Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 40km về phía Tây, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hóa), Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, có nhiệm vụ tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Kể từ khi khai trương, Làng Văn hóa đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước.
Hơn 20 năm xây dựng và phát triển
Khởi công xây dựng từ năm 1999, đến ngày 19-9-2010, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã khai trương, đưa vào khai thác vận hành một phần Làng Văn hóa nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Làng Văn hóa rộng hơn 1.544 ha, gồm 7 khu chức năng: Khu các làng dân tộc; Khu di sản văn hóa thế giới; Khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí, Khu công viên bến thuyền, Khu dịch vụ, du lịch tổng hợp, Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô và Khu Quản lý điều hành văn phòng. Trong đó, Khu các làng dân tộc là “linh hồn” của Làng Văn hóa.
Điệu múa đạp lửa của đồng bào Chăm
Ảnh: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Từ khi khai trương đến nay, có hơn 7.000 lượt nghệ nhân, già làng, trưởng bản, đồng bào dân tộc tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tại “Ngôi nhà chung”. Hiện nay, có 16 cộng đồng các dân tộc sinh sống, hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa: Mông (Hà Giang), Khơ Mú (Nghệ An), Thái (Sơn La), Tày (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Dao (Ba Vì, Hà Nội), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên - Huế), Xơ Đăng (Kon Tum), Ba Na (Gia Lai), Raglai (Ninh Thuận), Ê-đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng), Nùng (Thái Nguyên), Ơ Đu (Nghệ An), Gia Rai (KonTum). Những hoạt động phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc anh em. Mỗi dân tộc mang một dấu ấn văn hóa đặc trưng riêng, đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Đậm đà “bức tranh” di sản Văn hóa Việt Nam
Với diện tích 198,61 ha, Khu các làng dân tộc được xây dựng thành quần thể tái hiện các cấu trúc làng, bản của các dân tộc Việt Nam với quy hoạch và kiến trúc dân gian nhằm gìn giữ, phát triển và giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Tại đây, du khách không thể rời mắt khỏi những không gian văn hóa với những nhà sàn, nhà rông, nhà đất, nhà mồ… được bố trí theo tập quán, phong tục và mang đặc trưng riêng của từng dân tộc.
Nhà rông của dân tộc Ba Na được dựng lại nguyên mẫu nhà rông thấp của nhóm Rơ ngao, với mái khum hình mai rùa, trên chỏm đầu đốc có sừng trang trí. Vách nghiêng theo thế “thượng thách hạ thu”, bên trên thì rộng mở, bên dưới thu hẹp dần, tạo sự thoáng mát ở bên trên, ấm cúng ở bên dưới và đồng thời chống thú rừng về phá phách. Nhà sàn được phục dựng với kiến trúc là hai mái chính và hai mái phụ hình khum, có một bán mái che phủ sân sàn. Nhà mồ Ba Na làm bằng gỗ, tre nứa, mái lợp tranh, có hai mái, xung quanh có hàng rào, trên mái có diềm trang trí...
Nhà sàn dài của người Ê-đê có mái dốc, lợp bằng tranh, sườn mái làm bằng tre, nứa, là nơi sinh sống của một hoặc nhiều hộ gia đình thuộc nhiều thế hệ trong một dòng họ. Nhà mồ Ê-đê làm bằng gỗ, tre, nứa, mái lợp tranh, luôn đi kèm với các cột Kút và các tượng mồ. Tượng mồ Ê-đê khá phong phú, đa dạng, có thể là tượng người, cũng có thể là hình các vật dụng sản xuất, sinh hoạt của đồng bào thường ngày.
Nhà rông của người Gia rai, dọc mái nhà là một dải trang trí các hình tam giác với ba màu xanh, đỏ, đen. Hình tượng mặt trời được đặt ở chính giữa mái nhà thể hiện sự trù phú của núi rừng và tình yêu thiên nhiên vũ trụ của đồng bào Gia Rai. Mái nhà rông giống như một lưỡi rìu khổng lồ vươn lên bầu trời, thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào Tây Nguyên nói chung, đồng bào Gia rai nói riêng.
