả nước.
2. Hệ thống di sản văn hóa tâm linh gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Hệ thống di sản văn hóa tâm linh khu vực trung tâm quần thể danh thắng Đông Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh
Khu di tích lịch sử nhà Trần ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh gồm: Thái Miếu (nơi thờ cúng tổ tiên họ Trần, sau trở thành nơi thờ cúng các vị vua đầu triều Trần); đền An Sinh (Phủ đệ của An Sinh Vương Trần Liễu, anh trai Vua Trần Thái Tông, sau trở thành hành cung của các Vua Trần và là nơi thờ cúng các vị vua nửa sau triều Trần); chùa Hồ Thiên (được Đệ nhị Tổ Pháp Loa xây năm 1322 sau được trùng tu nhiều lần).
Khu di tích và danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh gồm:
Chùa Bí Thượng: nơi kết nối thủy bộ, điểm dừng chân đầu tiên của những người tu Đạo, tu Phật trên đường lên dãy núi Yên Tử.
Chùa Suối tắm gắn với sự tích Phật Hoàng Trần Nhân Tông và đệ tử Bảo Sái xuống suối tắm gọt sạch bụi trần trước khi lên Yên Tử tu hành.
Chùa Cầm thực gắn với sự tích Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng đệ tử Bảo Sái sau khi tắm xong định lấy cơm ra ăn mà quên rằng giỏ cơm trước đó đã lấy ra cho người hành khất.
Chùa Lân có từ thời Trần gắn với giấc mơ của Phật Hoàng cưỡi rồng, nơi rồng hiện là nơi các Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ Tam Tổ Huyền Quang thuyết pháp. Thời Lê Trung hưng được cải tạo, mở mang lớn hơn, gắn với tên tuổi của thiền sư Chân Nguyên, người có công lớn nhất trong việc phục hưng Phật giáo Trúc Lâm.
Chùa Giải Oan gắn với sự tích Phật hoàng Trần Nhân Tông lập đàn giải oan cho những cung nữ đi theo can ngăn Phật hoàng đi tu, không được, họ trẫm mình xuống suối tự vẫn.
Tượng An Kỳ Sinh có cột đá giống hình người, được cho là tượng An Kỳ Sinh, nơi tiên ông An Kỳ Sinh đắc đạo và bay về trời.
Chùa Đồng, nơi trước kia có bàn cờ tiên, sau trở thành nền chùa Đồng, được xây thời Lê Trung hưng trước năm 1740.
Am chùa Ngọa Vân, nơi Phật hoàng tìm về tu những năm cuối đời trước khi nhập Niết bàn. Có một tuyến đường hành hương nối di tích này với quê cha đất tổ ở An Sinh, cũng được đánh dấu bằng các cây thông cổ và các điểm dừng chân giữa đường.
Chùa Hoa Yên gồm cả vườn tháp Huệ Quang và Hòn Ngọc, có từ thời Lý, nơi các tổ đời đầu của dòng thiền Yên Tử tu hành, nơi sau này Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các đệ tử cũng tìm đến tu hành. Vườn tháp Huệ Quang và Hòn Ngọc là nơi an nghỉ của các thiền sư Trúc Lâm, trong đó tháp Huệ Quang - tháp chính, lớn nhất là nơi đặt xá lị của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Chùa Một Mái, nơi Phật Hoàng đọc sách, soạn kinh.
Chùa Vân Tiêu bao gồm cả vườn tháp Vọng Tiên Cung, nơi Phật hoàng và các đệ tử ở và tu tập, sáng tác, sau này, thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn vẫn có sư đến tu hành, sau khi mất được xây mộ tháp ở đây.
Chùa Bảo Sái, nơi đệ tử Bảo Sái trụ trì, biên tập kinh văn của Phật hoàng.
Hệ thống di sản văn hóa tâm linh khu vực trung tâm quần thể danh thắng Tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang và Hải Dương.
