Đầu tư chiều sâu qua mô hình các trại sáng tác

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được ban hành tạo hành lang pháp lý quan trọng giúp văn học, nghệ thuật có điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển. Chính phủ đã phê duyệt nhiều đề án về chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, văn nghệ sĩ; đặt hàng, hỗ trợ, khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm có giá trị…, được các văn nghệ sĩ rất đồng tình. Một trong số những giải pháp được đề xuất nhằm nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật chính là đầu tư chiều sâu cho các trại sáng tác để làm “bà đỡ” cho những tác phẩm có chất lượng chuyên môn cao. Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để việc đầu tư, hỗ trợ này hợp lý, xứng đáng, phát huy hiệu quả tốt hơn để góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Nhà sáng tác Tam Đảo từ lâu đã là điểm hẹn quen thuộc cho giới văn nghệ sĩ

“Bà đỡ” cho những tác phẩm văn học nghệ thuật

Thực tế cho thấy, những năm qua, mô hình trại sáng tác được các hội văn học, nghệ thuật Trung ương và địa phương tổ chức hằng năm, quy tụ tác giả theo từng chuyên ngành, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ dành thời gian tập trung sáng tác những tác phẩm chất lượng.

Hình thức hỗ trợ hằng năm cũng giúp các tác giả thêm một phần kinh phí để thâm nhập thực tế, chi phí cho nguyên vật liệu, chất liệu sáng tác, hoặc ấn bản hóa, ghi âm tác phẩm… Ngoài những đầu tư của Nhà nước cho hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật thông qua các hội chuyên ngành, lực lượng quân đội, công an cũng có những chương trình đầu tư theo mô hình trại sáng tác hoặc đặt hàng, xét duyệt tác phẩm theo chủ đề...

Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật của Bộ VHTTDL được thành lập nhằm tổ chức hỗ trợ hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ nhằm khuyến khích các tài năng sáng tạo, góp phần hình thành những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Trước đây, trung tâm có tên gọi là Ban quản lý các trại sáng tác và an dưỡng, sau đó là Khu sáng tác, được thành lập từ năm 1979. Hiện nay, trung tâm có 7 tổ chức nhà sáng tác trực thuộc. Nhà sáng tác hoạt động lâu đời nhất là Nhà sáng tác Đại Lải, thành lập từ năm 1979. Nhà sáng tác trẻ nhất là Nhà sáng tác Cần Thơ, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021. Trong quá trình hoạt động, trung tâm và các nhà sáng tác đã có rất nhiều đóng góp đối với sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật nước nhà. Hằng năm, trung tâm tổ chức bình quân từ 60-70 trại sáng tác và hơn 20 lượt văn nghệ sĩ đi sáng tác theo chiều sâu, phục vụ hàng nghìn lượt văn nghệ sĩ đến sáng tác, giúp cho ra đời hàng vạn tác phẩm văn học nghệ thuật thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.

Nhà sáng tác Cần Thơ phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam khai mạc Trại sáng tác Mỹ thuật năm 2022 nhằm tìm kiếm những tác phẩm hội họa có giá trị nghệ thuật

Hầu như năm nào Hội điện ảnh Việt Nam cũng tổ chức các trại sáng tác dành cho hội viên đi thực tế, đều đặn hỗ trợ cho các kịch bản chất lượng nhằm tạo nguồn kịch bản cho điện ảnh. Việc định hướng, hỗ trợ cho hoạt động sáng tác trẻ cũng rất được chú trọng, đặc biệt Hội đề cao vai trò của Hội đồng Nghệ thuật, Ban Sáng tác, Ban Lý luận - Phê bình và Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh trong công tác này. 

Nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước luôn được tính toán sử dụng hiệu quả cho hoạt động sáng tác kịch bản, công trình nghiên cứu lý luận phê bình theo hướng giữ mức đầu tư ban đầu cho những kịch bản, công trình đạt chất lượng chuyên môn; đồng thời tăng mức đầu tư chiều sâu đủ để tác giả có điều kiện nâng chất lượng kịch bản, công trình lên tầm xuất sắc. Mục tiêu được Hội Điện ảnh đề ra là tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các cuộc thi viết kịch bản trên phạm vi rộng để thu hút nhân tài ngoài thành phần hội viên và tạo nguồn kịch bản chất lượng và đổi mới, nâng cao hiệu quả của các trại sáng tác từ khâu thẩm định đề cương và lựa chọn tác giả dự trại. Ngoài ra còn tăng cường hoạt động hỗ trợ sáng tác tại trại như tổ chức xem phim nghiên cứu học tập và trao đổi, thảo luận chuyên môn; tổ chức các trại sáng tác cho tác giả trẻ, trại chuyên sâu. 

Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác và trại sáng tác trên cơ sở tập trung theo định hướng chính trị, để xây dựng nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Để đáp ứng yêu cầu về đào tạo có tính kế tục đội ngũ, Hội đã tiếp nhận và tổ chức cho một số tác giả trẻ, dù chưa phải là hội viên vẫn được mời tham gia dự trại. Với nỗ lực này, một số tác giả trẻ ở các thể loại sân khấu truyền thống đã xuất hiện, với những kịch bản được dàn dựng, biểu diễn.  

Những việc làm hiệu quả nêu trên giúp động viên, cổ vũ và góp phần thiết thực vào “lao động nghề” của văn nghệ sĩ. Đó là điểm ưu việt đáng trân trọng trong chính sách đầu tư, hỗ trợ sáng tác. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả tốt hơn, cần thẳng thắn nhận diện những hạn chế nhằm điều chỉnh, bổ sung cách làm mới, phù hợp hoàn cảnh xã hội cũng như hoạt động sáng tác nói chung hiện nay; kịp thời nắm bắt, đón đầu những biến đổi của thời cuộc để có biện pháp thích ứng.

Và những bất cập

Việc đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động văn học, nghệ thuật dù thời gian qua được chú trọng nhưng khó lòng bao quát, rộng khắp được đến mọi lĩnh vực, đối tượng. Ngoài ra, chính vì ngân sách đầu tư có hạn và lượng tác giả rất đông đảo nên mức hỗ trợ phải chia nhỏ. Đó cũng là lý do sự hỗ trợ, tài trợ đôi khi chỉ mang ý nghĩa tinh thần, nhất là trong bối cảnh giá cả đời sống xã hội không ngừng tăng cao, trong đó bao gồm cả những chi phí thiết yếu dành cho việc hoàn thành, “trình làng” tác phẩm như in sách, mua sắm họa phẩm, ghi âm ca khúc, dàn dựng tác phẩm trình diễn…

Bên cạnh đó, mô hình trại sáng tác được duy trì, cũng mới bước đầu hỗ trợ các tác giả làm việc trong một khoảng thời gian ngắn, thường là từ 7 đến 10 ngày. Song để hoàn thành, đưa tác phẩm đến công chúng lại là cả một quãng đường dài phía trước và trong nhiều trường hợp, tác giả phải tự thân vận động.

Những hạn chế, thiếu hụt trong đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động văn học, nghệ thuật thời gian qua cho thấy cần có một sự đổi mới từ cách nhìn nhận, đánh giá hoạt động sáng tạo, cho đến việc huy động những nguồn lực về mọi mặt ngay từ hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương,…

Một bất cập không nhỏ nữa của phương thức này là vẫn chú trọng việc sáng tạo tác phẩm, song lại không tính đến khâu đầu tư, quảng bá, giới thiệu tác phẩm, khiến cho một số chương trình, vở diễn, bộ phim được đầu tư công phu, hoành tráng, với số kinh phí không nhỏ nhưng cũng chỉ có thể công diễn, trình chiếu được ít buổi rồi phải... cất kho, do đơn vị nghệ thuật không đủ kinh phí để quảng bá, công chiếu và lưu diễn. Đó là một sự lãng phí cả về chất xám sáng tạo và nguồn lực tài chính. 

Những giải pháp tháo gỡ

Thúc đẩy đầu tư chiều sâu là ý tưởng được đề cập nhiều nhất trong những giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Song hành với các trại sáng tác, cơ quan chức năng của ngành Văn hóa cần quyết liệt hơn trong việc thể chế hóa những quy định của việc đặt hàng tác phẩm văn học nghệ thuật theo chủ đề bảo đảm tính chính xác, minh bạch. 