Nhà đất người Dao gồm 5 gian. Bộ khung nhà với kiểu vì kèo hai cột ngoãm. Mái lợp tranh, xung quanh che bằng vách nứa. Phần nhà phía sau dành cho các phòng ngủ hoặc đặt giường. Ban thờ tổ tiên đặt ở vị trí trung tâm nhà và bao giờ cũng gần nơi dành cho người chủ nhà. Nhà thường có hai bếp là bếp chính và bếp phụ dành cho khách về mùa lạnh. Nhà nửa sàn nửa đất gồm 4 gian, bộ khung đơn giản, cột ngoãm, mái lợp tranh, xung quanh nhà che vách nứa, có 3 cửa ra vào, hai cửa ở đầu hồi, một cửa ở mặt trước nhà...
Nhà đất mái ngói của người Mông là nhà 3 gian, được làm khá vững chắc vì dùng mộng, lợp ngói âm dương hoặc bằng ván gỗ xẻ (gỗ thông). Tường vách thường bằng ván xẻ. Nhà đất mái hình mai rùa, lợp bằng cỏ tranh, dùng ngoãm và buộc lạt, nền nhà tôn cao, xung quanh được kè bằng đá tự nhiên, cửa chính mở ở trước mặt nhà.
Nhà sàn của người Khơ Mú có 5 gian, hai đầu hồi có sàn nhỏ, được chia làm 3 phần theo chiều dọc, phần phía trước và sau dành cho sinh hoạt, phần giữa là lối đi trong nhà. Gian hồi bên phải là bếp, gian hồi bên trái dành để tiếp khách và bếp khách.
Về cơ bản, nhà sàn của người Thái trắng và Thái đen là giống nhau, nhưng cũng có một số nét khác biệt về: hình thù của bộ nóc, mặt bằng sinh hoạt, vị trí đặt cầu thang… Nhà người Thái hầu như không có các ô phòng riêng cho từng thành viên trong nhà, mà chỉ có sự quy định phần không gian dành cho mọi người.
Người Tày ở nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất. Nhà sàn theo kiểu bốn mái, vật liệu bằng gỗ tốt có ván bưng quanh, lát sàn, lợp gianh. Bộ khung nhà được hình thành trên cơ sở liên kết các vì kèo. Nhà đất theo kiểu hai mái, tường trình đất, trình đất thành từng viên để xếp chồng lên nhau, xây thành tường.
Nhà sàn người Raglai là nơi sinh sống của gia đình nhỏ. Trước nhà là một sàn thang thấp hơn sàn nhà khoảng 40cm. Thang được làm rời khỏi sàn thang, việc lắp dựng vị trí tùy ý chủ nhà. Nhà mồ của người Raglai có cấu trúc đơn giản. Phần mái tương tự như nhà ở.
Nhà của dân tộc Nùng là loại kiến trúc cổ truyền của đồng bào Nùng, xung quanh nhà bưng bằng ván mỏng, mặt trước nhà có hiên rộng và lan can, đầu hồi bên trái có hiên. Nhà không có cửa sổ, nhưng có 4 cửa ra vào, 3 cửa ở mặt trước nhà và 1 cửa ở đầu hồi bên phải.
Tại không gian mỗi làng dân tộc, các chủ thể văn hóa đều tổ chức các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, tái hiện các nghi lễ, phong tục, tập quán, giới thiệu nghề thủ công truyền thống, sản vật địa phương, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ… Việc tái hiện những lễ hội văn hóa truyền thống là cơ hội giúp du khách tận hưởng không khí sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng, miền của đất nước. Đó là các lễ hội tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa từng dân tộc, thể hiện sức lan tỏa trong đời sống tâm linh của đồng bào. Lễ hội cúng cây nêu cầu an của dân tộc Ê-đê là phong tục đặc sắc, thể hiện lòng biết ơn, sự mong muốn mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng. Lễ mừng cơm mới là một nét đẹp trong văn hóa của người Mường bởi qua đó thể hiện được truyền thống uống nước nhớ nguồn, hiếu kính với tổ tiên, ông bà cha mẹ, thể hiện tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm luôn gắn kết bền chặt. Nghi lễ báo hiếu được tái hiện bởi cộng đồng người Raglai, là việc làm có ý nghĩa lớn, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của con cái đối với bố mẹ. Đồng bào Cơ Tu đã giới thiệu tới nhân dân và du khách trích đoạn lễ hỏi, cưới trong đám cưới truyền thống là một trong những hoạt động nổi bật của họ tại Làng Văn hóa…
