Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Luôn đổi mới để chinh phục khán giả

Tuân thủ các công ước quốc tế về việc hạn chế, chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cam kết sẽ không sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn, thay vào đó sẽ chuyển hướng phát triển nhiều loại thú nuôi gần gũi với con người. Trong chương trình xiếc mới “Chúa tể rừng xanh” ra mắt tối 27/5 để phục vụ các em thiếu nhi nhân dịp 1/6 và hè 2022 các con vật nuôi như dê, trâu, chó, mèo… đã xuất hiện trên sân khấu và có những màn biểu diễn thuần thục trong sự ngỡ ngàng của khán giả.

Chị Thỏ hồng (đứng giữa) trong vai trò người dẫn chuyện trong Chúa tể rừng xanh được khán giả nhí yêu thích

Dê, lợn, trâu… thu hút khán giả nhí

Gần 2 năm Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải tạm đóng cửa do đại dịch COVID-19 nên khi thấy quảng cáo chương trình mới, rất đông phụ huynh đã đưa con, em đến xem. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng trẻ em nô đùa đã tạo nên bầu không khí sôi động trước giờ biểu diễn - điều mà đã từ lâu ít xuất hiện trong 2 năm qua. 

20h giờ sân khấu mở màn, chị Thỏ hồng trong vai trò người dẫn chuyện vừa xuất hiện và cất giọng nói véo von vậy mà các khán giả nhí đã vỗ tay rầm rầm.

Vở xiếc “Chúa tể rừng xanh” dài 75 phút gồm 3 phần: Ngày hội tranh tài, Lên ngôi Chúa tể, Ngôi nhà chung, kể về câu chuyện của các loài muông thú trong khu rừng già cùng đồng lòng đánh đuổi kẻ ác, bảo vệ sự bình yên cho khu rừng xanh. Sự phân chia lãnh thổ và thức ăn của các loài luôn bị tranh giành, không có sự công bằng. Loài thú lớn bắt nạt các loài thú bé. Vì vậy các loài thú đưa ra quyết định, hằng năm tổ chức một ngày hội tranh tài chọn ra con thú nào mạnh nhất để làm chúa tể rừng xanh, có nhiệm vụ giữ gìn trật tự cho khu rừng và công bằng cho muôn loài… Thông qua vở diễn tác giả muốn giúp các em thiếu nhi hiểu biết thêm về các con vật, khả năng biểu diễn của chúng cũng như đề cao tình yêu động vật, đề cao lòng nhân ái, tình đoàn kết để tạo nên sức mạnh tập thể. 

Không còn động vật hoang dã trên sân khấu nhưng vở diễn vẫn đầy đủ “thế giới động vật” gồm hổ, cả dàn sư tử hay những đàn bướm rập rờn…đó là các nghệ sĩ đóng giả, đội lốt thú. Mặc dù không hấp dẫn như thú thật nhưng hình thức biểu diễn đó lại chuyển tải được rất nhiều thông điệp của vở diễn qua lời nói, động tác của các nhân vật và cũng tạo điều kiện để các nhân vật dễ dàng tương tác với khán giả. 

Trong vở diễn có cảnh chiến đấu khốc liệt để tranh chức chúa tể rừng xanh giữa hổ vằn và sư tử khiến các em rất thích thú. Khi hổ vằn và sư tử chiến đấu trong vòng quay lộn nhào ở dưới đất và trên không trung qua chiếc đu bay, các khán giả nhí còn reo hò, cổ vũ: “Anh hổ cố lên!”.

Chúa tể rừng xanh vẫn có các trò khéo của xiếc như tung hứng, thăng bằng, đu dây, nhào lộn… nhưng được kết hợp với các ý tưởng sáng tạo trong dàn dựng cùng ngôn ngữ múa, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng hiện đại đã mang đến nhiều bất ngờ, thú vị. Khán giả đủ mọi lứa tuổi cùng hào hứng cổ vũ, nhún nhảy theo nhạc - điều ít thấy ở các vở diễn trước đó. 

Thiếu các động vật hoang dã nên đạo diễn Tống Toàn Thắng đã đưa vào trong Chúa tể rừng xanh nhiều tiết mục do các con vật nuôi biểu diễn. Nhìn những chú lợn ủn ỉn nhảy qua vòng lửa, những chú trâu phi như ngựa hay những chú chó, chú mèo dễ thương… các khán giả nhí đã ồ lên thích thú và khi các con vật thực hiện động tác thành công các em đều vỗ tay tán thưởng. 

