Chiến khu Việt Bắc còn được gọi là Khu giải phóng Việt Bắc, gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, hiện tồn tại hàng nghìn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, được đánh giá là khu vực có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn nổi trội gắn liền với các đặc trưng di sản văn hóa của vùng. Với hệ thống di sản này cần có sự xác định, đánh giá từ góc nhìn du lịch để hình thành những nguồn tài nguyên du lịch văn hóa độc đáo, đem lại giá trị cao phục vụ cho ngành kinh tế du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong toàn vùng.
Học sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử tại lán Nà Nưa thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) - Ảnh: tapchicongsan.org.vn
1. Nhận diện tài nguyên du lịch văn hóa vùng Chiến khu Việt Bắc
Chiến khu Việt Bắc có tổng diện tích khoảng 40.000km2, dân số hơn 1 triệu người, với hơn 20 dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao, Sán Dìu, Lô Lô… đang tồn tại nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Đặc biệt, vùng có một hệ thống những di tích thời kỳ cận hiện đại, di tích cách mạng, kháng chiến (gắn với giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1941-1954), có nhiều giá trị mang tính lịch sử, văn hóa, giáo dục và tâm linh như: khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước; khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, nơi ghi dấu sự thành lập và hoạt động của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; di tích đồn Phai Khắt - Nà Ngần, nơi diễn ra 2 trận đấu đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân sau khi được thành lập; khu di tích lịch sử Chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch đầu tiên và cũng là duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ huy quân và dân ta đánh giặc; khu di tích anh hùng liệt sĩ Kim Đồng… của tỉnh Cao Bằng; khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành, nơi ghi dấu những sự kiện trọng đại của đất nước trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; khu di tích lịch sử cách mạng Lào (Làng Ngòi - Đá Bàn); khu di tích ATK Kim Quan… của tỉnh Tuyên Quang; khu ATK Chợ Đồn, di tích Nà Tu, di tích Đồn Phủ Thông, di tích chiến thắng Đèo Giàng… của tỉnh Bắc Cạn; khu di tích ATK Định Hóa, Thái Nguyên…
Đây còn là môi trường sinh thái nhân văn của các dân tộc thiểu số do con người tạo nên trên những địa bàn cư trú của mình cùng hệ thống các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong thích ứng, tương tác với môi trường tự nhiên (núi cao, đồi thấp, thung lũng, rừng rậm…) mang đậm sắc thái tộc người. Những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống chính là mạch nguồn tạo nên bản sắc độc đáo, có sức cuốn hút đặc biệt đối với du khách khi đến với vùng đất này.
Kho tàng văn hóa tộc người phong phú, đa dạng và độc đáo đủ để tạo một hệ thống tài nguyên du lịch đặc trưng khiến Việt Bắc trở thành một vùng có tiềm năng kinh tế. Các cộng đồng cư dân cư trú trên địa bàn đã tạo nên một nền văn hóa truyền thống với hệ thống các giá trị văn hóa trong đời sống tộc người, tiêu biểu là các công trình kiến trúc, trang phục, ẩm thực, nghề thủ công, phương tiện đi lại, vận chuyển, công cụ sản xuất, nhạc khí, lễ hội, chợ phiên, phong tập tập quán, nghi thức, văn học, nghệ thuật dân gian… và các di tích lịch sử văn hóa khác trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng.
Công trình kiến trúc bao gồm hệ thống các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng (đình, đền, chùa), các công trình kiến trúc dân dụng; các di tích/ di chỉ khảo cổ... Ở mỗi tộc người, các giá trị kiến trúc đó biểu hiện rất sinh động, gắn bó mật thiết với môi trường sinh thái nhân văn, hài hòa trong nếp sống tộc người… tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Trang phục cổ truyền các dân tộc là một kho tàng phong phú về nghệ thuật tạo dáng, trang trí, về chủng loại, thể hiện sự tài hoa, óc thẩm mỹ và góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa tộc người, tạo nên nét hấp dẫn cho điểm đến du lịch.
