Hình ảnh sĩ phu cưỡi lừa trên đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn

Vào thời Nguyễn (1802-1945), đồ sứ chủ yếu được đặt làm hay đặt mua từ Trung Quốc để đưa về Việt Nam, có thể tạm gọi chung là đồ sứ ký kiểu (ĐSKK). Ngoài yếu tố sử dụng, ĐSKK còn như món trân phẩm dành để thưởng lãm, bởi bao hàm những đề tài trang trí mỹ thuật với ý nghĩa phong phú, qua dạng đồ án hình họa vẽ trên đó, và thường kèm theo văn tự chữ Nho như thơ đề vịnh hoặc lời hay ý đẹp liên hệ với đồ án. Ở giai đoạn đó, người Việt ham chuộng kiểu văn hóa Nho gia, dù tư tưởng Phật giáo hay Lão Trang vẫn tiếp tục thẩm thấu. Những đề tài trang trí trên ĐSKK thời Nguyễn phần nào có thể xem như là hình thức thể hiện hệ tư tưởng ấy qua các hình tượng.

Một dạng đồ án khá đặc trưng về hình họa, vẽ nhân vật đang cưỡi lừa và thường có người hầu đi theo, trong phong cảnh sơn thủy, đã xuất hiện trên nhiều chủng loại ĐSKK. Chúng tôi tạm gọi đó là hình tượng sĩ phu cưỡi lừa (1).

Khái lược quan niệm về sĩ phu

Sĩ phu được hiểu là những người có học vấn và có tiết tháo. ý chỉ người có học vấn. Phu ý chỉ người trưởng thành và có nhân cách. Tương đương, có thể gọi họ là kẻ sĩ. Trong xã hội mà tư tưởng Nho gia là chính thống thì “khái niệm con người được đánh dấu bởi luân lý đạo đức, nghĩa là nhấn mạnh thuộc tính đẳng cấp xã hội của con người, coi nhẹ thuộc tính tự nhiên của con người... Vũ trụ quan, nhân sinh quan, nhận thức luận của nhà Nho đều thắm đượm ý thức đạo đức” (2). Vì vậy, nhân cách của kẻ sĩ ở đây được hiểu theo nghĩa là có đạo đức, đáng để người đời khâm phục. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa thông thường, sĩ phu nói chung là những Nho sĩ có học và có tài năng, tất nhiên phải giữ được đạo đức, dù đôi lúc cũng không muốn bị bó hẹp trong tam cương ngũ thường. Họ có thể theo đường khoa cử và được nhận quan tước, cũng có khi khước từ việc thi thố, mà hành xử theo lối tài tử ham chuộng thiên nhiên, thong dong lãng du, mê lối sống tự do. Lại có người chọn cách ẩn dật, an nhàn. Sĩ phu bày tỏ tâm thế của mình qua trước tác của bản thân, là văn từ, thơ phú... Có thể xem quan lại trí thức Nho gia, văn sĩ thi nhân là những người thuộc tầng lớp sĩ phu.

Hình tượng cưỡi lừa trong văn hóa Nho gia

Trong đời sống xã hội, con lừa được nuôi dùng để kéo hay tải hàng hóa. Đôi khi nó biểu trưng cho sự ngu ngốc, có thể do việc lừa được dùng như phương tiện chuyên chở những thứ nặng nhọc.

Trong văn học nghệ thuật kiểu kinh điển Nho gia, hình ảnh kỵ lư (cưỡi lừa) thường gắn với những thi nhân, ẩn sĩ. Thi nhân thời Đường như Đỗ Phủ (712-770) có câu: Kỵ lư tam thập tải / Lữ thực kinh hoa xuân (Tạm dịch: Mười ba năm qua cưỡi lừa/ Ở trọ uống rượu nơi phồn hoa kinh đô). Đây là đoạn ông tự trào về mình (sau khi lên kinh dự thi bị gạt bỏ, vào năm 748), không được như người ẩn dật, mà đi lang thang hát nghêu ngao... Mỗi khi muốn tìm thi tứ (ý thơ), thi nhân lại lên lưng lừa lãng du. Mạnh Hạo Nhiên (689-740) cưỡi lừa trong gió tuyết ở cầu sông Bá. Lý Bạch (701-762) thường cưỡi lừa ngoạn du Hoa Sơn, còn Bạch Cư Dị (772 - 846) “nghênh đán đông phong kỵ kiển lư” (đón gió xuân buổi sớm cưỡi trên con lừa hèn).

