Long Phú xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Những năm qua, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chú trọng đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở đảm bảo thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Lớp tập huấn Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho cán bộ phụ trách văn hóa cơ sở
 

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã xác định mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quán triệt tinh thần đó, huyện Long Phú đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy vai trò của trưởng ấp, tổ dân phố, khu dân cư trong việc tích cực tuyên truyền, phổ biến các nội dung thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chủ động vận động nhân dân giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa của các dân tộc; hăng hái tham gia đăng ký, phấn đấu đạt các danh hiệu văn hóa như: Khu dân cư văn hóa, Ấp văn hóa, Gia đình văn hóa. Huyện quan tâm chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch đất, tận dụng mọi nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh, huy động mọi nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở (Trung tâm Văn hóa xã, Nhà văn hóa ấp, liên ấp, khu vui chơi thể thao,…) nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Ông Hồ Quốc Hùng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Long Phú cho biết: “Thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong việc thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đây là nơi để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian qua, huyện tận dụng nguồn kinh phí từ xã hội hóa và nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của trung ương để xây dựng, tu sửa, nâng cấp các Nhà văn hóa xã, ấp. Các xã, thị trấn thực hiện công tác xã hội hóa từ các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, huy động nhân dân góp công, góp đất để xây dựng và hoàn thiện Nhà văn hóa ấp, liên ấp, Nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn theo quy định”. Đến nay, toàn huyện Long Phú có 4 Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được công nhận; 4 Bia lưu niệm; có 10/11 Nhà văn hóa xã, thị trấn; 52 Nhà văn hóa ấp, liên ấp... trong đó có 29 Nhà văn hóa ấp đạt chuẩn; 3 sân bóng đá mi ni; 2 sân luyện tập thể thao ngoài trời; 3 bể bơi nhân tạo, 15 sân bóng chuyền, 20 sân bi sắt; 10 sân cầu lông và các khu thể thao giải trí vui chơi khác, … Các thiết chế văn hóa cơ sở đang từng bước phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo động lực để người dân phát huy tính sáng tạo, cần cù lao động phát triển kinh tế gia đình”.

Chị Nguyễn Thị Bé Năm, cán bộ phụ trách văn hóa xã Hậu Thạnh chia sẻ: “Hiện nay, xã có 5 Nhà văn hóa, trong đó có 4 Nhà văn hóa ấp, 1 Nhà văn hóa xã. Từ khi có Nhà văn hóa ấp và được đầu tư các trang thiết bị như: bàn, ghế, quạt, âm thanh, loa thùng… bà con trong xã, ấp rất phấn khởi, đến dự sinh hoạt, hội họp rất đầy đủ, nhất là các câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ Đờn ca tài tử, câu lạc bộ cờ tướng, câu lạc bộ bóng chuyền, … có nơi để sinh hoạt. Vào mỗi dịp lễ hội, các đội văn nghệ của ấp yên tâm múa hát phục vụ bà con mà không lo trời mưa, trời nắng. Một số Nhà văn hóa ấp còn được tận dụng làm lớp học cho các cháu học sinh (học tiếng Anh, năng khiếu múa, lớp học hè, hoặc lớp học xóa mù chữ, …”.  Hằng năm, huyện quan tâm, chú trọng mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, những người làm công tác truyền thông, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức thường xuyên các hoạt động vui chơi, giao lưu văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của nhân dân. Qua đó, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc: phát hiện những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu để đào tạo phát triển phong trào văn hóa văn nghệ cho địa phương. Huyện còn thường xuyên đổi mới công tác thông tin tuyên truyền văn hóa, thông qua trang bị hệ thống loa truyền thanh các xã, thị trấn; xe tuyên truyền lưu động đến tận các ấp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt, xây dựng và tổ chức hoạt động của các đội văn nghệ ấp, nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ thể thao ở cơ sở phát triển. Toàn huyện hiện có 11 đội văn nghệ xã, thị trấn; 61 đội văn nghệ quần chúng ấp, khu phố; 11 câu lạc bộ đờn ca tài tử hoạt động thường xuyên. Việc xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở huyện Long Phú cũng còn gặp không ít khó khăn như: các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn thiếu, một số Nhà văn hóa ấp đã xuống cấp nhưng chưa có kinh phí tu sửa, nâng cấp, một số xã chưa có quỹ đất để xây dựng Nhà văn hóa ấp, kinh phí dành cho tổ chức hoạt động của Nhà văn hóa ấp, nhà sinh hoạt cộng đồng chưa đáp ứng được nhu cầu, thậm chí không có, đặc biệt là đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở còn hạn chế về trình độ, chuyên môn, đa số là kiêm nhiệm, chưa có nhiều đổi mới nội dung trong các hoạt động văn hóa, giao lưu văn nghệ.

Hy vọng, thời gian tới, huyện Long Phú sẽ có những giải pháp, chiến lược cụ thể, thiết thực và hiệu quả để xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở một cách đồng bộ nhằm phát huy tác dụng tối đa của các thiết chế văn hóa trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bãi tập thể dục ngoài trời, ấp Tư thị trấn Long Phú
 

 

SÓC CA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024

;