Văn hóa ẩm thực phản ánh nghệ thuật ăn uống trong mối quan hệ ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Những món ăn, đồ uống nổi tiếng của vùng như: thắng cố, thịt trâu khô, thịt lợn chua, hun khói, vịt quay, khâu nhục, cá chép ruộng, xôi ngũ sắc, rượu ngô; những đặc sản như: mật ong, măng khô, hạt dẻ, nấm hương, mộc nhĩ, trà shan tuyết, cam, lê, mận… làm nên sức cuốn hút lớn trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, phương tiện đi lại, vận chuyển bằng thuyền, bè, gùi… trên các vùng núi, vùng hồ giúp cho môi trường hoạt động du lịch thêm hấp dẫn.
Mỗi tộc người nơi đây còn lưu giữ một kho tàng văn hóa phi vật thể đa dạng. Đó là hệ thống triết lý về vũ trụ và nhân sinh, thể hiện sinh động quan niệm của mỗi tộc người đối với thế giới muôn loài, vạn vật…; là các lễ hội, lễ nghi thờ cúng tổ tiên, cầu an, cầu mùa giàu giá trị lịch sử; các trò chơi dân gian, các loại hình dân ca, dân vũ (những màn hát đối, hát giao duyên, dân ca cổ, điệu múa đặc trưng của từng tộc người: những làn điệu then, sli, lượn... cùng tiếng đàn tính, khèn lá…) mang âm hưởng núi rừng; là kho tàng văn học truyền miệng (truyền thuyết, thần thoại, ngụ ngôn…).
Ngoài ra, những tri thức dân gian như kinh nghiệm đánh bắt, những bài thuốc gia truyền chữa bệnh… cũng là những giá trị văn hóa tinh thần quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của vùng đất này, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt.
Khu vực này còn có tài nguyên gắn với biên giới như Thanh Thủy (Hà Giang), Tà Lùng (Cao Bằng), Hữu Nghị (Lạng Sơn) tạo điều kiện phát triển du lịch biên giới, thương mại cửa khẩu, trong đó đặc biệt là điểm cực Bắc Lũng Cú (Hà Giang).
Với một hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, độc đáo, hấp dẫn đã tạo cho Chiến khu Việt Bắc điều kiện và môi trường để du lịch phát sinh và phát triển. Giá trị của những cảnh quan: rừng, núi, sông, hồ, suối, thác; của di sản văn hóa: di tích lịch sử, cách mạng, công trình kiến trúc nghệ thuật, dân dụng, các hình thức sinh hoạt văn nghệ, các tập quán, lễ hội, ngành nghề truyền thống… là những đối tượng cho du khách khám phá, thưởng thức, cho du lịch khai thác, sử dụng. Những tài nguyên này không chỉ tạo ra môi trường và điều kiện cho du lịch phát sinh và phát triển mà còn quyết định quy mô, thể loại, chất lượng và hiệu quả của hoạt động du lịch địa phương/ vùng. Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch Việt Bắc cùng với du lịch Tây Bắc tạo nên diện mạo du lịch vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc Bộ. 6 tỉnh Chiến khu Việt Bắc đã xác định một trong những hướng đi quan trọng để phát triển du lịch là khai thác tiềm năng từ các giá trị di sản văn hóa, lịch sử; xác định phát triển các loại hình du lịch chính, thể hiện lợi thế tài nguyên du lịch của tỉnh là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử về nguồn và du lịch cửa khẩu.
2. Xác định giá trị du lịch của hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa vùng Chiến khu Việt Bắc
Du lịch là một trong những ngành có định hướng tài nguyên rõ rệt. Tài nguyên du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành các khu/ điểm/ vùng du lịch và hiệu quả kinh tế của hoạt động dịch vụ. Việc xác định giá trị của tài nguyên du lịch giúp đưa vào khai thác các loại hình du lịch khác nhau. Giá trị tài nguyên nằm ở thuộc tính, tính chất của tài nguyên, có thể mang đến công dụng, giá trị sử dụng cho du lịch. Một tài nguyên du lịch có thể có nhiều giá trị sử dụng. Có thể phát huy và hình thành nhiều loại hình du lịch hoặc nhiều trải nghiệm du lịch. Việc đánh giá các giá trị này, sự đa dạng của việc phát huy các giá trị là một tiêu chí quan trọng để đánh giá tài nguyên du lịch.