Ý nghĩa một số đề tài vẽ sĩ phu cưỡi lừa trên ĐSKK

Ngã lừa mừng thuở thái bình

Đây là đề tài, cũng là một trong hai câu thơ chữ Nôm trên đĩa mang hiệu đề Trân Ngoạn. Do câu đầu là Mó rận luận chơi thời sự nên các nhà sưu tập hay gọi đây là đĩa Mó rận. Đĩa vẽ một người cưỡi lừa và một người ngồi dưới gốc cây mai đang trổ hoa.

Nhân vật cưỡi lừa được cho là Trần Đoàn, mà câu thơ đề vịnh nhắc đến điển tích về ông. Trần Đoàn (?-989), còn gọi Trần Đoàn lão tổ, sống vào cuối đời Ngũ Đại, đầu đời Tống. Người đời gọi ông là đạo sĩ, hay là đạo giáo nhân sĩ. Ông rất tinh thông về Đạo giáo và Phật giáo, thích ngoạn du nơi danh sơn, cầu tiên tìm đạo, trường kỳ ẩn cư ở núi Võ Đang và Hoa Sơn. Chuyện kể rằng, Trần Đoàn lão tổ trải qua năm đời: (Hậu) Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu, mỗi khi nghe nói thay đổi triều đại thì đều rầu rĩ không vui, về đóng cửa nhà ngủ say. Đến khi nghe Tống Thái tổ lên ngôi, lại hô hô cười rộ, vui mừng tới nỗi ngã lăn từ lưng lừa xuống đất, nói: thiên hạ từ nay được thái bình. Còn nhân vật ngồi tại gốc cây được cho là Vương Mãnh (325-375), người đời Đông Tấn nhưng làm tể tướng nước Tiền Tần (350-394). Khi còn ẩn dật, ông được mời đến gặp Hoàn Ôn, tướng nhà Đông Tấn, bàn chuyện đại sự, Vương Mãnh vẫn không ngừng thò tay bắt rận.

Việc sắp xếp hai nhân vật có thật ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau, tích truyện khác nhau chung trên một đồ án vẽ trên ĐSKK hầu như rất hiếm gặp, và có lẽ không phải là kiểu bố cục truyền thống của hội họa Trung Hoa đương thời. Do đó, chúng tôi cho rằng, đĩa này không đơn thuần tả về hai nhân vật đó, mà thể hiện hình tượng Nho sĩ quan tâm tới thời cuộc, vẽ một sĩ phu cưỡi lừa cùng người Nho sĩ ẩn dật bên hoa mai, có thơ đề vịnh, ngụ ý đến Trần Đoàn và Vương Mãnh, với ý nghĩa mong muốn an lạc, thái bình.

Chiếc đĩa vẽ đề tài này thuộc sưu tập Vương Hồng Sển và nhiều nhà nghiên cứu, sưu tập đồng ý về niên đại của bản vẽ là ký kiểu thời Tây Sơn (3).

Mạnh Hạo Nhiên và tích truyện đạp tuyết tầm mai

Mạnh Hạo Nhiên có biệt hiệu là Mạnh Sơn Nhân, người vùng Tương Dương, nay thuộc Hồ Bắc, Trung Quốc. Ông từng làm quan, nhưng chán cảnh xô bồ quan trường nên lui về ở ẩn, tìm những thú tao nhã nhàn cư chốn quê nhà, ngoạn du sơn thủy. Được biết đến như là thi sĩ danh tiếng của thời Đường, ông để lại ba tập với 259 bài thơ (4). Trương Đại (1597-1679), tản văn gia cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh, từng viết về ông, đại ý: Mạnh Hạo Nhiên vốn tâm tình khoáng đạt, thường cưỡi lừa xông qua tuyết tìm mai. Sách Ấu học quỳnh lâm quyển 4 có câu: Mạo vũ tiễn cửu Quách Lâm Tông khoản hữu tình ân/ Đạp tuyết tầm mai Mạnh Hạo Nhiên tự ngu hứng nhã (tạm dịch: Xông vào mưa cắt rau hẹ Quách Lâm Tông đãi bạn tình ân/ Băng qua tuyết tìm mai Mạnh Hạo Nhiên một mình vui hứng nhã) (5).