Hệ thống di sản văn hóa tâm linh khu vực trung tâm quần thể danh thắng Tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang gồm:
Chùa Vĩnh Nghiêm có từ thời Lý, sau được Phật hoàng và các đệ tử sử dụng, mở mang làm nơi giảng kinh. Dưới thời Pháp Loa trở thành trụ sở Phật giáo Trúc Lâm.
Chùa Bổ Đà có từ xa xưa, thời Trần từng là một ngôi chùa lớn của Phật giáo Trúc Lâm. Nhưng chùa được mở mang lớn nhất bởi các nhà sư thuộc thiền phái Lâm Tế Việt Nam TK XVIII, là thí dụ điển hình cho sự giao hòa của Phật giáo Trúc Lâm.
Chùa Hòn Tháp thuộc xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, được xây dựng từ thời Trần TK XIII-XIV. Chùa nằm trong núi, kề khe suối hạ nguồn Vực Rêu, có thác nước, hiện nay đã đổ nát, hư hại. Đây là di tích quan trọng gắn với con đường hành đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tương truyền trên đường đi Yên Tử, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã từng nghỉ chân tại đây.
Chùa Yên Mã thuộc xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, được xây dựng từ thời Trần TK XIII-XIV, hiện nay đã đổ nát, hư hại chỉ còn lại phế tích. Tuy nhiên năm 2019, các chuyên gia Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật khảo cổ học tại đây là phát hiện nhiều lớp văn hóa, nhiều hiện vật cho chứng minh về sự tồn tại của một công trình lớn, một đại danh lam thời Trần tại đây. Đây cũng là ngôi chùa do thiền sư Pháp Loa và các tăng ni tạo dựng - một điểm đến không thể thiếu trên con đường hành đạo của các tín đồ Phật giáo.
Chùa Non, chùa Cao, đền Thượng - Trung - Hạ ở xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, có từ thời Trần, nằm trên núi Khám Lạng, gắn liền với nhiều tích lạ có liên quan đến Phật giáo.
Chùa Bình Long ở xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam, 3 vị trí là núi Huyền Đinh, núi Hòn Chùa và trong Làng. Có nguồn gốc từ thời Lý - Trần, hiện chỉ là phế tích với một số di vật đá, chữ khắc trên vách đá.
Thắng cảnh Suối Mỡ - Hồ Bấc thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam: thắng cảnh suối, thác gắn với hệ thống đền, chùa.
Thắng cảnh Suối Nước Vàng ở xã Lục Sơn, huyện Lục Nam: gắn với chùa Đồng Vàng, nơi sinh sống của dân tộc Dao Thanh Phán.
Chùa Am Vãi ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn được xây dựng từ thời Lý - Trần, hiện cảnh quan di tích đang được đầu tư, tôn tạo.
Khu Đồng Thông thuộc xã Thanh Sơn, huyện Sơn Động: văn hóa dân tộc Dao, khu sinh thái, bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, khai thác hướng đi lên chùa Đồng, Yên Tử.
Khu di tích khảo cổ học đền Cầu Từ, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, khai quật được nhiều gạch, nền móng kiến trúc cổ, niên đại từ TK II- VI.
Hệ thống di sản văn hóa tâm linh khu vực trung tâm quần thể danh thắng Tây Yên Tử thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Đền Kiếp Bạc: phủ đệ và sau trở thành nơi thờ cúng Trần Hưng Đạo - con trai An Sinh Vương Trần Liễu, người thống lĩnh quân đội Đại Việt trong 3 cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên Mông, sau được nhân dân tôn làm Thánh.
Chùa Côn Sơn: có từ thời Đinh, thời Lý (TK X-XII), được xây dựng và mở rộng năm 1304, tiếp tục được Đệ nhị Tổ Pháp Loa mở rộng năm 1329. Sau chùa là nơi trụ trì của Đệ tam Tổ Huyền Quang, người xây Cửu phẩm Liên Hoa và viên tịch tại đây, được xây mộ tháp ở sau chùa năm 1334.