Tài nguyên du lịch có thể là rất nhiều, nhưng điều quan trọng là phải tìm ra được “chất riêng” của mỗi tài nguyên, mỗi địa phương, vùng để tạo nên hệ thống sản phẩm đặc trưng, riêng biệt. Qua phân tích đánh giá các giá trị tài nguyên, lựa chọn những giá trị đặc trưng nhất để tạo điểm đến, xây dựng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch tương ứng. Tập trung ưu tiên đầu tư vào nhóm các yếu tố giá trị điển hình tạo nên tính riêng biệt chỉ có tại địa phương, cộng đồng cư dân nơi đó. Các sản phẩm dịch vụ khác như khách sạn, nhà hàng, tính đặc trưng thường bộc lộ qua kiến trúc, cách bài trí khi xây dựng nên khó định vị.
Mỗi một tài nguyên du lịch sẽ đáp ứng với các nhu cầu khác nhau và tạo nên những loại hình, sản phẩm du lịch khác nhau. Ví như các di tích gắn với các sự kiện lịch sử giúp cho việc tái hiện, nhắc nhở quá khứ, giáo dục sự trân trọng truyền thống lịch sử địa phương, dân tộc đã hình thành loại hình du lịch lịch sử; các danh lam thắng cảnh, lễ hội, làng nghề, ẩm thực giúp cho việc nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa, thư giãn tinh thần nên hình thành loại hình du lịch văn hóa; văn hóa của các cộng đồng tộc người hình thành nên loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, nhân văn…
Tài nguyên du lịch chia làm 2 nhóm: tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Tài nguyên thiên nhiên gồm địa hình, khí hậu, nguồn nước, thực, động vật; tài nguyên nhân văn gồm các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội; các đối tượng gắn với dân tộc học; các đối tượng văn hóa, thể thao và gắn với các hoạt động nhận thức khác.
Thông thường, tìm ra được những yếu tố đặc trưng, riêng biệt của mỗi tài nguyên, mỗi địa phương, trước hết cần dựa vào các thành tố văn hóa: di sản văn hóa, sự kiện, hệ thống dịch vụ, văn hóa và cư dân.
Nếu như con người lựa chọn đi du lịch tới những điểm tài nguyên du lịch tự nhiên thông thường đều vì động cơ hưởng thụ. Nhưng khi đi du lịch tới những điểm du lịch nhân văn thì thường vì động cơ nhận thức. Đây là đặc tính phân biệt giữa tài nguyên du lịch nhân văn và tài nguyên du lịch tự nhiên. Ở đâu có nguồn tài nguyên du lịch càng phong phú, đa dạng, thì ở đó tiềm năng phát triển du lịch càng lớn. Tuy nhiên trong thực tế, bên cạnh yếu tố phong phú đa dạng, thì tính độc đáo, đặc sắc của nguồn tài nguyên cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho thành công của hoạt động du lịch. Điều đó giải thích tại sao có nơi chỉ có một điểm tài nguyên, nhưng lại là nguồn thu hút khách du lịch chủ yếu của cả lãnh thổ hay quốc gia. Vì vậy, việc quan tâm bảo vệ những giá trị đặc sắc của tài nguyên, đặc biệt là những giá trị đặc hữu của tài nguyên tự nhiên; tính nguyên gốc, đơn nhất, bản sắc dân tộc đậm đà của các tài nguyên du lịch văn hóa sẽ là yếu tố quan trọng để duy trì sự phát triển bền vững của du lịch. Kinh nghiệm cho thấy kinh doanh du lịch không chỉ kinh doanh khách sạn, nhà hàng, nền tảng bền vững của phát triển du lịch là phải dựa vào những giá trị hấp dẫn rất riêng của mỗi địa phương, vùng, khu vực và quốc gia. Những giá trị đó là động cơ đầu tiên thúc đẩy khách du lịch đến những điểm du lịch.
Có nhiều yếu tố để đánh giá tài nguyên du lịch như độ hấp dẫn, sức chứa, thời gian khai thác, mức độ bảo tồn, vị trí và khả năng tiếp cận, phạm vi ảnh hưởng, vật chất, kỹ thuật du lịch, hiệu quả khai thác, khả năng đầu tư… căn cứ vào mục đích, yêu cầu cũng như điều kiện cụ thể của từng đối tượng để lựa chọn các yếu tố đánh giá thích hợp.