Đồ án Đạp tuyết tầm mai (còn có tên khác là Bá kiều tầm (thám) mai/Tìm mai bên cầu sông Bá), nhắc đến Mạnh Hạo Nhiên không quản mưa tuyết để tìm hoa mai, như một lời thơ vịnh của tác giả khuyết danh: Hạo Nhiên bất từ phong sương khổ / Đạp tuyết tầm mai lạc tiêu diêu.               

Tầm mai còn có một nghĩa là tìm an nhàn kiểu Lâm Bô (967-1028), tự Quân Phục, người thời Bắc Tống, ở đất Tiền Ðường. Suốt đời, ông không làm quan, không lấy vợ, ẩn cư tại núi Cô Sơn vùng Tây Hồ, thích làm thơ, trồng mai, nuôi hạc. Người đời có câu: mai thê hạc (mai làm vợ, hạc làm con) là vậy. Đó là phong thái của người Nho sĩ tài tử, chọn lối ẩn dật.

Trích đoạn tranh Đạp tuyết tầm mai của Hoàng Thận
Bảo tàng Cố cung Thẩm Dương

Trên món đĩa ĐSKK do Đặng Huy Trứ (1825-1874) đặt làm (năm 1868), có ghi rõ tên tích truyện mai tuyết trong phần hiệu đề: Tự Đứ­ c Mậu Thìn Trung thu Đặng quý từ đường tế khí mai tuyết. Nhìn thấy rõ là vẽ sĩ phu cưỡi lừa và tiểu đồng đang vác một cành mai. Hậu cảnh vẽ cội mai bên vách đá đã rụng hết lá vì giá rét mà hoa vẫn nở. Trên đĩa có thơ vịnh: Tuyết trung vị vấn điều canh sự/ Tiên hướng bách hoa đầu thượng khai (tạm dịch nghĩa: Còn trong tuyết nên chưa nói việc nêm canh/ Nhưng sớm vươn trên trăm hoa mà nở). Ý thơ điều canh sự này vốn được cho là của Vương Tằng (978-1038), biệt hiệu Vương Nghi công, từng đỗ Trạng nguyên và là danh tướng thời Bắc Tống. Ngoài sự liên hệ đến tích truyện đạp tuyết tầm mai (thường nói về Mạnh Hạo Nhiên), đồ án và lời thơ đề vịnh còn mang ý nghĩa tôn vinh người Nho sĩ có tài cán, nắm việc quân cơ, đồng thời luôn phong nhã tài tử. Đây có thể xem là sự vinh danh hoa mai, và diễn tả ý tầm mai ở góc độ như sự trân trọng người quân tử khí phách.

Đề tài mai tuyết còn thấy được vẽ trên một chiếc bát tô hiệu đề Uẩn Tàng Mỹ Ký.

Kỵ lư quá tiểu kiều

Tích truyện này phổ biến từ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, kể việc khi Lưu Bị lần thứ hai đến cầu Khổng Minh Gia Cát Lượng mà chưa được, khi về, gặp Hoàng Thừa Ngạn, nhạc phụ của Khổng Minh, đang cưỡi lừa và ngâm nga câu thơ: Kỵ lư quá tiểu kiều/ Độc thán mai hoa sấu (tạm dịch: Cưỡi lừa qua cầu nhỏ/ Cảm thương nhánh mai gầy). Trên ĐSKK, hình họa vẽ cho đồ án này, ví dụ trong đĩa hiệu đề Nhược Thâm Trân Tàng, có đề câu thơ Kỵ lư quá tiểu kiều, hay đĩa hiệu đề Nhã Ngoạn với câu Độc thán mai hoa sấu, không thể hiện ý tầm mai mà là ý cảm thán trước cội mai gầy trơ mình trụi lá, đang nép mình dưới gốc tùng. Phong cảnh có vẻ đã an bình sau gió tuyết.

