Long Phú tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Năm 2023 và quý I năm 2024, ngành Văn hóa – Thông tin huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân hiểu rõ về hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, nhất là trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ra mắt mô hình “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt”

 

Ngày 7/1/2022, Huyện ủy Long Phú đã ban hành Chương trình số 12-CTr/HU về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện. Trong năm, ngành Văn hóa và Thông tin địa phương đã tham mưu cho UBND huyện ban hành 11 Quyết định; 16 Kế hoạch; 60 Công văn; 11 báo cáo về các hoạt động thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Thông tin - Truyền thông, Chuyển đổi số, Gia đình và Du lịch. Đồng thời, tham mưu thành lập 61 Tổ Công nghệ số cộng đồng của các ấp, với 427 thành viên tham gia và 307 nhóm Zalo tại các Khu dân cư, với 4.664 thành viên; Xây dựng một mô hình thí điểm “Đoạn đường thanh toán không dùng tiền mặt” tại thị trấn Long Phú; 2 Trung tâm chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ văn bản trao đổi với các cơ quan hành chính Nhà nước dưới dạng điện tử có sử dụng ký số đạt tương ứng đối với cấp huyện là 98%, đối với cấp xã 77,4%, so với chỉ tiêu Nghị quyết là 80% đối với cấp huyện và 60% đối với cấp xã.

Ông Hồ Quốc Hùng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Long Phú, thông tin: “Ngành phối hợp tuyên truyền trên 900 cuộc, có gần 54.000 lượt người dự; kết hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Truyền thanh, tuyên truyền  trực quan 13 pano; 15 băng rôn; 15 lượt xe phóng thanh tuyên truyền lưu động, với chiều dài khoảng 1.200km; xây dựng các chuyên mục về chuyển đổi số phát trên hệ thống truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn 2 buổi/ngày, với thời lượng từ 5 đến 10 phút, viết tin, bài đăng trên Cổng thông tin của tỉnh và huyện. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền thông qua môi trường số, mạng xã hội, nhóm Zalo, Facebook, mục đích là chuyển dần từ cách làm truyền thống sang cách làm trên môi trường số; vận động hướng dẫn người dân thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR tại các cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại địa phương; hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công và thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nhất là công tác tuyên truyền vận động người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên địa bàn huyện. Hạ tầng cáp quang đến hộ gia đình đạt 100%; dịch vụ mạng di động 4G, 5G được bao phủ trên toàn địa bàn. Số người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử chiếm khoảng 50% trên tổng số dân. Đầu tư kinh phí 728 triệu đồng trang bị hệ thống mạng nội bộ, hệ thống loa truyền thanh thông minh và các cụm loa không dây đã được phủ sóng trên toàn địa bàn”.

Quang cảnh hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 07 NQ/TU của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số

 

Trong thời gian tới, ngành Văn hóa – Thông tin huyện Long Phú tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 07-NQ/TU. Tranh thủ tham mưu đầu tư kinh phí cho hoạt động chuyển đổi số, cũng như đầu tư mua sắm các trang thiết bị máy tính phục vụ công việc tại các cơ quan, đơn vị; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, thực hiện kết nối đồng bộ, liên thông cơ sở dữ liệu từ huyện đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, đô thị thông minh. Đẩy mạnh triển khai các dịch vụ về kinh tế số; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực của địa phương, nhất là sản phẩm OCOP, khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho các chủ thể phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, làng nghề ở những nơi có điều kiện. Phát huy vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu dân cư; góp phần làm cho công tác chuyển đổi số của huyện đạt chất lượng và hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác điều hành, lãnh, chỉ đạo của lãnh đạo huyện trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

Đặc biệt là lĩnh vực Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, các nhiệm vụ chính trị của huyện, quảng bá các địa điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao thông qua chuyển đổi số như: YouTube; trang Facebook: Long Phú ngày mới của huyện; Cổng thông tin điện tử; Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu dân cư, …nhất là tuyên truyền, quảng bá, khai thác các ứng dụng như: Thư viện thông minh, App Bảo tàng thông minh; Sóc Trăng Trade,… có hiệu quả và tạo sức lan tỏa trong cán bộ và nhân dân trong huyện.

 

SÓC CA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 573, tháng 6-2024

;