Mùa Xuân ở những Xã Nông thôn mới nâng cao

Đến thăm một số Xã Nông thôn mới nâng cao (NTMNC) của huyện Diễn Châu (Nghệ An), thời gian này chúng tôi cảm nhận ngoài sắc xuân của sắc trời, còn có một mùa xuân mới ấm no, trù phú đang hiện hữu.

Bộ mặt làng quên xã nông thôn mới nâng cao, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An
 

Là một vùng quê thuần nông đang “thay da đổi thịt”, xã Diễn Cát bây giờ không còn phải "Cười trâu đi lấy lửa” mỗi khi bão lũ xảy ra. Hơn 30 km, đường trục xã, trục xóm và đường nội đồng được trải nhựa hoặc bê tông hóa cao rộng. Xe ô tô đi đến tận 8 xóm. Bằng nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính trị, Diễn Cát đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi. Sau 7 năm xây dựng NTM, xã đã hoàn thành tốt các tiêu chí về xã NTM lẫn văn hóa. Chủ tịch MMTQ xã Diễn Cát, Trần Bá Trân cho biết: Kinh phí đầu tư xây dựng NTM toàn xã lên tới 260 tỷ đồng, trọng đó người dân đóng góp 147 tỷ đồng từ nguồn lực trong dân, sự đồng tình lớn của người dân chính là một trong nhưng yêu tố quan trọng nhất để Diễn Cát về đích sớm NTM”.

Ở Diễn Cát bà còn nhắc nhiều đến hai hội viên người cao tuổi Vương Đình Cừ ở xóm 3 và ông Cao Đăng Giáp ở xóm 5. Ngoài việc hoàn thành nghĩa vụ đóng góp của gia đình mình, cụ Vương Đình Cừ ủng hộ 20 triệu đồng, còn ông Giáp đã vận động con cháu ủng hộ 200 triệu đồng để làm đường giao thông. Có con đường qua xã khang trang, xanh sạch, xe qua lại tấp nập khiến nhiều lúc ông Cừ và nhiều người dân không nghĩ đó là sự thật. “Đã ngoài 90 tuổi, tôi không nghĩ ở xã có con đường rộng rãi và chắc chắn như vậy đâu. Con cháu đi học thuận tiện, người dân đi lại sản xuất cũng dễ dàng hơn nên gia đình tôi sẵn sàng đóng góp, ủng hộ tiền của”, ông Cừ cho biết.

Hôm đến Diễn Lâm, xã miền núi duy nhất của huyện đang gấp rút hoàn thành những chỉ tiêu cuối cùng về xây dựng NTM, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyên tưởng chừng như bình thường, nhỏ bé nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao trong công tác dân vận, trong việc đi tìm sự đồng lòng đồng thuận của bà con lương giáo nơi khi đây. Bí thư Đảng ủy xã Diễn Lâm Nguyễn Anh Nga cho biết: xã có hơn 14.000 nhân khẩu, sinh hoạt ở 11 xóm. Ngoài 2.200 ha đồi núi thấp, xã còn có hơn 500 ha trấn đất nông nghiệp. Khi được chọn là xã điểm xây dựng NTM của 7 xã vùng đổi giai đoạn 2011 –2022, Diễn Lâm chỉ mới đạt 8/19 tiêu chí. Từ lợi thế của một xã có trục quốc lộ 48 chạy qua thông thương sang nước bạn Lào, xã đầu tư nâng cấp chợ Tảo thành chợ nông thôn loại 2, xây dựng trung tâm thương mại rộng 3 ha, thu hút hơn 200 hộ vào kinh doanh. Đầu tư mở rộng khu kinh tế mới Đồng Nông, đưa 60 hộ dân vào định cư. Xã còn kêu gọi thu hút 2 dự án trọng điểm, quy mô lớn là khu du lịch sinh thái “Mường Thanh - Diễn Lâm, do Tập đoàn Mường Thanh đầu tư, với số vốn 2.700 tỷ đồng. Dự án nhà máy may công nghiệp do công ty TNHH Phú Linh đầu tư với tổng kinh phí 50 tỷ đồng. Cả hai công trình này tạo việc làm cho 600 lao động. Trong tương lai, khu du lịch sinh thái Mường Thanh - Diễn Lâm sẽ lớn nhất miền Trung, một điểm nhân quan trọng, tạo đà cho du lịch Diễn Châu phát triển.