Nhiều người vẫn gọi đây là đồ án đạp tuyết tầm mai. Như chúng tôi đã viết ở trên, tích đạp tuyết tầm mai thường nói về Mạnh Hạo Nhiên, say mê hoa đến mức băng qua tuyết để tìm. Nhưng nhiều thi gia khác cũng tôn vinh và có thơ vịnh hoa mai. Nếu hiểu nghĩa bóng tầm mai là người phò tá thì cũng có thể chấp nhận cách gọi của đời sau, rút gọn lại là tuyết mai, đúng theo mạch truyện của văn bản Tam quốc diễn nghĩa: tìm được cao nhân hiền sĩ cũng gian khổ ví như việc đạp tuyết tầm mai. Lưu Bị ba lần đến thảo lư/ lều cỏ của Khổng Minh, có lần vất vả trong giá rét, là thế.

Sĩ phu cưỡi lừa - Ẩn sĩ an nhàn

Hình tượng nho sĩ cưỡi lừa chậm rãi, là biểu trưng cho ý niệm về nhàn. Sau khi trải qua những chuyện khoa cử quan tước, những bôn ba sự nghiệp, họ tìm đến sự thanh thản, chậm rãi chiêm nghiệm về nhân gian thế sự. Hoặc giả những nho gia tài tử ham chuộng lối ngoạn du vãn cảnh, họ không cưỡi trên chiến mã như dũng sĩ chiến binh.

Sĩ phu cưỡi lừa thường được vẽ đi ven sông hay đi qua cầu. Con lừa chậm rãi cất bước, dù đang chuyển động nhưng là biểu trưng cho sự nhàn, là tĩnh, trong khi bờ sông hay cây cầu tuy cố định nhưng là biểu trưng cho sự lưu chuyển của nước chảy bên dưới, dòng nước chảy là động. Đường đang bình thì gặp cây cầu cong cao lên, cũng là động. Trí giả nhạo thủy (bậc trí giả thích nơi sông nước), nên cây cầu hay bờ sông biểu trưng cho sự thay đổi trạng thái không gian, phạm vi không gian và từ đó là tâm trạng của ẩn sĩ. Đấy là một sự tượng trưng cho yếu tố hài hòa tĩnhđộng trong tranh vẽ, đồ án họa hình. Lại có khi, yếu tố động không ở sông nước, mà thể hiện trong hình ảnh mưa tuyết xiên chéo vào nhân vật, trong cành cây và chút lá cây còn lại bị gió thổi vạt về một hướng, rồi thế núi thường hiểm trở, gập ghềnh. Nhân giả nhạo sơn (kẻ nhân thích nơi núi non). Núi là tĩnh, kẻ nhân ưa nhàn tĩnh, nhưng thế núi lại vẫn có động... Nhiều bức vẽ thể hiện đề tài sĩ phu cưỡi lừa, có thể cùng với sơn thủy tiểu kiều, tuy nhiên yếu tố tĩnh nhiều hơn và vì vậy, có hàm ý khác: sự an nhàn. Chốn sơn thủy vốn là nơi ẩn sĩ thường chọn để cư ngụ. Như thế, hình tượng sĩ phu cưỡi lừa có thể biểu trưng cho kẻ sĩ ẩn dật thanh nhàn nói chung, và cũng không cần phải có mối liên hệ với ý tầm mai.

Trích đoạn tranh Bá kiều tầm mai của Sim Sajeong
Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc

Trên ĐSKK có thể gặp nhiều đồ án mang nghĩa này, như trên đĩa hiệu đề Bích Ngọc và chén trà cùng hiệu. Phong cảnh cho thấy núi đồi trùng điệp, sĩ phu cưỡi lừa chắc hẳn là qua một gò đất chứ không phải qua cầu, và có nhân vật đang cầm chổi quét ở phần giữa của đĩa, nơi thể hiện giống như con đường rộng hay cánh đồng.

Đồ án thể hiện quan niệm về sự nhàn theo giới Nho sĩ còn được vẽ ở nhiều dạng thức khác, trên nhiều loại ĐSKK.

