Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021 (Đợt 2): Bức tranh đa sắc trong nền âm nhạc và múa Việt Nam

Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021 (đợt 2) do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức diễn ra từ ngày 17 đến ngày 30/6 tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk đã thành công tốt đẹp. Bằng những chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, hấp dẫn với những sắc màu âm nhạc độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa vùng miền Liên hoan đã để lại nhiều dư âm trong lòng những người yêu nghệ thuật trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.

PGS, TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTTDL trao giải Xuất sắc cho các đơn vị - Ảnh: Cục NTBD

Khơi dậy mạch nguồn bản sắc văn hóa vùng miền

Tiếp nối thành công của Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021 - đợt 1, Liên hoan đợt 2 với 22 đoàn tham gia đã mang đến nhiều tiết mục thể hiện tính sáng tạo, luôn bám sát hơi thở của cuộc sống đương đại, nhưng vẫn thể hiện được sắc thái riêng, đặc trưng của văn hóa các vùng miền nơi họ sinh sống và lao động, tạo nên một bức tranh nghệ thuật đầy màu sắc giữa đại ngàn Tây Nguyên. 

Là đơn vị chủ nhà của Liên hoan năm nay Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã mang đến chương trình nghệ thuật Những bức tranh Bazan đỏ với 11 tiết mục vừa truyền thống vừa hiện đại, mang đậm màu sắc và âm hưởng của Tây Nguyên. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn xây dựng chương trình Huyền tích non cao giới thiệu về mảnh đất, con người xứ Lạng nên thơ và dạt dào nghĩa tình gồm 13 tiết mục hát, múa độc lập, song ca, đơn ca, tốp ca nam nữ, hòa tấu nhạc cụ. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Kon Tum với Kon Tum - Lời gọi nguồn xa, ca ngợi mảnh đất giàu tiềm năng du lịch và văn hóa với ngã ba Đông Dương độc đáo. Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông sen - TP. Hồ Chí Minh với chủ đề Sen trắng đã khắc họa rõ nét về sự đổi thay của thành phố Hồ Chí Minh. Với Sắc, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã khái quát những nét đẹp của đất và người Nghệ An được chưng cất trong những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Chương trình của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh mang chủ đề Giếng quê mang đến Liên hoan một không gian văn hóa nghệ thuật đậm chất Bắc Ninh - Kinh Bắc. Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Ninh Thuận với chủ đề Miền đất nắng, các nhạc cụ dân tộc kết hợp kỹ xảo về âm thanh, ánh sáng, tái hiện lại những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm, Raglai; ca ngợi vẻ đẹp và tinh thần lao động vượt khó của con người, quảng bá các giá trị bản sắc văn hóa gắn với các sản phẩm du lịch của địa phương. Đoàn Văn công Quân khu 7 và Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội mang đến Liên hoan những chương trình nghệ thuật khắc họa đậm nét tâm thế của người lính. Chương trình Rạng rỡ vinh quang - Sao vàng tỏa sáng của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội được xây dựng kết cấu theo 3 chương, thể hiện sức trẻ của người lính hôm nay luôn kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, thông qua sự sáng tạo tươi mới trong nghệ thuật ca, múa, nhạc. Đoàn Văn công Quân khu 7 dàn dựng chương trình Đất mẹ miền Đông mang một màu sắc riêng, đầy xúc động về quá khứ, khí phách của vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Tiết mục của Đoàn NT Khmer Ánh Bình Minh - Ảnh: Cục NTBD

Theo nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thành công lớn của liên hoan lần này là đã khơi dậy mạch nguồn bản sắc văn hóa vùng miền, không chỉ đánh thức mà còn chắp cánh cho tiềm năng văn hóa nghệ thuật dân tộc phát triển, góp phần giáo dục thẩm mỹ cho các tầng lớp nhân dân. 

Nhiều chương trình đạt chất lượng cao

Một yếu tố quyết định sự thành công của Liên hoan lần này còn là sự nỗ lực và lòng yêu nghề của hàng trăm nghệ sĩ tham dự. Vượt lên trên sự tác động của COVID các đoàn nghệ thuật đã rất cố gắng với quyết tâm cao, xây dựng chương trình có chất lượng để tham dự Liên hoan.

Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Ở liên hoan lần này có nhiều chương trình ca, múa, nhạc đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng. Đặc biệt nhiều chương trình sáng tạo, mới mẻ từ dàn dựng, âm nhạc, phối khí, biên đạo, âm thanh, ánh sáng đến phong cách thể hiện… Tất cả sự kết hợp tổng thể đó mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được tinh hoa, tinh tế của thể loại ca, múa, nhạc, vũ kịch”. 

Thay mặt Hội đồng Nghệ thuật, NSND, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật nhận xét: “Bên cạnh những tác phẩm bám chắc vào chất liệu bản sắc của từng vùng miền, là những tác phẩm sử dụng ngôn ngữ đương đại một cách sáng tạo không rập khuôn cứng nhắc, tạo nên một bức tranh đa sắc trong nền âm nhạc và múa Việt Nam. Ngoài ra, cũng phải kể đến những đóng góp tuyệt vời của dàn nhạc: Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Đoàn Văn công Quân khu 7, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen TP.HCM… Hội đồng Nghệ thuật cũng nhận thấy hai đoàn ba - lê của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc Vũ Kịch TP. HCM và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam với năng lượng dồi dào luôn chứng minh khả năng dựng kịch múa. Chương trình của họ đã chạm vào cảm xúc người xem, đồng thời đạt độ chuẩn xác vươn tầm quốc tế”. 

Theo đánh giá của giới chuyên môn chất lượng của Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc đợt 2 hơn hẳn đợt 1, có nhiều tác phẩm tiêu biểu xuất sắc. Những tiết mục trong chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật được cấu trúc chặt chẽ, có sự bứt phá và tìm tòi táo bạo, tạo ấn tượng tốt. Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, có tính nghệ thuật cao. Đặc biệt, điều đáng ghi nhận năm nay là sức trẻ của các đoàn nghệ thuật. Nhiều đoàn nghệ thuật phía Nam đầu tư, đổi mới về nội dung, hình thức, thể hiện sự trẻ trung và đổi mới, cập nhật được ngôn ngữ mới của thế giới. 

NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan và ông Thái Hồng Hà - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk, đồng Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan tặng bằng Chứng nhận cho Hội đồng Nghệ thuật - Ảnh: Cục NTBD

Bên cạnh những thành công, NSND Trọng Đài cũng chỉ ra một số hạn chế của Liên hoan như: một số chương trình còn dễ dãi trong việc sử dụng hình ảnh, lạm dụng những độ dài gây hiệu ứng từ thị giác; khâu biên tập bài cũng bộc lộ những lúng túng…Phần lớn chỉ chú ý đến thể hiện khả năng mà ít quan tâm đến biểu hiện sắc thái, hiếm khi tìm được những khoảng lặng trong chương trình, gây áp lực cho người xem đồng thời đánh mất đi sự tinh tế nhất là trong xây dựng các tiết mục hòa tấu… Nhiều tiết mục múa dân gian, múa sinh hoạt lễ nghi không biết tận dụng dàn nhạc chơi trực tiếp mà lại thu, phát băng có sẵn, thậm chí có tiết mục múa dân gian còn thu bằng đàn Organ của học sinh làm cho Hội đồng Nghệ thuật bị áp lực khi phải nghe những âm thanh không phù hợp với thời đại ngày nay. Ngôn ngữ hòa tấu biểu hiện sự tùy tiện, lúng túng do nguồn nhân lực nhạc công ở các đơn vị thiếu nên phải đi thuê ở bên ngoài, ảnh hưởng đến việc đánh giá thực lực của các đoàn nghệ thuật. Việc sáp nhập giữa các trung tâm văn hóa với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp làm cho công tác quản lý và công tác chuyên môn không liền mạch nên đã ảnh hưởng đến công tác chuyên môn…

Ban Tổ chức đã trao 3 giải Xuất sắc, 7 huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng dành cho các chương trình, vở diễn; 45 huy chương Vàng, 61 huy chương Bạc và 18 huy chương Đồng cho giải tiết mục, diễn viên và 7 giải dành cho các thành phần sáng tạo. 