Điểm đặc biệt của Chúa tể rừng xanh là được xây dựng dựa trên bài học trong sách giáo khoa tiểu học tuy nhiên tác giả kịch bản có thay đổi nội dung một chút để xiếc gần gũi với khán giả trẻ hơn. Chẳng hạn người ta hay có câu nói: “Cắn nhau như chó với mèo” nhưng trong vở xiếc này chó với mèo lại rất thân nhau, hay câu chuyện Hai con dê qua cầu. Khác với cái kết trong sách giáo khoa: dê đen và dê trắng không con nào chịu nhường con nào, húc nhau và cuối cùng cả hai cùng rơi tõm xuống suối nhưng ở đây đạo diễn lại cho dê đen nhảy qua người dê trắng để cả hai con cùng qua cầu. Chi tiết sáng tạo này khiến khán giả cười ồ lên vui vẻ.

Để những “diễn viên chân quê” biểu diễn thành thục được như thế các nghệ sĩ huấn luyện đã phải tốn nhiều thời gian, tâm sức nuôi dạy, tập cho chúng những động tác thật sự là xiếc đúng nghĩa. Rất vất vả và khổ luyện nhưng bằng tình yêu nghề và tình yêu với động vật các nghệ sĩ đã huấn luyện thành công. Nếu những ai quan tâm và yêu nghệ thuật xiếc sẽ nhận thấy đây là sự chuyển biến lớn về các tiết mục xiếc thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thời gian gần đây. 

Hướng tới đa dạng đối tượng khán giả

NSND Tống Toàn Thắng cho biết chương trình Chúa tể rừng xanh là hoạt động bước đầu để xây dựng thương hiệu nghệ thuật xiếc thú của Đoàn nuôi dạy thú, biểu diễn cho đối tượng học sinh các trường học, cố định vào thứ Năm hằng tuần tại Rạp xiếc Trung ương và phục vụ các buổi ngoại khóa của trường. 

Hiện tại, trung bình mỗi ngày Chúa tể rừng xanh diễn 3 suất, buổi diễn nào cũng đầy ắp khán giả. Không chỉ các con mà các phụ huynh cũng rất thích vở diễn này bởi ngoài góc độ giải trí, Chúa tể rừng xanh còn mang thông điệp về bảo vệ rừng, về sức mạnh đoàn kết, lòng nhân ái, có tác dụng giáo dục khán giả, nhất là đối tượng thanh, thiếu nhi. Vở diễn sôi động, kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại còn giúp các bạn nhỏ thoải mái thể hiện sự tự tin trước đám đông, nhún nhẩy, lắc lư theo nhạc và giao lưu cùng các nghệ sĩ. 

Chính vì thành công đó mà ngoài vở Cướp biển đã rất ăn khách, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ đưa thêm Chúa tể rừng xanh đi lưu diễn tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, biểu diễn trong các nhà bạt hoặc sân khấu vuông để tiếp cận khán giả được nhiều hơn. Tuy nhiên sẽ rút bớt số lượng diễn viên tham gia, tăng cường sự tương tác giữa các nghệ sĩ với khán giả. Các khán giả sẽ được lên sân khấu giao lưu và hòa nhập cùng với nhân vật.

Vở Cướp biển

Tháng 7 tới Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ triển khai tiếp chuỗi chương trình Đi cùng năm tháng với chủ đề Vùng trời bình yên - tôn vinh lực lượng Phòng không Không quân. Chương trình được tổ chức mỗi năm một lần và theo một chủ đề khác nhau. Đây là chương trình có chất lượng nghệ thuật cao, được dàn dựng với ý nghĩa tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng. Thông qua ngôn ngữ xiếc giúp các thế hệ trẻ ý thức sâu sắc đạo lý Uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Sự lan tỏa của Đi cùng năm tháng rất lớn và đã trở thành thương hiệu riêng của Liên đoàn. Chương trình đã thu hút được nhiều doanh nghiệp và các cựu chiến binh tham gia đồng hành để cùng tạo nên sự thành công của chuỗi chương trình. 

Sau đó Liên đoàn sẽ tiếp tục dự án nghệ thuật Huyền Sử Việt kết hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam. Đây là dự án mà năm 2020 với vở Cây gậy thần lần đầu tiên hai bộ môn nghệ thuật hoàn toàn khác biệt kết hợp với nhau đã đem lại cho khán giả nhiều ấn tượng và trải nghiệm mới mẻ, đồng thời mở ra cho nền nghệ thuật nước nhà xu hướng kết hợp các loại hình nghệ thuật trong nỗ lực làm mới để thu hút khán giả đến với sân khấu. 

Có thể nói, trong cơ chế thị trường như hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các loại hình nghệ thuật đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nhưng Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn liên tục đỏ đèn và khẳng định được thương hiệu riêng của mình đó là điều đáng mừng. Tin rằng với những nỗ lực đó, vị thế, đẳng cấp của Liên đoàn Xiếc Việt Nam ngày càng được nâng cao, chinh phục đông đảo khán giả trong và ngoài nước.

BẢO BẢO

Ảnh: QUANG TẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022

;