Sĩ phu cưỡi lừa - Thiên hạ thái bình

Trong một số đề tài sơn thủy nhân vật, thấp thoáng bóng sĩ phu cưỡi lừa, mang ý nghĩa như mơ ước về một cảnh an nhàn thái bình cho mọi nhà, cũng là thỏa nỗi lòng ưu tư của Nho gia, cả giới khoa bảng hay tài tử và người ẩn dật. Thường trong trường hợp này, phong cảnh sơn thủy sẽ được vẽ chủ đạo, cùng với những cảnh sinh hoạt xã hội của các tầng lớp dân chúng nói chung.

Đề tài Thiên hạ thái bình còn được thể hiện ở nhiều dạng đồ án khác, có khi cũng là đồ án vẽ lối sơn thủy nhân vật mà không có hình ảnh sĩ phu cưỡi lừa.

Trên một chiếc đĩa mang chủ đề thái bình, vẽ cảnh sơn thủy trên bến dưới thuyền. Hai chiếc đò đang đưa khách trên sông. Hai chiếc thuyền đậu nép sau rặng liễu bên phải phía dưới đĩa, kế đó là một tòa đình. Phía trái có hình giống một lâu thành với cổng thành (thành môn). Chính giữa vẽ cổng chào (củng môn, nghi môn). Xa xa thấp thoáng nóc nhà. Có cầu đá, cầu gỗ bắc qua sông. Văn nhân tài tử đang vãn cảnh ở bờ sông, và không phải chỉ một mà tới ba sĩ phu đang cưỡi lừa. Mặc dù thế chân vẽ như ngựa phi, nhưng đôi tai dài của chú lừa thì khó lẫn. So với hình họa vẽ nhân vật cưỡi ngựa trên một đĩa sứ khác thì có sự phân biệt: tai ngựa nhỏ, yên cương vẽ khá rõ nét, có cả roi ngựa. Đồ án này còn được thể hiện trên một đĩa hiệu Ngoạn Ngọc, nhưng bút pháp vẽ có vẻ giản dị hơn, niên đại chế tác có lẽ cũng muộn hơn. Lại có đĩa cùng hiệu Ngoạn Ngọc cùng đề tài, nhưng đồ án trang trí hoàn toàn theo kiểu khác.

Sĩ phu cưỡi lừa - Lữ thực kinh hoa xuân (hay Quy khứ lai hề)

Có kiểu đồ án sĩ phu cưỡi lừa hay gặp trên ĐSKK với hình họa mô tả nơi kinh kỳ (vì có lâu thành, tường thành, nhà cửa...), cùng những họa tiết tượng trưng cho phong cảnh sơn thủy, và nhân vật trên lưng lừa, hoặc đang trên đường hướng tới đô thành, có khi lại như đang ra đi để bỏ chốn phồn hoa lại sau lưng. Chúng tôi hiểu dạng đồ án này ý nói đến sĩ phu hoặc là xuất tức hàm ý ra đời (lên kinh đô), cầu được phụng sự vua giúp dân giúp nước, hoặc xử hàm ý cáo quan về nghỉ, ẩn cư nhàn du, có thể vì quốc gia đã an bình, có thể vì không có minh quân để phò tá, cũng có thể do vốn dĩ đã có phong thái tiêu dao kiểu thi nhân ẩn sĩ. Đây chính là lối hành xử theo tâm thế hành tàng (ra làm quan hay náu một chỗ) của nhà Nho chính thống thời xưa. Như lời Khổng Tử nói với Nhan Uyên: Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù (Tạm dịch nghĩa là: Được dùng thì ra làm việc (hành đạo), bị bỏ thì náu một chỗ (ẩn dật), nhẽ chỉ có ta với ngươi được vậy ru!).