Việc đánh giá theo các tiêu chí để xác định chất lượng tài nguyên và sản phẩm, loại hình du lịch phù hợp là vấn đề rất quan trọng. Chất lượng tài nguyên du lịch thường phản ánh qua các giá trị mà tài nguyên đó chứa đựng, có ý nghĩa lớn trong việc tạo nên những điểm du lịch, nói cách khác các loại tài nguyên/ giá trị chỉ phát huy tác dụng hấp dẫn khách du lịch khi đạt chất lượng cao.
Không phải tất cả các tiềm năng đều có giá trị du lịch và không phải tiềm năng du lịch nào chúng ta cũng đầu tư khai thác. Khai thác thiếu trọng điểm sẽ không mang lại hiệu quả cho các hoạt động về sau và khó tạo được sức hút, ấn tượng đối với khách du lịch. Tuy nhiên, vùng nào mức độ kết hợp tài nguyên càng phong phú thì sức thu hút khách du lịch càng mạnh bởi khả năng đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách.
Đối với tài nguyên du lịch nhân văn, việc đánh giá cũng theo những quy trình tương tự và cũng phải dựa trên kết quả khảo sát thực tế rất chi tiết. Tuy nhiên, việc đánh giá các tài nguyên du lịch nhân văn có khó khăn hơn, bởi các giá trị của tài nguyên du lịch nhân văn bao gồm 2 phần cơ bản: những giá trị định lượng cụ thể như giá trị kiến trúc, giá trị trang trí nội thất, giá trị các vật liệu xây dựng, di vật, hiện vật…; giá trị định tính như giá trị lịch sử, nghệ thuật, khoa học, giá trị văn hóa tinh thần, giá trị tư tưởng… Những giá trị này rất trừu tượng và khó xác định. Khó khăn hơn nữa là những giá trị này lại được nhìn nhận tùy thuộc vào đối tượng khách. Điều này càng khó khăn hơn khi đánh giá các giá trị tài nguyên nhân văn phi vật thể.
Các tiêu chí thể hiện số lượng và tính hấp dẫn của tài nguyên nhân văn cơ bản được thể hiện: sự phong phú/ đa dạng của các di sản văn hóa; mật độ di sản phản ánh số lượng các loại trên một đơn vị diện tích. Nhìn chung mật độ di sản văn hóa của khu vực càng cao thì càng có điều kiện phát triển du lịch. Tuy nhiên, chất lượng của các di sản văn hóa phải đảm bảo (có giá trị, mức độ bảo tồn cao) thì khả năng khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch; các di sản văn hóa phải đảm bảo tính tập trung, việc phân bố càng tập trung thì giá trị của chúng đối với du lịch sẽ lớn hơn, tạo được chuỗi liên hoàn, phong phú về điểm tham quan; số di sản được xếp hạng là chỉ tiêu quan trọng thể hiện chất lượng của tài nguyên. Nó có giá trị hơn so với chỉ tiêu số lượng. Việc tổ chức và phát triển du lịch trong chừng mực rất lớn phụ thuộc vào mặt chất lượng của di sản; số di sản văn hóa đặc biệt quan trọng, độc đáo, cá biệt và có giá trị vượt trội cho phát triển du lịch ở nơi mà chúng tồn tại; khả năng khai thác đa dạng, phạm vi ảnh hưởng rộng, tiếp cận tốt.
Các địa phương Chiến khu Việt Bắc nhìn chung có tiềm năng du lịch rất phong phú, có sức hấp dẫn lớn với du khách trong và ngoài nước, có khả năng đáp ứng nhu cầu của nhiều loại hình du lịch với các đối tượng khác nhau, khả năng tiếp nhận số lượng khách du lịch lớn. Các tài nguyên du lịch cơ bản được biểu hiện ở hệ thống các di sản văn hóa: di tích, kết cấu thôn bản, làng nghề, ẩm thực, lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, múa dân gian, trò chơi, trò diễn dân gian… Mặc dù các tài nguyên của vùng là đa dạng và phần nào có tính tương đồng do có sự gắn kết về mặt lãnh thổ, nhưng để tạo ra được những sản phẩm mang tính đặc trưng phải xác định được những dạng tài nguyên du lịch mang tính điển hình của mỗi địa phương giúp tìm sự khác biệt, không trùng lặp, đảm bảo “sự riêng biệt trong mối liên kết” của các địa phương vùng Chiến khu Việt Bắc.