Cần có sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng của các thành phần liên quan, cũng như bảo đảm tính công bằng, không phân biệt đối tượng thụ hưởng để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nghệ thuật trong điều kiện xã hội hóa ngày càng mạnh mẽ như hiện nay.

Cụ thể, cần nâng cao các mức kinh phí hỗ trợ, tài trợ cho công việc thâm nhập thực tế, tham gia trại sáng tác, sáng tạo tác phẩm của các văn nghệ sĩ để người làm nghề yên tâm, tập trung cho các dự án sáng tạo lớn, cũng như các hoạt động sáng tác của mình.

Việc phân chia mức kinh phí hỗ trợ cho sáng tác không thể dàn đều giữa các lĩnh vực văn học, nghệ thuật khác nhau mà cần căn cứ vào đặc thù nghề nghiệp và những chi phí liên quan các hình thức sáng tác, trường hợp sáng tác cụ thể. Hình thức hỗ trợ, tài trợ nên được thay đổi theo hướng lựa chọn đầu tư tập trung, đầu tư có chiều sâu, đầu tư tương xứng với tài năng, tâm huyết, giá trị sáng tạo mà văn nghệ sĩ gửi gắm vào tác phẩm. 

Ở đây, sẽ nảy sinh một vấn đề liên quan sự thẩm định, đánh giá tác phẩm văn học, nghệ thuật sau khi hoàn thành để có sự ghi nhận xứng đáng bằng kinh phí, vật chất. Sẽ khó lòng thực hiện được công việc này từ trước và ngay cả trong quá trình sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Như vậy, hình thức tài trợ, hỗ trợ bằng cách chi một khoản tiền nhất định từ trước khi tác giả sáng tác, xây dựng tác phẩm cần được chuyển sang giai đoạn “hậu tác phẩm”. Vì vậy nên có hình thức xét tài trợ cho tác phẩm căn cứ trên chất lượng sau khi hoàn thành. 

Ngoài ra, hình thức đặt hàng, đầu tư sâu cho hoạt động văn học, nghệ thuật cần thúc đẩy mạnh hơn nữa theo cách “chọn mặt gửi vàng”: chọn lựa và mời hợp tác những văn nghệ sĩ đã có uy tín trong giới nghề qua những thành tựu được ghi nhận; tìm kiếm những gương mặt mới tài năng, sung sức.

Mặt khác, có thể chia ra các giai đoạn để đầu tư từng phần, từ khâu ý tưởng, đề cương cho đến việc hoàn thành mỗi phần, đoạn, bộ phận của tác phẩm. Song song đó, hội nghề nghiệp, đơn vị đặt hàng cần căn cứ vào quá trình lao động, hiệu quả hoàn thành từng phần tác phẩm để đầu tư. Và cũng căn cứ vào chất lượng của tác phẩm để quyết định việc đặt hàng, đầu tư cho các dự án, tác phẩm tiếp theo.

Đa dạng hóa cách đầu tư thông qua việc thẩm định tác phẩm và “thẩm định tác giả” như trên sẽ góp phần tạo ra những giải pháp linh hoạt trong việc triển khai chính sách đầu tư, hỗ trợ sáng tác với mục tiêu cao nhất là có được tác phẩm tốt và đánh giá xứng đáng tâm huyết văn nghệ sĩ.

Việc lan tỏa các tác phẩm văn học, nghệ thuật ra công chúng, cộng đồng là điều cần thiết. Do đó, bên cạnh việc đầu tư cho sáng tạo, cần chú trọng đầu tư cho việc công bố, quảng bá, phát hành tác phẩm. Đây là một tập hợp những công đoạn, thao tác mới mẻ, gắn với các phương pháp, thành tựu truyền thông hiện đại vốn không thuộc chuyên môn, không phải sở trường của nhiều văn nghệ sĩ. Đầu tư cho hoạt động này chính là con đường góp phần đưa tác phẩm, tên tuổi văn nghệ sĩ đến với khán, thính giả sâu rộng hơn, cũng như giúp công chúng, xã hội được thưởng thức văn học, nghệ thuật thường xuyên hơn.

Sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước luôn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của các loại hình văn học-nghệ thuật chính thống và truyền thống. Nâng cao hiệu quả của nguồn đầu tư này là nhiệm vụ cần được ưu tiên để tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 505, tháng 7-2022

 

;