Sĩ phu cưỡi lừa - Thi sĩ lãng du

Đây là hình tượng khá rõ nét khi kèm thơ vịnh. Trên một ĐSKK hiệu Nhược Thâm Trân Tàng, có ghi hai câu thơ cuối trong bài Sơn hành của Đỗ Mục (803-853), một thi nhân danh tiếng đời vãn Đường: Đoản phát tiêu tiêu mộ vũ/ Trường khâm lạc lạc thu phong (tạm dịch: Búi tóc thưa mưa chiều lất phất / Vạt áo dài phần phật gió thu). Trên một đĩa ký kiểu khác hiệu Kinh Sơn Phiến Ngọc, có hình vẽ sĩ phu cưỡi lừa và người hầu đang trong chuyến du hành, kèm thơ vịnh: Đái bộc bão cầm xuyên thạch kính/Kị lư đạp tuyết việt sơn pha (tạm dịch: Mang người hầu ôm đàn theo đường đá/ Cưỡi lừa đạp tuyết vượt qua sườn núi). Người hầu được vẽ một tay ôm đàn và vai bên kia dắt một nhành mai, ven đường đèo có cội mai trổ bông. Đồ án mang nghĩa điển hình: kẻ sĩ lãng du tiêu dao, tôn vinh hoa mai như tượng trưng cho cốt cách quân tử.

Đĩa ký kiểu hiệu Thành Hóa niên chế, thuộc sưu tập Đoàn Phước Thuận, có thơ vịnh với câu: giai cú nhập hề nang (tạm dịch nghĩa: câu (thơ) hay cất vào túi người hầu. Trên đĩa, chữ nhập bị viết thành như chữ nhân (6), rõ ràng có liên hệ đến tích truyện về Thi quỷ Lý Hạ (790-816), thi nhân danh tiếng thời Đường, thường cưỡi lừa lãng du tìm tứ thơ, dẫn theo người hầu (tiểu hề hay nô bộc), vai mang một túi gấm (cẩm nang); mỗi khi được ý hay, Hạ bèn chép thành câu cho người hầu bỏ vào túi.

Một số nhận xét chung về dạng đồ án sĩ phu cưỡi lừa

Các đồ án chủ yếu đề cao chí khí hay tài hoa, đạo đức kiểu Nho sĩ, thể hiện mong ước về xã hội thái bình, thấp thoáng chút ham thích u nhàn, an lạc. Sự đa dạng về ý nghĩa thơ đề vịnh của nhiều tác giả gợi liên hệ đến những sự kiện hay nhân vật khác nhau, trong khi hình họa của đề tài, ở nhiều trường hợp, lại gần như đồng nhất.

Về mỹ thuật, ĐSKK thường được vẽ theo lối sơn thủy họa truyền thống Trung Quốc, vốn có quy tắc ước lệ về phối cảnh viễn cận: lối cao viễn cho thấy “phong cảnh cao cả hùng vĩ, lấy núi cao làm chủ đạo”, lối bình viễn cho thấy “cảnh mênh mông xa xăm, mặt nước phẳng lặng yên bình làm chủ đạo”, lối thâm viễn cho thấy “cảnh sâu rộng thung lũng hang động hiểm trở, nơi các ẩn sĩ hay tìm tới lánh đời” (7). Nhân vật cũng có ước lệ về hình họa, vị trí, tương quan. Trên ĐSKK, khi phong cảnh sơn thủy là chủ đạo, do phạm vi không gian rộng và nhiều lớp nên nhân vật sẽ không còn là chính yếu, đồ án đó thường sẽ hướng đến hàm ý chung: cảnh an nhàn, hay cảnh thái bình. Một điều rất quan trọng là nội dung và hình thức của thơ phú đề trên đĩa, vừa là họa bởi tham gia vào bố cục, vừa là họa bởi yếu tố thư pháp, vừa mang nghĩa của những lời hay ý đẹp hoặc chính là lời nhắc, lời răn dạy qua điển tích, điển cố. Thơ đề vịnh thậm chí có thể chuyển tải thông điệp chính của đồ án, chứ không phải phần hình họa. Đây chính là quan niệm thi họa đồng nguyên (thơ và tranh đều cùng gốc) của giới Nho sĩ thời xưa.