Chùa Thanh Mai: được Đệ nhị Tổ Pháp Loa xây năm 1329 làm nội trụ trì.
Muốn phát triển bền vững trục du lịch văn hóa tâm linh Yên Tử trước hết cần nhìn nhận, xây dựng các con đường, các tuyến du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo Trúc Lâm. Trên cơ sở hệ thống di tích lịch sử văn hóa thuộc trung tâm phía Đông và phía Tây Yên Tử, chúng ta có thể thấy các tuyến du lịch văn hóa tâm linh Trúc Lâm Yên Tử đã tái hiện lại con đường hành pháp và con đường hoằng dương Phật pháp của các sư tăng qua nhiều thế hệ. Do vậy, việc tái hiện lại trục du lịch tâm linh và con đường hành pháp xưa sẽ góp phần quan trọng trong quảng bá văn hóa, bảo tồn di sản liên quan tới Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung.
3. Một số tuyến du lịch văn hóa tâm linh trong trục du lịch văn hóa tâm linh Yên Tử
Tuyến du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử
Tuyến 1: Từ trung tâm Phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm đi cụm di tích chùa Bình Long (Huyền Sơn) - Yên Mã (Bắc Lũng) - Hòn Tháp (Cẩm Lý) - Hang Non (Khám Lạng) - chùa Đồng Vành (Lục Sơn) - Nghè Mẫu - đền Thánh Trần Cao San - Nghè Cả - Nghè Long (Lục Sơn) - chùa Am Vãi (Nam Dương) - Am/ chùa Ngọa Vân - chùa Hồ Thiên - chùa Đông.
Tuyến 2: Từ trung tâm Phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm đi cụm di tích chùa Bình Long (Huyền Sơn) - Yên Mã (Bắc Lũng) - Hòn Tháp (Cẩm Lý) - Hang Non (Khám Lạng) - chùa Đồng Vành (Lục Sơn) - Nghè Mẫu - đền Thánh Trần Cao San - Nghè Cả - Nghè Long (Lục Sơn) - chùa Am Vãi (Nam Dương) thuộc Bắc Giang - di tích/ chùa Côn Sơn - đền Kiếp Bạc - chùa Thanh Mai (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Tuyến du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử sang Đông Yên Tử
Tuyến 1: Trung tâm Phật giáo/ chùa Vĩnh Nghiêm đi đến cụm di tích thứ nhất ở Tây Yên Tử là chùa Bình Long (Huyền Sơn) - Yên Mã (Bắc Lũng) - Hòn Tháp (Cẩm Lý, Bắc Giang) - di tích/ chùa Côn Sơn - đền Kiếp Bạc - chùa Thanh Mai (huyện Chí Linh, Hải Dương) - trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm - đền An Kỳ Sinh (nhà Trần) - chùa/ am Ngọa Vân - chùa Hồ Thiên (thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) - khu vực chùa Hoa Yên, chùa Đồng (tỉnh Quảng Ninh).
Tuyến 2: Từ trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm đi cụm di tích thứ nhất chùa Bình Long - Yên Mã -Hòn Tháp (Lục Nam, Bắc Giang) - chùa Côn Sơn - đền Kiếp Bạc - chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương) - chùa Hồ Bấc - khu đền Trần - khu sinh thái đền Suối Mỡ (Lục Nam, Bắc Giang).
Tuyến 3: Từ trung tâm chùa Vĩnh Nghiêm đi chùa Bình Long - Yên Mã - Hòn Tháp (Bắc Giang) - chùa Côn Sơn - đền Kiếp Bạc - chùa Thanh Mai - Ngũ Đài Sơn (Hải Dương) - trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm - đền An Kỳ Sinh - chùa/ am Ngọa Vân - Hồ Thiên - cụm di tích chùa Đồng Vành, Am Vãi, đền Trần (Lục Sơn - Lục Nam - Bắc Giang) - chùa Đồng - chùa Bảo Sái - chùa Một Mái - chùa Tiên - chùa Hoa Yên - chùa Giải Oan (Quảng Ninh).
