Dịch vụ thông tin - thư viện có chất lượng, hiện đại hóa, thân thiện phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người dùng tin, là thước đo phản ánh chất lượng hoạt động của thư viện. Do đó, Thư viện trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM đang từng bước hoàn thiện các dịch vụ hiện có và phát triển các dịch vụ mới để có thể đáp ứng nhanh chóng, đầy đủ và kịp thời nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu của người dùng tin.
1. Các dịch vụ thông tin - thư viện tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM
Hiện nay, các trường đại học ở Việt Nam có xu hướng tập trung phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu. Có nhiều tiêu chí để đánh giá một đại học nghiên cứu, trong đó hệ thống sản phẩm - dịch vụ, nguồn học liệu là tiêu chí quan trọng nhất. Thư viện trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM đóng góp không nhỏ trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về giáo dục mầm non. Thư viện đã đáp ứng tối đa nhu cầu của 1966 người dùng tin là cán bộ, giảng viên, sinh viên tại 2 cơ sở, chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động nhất là các dịch vụ thông tin - thư viện. Thư viện cung cấp 9 dịch vụ thông tin - thư viện, trong đó có 8 dịch vụ miễn phí như dịch vụ cung cấp tài liệu (mượn về nhà, đọc tại chỗ, đọc tài liệu nghiên cứu khoa học công nghệ), dịch vụ mượn đồ dùng dạy học, dịch vụ hướng dẫn sử dụng thư viện, dịch vụ hỏi đáp thông tin, dịch vụ hỗ trợ phòng học nhóm, dịch vụ hỗ trợ mua sách và 1 dịch vụ thu phí là dịch vụ phát hành sách.
Có thể nói, các dịch vụ thông tin - thư viện của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM hiện nay đã đáp ứng tương đối hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của người dùng tin. Tuy nhiên, các dịch vụ đó vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như chỉ tập trung vào cung cấp tài liệu (nhất là tài liệu truyền thống); chất lượng các dịch vụ chưa được người dùng đánh giá cao; hiệu quả hoạt động quảng bá chưa tốt; chưa phối hợp với các đơn vị ngoài trường (thư viện các trường cao đẳng, đại học…) trong hoạt động cung cấp thông tin.
2. Giải pháp phát triển dịch vụ thông tin - thư viện tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM
Hoàn thiện các dịch vụ thông tin - thư viện hiện có
Về nội dung tài liệu: phối hợp với các khoa/ bộ môn bổ sung tài liệu theo kế hoạch hằng năm. Phối hợp với Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế nhận lưu chiểu các tài liệu hội thảo do trường tổ chức; giáo trình, tài liệu lưu hành nội bộ; thông tin khoa học giáo dục. Tạo mối quan hệ với cán bộ, giảng viên để thu thập nguồn tài liệu đa dạng khi họ được cử đi học tập nâng cao trình độ, tham dự các hội thảo trong và ngoài nước.
Về hình thức/ loại hình tài liệu: đối với tài liệu truyền thống, bổ sung đa dạng các loại hình tài liệu dựa trên đề cương môn học; bổ sung tài liệu tham khảo mang tính chuyên sâu; các tạp chí chuyên ngành… Đối với tài liệu điện tử, số hóa tài liệu nội sinh của thư viện; tìm kiếm, lựa chọn và tải các tài liệu điện tử có giá trị thuộc các chuyên ngành đào tạo của trường; liên kết với các cơ sở dữ liệu và tạp chí điện tử (miễn phí) để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng tin.
Về số lượng tài liệu: đối với những tài liệu được người dùng tin quan tâm, nên ưu tiên bổ sung thêm bản (phù hợp với kinh phí của trường).
Về ngôn ngữ tài liệu: ngoài tài liệu bằng tiếng Việt, cần bổ sung thêm tài liệu ngoại văn.
Thư viện cần thường xuyên kiểm kê, sắp xếp đồ dùng dạy học để thanh lý hoặc bổ sung mới; linh động thời gian phục vụ tại phòng dịch vụ mượn đồ dùng dạy học. Đề xuất với giảng viên bộ môn để được lưu trữ các sản phẩm của sinh viên khi thi kết thúc học phần và đề xuất khoa Giáo dục Mầm non tổ chức các cuộc thi về làm đồ dùng mầm non cho sinh viên, các sản phẩm đạt giải sẽ được lưu tại thư viện giúp cho thư viện luôn có đồ dùng dạy học mới.
Kho sách tự chọn Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM
Ảnh: Thư viện trường cung cấp
Thư viện cần phát triển đa dạng, phong phú nguồn tài nguyên thông tin thư viện; đa dạng hóa các hình thức hỏi đáp (qua trang web, thư điện tử, điện thoại, facebook thư viện) để giải đáp thắc mắc và hướng dẫn kịp thời cho người dùng tin sử dụng thư viện một cách hiệu quả.
Thư viện cần xây dựng kế hoạch đào tạo, hướng dẫn sử dụng thư viện như đào tạo trực tiếp tại thư viện hoặc trực tuyến thông qua trang web thư viện, tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng thư viện cho sinh viên năm thứ nhất vào tuần sinh hoạt công dân đầu khóa; tổ chức các lớp huấn luyện với nội dung chuyên sâu hơn và tổ chức cho các nhóm nhỏ dành cho sinh viên năm thứ hai, năm cuối và cán bộ, giảng viên quan tâm.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hướng dẫn có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có kỹ năng đánh giá, chọn lọc, tổ chức và trích dẫn thông tin, tài liệu tham khảo.
Để thu hút người dùng tin sử dụng dịch vụ phòng học nhóm, thư viện cần quảng bá đến người dùng tin thông qua trang web/ facebook thư viện, hướng dẫn sử dụng thư viện; bố trí thêm cây xanh, bàn ghế, máy tính trong phòng đọc; linh động thay đổi thời gian phục vụ tại phòng học nhóm.