Tuy có thể chịu ảnh hưởng theo khuôn mẫu kiểu hội họa sơn thủy Trung Hoa, nhưng trên ĐSKK vẫn có những đề tài Việt Nam, có đề thơ chữ Nôm là thứ chữ chỉ người Việt dùng, đề thơ chữ Hán nhưng của tác giả Việt Nam, đề thơ viết về Việt Nam, có cách bố cục trang trí trên món đồ Việt Nam ký kiểu phần nào khác biệt với mẫu thức Trung Hoa do cách sử dụng món ĐSKK theo kiểu người Việt Nam. Trần Đức Anh Sơn gọi đấy là những “tiêu chí Việt” (8). Theo chúng tôi, vào thời Thanh, trong khi các đồ án trên đồ sứ Trung Hoa cao cấp có xu hướng trang trí hoa văn hình học hoa mỹ, theo xu thế điển hình hóa các họa tiết trang trí, đa dạng về đề tài nhưng không còn tập trung vào việc ca ngợi truyền thống Nho gia, bắt đầu có những ảnh hưởng phương Tây, thậm chí vẽ những đề tài phương Tây, ĐSKK vẫn trung thành với ý niệm về đạo đức và thẩm mỹ của tầng lớp Nho sĩ, thể hiện qua sự phong phú của các đề tài vẽ theo điển tích, điển cố. Người Việt đặt hàng ký kiểu theo kỳ vọng vào giá trị của bài học đạo đức rút ra từ những điển tích, điển cố ấy. Sự khác biệt như vậy là ở ý niệm, tư tưởng chứ không phải ở đồ án hình họa. Vì vậy, điểm mà chúng tôi cho là đặc biệt nhất, ngoài những “tiêu chí Việt” đã dẫn, chính là tần suất xuất hiện của thơ văn đề vịnh viết lên ĐSKK thời Nguyễn và mục đích của việc đề thơ vịnh. Đặc biệt, khi đấy là thơ của các vị vua chúa Việt Nam, vịnh cảnh Việt Nam, chính là minh chứng sống động cho ý chí tự chủ và lòng tự tôn dân tộc của người Việt khi đặt mẫu và sử dụng ĐSKK

______________

1. Trong bản thảo gửi đến tòa soạn, hai tác giả Hà Việt Hùng và Phan Hồ Huy Giang có ghi lại một cách cẩn trọng các chữ Hán nguyên văn tên riêng của các nhân vật trong lịch sử, văn hóa Trung Hoa và các câu thơ, khái niệm trích dẫn. Họ cũng đã mời thầy Nguyễn Văn Thoa, giảng viên Hán Nôm, đọc và nhuận sắc. Tuy nhiên, do khuôn khổ tạp chí, chúng tôi buộc phải lược bỏ những phần ghi chép này.

2. Ngô Vinh Chính - Vương Miện Quý (chủ biên), Thành Hiếu Quân, Lâm Quốc Bình, Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc. Bản dịch tiếng Việt của Lương Duy Thứ (chủ biên), Nguyễn Thiện Chí, Nguyễn Tấn Đắc, Khổng Đức, Hồ Sĩ Hiệp, Trần Kiết Hùng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1994.

3. Xem thêm: Trần Đức Anh Sơn, Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008. Các tác giả tuy khảo sát ĐSKK thời Nguyễn nhưng vẫn giới thiệu các hiện vật ấy ở đây, trong mạch đề tài tương đồng và sự lân cận về niên đại.

4. www.thivien.net

5. http://ctext.org

6. Nhóm tác giả đã tận mắt xem chiếc đĩa này, thấy rằng, chữ viết trên đĩa như chữ nhân nhưng để câu đề từ có nghĩa thì đó phải là chữ nhập, chứ chữ nhân thì đọc không có nghĩa. Và hiểu câu “giai cú nhập hề nang” (câu thơ hay cất vào túi người hầu) hay “giai cú thịnh hề nang” (câu thơ hay đựng trong túi người hầu) là nói về Lý Hạ, thì nó là tích truyện đã diễn giải như ở trên. Thường ra, tất cả các đề từ trên ĐSKK đều hàm nghĩa sâu xa.

7. www.cohanvan.com

8. Theo quan điểm của Trần Đức Anh Sơn, các đồ án trang trí trên ĐSKK “không theo khuôn mẫu Trung Hoa mà mang phong cách Việt Nam, từng được thể hiện trên các chất liệu khác như đồng, vải, giấy... trong các lĩnh vực: điêu khắc, kiến trúc, hội họa... từ thời Lê đến thời Nguyễn”. Xem thêm: Trần Đức Anh Sơn, Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.

Tác giả: Hà Việt Hùng - Phan Hồ Huy Giang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

 

;