Ba giải Xuất sắc của Liên hoan đã được trao cho ba vở diễn công phu, độc đáo là nhạc kịch Người cầm lái (Nhà hát Công an nhân dân) và 2 vở ballet Kiều (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch TP. HCM) và Hàm lệ minh châu (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam) hoàn toàn xứng đáng. Đây là ba tác phẩm làm nên điểm nhấn của liên hoan năm nay. Sự xuất hiện những vở nhạc kịch, ballet Việt Nam tại liên hoan cho thấy sự sáng tạo mới mẻ và cập nhật với các xu thế mới của thế giới của các đoàn nghệ thuật.

Vở Ballet Hàm lệ minh châu của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam được chia làm 4 màn, có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa câu chuyện của một đôi trai gái trong xã hội hiện đại và mối tình đau khổ giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy trong truyền thuyết. Pha trộn giữa nghệ thuật Ballet cổ điển, múa dân gian truyền thống và múa đương đại, sự giao thoa văn hóa giữa phương Tây và phương Đông đã làm nên một Hàm lệ minh châu độc đáo và mới lạ đối với công chúng trong nước và quốc tế. Vở nhạc kịch Người cầm lái của Nhà hát Công an nhân dân đề cập sâu về quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Hình tượng Bác Hồ được chuyển tải qua nhiều không gian, thời gian khác nhau, từ khi Người còn là cậu bé 5 tuổi ở Nam Đàn (Nghệ An) đến khi trở về quê hương, chèo lái con thuyền cách mạng. Tác phẩm sử dụng hình thức giao hưởng - đại hợp xướng kết hợp với sân khấu kịch hát dân tộc cùng ngôn ngữ múa dân gian đương đại đặc sắc. Ballet Kiều của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP. HCM (HBSO) được chuyển thể từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du với những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ dựa trên nền tảng kỹ thuật Ballet hiện đại chuẩn mực. Sự hòa trộn nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật của múa Ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam, cùng với những hiệu ứng về phục trang, đạo cụ, sân khấu và nghệ thuật thị giác hiện đại, mới mẻ tạo nên một tác phẩm múa nhiều cảm xúc. 

Gây ấn tượng mạnh với Hội đồng Nghệ thuật và được khán giả yêu thích là chương trình Rạng rỡ vinh quang - Sao vàng tỏa sáng của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội do Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh, Giám đốc Nhà hát chỉ đạo nghệ thuật. Với 13 tiết mục mới hoàn toàn, do đội ngũ nhạc sĩ, biên đạo chủ yếu là của quân đội và lực lượng trẻ của nhà hát sáng tác, chương trình đã mang đến phong cách mới mẻ, trẻ trung và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của công chúng ngày hôm nay. Các tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu từ hòa âm, phối khí, biên đạo, âm thanh, ánh sáng, trang phục…Kết quả, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội giành được 12 Huy chương và Bằng khen gồm: Huy chương Vàng toàn đoàn, 4 tiết mục đoạt Huy chương Vàng, 4 tiết mục đoạt Huy chương Bạc. Đại tá - NSƯT Hồng Hạnh (Giám đốc Nhà hát) được trao giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất (duy nhất tại Liên hoan). Nhạc sĩ trẻ Tạ Duy Tuấn được trao giải Nhạc sĩ phối khí xuất sắc, Bằng khen cho đội múa, Bằng khen cho dàn nhạc...

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 đợt 2 thực sự là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa đối với người dân Đắk Lắk và bạn bè du khách từ khắp nơi đến với Buôn Mê Thuột. Liên hoan đã để lại những ấn tượng khó quên, có thể nói là liên hoan đặc biệt khi mà các đoàn đã cùng cất lên ngọn lửa sáng tạo và nhiệt huyết trong lĩnh vực ca múa nhạc để từ đây các nghệ sĩ được tiếp thêm nguồn năng lượng và cảm hứng để tiếp tục cống hiến, đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà những tác phẩm chân - thiện - mĩ.

BẢO BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 505, tháng 7-2022

;