Một mùa xuân nữa lại về, trong buổi chiều cuối năm mới, chúng tôi đến thăm xã NTM Diễn Hồng được người dân Diễn Châu gọi với cái tên “xã tỷ phú”. Khi ra về, trên con đường trải nhựa 3km đi qua địa bàn xã, hai bên đường là những tòa nhà cao tầng, dọc ngang, kiến trúc hiện đại. Xã có  231 hộ, 13.350 nhân khẩu thì có đến 80% số gia đình mở tài khoản tại ngân hàng, với số dư hằng năm hơn 100 tỷ đồng. Rất nhiều xe ô tô đủ các loại. Bí thư Đảng ủy xã Diễn Hồng, Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ: “Với 6 năm xây dựng xã NTM nâng cao, năm nào xã cũng nằm vào tốp đầu của huyện, tốc độ phát triển kinh tế tăng 16%, đời sống nhân dân được nâng cao với mức thu nhập bình quân 68 triệu đồng người/năm (cao nhất huyện). Hộ giàu và khá thu từ 100 triệu đồng đến 600 triệu đồng hộ/năm chiếm 80%, hộ nghèo chỉ còn 1,3%, nhiều nhà có tiền tỷ, làm được nhà cao tầng, mua được ô tô. Lao động làm thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm 70%, lao động sản xuất nông nghiệp chỉ còn 30%. Dân giàu thì xã mạnh, năm nay bà con Diễn Hồng ăn Tết to lắm, lớn lắm.

Cách làm của các xã Diễn Hồng, Diễn Lâm, Diễn Cát được các xã trong huyện về tham quan học tập, đặc biệt là xã nào cũng khơi dậy sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông, Nhà văn hóa, kênh mương nội đồng, sân vận động thể thao, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Đến nay, cả 13.000 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi từ ô thửa nhỏ, sang ô thửa lớn. Cả 7.200ha rừng và 4.000ha ao đầm bãi bồi được giao đất, giao rừng cho dân sử dụng lâu dài. Trong hơn 10 năm xây dựng NTM, đã có hơn 30 nhà đầu tư xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, trường học, đê sông, đê biển. Với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, bình quân mỗi năm huyện đầu từ từ 500-600 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhân dân 9 xã ven biển đóng mới sửa chữa 1.400 tàu thuyền, trong đó có 290 tàu đánh xa bờ. Bình quân mỗi xã đầu tư đóng góp từ 260 tỷ đồng đến 420 tỷ đồng để xây dựng NTM. Xã Diễn An đầu tư 260 tỷ đồng xây dựng NTM thì nhân dân ủng hộ đóng góp 240 tỷ đồng. Cả 40 di tích lịch sử cấp quốc gia và 3 bãi biển được đầu tư mở rộng, mỗi năm đón hàng nghìn lượt khách về tắm biển, nghỉ dưỡng. Đến nay, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc. Năm 2022, tổng thu nhập sản xuất  toàn huyện đạt 7.500 tỷ đồng, sản lượng lương thực đạt 13.500 tấn, sản lượng đánh bắt hải sản đạt 46.000 tấn, thu ngân sách 1.075 tỷ đồng bằng 208% dự toán. Thu ngân sách bình quân 60 triệu đồng/ người/năm với hơn 30 vạn người dân.

Rời Diễn Châu dưới cái nắng chiều lây rây cùng với cơn gió mùa xuân thổi nhẹ, không khí buổi chiều trên các khu dân cư bỗng nhộn nhịp,  rộn rã hẳn lên. Tôi thầm nghĩ từ những xã Nông thôn mới nâng cao sẽ có thêm nhiều buổi chiều ấm áp yên vui như thế trên khắp mọi miền quê Diễn Châu khi xuân về.

 

LÊ HOÀI THUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024

 

;