Thư viện cần quảng bá dịch vụ hỗ trợ mua sách và dịch vụ phát hành sách đến người dùng tin thông qua các kênh như trang web/ facebook, facebook thư viện, hướng dẫn sử dụng thư viện; cần đề xuất với Ban Giám hiệu để được sao chụp tài liệu tham khảo, giáo trình lưu hành nội bộ do giảng viên trường biên soạn cho người dùng tin có nhu cầu và phát hành sách của trường với giá ưu đãi. Thư viện cần tạo mối liên hệ với các nhà xuất bản, nhà sách để có giá ưu đãi dành cho người sử dụng.
Phát triển dịch vụ thông tin - thư viện mới
Kiến thức thông tin trực tuyến mang lại nhiều thuận lợi cho người dùng tin, giúp họ chủ động sắp xếp thời gian tham gia học; dễ dàng học ngay những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi có nhu cầu; có thể học nhiều lần đến khi nắm vững các kiến thức, kỹ năng cần thiết hỗ trợ cho người dùng tin học tập và nghiên cứu qua mạng.
Hiện nay, thư viện chỉ tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng thư viện cho sinh viên/ nhóm sinh viên có nhu cầu tìm hiểu và sử dụng, nên phần lớn sinh viên không thành thạo việc tìm kiếm thông tin và sử dụng các dịch vụ thông tin - thư viện. Do đó, việc thực hiện dịch vụ huấn luyện kiến thức thông tin trực tuyến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dùng tin.
Để xây dựng dịch vụ mượn liên thư viện, các thư viện liên kết cần xây dựng văn bản pháp lý và quy trình mượn liên thư viện. Văn bản pháp lý là văn bản hợp tác giữa thư viện các trường, tạo ra hành lang pháp lý cũng như chuyên môn vững chắc để thư viện có thể phát huy hết tiềm lực của mình, là cơ sở bắt buộc người dùng tin chấp hành đúng quy định khi sử dụng dịch vụ liên kết thư viện. Nội dung của văn bản bao gồm quy định cụ thể như: loại hình tài liệu, thời gian mượn; cách thức mượn trả; giá cả của dịch vụ; cách thức chuyển giao tài liệu; các biện pháp chế tài. Xây dựng quy trình mượn liên thư viện đòi hỏi các thư viện cần thường xuyên có sự trao đổi, kiểm tra, đánh giá về tình hình sử dụng thư viện liên kết của người dùng tin; đảm bảo tính thống nhất về mặt chuyên môn, nghiệp vụ và cơ sở vật chất; tạo đường link liên kết giữa các trang web thư viện để người dùng tin có thể dễ dàng biết được cách thức mượn, trả tài liệu cũng như dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn và đặt trước tài liệu mình cần; xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực tham gia vào hệ thống bao gồm các giám đốc thư viện liên kết và đội ngũ cán bộ thực hiện, vận hành dịch vụ.
Thư viện cần xây dựng quy trình thực hiện dịch vụ tra cứu thông tin theo yêu cầu với trình tự các bước. Quảng bá dịch vụ bằng nhiều hình thức khác nhau; đa dạng các phương thức chuyển giao kết quả cho người dùng tin; xây dựng nguồn tài nguyên thông tin, các cơ sở dữ liệu mà người dùng tin quan tâm đa dạng và có chất lượng cao. Tạo điều kiện cho cán bộ thực hiện dịch vụ nâng cao kỹ năng thông qua việc cử người làm thư viện tham gia học tập các khóa học ngắn hạn hoặc các chương trình học tập dài hạn.
Thư viện cần tuân thủ các quy định về Luật Sở hữu trí tuệ tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể liên quan như chỉ sao chụp một bài hoặc một số bài đối với tạp chí, kỷ yếu, nội san; chỉ được sao chụp một phần hoặc một chương của sách; chỉ được sao chụp trong giới hạn 10% tổng số trang tài liệu nghiên cứu khoa học (luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp…).
Thư viện đề xuất với Ban Giám hiệu trang bị phòng máy vi tính (khoảng 10 máy tính); xây dựng: quy trình truy cập internet tại phòng vi tính, nội quy, quy định để quản lý thời gian sử dụng, mức phí phù hợp cho người dùng tin sử dụng thư viện.
Các dịch vụ thông tin - thư viện tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng tin. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tin ngày càng phức tạp, đa dạng của họ, thư viện cần hoàn thiện các dịch vụ thông tin - thư viện hiện có; phát triển thêm các dịch vụ thông tin - thư viện mới cũng như tăng cường phát triển các nguồn lực (nguồn tài nguyên thông tin, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí); thường xuyên quảng bá, giới thiệu các dịch vụ tới người dùng tin. Các giải pháp muốn đạt hiệu quả cao cần thực hiện đồng bộ và theo thứ tự ưu tiên dựa trên nhu cầu của người dùng tin cũng như điều kiện thực tế của nhà trường và thư viện.
______________
Tài liệu tham khảo:
1. Huỳnh Thị Kim Chi, Phát triển dịch vụ thông tin - thư viện tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ, TP.HCM, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, 2017.
2. Ngô Thanh Thảo, Tra cứu thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM, 2013, tr.234.
3. Ngô Thanh Thảo, Đào tạo kiến thức thông tin trực tuyến trong thư viện đại học ở Việt Nam, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 3, 2014, tr.3-6.
4. Bùi Loan Thùy, Hướng giải quyết vấn đề sao chép tài liệu trong thư viện để thực thi quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 6, 2014, tr.8-13.
Tác giả: Lê Thị Hoàng Diễm
Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020