Tuyến 4: Từ trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm - đến hết toàn bộ di tích Tây Yên Tử - sang Đông Yên Tử: chùa Đồng - chùa Hoa Yên - chùa Giải Oan - quay về chùa Quỳnh Lâm - đền An Kỳ Sinh - am Ngọa Vân - chùa Hồ Thiên - sau đó về chùa Côn Sơn - đền Kiếp Bạc - chùa Thanh Mai.
Tuyến 5: Từ trung tâm chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) - chùa Côn Sơn - đền Kiếp Bạc - chùa Thanh Mai (Hải Dương) - đến chùa Quỳnh Lâm - đền An Kỳ Sinh - am Ngọa Vân - chùa Hồ Thiên - lên chùa Hoa Yên - chùa Đồng - xuống chùa Đồng Vành - đền Trần - chùa Am Vãi - trở về Suối Mỡ - chùa Hồ Bấc - kết thúc ở Bình Long, Hòn Tháp, Yên Mã.
Kết luận
Dựa trên cơ sở là hệ thống di sản văn hóa tâm linh gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, chúng tôi bước đầu phác họa một số tuyến trên trục tâm linh từ Tây Yên Tử sang Đông Yên Tử để có thể góp phần trong nhận thức về trục văn hóa tâm linh Yên Tử cũng như gợi ý về con đường hành hương về chốn Phật.
Tuy nhiên, để có được các tuyến/ điểm du lịch đó trong tương lai, cần rất nhiều yếu tố, điều kiện và điều đó chắc chắn chưa thể trở thành hiện thực, nếu không có một lộ trình kiến trúc trong một thời gian liên hoàn, hữu cơ, đồng bộ và gắn bó giữa các cơ quan, các cấp, ngành cùng chung tay, chung sức và đồng thuận về nhận thức được đầy đủ giá trị văn hóa của Trúc Lâm.
Muốn phát triển bền vững, điều đầu tiên chính là vấn đề bảo vệ môi trường sinh cảnh của Yên Tử sơn nói chung và môi trường ở tại các điểm du lịch của Trúc Lâm cũng như những di tích phụ cận khác thuộc thời Lý - Trần - Lê ở cả Đông Yên Tử và Tây Yên Tử. Thứ nữa là cần khảo sát, nghiên cứu các giá trị vật thể và phi vật thể của các di tích Trúc Lâm ở toàn bộ dãy núi Yên Tử, đặc biệt là di tích Trúc Lâm thuộc vùng Tây/ Tây Bắc Yên Tử, những di tích này thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang. Từng bước xây dựng/ phục hồi di tích ở cả ba cụm di tích nằm ở sườn Tây/ Tây Bắc Yên Tử. Hoàn thiện các tuyến đường giao thông giữa trung tâm Vĩnh Nghiêm đi đến các cụm di tích Trúc Lâm nằm trên địa bàn của 3 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, và Hải Dương bên cạnh tuyến cáp treo Tây Yên Tử đã được vận hành, nhằm nối liên hoàn các đường giao thông - du lịch giữa các trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với các cụm di tích Trúc Lâm dãy Tây Yên Tử.
______________
1. Hà Phương, Vai trò của du lịch trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, tapchicongsan.org.vn.
2. Ngọc Phương, Sức hút từ không gian văn hóa tâm linh, daibieunhandan.vn, 23-11-2022.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Lê Bảo, Không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử, in trong Kỷ yếu thội thảo Không gian Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2023, tr.14-28.
2. Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang và Thiền phái Trúc Lâm trong quá trình phát triển Phật giáo Việt Nam, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2011.
3. Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vanban.chinhphu.vn.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 3-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 7-1-2025; Ngày duyệt đăng: 8-1-2025.
NGUYỄN THỊ THU HẰNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025