Tài nguyên du lịch văn hóa nói chung gồm các thành tố cần được nghiên cứu, khai thác: Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được công nhận; Các công trình kiến trúc có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng; Các lễ hội truyền thống; Các làng cổ, làng nghề truyền thống; Các yếu tố văn hóa, nghệ thuật truyền thống của cộng đồng các dân tộc; Các di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ có giá trị; Hệ thống các công trình lao động sáng tạo của con người có giá trị phục vụ du lịch (bảo tàng, khu nghỉ dưỡng, vui chơi…).
Có thể phân thành các nhóm tài nguyên du lịch văn hóa điển hình:
Tài nguyên du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật: Gắn với di tích lịch sử như di tích lưu niệm danh nhân, sự kiện lịch sử, ghi dấu tội ác chiến tranh; Gắn với các di tích kiến trúc nghệ thuật như di tích tôn giáo tín ngưỡng, di tích kiến trúc quân sự, di tích kiến trúc dân sự; Gắn với di tích khảo cổ như di chỉ cư trú, di chỉ mộ táng, di chỉ hỗn hợp cư trú - mộ táng.
Tài nguyên du lịch văn hóa gắn với giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác: Gắn với tập quán sinh hoạt như nhà ở, trang phục, ẩm thực, các giá trị đời sống; Gắn với tập quán sản xuất như công cụ, phương thức sản xuất, làng nghề; Gắn với sinh hoạt tín ngưỡng như sinh hoạt tín ngưỡng theo vòng đời, sinh hoạt tín ngưỡng theo tôn giáo, sinh hoạt tín ngưỡng theo quan niệm sống; Gắn với văn học, nghệ thuật điêu khắc, hội họa, biểu diễn.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá, có thể xác định giá trị du lịch của các tài nguyên du lịch văn hóa của vùng Chiến khu Việt Bắc như sau (xem bảng trang 66).
Việc xác định những giá trị nổi bật là cơ sở để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng bởi loại hình sản phẩm này được phát triển dựa trên tính độc đáo/ duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/ điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu/ mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo. Như vậy, trước hết sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương trong vùng cần được định hướng phát triển dựa trên những lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch ở địa phương này so với những địa phương khác.
Đối với phát triển loại hình và sản phẩm du lịch vùng Việt Bắc, từ đặc điểm nổi trội của nguồn tài nguyên văn hóa, loại hình du lịch văn hóa, sinh thái nhân văn sẽ giữ vị trí quan trọng. Trong đó, có du lịch tham quan nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá lối sống vùng cao; du lịch văn hóa lễ hội, sự kiện lịch sử; du lịch về nguồn, giáo dục và tri ân; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh…; cùng với đó, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái để đa dạng hóa sản phẩm du lịch của vùng và góp phần nâng cao giá trị du lịch văn hóa lịch sử, phát triển du lịch thương mại, công vụ, du lịch biên giới… (1).
_____________________
1. Kết quả nghiên cứu của Đề tài KH&CN cấp Nhà nước ĐTĐL.CN- 129/21 “Liên kết phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc”.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Thanh Thủy, Mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, số 29, 2019.
2. Bùi Thanh Thủy, Xác định giải pháp truyền thông hiệu quả cho du lịch tỉnh Tuyên Quang (trong tập kỷ yếu), Nxb Đại học Thái Nguyên, 2021.
3. Nguyễn Quốc Hưng, Du lịch hoài niệm Việt Bắc - Tây Bắc, Nxb Quân đội nhân dân, 2009.
4. Kỷ yếu Hội thảo Liên kết phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc, 2-8-2022.
TS NGUYỄN QUỐC HƯNG - PGS, TS BÙI THANH THỦY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024