Du khách đến Làng Văn hóa được thưởng thức ẩm thực vùng miền bởi những món ăn mang đậm chất dân tộc như: xôi ngũ sắc, thịt băm gói lá dong nướng, cá nướng mắc khén của người Thái, cơm lam, rượu cần, bánh sừng trâu của người Cơ Tu; chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế và cuốn hút từ các điệu múa dân gian của người Tày, nghe tiếng đàn Chapi của người Raglai... Du khách còn tham gia trải nghiệm nghề đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc và được hòa mình vào các trò chơi dân gian như: bắn nỏ, đi cà kheo…
Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc tâm linh như chùa Pháp Ấn, chùa Khmer, tháp Chăm… tại Làng Văn hóa là những dấu ấn khó quên trong lòng du khách. Mỗi công trình đều mang những nét nổi bật riêng về kiến trúc, nhưng đều toát lên vẻ đẹp trang nghiêm, thể hiện văn hóa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Quần thể tháp Chăm gồm 3 tháp (tháp trung tâm, tháp cổng, tháp hỏa), được xây bằng phương pháp mài chập với vật liệu kết dính chính là dầu thực vật (chiết từ cây dầu rái). Quần thể tháp Chăm được khánh thành vào ngày 23-11-2012 và đã được thực hiện những nghi thức quan trọng như hô thần nhập tượng, mở cửa tháp… mang đến tính thiêng cho 3 tháp. Hoa văn trang trí kết hợp giữa các chi tiết đá sa thạch. Các chi tiết đều cầu kỳ, tinh xảo, thể hiện tín ngưỡng của người Chăm, bởi họ tin rằng bên trong các tảng đá đều có thần linh ngự trị và có thể mang lại cho họ điều may mắn.
Quần thể chùa Khmer là ngôi chùa Phật giáo Nam tông thứ 454 của Việt Nam và là ngôi chùa Khmer duy nhất tại Thủ đô Hà Nội, được khởi công xây dựng vào ngày 16-11-2010 theo nguyên mẫu chùa K’leng tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, khánh thành vào ngày 23-11-2013. Chùa của người Khmer được xây dựng theo hướng tâm tỏa, gồm có: Chính điện, am thờ, tháp góc, nhà thiêu, vườn tháp, nhà ghe ngo, nhà thuyền, sa la, cột cờ và ao sen. Các công trình đều có mái lợp ngói vẩy cá và các chi tiết trang trí mang đậm tín ngưỡng Khmer. Chùa Khmer là nơi gắn kết đồng bào Khmer với cộng đồng các dân tộc khác và mọi người dân, du khách trong nước, quốc tế, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo.
Chùa Pháp Ấn là ngôi chùa thờ Phật theo phái Bắc tông, được khởi công ngày 18-3-2015, ngày 23-11-2017, Lễ khánh thành giai đoạn I chùa Pháp Ấn (Lễ rước tượng Pháp Vân và lễ an vị tượng Phật) đã được tổ chức long trọng, trang nghiêm. Với mục đích sớm đưa công trình vào hoạt động đáp ứng nhu cầu hoạt động tâm linh của các phật tử, của đồng bào và du khách gần xa khi đến tham quan tại đây.
Tháp Chăm, chùa Khmer, chùa Pháp Ấn là những công trình tâm linh nổi bật tại Làng Văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào và du khách khi đến thăm quan; thể hiện sự đoàn kết tôn giáo đồng hành cùng dân tộc tại “Ngôi nhà chung”. Đồng thời, đây cũng là những điểm nhấn du lịch thu hút du khách tới tham quan, chiêm ngưỡng, hiểu thêm về văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đến với Làng Văn hóa, du khách có cơ hội tìm hiểu về văn hóa cũng như hòa mình vào đời sống thường ngày của đồng bào một cách chân thực, là dịp để tiếp xúc, giao lưu cảm nhận sự nhiệt tình và sự chân thành, gần gũi, dễ mến của đồng bào, cũng như tham gia nhiều trải nghiệm thú vị, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc tâm linh cùng đồng bào nơi đây. Việc tái hiện, phục dựng, gìn giữ, bảo tồn và quảng bá những nét văn hóa đặc trưng, đa dạng của 54 dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hóa đã tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, thu hút nhiều du khách thập phương đến với “bức tranh” đậm đà di sản văn hóa Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. vinaculto.vn.
2. Diệu Thiện, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Trải nghiệm nét đặc sắc 54 dân tộc, thoibaotaichinhvietnam.vn (ngày 16-1-2020).
3. langvanhoa.com.vn.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Vân
Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020